Phân bố hệ thống các trường phổ thông chưa hợp lí

Như Hoa| 28/09/2017 08:58

KHPTO - Việc “ở đâu học đó” theo cách phân luồng học sinh các cấp ở TP.HCM tưởng như rất đơn giản nhưng thực tế thì không phải như vậy. Sự phân bố chưa hợp lí hệ thống các trường phổ thông đã gây ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Đây là kết quả khảo sát của cô Đinh Thị Thùy Dung, Trường THCS Trần Bội Cơ.

Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, việc phân bố trường học ở địa bàn dân cư không phải luôn hoàn toàn hợp lí. Hiện nay sự phân bố các trường tiểu học ở nội thành TPHCM còn nhiều bất cập, như: sự thừa/ thiếu trường học, dư/ thiếu chỉ tiêu nhận học sinh…

TPHCM là TP lớn của cả nước. Trong những năm qua, TP có mức gia tăng dân số nhanh (chủ yếu là tăng cơ học, bình quân 2,5%/năm, dự báo xu hướng vẫn tăng và chưa có giải pháp điều chỉnh giảm) nhưng quỹ đất không tăng (năm 2016 diện tích TPHCM là 2095,01 km2. Đất sử dụng cho các công trình công cộng đang giảm do bị hoang hóa và sử dụng sai mục đích ngày càng nhiều) đã dẫn đến nguy cơ HS đúng tuyến cũng thiếu chỗ học.

Thêm vào đó, việc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học của TP trong thời gian qua tiến hành với tốc độ chậm, số lượng trường học không tăng đang là thách thức đối với các nhà quản lí và là áp lực lớn với các trường chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia. Những gia đình có điều kiện ở nội thành đã “đổ xô” xin cho con vào các trường điểm. Nhiều phụ huynh (PH) phải tìm mọi cách để “xoay trường”, “chạy lớp” cho con, bởi tâm lí mong cho con em mình được học trường tốt, bất kể khoảng cách địa lí xa hay gần. Chính vì vậy, TP cần có những giải pháp hợp lí, khả thi để giải quyết rốt ráo những bất cập nêu trên; hơn nữa, bản thân từng người dân cũng cần thay đổi cách nghĩ khi chọn trường cho con vào đầu cấp học.

Sự phân bố các trường tiểu học ở TPHCM chưa hợp lí. Cụ thể, số trường ở các quận trung tâm TP nhiều hơn ở các quận vùng ven vì có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời hơn, có khá nhiều trường học được xây dựng từ thời Pháp, Mĩ hoặc do người Hoa di cư sang sinh sống… Mặt khác, các quận này luôn đặt việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lên hàng đầu nên đã dành một khoản ngân sách khá lớn để đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp trường học, tạo điều kiện học tập thuận lợi cho học sinh.

Dân nhập cư tập trung ở các quận ven đô chủ yếu mang tính tự phát, địa bàn cư trú phức tạp và chưa được quy hoạch, gây khó khăn cho việc quy hoạch trường học. Mặt khác, chính những người dân định cư ở đây cũng chưa tin tưởng vào chất lượng dạy, học, điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương nên muốn cho con em mình học ở trường có điều kiện tốt hơn, dẫn đến việc xin học trái tuyến.

Đặc biệt, có quận diện tích rất nhỏ (Quận 4), chỉ 4,18 km2 nhưng lại tập trung đến 17 trường tiểu học. Trong khi Quận 2 có diện tích 49,74 km2 (gấp gần 12 lần Quận 4) nhưng chỉ có 12 trường tiểu học (kém 1,4 lần Quận 4). Sự phân bố không hợp lí các trường tiểu học còn được chứng minh qua việc so sánh khoảng cách trung bình và khoảng cách thực tế giữa 2 trường kế cận.

Theo khảo sát thực tế, khoảng cách giữa 2 trường gần nhất phần lớn dài hơn rất nhiều so với khoảng cách trung bình.

Chỉ có 7/55 khoảng cách giữa hai trường gần hơn khoảng cách trung bình: từ Trường An Phú đến Trường An Bình (0,4 km); An Phú đến trường Giồng Ông Tố (1,8 km); An Bình đến Nguyễn Hiền (1,3 km); Tuệ Đức đến An Bình (2 km); An Khánh đến Tuệ Đức (0,7 km); Thạnh Mỹ Lợi đến Lương Thế Vinh (1,7 km); Tuệ Đức đến Nguyễn Hiền (0,6 km); còn lại hầu như khoảng cách thực tế giữa hai trường kế cận nhau đều dài hơn rất nhiều so với khoảng cách trung bình (2,13 km).

Sở dĩ có những bất cập trên là do quy hoạch đô thị và xây dựng phát triển hạ tầng thực hiện sau và chậm hơn các luồng nhập cư tự phát vào TP, hoặc do việc xây dựng trường học không đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các công trình dịch vụ khác như: nhà hàng, trung tâm mua sắm… nên nhiều dự án còn “nằm trên giấy”.

Trường học tỉ lệ nghịch với các công trình xã hội khác

Sự phân bố trường tiểu học chịu sự tác động của nhiều nhân tố, như: tự nhiên, dân cư, xã hội. Trong đó, các nhân tố sau có ảnh hưởng trực tiếp và mang tính quyết định đối với sự phân bố các trường:

- Quản lí, quy hoạch sử dụng đất đai: Thực tế hiện nay ở TPHCM, vốn đất đầu tư cho GD còn hạn chế; hơn nữa, việc đầu tư kinh phí xây trường và quy trình để mở rộng diện tích trường học còn giải quyết chậm. Mặt khác, vị trí đất xây trường cũng ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học (ví dụ không nên xây trường ở những nơi ồn ào như chợ, rạp hát…). Môi trường xung quanh trường không nên có hoạt động tiêu cực đối với GD và phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho giáo viên và HS. Trường học cần bố trí gần khu dân cư nên độ dài đường đi của HS đến trường ở TP không quá 500 mét (theo Điều lệ trường tiểu học). Trường học là một trong những công trình xã hội và tỉ lệ nghịch với các công trình xã hội khác. Nếu quận nào dành quá nhiều quỹ đất và kinh phí để xây dựng các công trình xã hội khác như bệnh viện, khu vui chơi giải trí… thì sẽ hạn chế đầu tư cho GD. Do vậy, việc đầu tư xây trường cần phải ưu tiên hàng đầu. TP còn nhiều dự án “treo”, công tác quản lí nhà nước về quy hoạch bị buông lỏng. Điều này đã gây tác động không nhỏ đến kế hoạch phát triển cơ sở GD tại các quận huyện.

- Nhận thức của người dân: Tâm lí phụ huynh HS chủ yếu hướng đến những trường có cơ sở vật chất hiện đại, tập trung nhiều giáo viên giỏi, trường chuyên, trường chuẩn quốc gia, bất chấp khoảng cách địa lí, họ sẵn sàng chịu những khó khăn khi xin học trái tuyến và các khoản thu ngoài học phí rất cao. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng đóng góp tích cực cho nhà trường sẽ tạo điều kiện cho con em mình được “quan tâm” nhiều hơn. Bản thân HS và gia đình chưa xác định đúng năng lực các em và còn mắc “bệnh thành tích”. Nhu cầu học bán trú quá cao trong khi diện tích trường lớp chưa đủ đáp ứng.

- Nhân tố kinh tế: Thu nhập từng gia đình ảnh hưởng đến sự phân bố trường học và chất lượng cơ sở vật chất từng trường thông qua việc đóng góp của phụ huynh: những nơi tập trung dân cư có điều kiện kinh tế cao sẽ có nhiều trường được xây dựng; những phụ huynh có mức sống cao tham gia đóng góp tích cực làm hình thành nhiều trường tiểu học có điều kiện vật chất tốt như trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Hưng Đạo ở Quận 1; Trường Nguyễn Văn Trỗi ở Quận 4, Trường Minh Đạo ở Quận 5... Ngoài ra, ảnh hưởng của nhân tố kinh tế còn được minh chứng qua mật độ trường tiểu học thưa ở các quận vùng ven đô, đông ở các quận trung tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân bố hệ thống các trường phổ thông chưa hợp lí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO