Trở về trong vòng tay mẹ thiên nhiên

Khương Quỳnh| 05/02/2023 20:45

Những ngày sống ở thành phố, trong căn phòng trọ ở gác mái chật chội, tôi vẫn cố dành một khoảng có nắng ở ban công để trồng vài cái cây nhỏ. Tôi trồng đâu phải để ăn mà chỉ là để ngắm nghía chút màu xanh mát mắt giữa màu xam xám của xi măng, bê tông trong lòng thành phố nhộn nhịp.

Nỗi nhớ núi rừng

Thuở ấy, tôi chưa thể gọi tên, chỉ có một ý niệm thương nhớ và tìm kiếm những điều thân thuộc như một góc vườn ở quê, như núi đồi trập trùng xa mờ chìm trong làn sương sớm. Hóa ra, đó là niềm khao khát quay về với thiên nhiên - mong muốn thường tình của bao người. Nhưng trong đời sống lắm lo toan này, không phải muốn là được, đôi khi chúng ta phải lựa chọn. Tôi đã lựa chọn trở về, sống hơi chật vật với cơm áo để đổi lại những cảm xúc tuyệt vời được thiên nhiên, núi rừng nơi quê hương mình ban tặng.

Quê tôi như một cái lòng chảo, bị kẹp giữa hai con đèo quanh co, hiểm trở. Mấy mươi năm trước, cha mẹ tôi theo đoàn đi kinh tế mới, được cho khai khẩn một khoảnh đất rất rộng. Mẹ kể, lúc xe thả cả gia đình xuống vùng đất này, ẵm con nhỏ trên tay, nước mắt mẹ tự dưng trào ra. Vì khung cảnh trông quá hoang sơ, u tịch, chẳng khác gì một cánh rừng già. Cây cối cứ ken dày vào nhau, muỗi vắt lượn như rươi.

Chẳng riêng mình mẹ, bao người nhìn thấy “vùng đất hứa” đều cùng chung một nỗi lo. Nhưng lau nước mắt, mọi người đã bắt tay dựng nhà, khai khẩn. Tôi chẳng bao giờ quên được những ngôi nhà đầu tiên được dựng bằng cây rừng, lợp lá cỏ tranh, vách nứa. Rồi theo năm tháng, những cánh rừng xen kẽ vườn tược, nhà cửa, đường làng. Sau những rặng cây xanh mướt, khói bếp trắng mùi ngai ngái tỏa lên mỗi buổi chiều dần khiến mảnh đất thêm sinh động. Cánh rừng u tịch khi có “hơi người” đã bớt đi vẻ đáng sợ, dần trở nên thân thuộc cho bao người gắn bó và an cư.

Những ngày sống ở thành phố, trong căn phòng trọ ở gác mái chật chội, tôi vẫn cố dành một khoảng có nắng ở ban công để trồng vài cái cây nhỏ.

Chúng tôi - những đứa trẻ sinh ra trên vùng đất hoang sơ, lớn lên chan hòa giữa núi rừng ngấm cái vẻ hoang dã. Đám trẻ chẳng còn biết sợ rắn rết, bò cạp…Bởi chúng cũng là một phần của núi rừng, của thiên nhiên xinh đẹp. Một lần, ông ngoại lặn lội vào chơi, bị bọ cạp đốt cho đau tấy cả tuần trời. Bắt được con bọ cạp, anh tôi định xử tử nó, ông ngăn lại, dặn rằng, mảnh đất này vốn là của chúng, chúng tôi là những người đến sau - là người “xâm lấn” ngôi nhà của muôn thú. Vậy chẳng lý gì, chúng tôi có quyền đánh đuổi, giết hại chúng cả.

Những năm sống giữa một thành phố có những tòa nhà xếp chồng lên nhau, thỉnh thoảng tôi lại quá khích khi bắt gặp điều gì thân thuộc, bất giác reo lên thích thú khi nhìn thấy một con sâu xanh trên cây nguyệt quế mọc giữa sân trường và cứ muốn nán hít mùi khói ai đó đốt lá trong vườn. Lúc ấy, trong đầu đã tràn ngập hình ảnh của núi đồi cùng niềm mong mỏi trở về.

Vẻ đẹp của “buồn”

Những buổi chiều ngồi giữa núi đồi, nhìn vòng tròn đỏ rực của vầng mặt trời đang chầm chậm khuất sau dãy núi, những người bạn bảo ở xa về chơi bảo rằng khung cảnh buồn quá. Nhưng gương mặt của người đang buồn đó sao thảnh thơi, tận hưởng. Có lẽ, cái buồn nơi miền sơn cước luôn mang vẻ dịu dàng, êm ả.

“Buồn” như những đêm rằm, khi nhà nhà đã tắt đèn đi ngủ, khắp đường làng, vườn tược chìm trong ánh trăng. Ánh trăng ở quê rất “tinh khiết”, không lẫn ánh đèn đường hay ánh đèn xe cộ. Mọi âm thanh náo động ban ngày chìm xuống, chỉ còn tiếng dế kêu “cà rít cà rít” như bản giao hưởng của thiên nhiên. Dưới ánh trăng, núi đồi xa xa hiện ra những đường diềm đậm nhạt gối lên nhau trùng điệp.

Những buổi chiều ngồi giữa núi đồi, nhìn vòng tròn đỏ rực của vầng mặt trời đang chầm chậm khuất sau dãy núi, những người bạn bảo ở xa về chơi bảo rằng khung cảnh buồn quá. Có lẽ, cái buồn nơi miền sơn cước luôn mang vẻ dịu dàng, êm ả.

“Buồn” nơi miền sơn là buổi sáng thức dậy trong cái lạnh của sương giá, đứng từ trên đồi nhìn xuống thôn làng như chìm trong biển mây trắng ngà, tiện tay nướng một mẻ bánh thơm, nhóm vội bếp lửa, đặt một ấm trà, than còn đỏ thì nướng vài củ khoai, trái bắp mà nhâm nhi, đợi đỡ lạnh mới ra vườn.

Đến cả những con đường quanh co cũng buộc người ta phải đi chậm lại. Đám hạt xuyến chi mọc khắp nơi, muốn người ta dừng lại đôi chút để gỡ chúng ra khỏi áo quần. Bọn trâu bò chiều về thủng thẳng đi giữa đường không muốn ai vội vã vượt lên trên mình. Bất giác trong vẻ “buồn” và “chậm” của cảnh vật, thiên nhiên người ta có thể mỉm cười, nhẹ nhàng lắng nghe hơi thở của chính mình.

Bất giác trong vẻ “buồn” và “chậm” của cảnh vật, thiên nhiên người ta có thể mỉm cười, nhẹ nhàng lắng nghe hơi thở của chính mình.

Người bạn Hi Lạp lớn tuổi của tôi dành những năm tháng xế chiều ở một thiền viện trên đồi ở Việt Nam – nơi bao quanh cây cối và một con suối uốn lượn hiền hòa. Trong những bức thư hỏi thăm nhau, ông luôn tái bút bằng một câu quen thuộc: “Celebration to the miracle life”.

Chúng tôi từng thắc mắc tại sao ông luôn kết thúc lá thư theo cách ấy, ông bảo rằng, vì ông biết ơn cuộc sống giữa thiên nhiên huyền nhiệm. Có những buổi sáng thức dậy, ông thấy biết ơn vì mặt trời tỏa nắng, thấy yên tâm khi đôi chân trần của mình còn được trải dài trên mặt đất gồ ghề thân thuộc, biết ơn dòng suối luôn trong lành…Hóa ra bao lâu nay, chúng ta cảm ơn nhau hằng ngày mà quên cảm ơn mẹ thiên nhiên vốn đã ban tặng quá nhiều thứ.

Tôi chẳng bao giờ thích dùng từ phong trào “bố phố về quê” để diễn tả những chuyến trở về. Giống như một đứa con về nhà thì chẳng theo sự thúc giục nào ngoài tình thân. Cuộc trở về bên thiên nhiên chẳng phải cũng xuất phát từ sự rung động với những điều gần gụi nhất hay sao?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trở về trong vòng tay mẹ thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO