Nước uống trong trường học mùa nóng: Phụ huynh lo con khát

06/04/2005 22:21

Nước uống là nhu cầu không thể thiếu cho cơ thể, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng hiện nay. Người lớn đã có thể tự chăm lo cho mình nhưng với trẻ nhỏ, việc cung cấp đủ nước cho nhu cầu học tập, chạy nhảy và vận động liên tục của trẻ ở trường cả ngày là điều mà phụ huynh luôn lo lắng.

Nhịn uống hay nhịn tiểu?

Chị Minh Hà có con học nhà trẻ- mẫu giáo Hoa Hồng, quận 4 cho biết: “Mỗi khi con tôi được từ trường về nhà là nó lao ngay vào mở tủ lạnh lấy chai nước ra tu ừng ực, cứ như cả ngày nó không được uống nước vậy. Trời nóng như vầy, tụi nhỏ lại chạy nhảy, mồ hôi ra nhiều, nếu không được uống nước thường xuyên chắc chắn là cơ thể nó sẽ rất thiếu nước”.

Còn chị Hoàng Anh có con học trường Mầm non quận Tân Bình lại phàn nàn, ở trường hình như mỗi khi cho bé uống sữa xong các cô không cho bé súc miệng lại bằng nước hay sao mà mỗi chiều đón con chị vẫn còn thấy bợn sữa trong lưỡi bé. Bé còn nhỏ lại chưa biết đòi uống nước, nếu cô không chú ý cho bé uống nước sau bữa ăn sẽ gây sâu răng.

Cùng nỗi lo lắng này là phụ huynhcó con học cấp 1, 2. Chị Anh Thư có con học lớp 4 trường phổ thông quận 3 cho biết, vào giờ chơi, học sinh bu quanh thùng nước, đợi tới lượt mình thì cũng hết giờ, ly cốc lại uống chung rất mất vệ sinh. Để khắc phục, chị cho con mang theo bình nước. Tuy nhiên, ở trường nhà vệ sinh rất dơ, con bé lại sợ dơ nên uống rất ít nước. Chính vì những bất cập đó mà chị đã quyết định chuyển cho con từ lớp bán trú sang lớp học một buổi, dù phải đưa đón cực hơn, nhưng đành vậy cho con đỡ khổ.

Bé Vân Anh, học sinh lớp 2 ở một trường tiểu học có tiếng ở quận 5 nói: “Nước uống được đựng trong các ấm inox do cô bảo mẫu đem vào tận lớp, nhưng cứ tới khoảng 3 - 4 giờ là cô đã đem ấm cất đi để chuẩn bị về, nên có khát con cũng phải chờ đợi bố mẹ đến đón để xin tiền uống nước”.

Một giáo viên trường tiểu học quận Tân Bình cho biết, ở một số trường phổ thông, do nhà vệ sinh bố trí xa lớp học, khi học sinh đi tiểu, cô sẽ khó quản lý vì không phải tất cả các cháu đi tiểu xong là vào lại lớp ngay mà còn la cà chơi ngoài sân. Điều này ảnh hưởng tới thành tích học tập cũng như điểm thi đua của lớp. Để tránh tình trạng này, đã có một số giáo viên hạn chế các cháu uống nước.

Học sinh uống nước gì?

Những dấu hiệu của mất

nước nặng ở trẻ em

- Giảm hứng thú chơi và luôn buồn ngủ, khó đánh thức dậy.

- Khô miệng và lưỡi.

- Thóp của trẻ lõm sâu.

- Mắt lõm và không có nước mắt.

- Thở nhanh và tim đập nhanh.

- Không tiểu tiện hơn 12 giờ.

-Mất nước nặng là một cấp cứu cần được can thiệp ngay.

Nước được cung cấp cho học sinh hiện nay qua 3 nguồn: trường tự đầu tư hệ thống lọc nước hoặc nấu nước sôi rồi đổ vào bình, hay mua nước tinh khiết đựng sẵn trong các bình nhựa dung tích 20 lít/thùng.

Nếu như trước đây hầu như mỗi trường đều tự sắm cho mình hệ thống lọc nước tinh khiết cho học sinh uống, thì tới nay hình thức này không còn được ưa chuộng vì việc bảo trì tốn kém và phiền phức như phải định kỳ thay lõi lọc, màng lọc, đèn chiếu tia tử ngoại, phải giám sát chất lượng nước thường xuyên, nếu không chất lượng nước sẽ không ổn định.

Theo một số cô bảo mẫu, nấunước sôi rồi để nguội cho trẻ uống cũng mất thời gian, vả lại phải vệ sinh dụng cụ nấu, thùng đựng, vòi nước thường xuyên. Nước sau khi đun sôi khó bảo quản do phải đợi nguội mới đổ vào bình. Với những trường đông học sinh, phải nấu liên tục. Nước sau khi nấu phải mở vung cho mau nguội vô tình sẽ tạo điều kiện cho bụi bẩn và vi khuẩn rơi vào gây mất vệ sinh.

Vì vậy, nguồn nước cung cấp mà khoảng 80% các trường đang sử dụng hiện nay là nước tinh khiết đóng sẵn trong các thùng 20 lít do các cơ sở kinh doanh cấp, vì tiện, rẻ lại sạch sẽ.

Ở khối nhà trẻ - mẫu giáo, những thùng nước tinh khiết thường đặt tại cửa lớp. Trẻ ở lớp mẫu giáo sẽ tự ra ngoài uống nước mỗi khi khát, còn trẻ ở lớp nhà trẻ sẽ được cô rót vào từng ly đem vào lớp. Dù đem vào tận lớp nhưng nếu cô không nhắc, các cháu mãi chơi vẫn không uống nước. Vì thế ở một số trường, bình nước được đem vào tận trong lớp học.

Chị Nguyễn Minh Nguyệt – Hiệu trưởng trường bán công Tuổi Thơ 7- quận 3 cho biết: “Lúc trước mỗi ngày 2 lớp mới uống hết một bình, còn những ngày nắng nóng như hiện nay mỗi lớp hết một bình/ngày. Nước sử dụng hết bình trong ngày là tốt nhất vì nếu để qua ngày sau các cô phải vệ sinh lại vòi nước trước khi cho các cháu sử dụng lại. Khối nhà trẻ mẫu giáo hầu hết các nhà vệ sinh được bố trí ngay trong mỗi lớp học nên rất tiện cho trẻ đi vệ sinh”.

Cũng theo chị Nguyệt, nước uống do đại lý mang tới tận trường. Nhà trường đã ký kết hợp đồng trách nhiệm với cơ sở sản xuất. Ngoài việc kiểm tra định kỳ 2 lần/năm của các cơ quan chức năng, nhà trường vẫn thường xuyên lấy mẫu ngẫu nhiên đi thử nghiệm. Ban giám hiệu vẫn luôn nhắc các cô phải nhắc các cháu uống nước.

Nhưng không phải trường nào cũng thực hiện đầy đủ các yêu cầu về kiểm tra vệ sinh nước uống như vậy. Cũng sử dụng nước tinh khiết nhưng trường mần non phường 15, quận 10 lại chỉ dựa vào chất lượng nước của cơ sở sản xuất đưa xuống. Khi đại lý giao hàng, trường chỉ kiểm tra thấynước trong, không cợn là được.

Làm sao giải cơn khát?

Để có thể cung cấp đủ nước cho con, một số phụ huynh việc thường xuyên nhắc các cô giáo lưu ý cho con uống nước nhưng vẫn lo lắng vì ở lớp đông trẻ quá, cô không đủ thời gian nhắc nhở từng đứa, đặc biệt là với những đứa trẻ lười uống nước đến mức phải ép bằng muỗng như bé Minh Quân (3 tuổi). Vì vậy để “tự cứu”, phụ huynh của bé Quân - mỗi khi đến trường đón con đều mang theo chai nước suối để có thể cho con uống ngay sau đó. Từ đó cho tới khi con đi ngủ, lúc nào mẹ bé cũng chăm chắm vào chuyện bù nước cho con.

E ngại vào chất lượng nước tại trường cộng với những chiếc ly phải sử dụng chung, trong khi ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ tại các trường phổ thông đặc biệt là lớp nhỏ chưa cao, nhiều phụ huynh đã cho mang theo bình nước riêng. Có đứa phải mang tới 2 bình mới đủ. Như vậy vô hình chung lại tăng thêm trọng lượng cho chiếc cặp xách của con vốn đã quá nặng so với lứa tuổi.

Mất nước trong mùa nóng là một hiện tượng rất dễ xảy ra khi cơ thể không được cung cấp đủ nước, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Sự phối hợp giữa phụ huynh, giáo viên và trách nhiệm của Ban giám hiệu là hết sức cần thiết để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh.

ĐIỀU TRỊ MẤT NƯỚC TẠI NHÀ

Khi phát hiện thấy những dấu hiệu sớm của sự mất nước nhẹ hoặc vừa, có thể xử trí tại nhà bằng cách bổ sung lượng nước mất.

* Với trẻ > 12 tuổi & người lớn:

+ Ngừng vận động và nghỉ ngơi.

+ Đưa ra khỏi vùng bị chiếu nắng và đặt nằm ở chỗ mát hơn. Tháo bỏ giày và những quần áo không cần thiết.

+ Bổ sung nước mất bằng uống nước có muối lạnh (1,9 l) trong 2 - 4 giờ. Người lớn phải uống ít nhất 10 cốc để bổ sung lượng mất.

+ Nghỉ ngơi trong 24 giờ và tiếp tục bổ sung nước. Không tiếp tục bất cứ hoạt động thể lực nào. Toàn bộ thời gian để bổ sung đủ lượng nước mất qua đường uống cần chừng 36 giờ nhưng một số người đã cảm thấy khỏe mạnh ngay sau khi được điều chỉnh vài giờ.

* Với trẻ 1 – 11 tuổi:

Với trẻ mất nước lớn hơn, uống nước bổ sung có muối và nước cam, hoặc truyền dịch nếu trẻ không uống được. Cho trẻ uống đến khi nào còn có thể uống được. Trẻ 4 -10 tuổi phải uống ít nhất6 - 10 cốc nước. Hỗn hợp bột ngũ cốc với nước hay sữa cũng có thể dùng để thay thế lượng nước mất.

* Trẻ mới sinh đến 1 tuổi:

Đừng chờ đến khi có những dấu hiệu mất nước mới bổ sung. Nếu trẻ đang còn bú mẹ, cho chúng bú nhiều lần hơn. Nếu trẻ đã uống bằng chai, hãy tăng số lần cung cấp lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước uống trong trường học mùa nóng: Phụ huynh lo con khát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO