Phát bệnh do thói quen ăn uống “chung đụng”

PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức| 03/07/2017 09:36

KHPT-Có nhiều bệnh lây qua đường ăn uống, trong đó có bệnh nhiễm Helicobacter pylori gây khổ sở cho khá nhiều người. Helicobacter pylori viết tắt HP là vi khuẩn sống trong dạ dày có thể gây viêm loét niêm mạc dạ dày - tá tràng. HP còn được xác định là nguyên nhân hàng đầu có thể gây ung thư dạ dày. Ở các nước có nền công nghiệp chưa phát triển như nước ta, do yếu kém về điều kiện nguồn nước, thực phẩm và vệ sinh con người, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn này chiếm đến 90% dân số.

Nếu tránh được các yếu tố nguy cơ và thực hiện một số biện pháp phòng ngừa nhất định, ta có thể giảm nguy cơ bị nhiễm khuẩn HP.

Tiệt trừ HP rất khó vì con vi khuẩn này phát sinh tính đề kháng, tức chống lại tác dụng của kháng sinh rất nhanh và phức tạp. Để đối phó với tính đề kháng rất nhanh của HP, các nhà khoa học y dược luôn theo dõi và tìm ra các phác đồ điều trị mới hiệu quả thay cho các phác đồ bị thất bại.

Đầu tiên phải dùng phác đồ ban đầu ba thuốc, và phác đồ chuẩn ban đầu là phối hợp 3 thuốc: omeprazol hoặc một thuốc ức chế bơm proton khác kết hợp 2 kháng sinh là amoxicillin và clarithromycin.

Khi phác đồ ban đầu ba thuốc thất bại phải dùng phác đồ bốn thuốc (có 2 kháng sinh, gồm omeprazol + bismuth subsalicylat + tetracyclin + metronidazol). Thất bại nữa phải dùng phác đồ bốn thuốc điều trị “liên tiếp” (sequential therapy, có 3 kháng sinh, gồm 5 ngày đầu: omeprazol + amoxicillin, 5 ngày sau: omeprazol + clarithromycin + metronidazol).

Mới đây nhất là phác đồ “cứu vãn” (salvage regimen), đây là phác đồ dùng sau cùng khi các phác đồ vừa kể thất bại, đặc biệt phải dùng các kháng sinh mới là levofloxacin hoặc rifabutin. Ôi, trị HP quả là khó ghê gớm!

Việc điều trị HP rất khó khăn nên từ lâu, người ta nghĩ đến phòng ngừa, tức không để HP lây nhiễm từ người này sang người khác. Không bị lây nhiễm thì không phải gian nan trong việc điều trị.

Vi khuẩn HP có thể có trong nước bọt và dịch tiết ra từ dạ dày hoặc miệng. Nguy cơ nhiễm khuẩn HP sẽ tăng nếu những chất này được đưa đến miệng hoặc cho tay vào miệng sau khi chạm vào những nơi chứa vi khuẩn. Đối với người dân châu Á, dùng đũa ăn cơm vừa gắp thức ăn vừa và cơm và cho thức ăn vào miệng, thì có nguy cơ rất cao HP sẽ từ miệng người bị nhiễm theo đũa và cơm lây vào thức ăn khi được dùng để gắp.

Như vậy, dùng đũa vừa ăn vừa gắp chính là con đường truyền nhiễm HP ngẫu nhiên miệng - miệng. Vì nhiều người không biết bản thân đã nhiễm khuẩn HP nên vi khuẩn có thể dễ dàng lây lan từ người này sang người khác qua con đường truyền nhiễm miệng - miệng này.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nhiễm HP trong cộng đồng nước ta rất cao là do thói quen ăn uống “chung đụng”. Thông thường, khi ăn uống người Việt luôn có thói quen chấm chung một chén nước chấm, dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác để tỏ sự hiếu khách.

Một số người còn dùng đũa “khua khoắng” hết miếng này đến miếng khác trên đĩa chung trước khi gắp được một miếng ưng ý và đưa vào miệng mình và rồi lại dùng đũa để gắp. Thói quen ăn uống này tưởng như thân tình nhưng nó là con đường để vi khuẩn HP xâm nhập vào cơ thể nhanh nhất. Bên cạnh đó, sở thích ăn uống ở hàng quán vỉa hè kém vệ sinh càng làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn HP, thậm chí nhiễm nhiều bệnh lây qua đường miệng khác như viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi E...

Để hạn chế nhiễm khuẩn HP và cả sự nhiễm các mầm bệnh lây qua miệng trong cộng đồng, mọi người nên tập thói quen giữ vệ sinh cá nhân và tránh chung đụng trong ăn uống. Nếu có điều kiện, nên dùng phần ăn riêng, nhất là nước chấm. Nếu món ăn bắt buộc phải dùng chung, nên để vào đó một chiếc muỗng sạch dùng chung.

Khi dùng đũa cá nhân, tránh để đũa chạm vào những phần thức ăn còn lại, gắp nhanh và dứt khoát, không khua khoắng. Không nên dùng chung ly uống nước để đảm bảo vệ sinh cho mình và cho người. Tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, không thấm nước bọt khi đếm tiền, lật giấy...

Trong thời kháng chiến chống Pháp, người dân theo kháng chiến vào rừng đã biết hạn chế sự lây nhiễm bệnh bằng cách ăn “đũa trở đầu”, tức dùng một đầu đũa để gắp và dùng đầu đũa kia để và cơm vào miệng. Tôi đã viết bài báo bày tỏ ước mong dân mình sẽ ủng hộ, truyền bá với nhau, dạy dỗ con cái cách ăn “đũa trở đầu”.

Nhưng sau đó tôi nhận thấy cách ăn “đũa trở đầu” có nhiều khó khăn, rất dễ nhầm lẫn hai đầu đũa và nhất là trở đầu đũa và cơm xem không đẹp chút nào. Nay tôi biết được nhiều người đã có một cách ngừa bệnh lây qua đường ăn uống là “chỉ dùng đũa để gắp thức ăn và dùng muỗng riêng để đưa thực phẩm vào miệng, muỗng này không dùng chung”.

Điều quan trọng là mọi người cần có ý thức giảm thiểu đến mức tuyệt đối không có sự chung đụng trong việc ăn uống, nhờ thế mà tránh được sự lây lan, không chỉ với vi khuẩn HP mà còn nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm khác. Và với tinh thần sáng tạo, mỗi người có thể có những biện pháp thực hành khác có cùng mục đích sao cho thật thuận tiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát bệnh do thói quen ăn uống “chung đụng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO