Ông Nguyễn Tiến Văn: Tri thức càng chia càng tăng giá trị

NGỌC ÁI| 26/09/2008 17:24

Sáng ngày 22/9/2008, tại Viện nghiên cứu xã hội TP.HCM, lễ tiếp nhận hơn 18.000 cuốn sách do nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn (Việt kiều Canada) trao cho viện đã diễn ra. Ông đã chia sẻ với báo Khoa Học Phổ Thông về hành trình của những cuốn sách và tình cảm của ông gởi gắm trong món quà tri thức này.

PV: Được biết, ông đã có ý định này từ nhiều năm trước nhưng việc cho đi hơn 18.000 cuốn sách là một hành động “chơi ngông” trong mắt không ít người. Ông nghĩ sao?

Ông Nguyễn Tiến Văn: Phải nói cho rõ, tôi không phải là người đầu tiên có ý định tặng sách cho một đơn vị trong nước. Trước tôi có cố GS. Hoàng Xuân Hãn, GS. Lê Thành Khôi (Pháp) nhưng những năm 1980 việc này còn gặp nhiều khó khăn nên nhã ý của các vị bất thành. Và tôi tin, hàng ngàn nhà nghiên cứu Việt Nam sống ở khắp nơi trên thế giới, mỗi người ít nhất cũng có khoảng 5.000 cuốn sách cũng muốn được chia sẻ kho tư liệu quý của nhân loại cho đồng nghiệp, thế hệ trẻ trong nước như tôi. Chia sẻ về mặt vật chất, càng chia càng nhỏ nhưng tri thức thì ngược lại, càng chia càng tăng giá trị.

Cá nhân tôi, sau hai mươi năm định cư tại nước ngoài, với ý nguyện về nước sống quãng đời còn lại, tôi quyết định tặng một số sách nhằm giúp sinh viên và học giả trong nước có thêm nguồn tư liệu nghiên cứu. Ý định này có từ 3 năm trước nhưng mãi đến năm 2007 mới thành hiện thực. 18.200 cuốn sách này lúc trước nằm trong thư viện của gia đình tôi ở miền đông Canada. Muốn chuyển sách về, tôi phải đóng sách thành container nặng 7,5 tấn rồi vận chuyển bằng đường bộ sang tây Canada, sau đó, chuyển bằng đường biển sang Hồng Kông trước khi về đến cảng Cát Lái (TP.HCM). Khi biết tôi có ý định mang sách về nước tặng, một người bạn đã tài trợ 5.000 USD chi phí vận chuyển. Với tôi, đây không phải là phút bốc đồng vì muốn thực hiện được hành động này - mà nhiều người cho là chơi ngông - tôi phải chuẩn bị mọi việc kỹ càng.

Theo số liệu thống kê sơ bộ do Viện nghiên cứu xã hội (NCXH) TP.HCM thực hiện, tổng số sách do dịch giả Nguyễn Tiến Văn trao cho viện là 18.200 cuốn thuộc nhiều chuyên ngành như: văn học, triết học, xã hội học, ngôn ngữ học... cụ thể, sách tiếng Anh: 17.102 cuốn; sách tiếng Hoa: 803 cuốn; sách ngôn ngữ khác (Pháp, Đức, Việt): 295 cuốn. Trong đó, sách công cụ (chủ yếu là từ điển các loại): 591 cuốn, sách nghiên cứu về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là 17.399 cuốn và tạp chí các loại là 210 cuốn. Số sách này đã được gửi tạm tại Trung tâm thông tin của Ban tuyên giáo Thành ủy từ giữa năm 2007 đến giữa năm 2008 vì việc xây dựng trụ sở Viện nghiên cứu xã hội chưa hoàn tất. Hiện nay, sách đã được chuyển về trụ sở mới của Viện nghiên cứu xã hội TP. HCM (149 Pasteur, Q.3, TP.HCM) và được chứa trong kho riêng với diện tích 46 m2, gồm 12 kệ, mỗi kệ 8 tầng. Nhưng có lẽ phải mất một thời gian nữa, sớm nhất cũng phải hết năm 2009, khi hoàn tất việc tiến hành phân loại chi tiết, sắp xếp theo các thư mục chủ đề, nội dung theo chuyên môn của ngành thư viện thì số sách này mới có thể phục vụ bạn đọc. Đối tượng là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cán bộ, giảng viên, sinh viên có đề tài nghiên cứu phù hợp với nguồn tài liệu được xem là quý này.

Hiện Viện NCXH cũng có một thư viện nhỏ, nhưng khi tiếp nhận thêm 18.200 cuốn sách từ ông Nguyễn Tiến Văn thì mặt bằng hiện tại, cũng như trang thiết bị chưa đủ để khai thác tốt nguồn tư liệu này. Viện NCXH đã được UBND TP chấp nhận kế hoạch xây dựng thư viện của Viện NCXH với những trang thiết bị tốt hơn, hiện đại hơn. Theo lời viện trưởng Phan Xuân Biên, sắp tới viện sẽ xây dựng những phòng đọc được trang bị máy tính, một số trang thiết bị cần thiết khác và quán cà phê sách bên cạnh kho sách quý tương đương một thư viện trung bình ở Việt Nam. Viện NCXH cũng có ý định xây dựng một thư viện điện tử nhằm số hóa kho sách phong phú này và phục vụ cho nhiều đối tượng độc giả hơn.

Hơn 18.000 cuốn sách chỉ là một phần trong thư viện riêng của ông, vậy ông đã làm như thế nào để có một số lượng sách lớn như thế?

- Tôi vốn không được học hành bài bản, không được học đại học nên tôi thèm hiểu biết, và tôi tìm kiếm kiến thức trong những cuốn sách. Với tôi, không có tài sản gì quý giá hơn sách. Tôi bắt đầu mua sách từ năm 15 tuổi. Năm 1985 tôi sang Canada định cư và đã để lại cho bạn bè tại Việt Nam khoảng 6.000 cuốn sách. Sang bên ấy, tôi lại tiếp tục mua sách. Nhưng tôi ít khi mua sách ở cửa hiệu vì sách ở đó rất đắt; chỉ mua cuốn nào mình thích không chịu được. Còn lại, tôi thường chờ những dịp có đợt bán sách giá rẻ ở các trường đại học hàng năm, tìm mua ở các đợt bán sách của nhà thờ hoặc mua lại số sách mà thành phố Bắc Kinh mang sang triển lãm tại Canada. Tôi không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào mua được sách hay giá rẻ. Hơn hai mươi năm qua, không kể số tiền phải bỏ ra mà chỉ cần nghĩ đến quãng thời gian tôi lọ mọ ngồi lựa, chọn từng cuốn sách cũng đủ thấy phải chịu khó thì mới có được những cuốn sách hay, tâm đắc và cần thiết. Kể ra, tôi là người may mắn vì không phải làm việc 8 tiếng mỗi ngày, được sự hỗ trợ của bà xã nên có thời gian toàn tâm toàn ý theo đuổi sách vở.

Là người làm nghiên cứu, dịch thuật tôi hiểu tầm quan trọng của sách, đặc biệt là sách công cụ. Nếu được trang bị đầy đủ thì chắc chắn công việc nghiên cứu sẽ đạt kết quả tốt. Tôi hy vọng giới nghiên cứu, giới học sinh sinh viên trong nước sẽ ngày càng có điều kiện tiếp cận sâu hơn với nền tri thức nhân loại. Tôi tin, số sách tôi trao tặng sẽ giúp ích rất nhiều cho mọi người trong việc tìm cho mình công cụ nghiên cứu thích hợp.

Ông mong muốn thư viện sách mà ông hiến tặng cho Viện nghiên cứu xã hội sẽ phục vụ cho đối tượng nào?

- Cõi tri thức thì không có bất kỳ một giới hạn nào cả. Bản thân tôi từ năm 12 tuổi đã đọc Đạo Đức Kinh. Dù không thể hiểu hết được ngay thời điểm đó vì nhận thức có hạn nhưng ít nhiều cũng để lại ấn tượng và dần dà bồi dưỡng thêm, những điểm khó hiểu tự khắc sáng tỏ. Vì thế, tôi hy vọng thư viện này sẽ là thư viện mở, càng rộng càng tốt cho bất kỳ ai có nhu cầu được tiếp cận với nguồn kiến thức của nhân loại.

NGỌC ÁI thực hiện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Nguyễn Tiến Văn: Tri thức càng chia càng tăng giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO