Phác họa bức tranh về thị trường chứng khoán

07/03/2008 10:35

Kỳ 3: Hệ thống thị trường thứ cấp Theo cách chia của Mỹ, và có thể đã quốc tế hóa, thì hệ thống thị trường thứ cấp bao gồm bốn loại thị trường sau:

Thị trường giao dịch trên sàn:đây chính là các sàn giao dịch (exchange). Mỗi sàn giao dịch đặt ra các tiêu chuẩn để các công ty tự nguyện đăng ký và niêm yết chứng khoán. Người ta gọi các chứng khoán đó là “listed securities”. Ở Mỹ chẳng hạn, thị trường chứng khoán (TTCK) <_st13a_state w:st="on"><_st13a_place w:st="on">New York là thị trường trung tâm và quan trọng nhất. Ba phần tư giao dịch trên sàn của toàn nước Mỹ được thực hiện tại đây. Do đó tiêu chuẩn niêm yết tại đó rất cao. Tuy nhiên nói về quy mô thì thị trường OTC ngày nay lớn hơn nhiều thị trường giao dịch trên sàn và chất lượng chứng khoán không thua kém. Mua bán trên sàn được thực hiện ra mặt, bằng cách đấu giá hai chiều (double - auction) giữa hai hay nhiều broker với nhau. Đây là một đặc thù của sàn giao dịch. Do đó mà từ “sàn” được nhắc tới như là một không gian đủ rộng cho các giao dịch mua bán cùng diễn ra trên một mặt bằng (gọi là exchange hay trading floor). Thị trường này luôn luôn đòi hỏi có vị trí cố định. Điều hòa hoạt động của thị trường này là các specialist (chuyên gia trên sàn).

Thị trường giao dịch phi tập trung:người ta thường gọi tắt là thị trường OTC. Đây là một thị trường giao dịch dành cho các chứng khoán không đăng ký trên các sàn giao dịch. Ngày nay người ta chỉ gọi là “không đăng ký” thôi chứ không dám gọi là “không đủ tiêu chuẩn đăng ký”. Vì đây là thị trường cực lớn ở Mỹ với hơn 15.000 loại chứng khoán (unlisted) khác nhau được mua bán so với tổng số khoảng 4.500 loại chứng khoán đăng ký theo dạng niêm yết (listed) rải rác trên tất cả các sàn giao dịch (số liệu năm 1995). Đặc điểm của thị trường OTC là chứng khoán không chỉ được trao ngang ăn huê hồng mà còn được các nhà kinh doanh chứng khoán (dealer) mua tồn kho. Họ là các nhà làm giá (market maker) tạo giá lên hay cắt giá xuống (mark up - mark down) một cách linh hoạt. Giá cả có thể thương lượng được.

Trong thời đại thông tin điện tử phát triển hiện nay, loại thị trường này càng trở nên thuận lợi. Đây cũng chính là phương tiện đáng nghiên cứu áp dụng tại các thị trường mới nổi. Do các tiêu chuẩn và yêu cầu niêm yết tại các sàn giao dịch, các đợt phát hành mới (new issues) được tiêu thụ trước tiên trên thị trường OTC. Tuy không niêm yết trên sàn giao dịch, các chứng khoán OTC muốn được chào giá trên hệ thống NASDAQ (The National Association of Securities Dealers Automated Quotation) cũng cần có các tiêu chuẩn không kém.

Thị trường thứ ba:thị trường thứ ba có hoạt động mua bán thứ cấp trên thị trường OTC đối với các loại chứng khoán đã được đăng ký và niêm yết trên các sàn giao dịch. Thị trường này dành cho nhà đầu tư nhân danh tổ chức (institutional investors) mua bán với số lượng lớn (large block - 1 block gồm 10.000 cổ phần) và được các công ty chứng khoán - có tư cách làm giá (broker - dealer/market maker) của thị trường OTC và có đăng ký mua bán các chứng khoán đã được niêm yết trên sàn - thu xếp mua bán. Giá cả giao dịch, do vậy, dựa trên cơ sở thương lượng với điều kiện phải báo cáo số lượng và giá trong vòng 90 giây sau khi thực hiện giao dịch (trên consolidated tape). Thị trường thứ ba chính là thị trường mua sỉ và là phương tiện dành cho các công ty, các tổ chức một kênh đầu tư linh động. Để phân biệt với thị trường thứ tư, sẽ bàn tiếp, ta cần lưu ý hai đặc điểm quan trọng của cơ chế thị trường thứ ba này:

- Hàng hóa là chứng khoán đã được niêm yết trên các thị trường sàn giao dịch

- Có sự hiện diện của các broker - dealer.

Thị trường thứ tư (INSTINET - Institutional Networks Corporation):đây là thị trường mua bán trực tiếp giữa các đại gia với nhau (các nhà đầu tư nhân danh tổ chức). Chứng khoán đủ loại với khối lượng lớn được trao tay (change hands) theo cách thương lượng trực tiếp giữa các ngân hàng, quỹ đầu tư hỗ tương (mutual fund/quỹ mở), quỹ hưu trí và các loại tổ chức kinh doanh tài chính và tiền tệ khác. INSTINET đăng ký với Ủy ban chứng khoán nhà nước theo thủ tục như một broker/dealer và cung cấp các phương tiện nối mạng giữa các thành viên với nhau phục vụ cho việc giao dịch mua bán trực tiếp mà không cần sự giúp đỡ của broker/dealer. Việc hoàn tất mua bán cũng được báo cáo trên hệ thống liên thông như thị trường thứ ba.

Đặc điểm của thị trường thứ cấp

Các tài liệu trình bày về thị trường thứ cấp cho ta hình dung một cách mặc nhiên về một hệ thống thị trường thứ cấp, chứ không phải chỉ có sàn giao dịch. Hóa ra nó không phải chỉ có một không gian rộng đầy máy tính, với các nhân vật chen chúc ra dấu tay như các chàng câm điếc, mà ta thường thấy trên truyền hình hoặc ảnh báo chí. Hệ thống đó bao gồm thị trường thứ nhất là các sàn giao dịch, thị trường thứ hai là thị trường phi tập trung - OTC, thị trường thứ ba và thứ tư như đã đề cập. Người ta đã né đi không gọi thẳng “thứ nhất”, hoặc “thứ hai” đối với sàn giao dịch và OTC có lẽ vì e rằng nó dễ gây nhầm lẫn trong cách gọi truyền thống của thị trường sơ cấp và thứ cấp, vốn trong tiếng Anh chúng na ná nghĩa như nhau, hoặc có thể bị hiểu lệch đi thành “chính” và “phụ”.

Thật ra hiện nay thị trường phi tập trung (OTC) có vẻ như thầm lặng nhưng là loại thị trường sung mãn áp đảo và cực kỳ hấp dẫn nhờ hoạt động của các market maker. Với sự hỗ trợ của việc nối mạng, nó càng linh hoạt hơn và người ta cho rằng đây có thể là loại thị trường của thiên niên kỷ thứ ba.

Một ghi nhận quan trọng khác, như ta đã tìm hiểu ở trên, cơ chế hoạt động của sàn giao dịch là các tiêu chuẩn niêm yết và đấu giá hai chiều. Chính vì vậy mà về phương diện quy chuẩn và nghiệp vụ, các chứng khoán của các đợt phát hành mới và của quỹ tương hỗ đầu tư (quỹ mở) chỉ có thể phát hành theo cơ chế thị trường phi tập trung - OTC. Đây có thể là đặc điểm mà các thị trường mới mở cần nghiên cứu khi triển khai.

Dù cao cấp cách mấy chăng nữa, TTCK cũng đơn giản là một thị trường. Nó mang đầy đủ thuộc tính của một thị trường. Trong đó có người thắng kẻ thua, người lên hương kẻ sạt nghiệp. Có cả lừa đảo, trừng phạt và tù tội. Thuộc tính này mặc nhiên công nhận khả năng tối ưu chứ không phải là sự toàn bích.

Liên hệ với nghiên cứu kinh tế nổi tiếng John Von Neuman và Oskar Moegenstern trong “Lý thuyết trò chơi trong hoạt động kinh tế”, TTCK xét cho cùng thì cũng chỉ là một trò chơi lớn. Nó là công cụ, là phương tiện để kinh tế phát triển và để các “ông trùm” leo lên đài danh vọng. Nhưng đừng tưởng ngon ăn. Hàng triệu cái đầu và gấp đôi số con mắt trong thị trường đó đang theo dõi chuyện làm ăn của anh. Nếu anh chơi không “đẹp”, nó hạ bệ anh ngay lập tức. Luật chơi mà!

Thị trường chứng khoán còn là cái “cặp thủy” để đo nhiệt độ của nền kinh tế. Do đó nếu có ai đó nói “tại nó” mà có nóng lạnh thì chưa thật công bằng. Nói chưa thật công bằng là do thận trọng thôi vì không phải lúc nào nó cũng thể hiện chính xác trăm phần trăm. Công cụ nào lại chẳng có lỗi! Vấn đề là hãy nắm vững, tổ chức và tham gia cuộc chơi thật tốt, chứ đừng sợ nó. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phác họa bức tranh về thị trường chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO