Phải chăng đã có cách có thể đào thải dioxin trong cơ thể con người bị phơi nhiễm?

25/03/2005 22:26

Trong chiến tranh xâm lược miền Nam, trong 10 năm từ 1962, Mỹ đã dùng một lượng rất lớn nhiều loại chất khai quang trong đó hơn 60% là “chất độc da cam”

Trong chiến tranh xâm lược miền Nam, trong 10 năm từ 1962, Mỹ đã dùng một lượng rất lớn nhiều loại chất khai quang trong đó hơn 60% là “chất độc da cam”, một hỗn hợp 2 chất diệt cỏ 2,4,5-T và 2,4-D (50% n-butyl 2,4,5-triclorophenoxy acetat và 50% n-butyl 2,4-diclorophenoxyacetat) chứa nhiều độc chất 2,3,7,8- TCDD, mà các hãng Mỹ trong quá trình sản xuất, đã không dùng những biện pháp thích nghi để làm giảm bớt phó phẩm cực kỳ độc hại nầy (theo Stellman trung bình khoảng 13ppm 2,3,7,8-TCDDtrong tác nhân cam và còn có thể cao hơn nữa trong loại chất khai quang khác như chất khai quang màu đỏ tía Agent Purple). Theo thông báo chính thức, tính ra có đến 170kg dioxin đã được rải xuống miền Nam, trong khi đó theo Stellman, lượng dioxin ước tính còn nhiều hơn, có thể đến khoảng 366 kg dioxin.

Đã có những bằng chứng cho thấy tác hại mãn tính của dioxin là rất lớn và kéo dài do dioxin khá bền, phân hủy rất chậm trong con người, trong đó đau thương nhất là sẩy thai, quái thai và dị dạng ở trẻ sơ sinh có cha mẹ bị phơi nhiễm, chưa kể đến những bệnh nan y hoặc trầm trọng khác như ung thư, mất miễn nhiễm… Chính vì thế mà dioxin được xếp là một trong 12 loại chất bẩn (the dirty dozen) thuộc nhóm các chất ô nhiễm hữu cơ trường tồn (persistent organic pollutants POP). Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hàm lượng dioxin mà cơ thể có thể chấp nhận là 1-4 picogram/ kg người/ngày (tolerable daily intake).

Như vậy, đối với con người bị nhiễm dioxin, việc chữa trị về nguyên tắc là:

- làm thế nào tăng nhanh sự phân hủy dioxin trong cơ thể

- trục xuất được dioxin ra ngoài

Với biện pháp thứ nhất, bài toán có thể được đặt ra là nếu dioxin bị phân hủy trong cơ thể thì liệu chất chuyển hóa là chất gì, có ít độc hơn dioxin hay không, nằm lâu trong cơ thể hay dễ thoát được ra ngoài, thời gian bán hủy của các chất chuyển hoá nếu có là bao nhiêu, nói chung là sẽ phải làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề.

Nhân đây, một vấn đề khá tế nhị thường được nêu ra về mặt pháp lý là phải làm sao làm rõ mối liên hệ giữa hàm lượng phơi nhiễm và tác hại gây ra, thật ra không dễ dàng trả lời, một mặt là vì khảnăng phản ứng cơ thể của mỗi người bị phơi nhiễm có thể khác nhau, mặt khác thời gian trôi qua từ 1971 đến nay cũng đã khá dài, khiến dioxin có thể đã phân hủy gần hết. Tuy nhiên nếu sản phẩm hủy biến vẫn còn trong cơ thể thì bằng cách nhận danh và định lượng các chất ấy, vẫn có thể chứng minh được sự phơi nhiễm dioxin trước đó. Lưu ý là cách định lượng dioxin hiện nay bằng phương pháp sắc ký khí ghép khối phổ với độ phân giải cao theo cách SIM nghĩa là cài máy nhắm trên phân tử khối của dioxin sẽ không cho phép thấy được các chất chuyển hóa từ dioxin có phân tử khối khác còn trong cơ thể người. Tất nhiên đây là giả thuyết cần kiểm tra, nhưng chúng ta cũng biết nhiều trường hợp hóa chất bị chuyển hóa trong môi trường sinh học.

Biện pháp thứ hai nhằm đào thải dioxin ra khỏi cơ thể có thể là có hiệu quả nhất. Và biện pháp nầy vừa được một số nhà khoa học Nhật là Kimiyoshi Kitamura của Viện nghiên cứu môi trường Nhật ở Tsukuba, Minako Nagao thuộc Đại học Dược Kyoritsu ở Tokyo Hikoya Hayatsu thuộc Đại học Shujitsu ở Okayama, công bố đầu năm 2005.

Thí nghiệm cho phơi nhiễm dioxin kéo dài 5 đợt liên tiếp, mỗi đợt 8 ngày. Trong đợt I đối chứng, một người ăn mỗi ngày ba lần các món ăn có chứa dioxin quy ra độ độc tương đương TEQ (Toxicity Equivalency) khoảng 74pg TEQ/ngày liên tục trong đợt I tám ngày, tiếp sau đó là 4 đợt liên tục II-V, mỗi đợt 8 ngày liên tiếp, liền sau khi người đó ăn mỗi bữa ăn có chứa dioxin (vẫn là tổng cộng 74pg TEQ/ngày) thì uống thêm lần lượt cho mỗi đợt II-V 0,2g chitosan, 0,6g chitosan, 0,2g chlorophyllin-chitosan (chl-chitosan) và 0,6g chl-chitosan. Trong mỗi đợt, từ ngày thứ tư trở đi, người ta đo hàm lượng dioxin trong phân và bã nhờn (sebum) tiết ra từ da (dùng khăn giấy lau khắp người và hòa tan trong aceton). Kết quả đo với kỹ thuật sắc ký khí ghép khối phổ với độ phân giải cao cho thấy với 1,8g chitosan/ngày hàm lượng dioxin tiết ra ngoài tính theo TEQ khoảng 140% so với đối chứng. Ngoạn mục hơn là với 1,8g chl-chitosan/ngày, hàm lượng độc chất tiết ra ngoài cơ thể tính theo TEQ đạt khoảng 174% so với đối chứng, còn nếu chỉ dựa trên hàm lượng dioxin trong phân, thì trị số nầy đạt đến 249% so với đối chứng. Hàm lượng tuyệt đối đào thải ra trong phân (67pgTEQ/ngày) gần tương đương với nồng độâ độc chất có trong thực phẩm (74pgTEQ/ngày).

Chitosan là một polyglucosamin đã được nghe biết nhiều và đã được nhiều nơi trong nước ta nghiên cứu chế tạo từ phản ứng N-deacetyl hóa trong môi trường kiềm, chất chitin được chiết ra từ vỏ tôm, cua. Trong ống tiêu hóa, với bản chất cation trong môi trường acid, chitosan được biết tạo với chất béo có bề mặt có điện tích âm một gel có kích thước lớn không hấp thu được qua ruột và được đào thải ra ngoài. Tùy cấu trúc, chitosan có thể hấp thu một lượng chất béo bằng 6-12 lần khối lượng của nó.

Chlorophyllin là một dẫn xuất có thể chế tạo không quá khó khăn từ chlorophyl tự nhiên,trong đó nhân Magnesium được thay thế bằng đồng. Với cấu trúc phẳng, chlorophyllin được biết có thểtương tác dễ dàng với các phân tử có nhiều vòng liên kết phẳng như Aflatoxin, benzopyren… dẫn đến khả năng chlorophyllin có thể khóa tác hại gây ung thư của các chất trên. Sự kiện này đã được nhận thấy trong thí nghiệm trên động vật và đang được tiếp tục theo dõi trên người trước khi có kết luận.

Chitosan và chloropyllin được biết tạo thành một chất rắn không tan có một số hoạt tính trị liệu. Với các đặc trưng của chitosan và chlorophyllin như thế, có thể lý giải tại sao các nhà khoa học Nhật đã thực hiện thí nghiệm nêu trên.

Do dioxin tan nhiều trong chất béo, tích lũy trong mô mỡ, việc sử dụng chitosan có ái lực mạnh với chất béo nhằm trục xuất bớt dioxin là có cơ sở. Dioxin là một phân tử có 3 vòng phẳng chắc phải tạo phức tốt với chlorophyllin. Như vậy khi sử dụng chlorophyllin-chitosan thì tính đặc hiệu tăng lên, hàm lượng dioxin đào thải ra ngoài tăng lên nhiều như thí nghiệm đã cho thấy.

Đây chỉ là một số thí nghiệm ban đầu và còn cần phải tiếp tục, nhất là trong trường hợp dioxin tồn đọng còn ít, thì mới có thể kết luận chính xác.

Đối với những mất mát quá lớn lao của nhân dân Việt Nam do chất độc da cam gây ra, cho dù tin trên mới chỉ tạo ra một tia hy vọng rất mong manh, chắc rằng các nhà khoa học của chúng ta sẽ rất quan tâm khai thác mọi khía cạnh của tin này để có những bước đi thích hợp mà nếu thành công, sẽ giúp làm dịu bớt những nỗi đau, xóa bớt những thảm cảnh gia đình mà nhân dân Việt Nam đã, đang và chắc còn phải gánh chịu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải chăng đã có cách có thể đào thải dioxin trong cơ thể con người bị phơi nhiễm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO