Nuôi tôm sú bây giờ không dễ?

23/05/2008 15:33

Những năm gần đây, ĐBSCL đã chuyển khoảng 250.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm sú theo mô hình luân canh lúa - tôm sú, nâng tổng diện tích nuôi tôm sú cả vùng lên trên 500.000 ha. Việc nuôi tôm sú với nhiều mô hình, từ nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn đến nuôi tôm xen canh với các loài thủy sản khác và chuyên canh tôm sú, đã bắt đầu phát huy tác dụng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong thực tế nghề nuôi tôm sú ở các tỉnh ĐBSCL đã giải quyết một lực lượng lao động khá lớn ở nông thôn ven biển. Nhưng hiện nay nuôi tôm sú đang đối mặt với nhiều thách thức khá lớn.

Nghề nuôi tôm sú hôm nay

Không như các nghề khác, trong sản xuất nông nghiệp - thua một vụ có thể gỡ lại vụ sau - nuôi tôm sú thất bại một vụ có nghĩa là trắng tay. Sức hút lợi nhuận từ con tôm sú khiến người nông dân muốn vượt qua đói nghèo sang bên kia bờ hạnh phúc phải chấp nhận một cuộc chơi đầy rủi ro. Sự nghiệt ngã là ở chỗ người nuôi tôm sú không được phép sai sót, không được ngã dù chỉ một lần. Trong những năm gần đây, khá nhiều hộ nuôi tôm sú ở các tỉnh ven biển đã mất “cả chì lẫn chài” do hiện tượng tôm sú chết đồng loạt. Vào những năm giữa thập niên 1990, phổ biến là mô hình luân canh lúa - tôm sú bền vững, có nghĩa là sử dụng tôm giống và thức ăn tự nhiên, năng suất chỉ đạt khoảng 250 - 300 kg/ha. Nay mô hình này gặp nhiều rủi ro hơn: tôm nuôi thường phải thu hoạch sớm còn sản xuất lúa dễ thất mùa vì nước mặn hiện diện kéo dài khiến cây lúa sống èo uột. Anh Nguyễn Văn Sáu ở xã Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, bức xúc nói: “Còn nhớ mười năm trước đây, khi môi trường nước ổn định, bà con nơi đây đến vụ nuôi tôm đầu tư cải tạo không nhiều, chỉ việc mua con giống về thả, cho thức ăn viên chế biến loại rẻ tiền, sau 3 - 4 tháng nuôi thì thu hoạch tôm đạt trọng lượng bình quân 30 con/kg. Còn hiện nay, thả tôm nuôi trên 6 tháng mà cỡ tôm chỉ đạt 50 - 60 con/kg. Theo chiết tính, chi phí từ lúc đầu tư đến thu hoạch cho 1 kg tôm sú thương phẩm không dưới 70.000 đồng, trong khi đó với cỡ tôm nói trên, thương lái chỉ mua khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg. Chưa thu hoạch đã biết chắc lỗ”.

Gần hai tháng nay, mới vào đầu mùa vụ 2008 mà tình trạng tôm sú nuôi húc đầu vào bờ rồi chết hàng loạt đã diễn ra, gây thiệt hại cho khoảng 100.000 ha, trong đó hơn 85% là diện tích luân canh lúa tôm sú kết hợp. Khảo sát thực tế cho thấy tôm chết trên thân có đốm màu trắng, nắp mang bị giộp, mình màu đỏ, thường chết trong giai đoạn 30 - 75 ngày tuổi, tập trung nhiều ở những hộ nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến. Theo các chuyên gia, phần nhiều tôm đã bị nhiễm virus MBV (tôm không có sức đề kháng, chậm lớn), có đốm trắng, đỏ thân... Ngoài chất lượng con tôm sú giống, còn có yếu tố thời tiết và môi trường: trong một tháng qua nhiệt độ ban ngày tăng rất cao, ban đêm lại trở lạnh, làm môi trường thay đổi mạnh và các ao bị mất màu, lượng vi khuẩn có hại tồn tại trong nước phát triển nhiều, cùng với mật độ nuôi khá dày, sức đề kháng của tôm suy giảm và các loại dịch bệnh có điều kiện phát triển... Hệ thống cung cấp và thoát nước không đảm bảo phục vụ nuôi tôm sú.

Dù đã có bước chuẩn bị khá kỹ càng về mọi mặt, người nuôi tôm sú ở ĐBSCL vẫn lo lắng khi mùa tôm bước vào chính vụ. Sự thiệt hại của các hộ nuôi tôm sớm đã làm cho môi trường xung quanh bị ô nhiễm. Người nuôi tôm các khu vực phụ cận có diện tích thiệt hại không dám thả giống, không dám đầu tư... Sự nóng vội, thiếu trách nhiệm cộng đồng của một số hộ đã gây không ít khó khăn cho cả một vùng nuôi tôm rộng lớn. Sau nhiều năm nuôi tôm, ông Đinh Thiên Cần ở Liêu Tú, Long Phú, rút ra một bài học: “Không ai nuôi tôm sú mà thành công ngay, phải có thời gian đánh giá, rút kinh nghiệm kỹ thuật và phải có giai đoạn chuyển tiếp. Vốn là quan trọng, nếu làm nhà tính một thành hai, nuôi tôm sú công nghiệp, tính một thành năm; nếu không tính kỹ sẽ đứt gánh giữa đường. Đừng nuôi kiểu cưỡi ngựa xem hoa, ỷ lại, mà phải toàn tâm, toàn ý, đầu tư công sức và chất xám”.

Người nuôi tôm sú các tỉnh ven biển ĐBSCL sau một vụ nuôi thu hoạch được từ 30 - 40 triệu đồng gọi là trúng mùa. Nhưng tính lại chi phí đầu tư, con giống, thức ăn, lãi vay ngân hàng... còn lại chẳng là bao. Nếu thất bại đành mang nợ, rồi lại đi theo cái vòng lẩn quẩn chạy đôn chạy đáo tìm ngân hàng hay tiếp cận nguồn vay ngoài, để tiếp tục nuôi tôm, rồi lại thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học..., nên hiệu quả từ nuôi tôm sú không cao. Người nuôi tôm sú ở ĐBSCL hiện đang phản ảnh rằng có trên 70% diện tích tôm nuôi chậm lớn do môi trường bị ô nhiễm, đất nuôi tôm bị khai thác quá mức nên bị chai, tôm giống chất lượng không cao...

Yếu tố con giống rất quan trọng

Nông dân vùng nuôi tôm sú ven biển ĐBSCL thật sự rất cần tôm sú giống sạch bệnh có chất lượng, nhưng không bao giờ có đủ. Để người nuôi tôm sú an tâm đầu tư sản xuất “trúng mùa”, các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch chất lượng tôm sú giống, đồng thời tập huấn cho cơ sở sản xuất con giống về quy trình sạch. Cần đầu tư máy móc trang bị kiểm tra và kiên quyết xử lý những cơ sở sản xuất con giống vi phạm quy trình như nhập tôm sú giống không có giấy chứng nhận đạt chất lượng nơi xuất xứ. Biết rằng thời gian qua các ngành chức năng ở khu vực ĐBSCL đã kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất con giống sạch bệnh và có chất lượng, cùng với chính sách ưu đãi miễn thuế sử dụng đất, được hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng... Thế nhưng do thiếu nguồn vốn, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực yếu kém, nên không thể tiến hành theo kế hoạch. Trước những vấn đề “nóng” của nghề nuôi tôm sú, phó viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II Nguyễn Văn Trọng cho biết: “Viện đã thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học trong sản xuất giống, đặc biệt là sản xuất tôm sú giống sạch bệnh, hiện đã thành công bước đầu, một số tôm bố mẹ nuôi từ khi còn là ấu trùng hiện đã sinh sản. Tuy nhiên, tỷ lệ sống còn thấp, và viện đang đề nghị tiếp tục nghiên cứu bởi việc chủ động sản xuất được giống tôm sạch là yếu tố quyết định đầu tiên cho năng suất và chất lượng tôm nuôi”. Năm 2008, Viện nghiên cứu quy trình công nghệ đã sản xuất nhân tạo tôm sú bố mẹ và tôm sú giống sạch bệnh từ tôm tự nhiên và nghiên cứu phát triển một số giải pháp kỹ thuật tăng hiệu quả cho hệ thống nuôi thâm canh tôm sú tại ĐBSCL...

Nguyên nhân mô hình luân canh lúa - tôm sú chưa thoát khỏi thế bấp bênh là do hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm chưa được đầu tư đúng mức, còn khá mỏng, không đồng bộ cùng với hàng loạt các yếu tố về môi sinh, khoa học công nghệ, con giống, công tác khuyến ngư... còn nhiều bất cập. Phần lớn nông dân được sử dụng hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ trồng lúa trước đây nay đã tự đào, xẻ kênh mương không theo quy trình thiết kế kỹ thuật, dẫn đến không đảm bảo yêu cầu cấp thoát nước ao nuôi... Nông dân thả nhiều vụ tôm trong năm, không cách ly được với mầm bệnh.

Để mô hình luân canh lúa - tôm sú đạt kết quả đúng với tiềm năng của nó, còn nhiều việc phải làm. Trước hết cần rà soát công tác quy hoạch vùng nuôi, trang bị nâng cấp chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng đến từng hộ nuôi; khuyến khích sản xuất lúa ở những nơi đủ điều kiện rửa mặn sau khi nuôi tôm. Ngoài ra cũng cần có những chính sách khuyến khích phù hợp, nhất là việc cho sản xuất tôm sú giống tại địa phương (hiện nay chỉ mới đáp ứng được 25 - 30%), hỗ trợ các hộ thực hiện mô hình luân canh gặp khó khăn về vốn, tăng cường công tác khuyến ngư - khuyến nông và nhất là phối hợp với các viện, trường lai tạo những giống lúa có khả năng sinh trưởng, cho năng suất cao và kháng được sâu bệnh trên chân đất nhiễm mặn. v

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nuôi tôm sú bây giờ không dễ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO