Nuôi trồng nấm phát quang tại Việt Nam

17/03/2007 03:23

KHPTO - Ở Việt Nam, nấm phát quang đã được nói đến từ rất lâu. Nấm phát quang có thể tìm thấy ở nhiều vùng trong cả nước. Nấm xuất hiện thường vào những tháng mưa và cho ánh sáng khá mạnh.

Năm 2002, khảo sát các vườn điều và cao su ở miền Đông Nam bộ, chúng tôi đã thu thập được nhiều chủng nấm phát quang. Chủng tương đối phổ biến và đã được nuôi trồng thành công có tên khoa học là Omphalotus af. illudent. Nấm có khả năng phát sáng toàn thân (tai nấm và sợi tơ) và đặc biệt là cả bào tử cũng phát sáng.

HÌNH THÁI VÀ CHU TRÌNH SỐNG

- Tai nấm màu trắng, dạng phễu và hơi lõm ở đỉnh, đường kính tai nấm trung bình 2,5 - 5 cm.

- Cuống nấm tròn, ngắn, không có vòng cổ, dài trung bình 7 -9 cm.

- Phiến nấm to và kéo dài xuống đến cuống, bề ngang rộng 0,20 - 0,25 cm. Mỗi centimet có từ 40 - 50 phiến.

- Bào tử hình trứng, màu trắng, đường kính trung bình 1,8 - 2 x 1,2 -1,3 mm.

Trong tối nấm có thể phát sáng ở cả mũ, cuống, phiến và bào tử.

Dựa theo Jean Marie Polese (2000) để định danh cho thấy nấm có tên Omphalotus af. illudent, thuộc họ Paxilaceae, bộ Boletales, lớp Basidiomycetes, ngành Basidiomycotina. Đây là loài nấm phát quang mới chưa từng được đề cập trong các tài liệu ở Việt Nam.

Loài nấm này thuộc nhóm nhiệt đới, dễ nuôi trồng cho quả thể trong điều kiện nhân tạo. Khả năng phát sáng của nấm rất đặc trưng:

- Nấm có thể phát sáng từ hệ sợi cho đến quả thể.

- Các thành phần của quả thể, như: mũ, phiến, cuống, thậm chí bào tử cũng có khả năng phát sáng.

- Ánh sáng của nấm phát liên tục và có màu huỳnh quang xanh lục.

Do các đặc điểm trên, có thể dùng nấm như một vật liệu khá lý tưởng cho nghiên cứu hiện tượng phát quang.

ĐẶC ĐIỂM NUÔI TRỒNG

- Môi trường nuôi cấy là cao malt (MA): glucose 2 g; cao malt 20 g;pepton 1 g; agar 20 g; nước cất đủ 1.000 ml, đây là môi trường tốt nhất cho nuôi cấy nhân giống.

- Môi trường nuôi trồng là mạt cưa cao su: mạt cưa được làm ẩm với nước vôi 0,5% và ủ ít nhất là 24 giờ. Sau khi ủ, bổ sung thêm đạm ammon (sulfat ammon, nồng độ 3 - 5‰) hay cám gạo 10 - 15%. Kiểm tra độ ẩm khoảng 60%. Đóng túi và khử trùng ở 950C trong 5 - 6 giờ hoặc 1210C trong 90 phút.

H.5a: Tai nấm còn non (ngoài sáng)

H.5b: Tai nấm còn non (trong tối)

H.6a: Tai nấm trưởng thành (ngoài sáng)

H.6b: Tai nấm trưởng thành (trong tối)

Trong quá trình nuôi tơ, nhiệt độ phòng nuôi là 300 ± 20C và ánh sáng nhẹ (dưới 100 lux). Thời gian nuôi tơ là 20 ngày cho túi 300 g và 25 ngày với túi 600 g.

Trong quá trình nuôi trồng, điều kiện tốt nhất cho quả thể hình thành và phát triển là: nhiệt độ từ 260 - 280C, ẩm độ không khí từ 80 - 90%, ánh sáng nhà trồng 500 - 800 lux. Thời gian tưới đón quả thể là 21 ngày, thời gian để quả thể xuất hiện đến khi tàn là 7 ngày.

Đặc điểm phát quang

- Đối với tơ nấm

H.3a: Bịch phôi có tơ nấm (ngoài sáng)

H.3b: Bịch phôi có tơ nấm (trong tối)

H.4a: Bịch phôi có tơ nấm (ngoài sáng)

H.4b: Bịch phôi có tơ nấm (trong tối)

Theo dõi sự phát sáng của tơ khi tiếp xúc với không khí theo thời gian ghi nhận sau hơn 5 giờ tiếp xúc với không khí thì tơ nấm phát sáng tối đa, sau đó giảm dần cho đến giờ thứ 13 thì gần như tắt hẳn.

Qua nuôi cấy cho thấy tơ nấm phát sáng rất rõ (hình: 3a, 3b, 4a, 4b).

- Đối với quả thể

Sau 4 ngày quả thể xuất hiện, nấm bắt đầu phát ra ánh sáng và đến khi quả thể chuyển vàng thì nấm ngừng phát sáng.

Nấm có thể phát sáng suốt các giai đoạn phát triển của quả thể (hình: 5a, 5b, 6a, 6b).

KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG CỦA NẤM PHÁT QUANG

Đặc tính phát sáng liên tục và cường độ mạnh hơn nhiều so với các loài sinh vật phát quang khác là một lợi thế đáng quan tâm ở các loài nấm phát quang. Nhiều nghiên cứu khoa học nhằm ứng dụng nấm phát quang vào việc xác định độc tính sinh thái của môi trường hoặc phát hiện những vùng môi trường bị ô nhiễm kim loại nặng (như thủy ngân) ở nồng độ quá thấp khó có thể sử dụng bằng những phương pháp thông thường. Nấm phát quang như vậy đóng vai trò như một cảm biến sinh học (biosensor). Ngoài ra, nấm còn dùng trong việc chuyển gen để tạo ra những sinh vật phát quang theo ý muốn.

Các kết quả nghiên cứu trên thế giới gần đây cho thấy nấm phát quang được chú ý đến không chỉ do đặc tính phát quang, mà còn liên quan đến y học, đặc biệt trong lĩnh vực ung thư. Những sản phẩm trao đổi chất của chúng có hoạt tính sinh học cao trong việc kháng nấm, kháng khuẩn và kháng virus, đặc biệt khả năng ức chế sự phân bào của tế bào ung thư. Vì vậy hiện nay, nấm phát quang còn được nghiên cứu nuôi trồng như là một nấm dược liệu. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nuôi trồng nấm phát quang tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO