Nước mát thông dụng

04/05/2006 04:26

Nước dừa là một dung dịch đẳng trương gồm chủ yếu là glucoza, fructoza, rất ít saccaroza, ngoài ra còn có các acid malic, acid amin, các acid béo, vitamin C nhưng hàm lượng rất ít. Công dụng: Dùng nước dừa uống để bổ dưỡng và giải khát.

1. NƯỚC DỪA (Cocos nucifera L.)

Thành phần hóa học: Nước dừa là một dung dịch đẳng trương gồm chủ yếu là glucoza, fructoza, rất ít saccaroza, ngoài ra còn có các acid malic, acid amin, các acid béo, vitamin C nhưng hàm lượng rất ít.

Công dụng: Dùng nước dừa uống để bổ dưỡng và giải khát.

Cách dùng: Ngày uống 2 - 3 trái dừa để giải khát, không thêm đường, muối, ướp lạnh càng tốt.

2. RAU MÁ (Centella aciatica L.)

Bộ phận dùng: Toàn cây, thu hái quanh năm. Dùng tươi tốt hơn phơi khô.

Thành phần hóa học: Cả cây chứa tinh dầu, dầu béo gồm glucerid của các acid: oleic, linolic, palmitic... alcaloid hydrocotylin; chất đắng vallarin; glucozid asiaticozid, vitamin C.

Công dụng: Chữa sốt, sởi, nôn ra máu, chảy máu cam, lỵ, tiêu chảy, táo bón,vàng da, đái rắt, đái buốt, thống kinh, khí hư bạch đới, giãn tĩnh mạch, mụn nhọt.

Cách dùng: Ngày dùng 50 g cây tươi giã nát, thêm nước sạch vắt lấy nước cốt, chia 2 lần uống trong ngày. Có thể nấu nước uống nhưng hiệu quả không bằng uống tươi.

3. SẮN DÂY (Pueraria Thomsonii Benth.)

Bộ phận dùng: Bột sắn hoặc rễ củ thái nhỏ phơi khô.

Thành phần hóa học: Trong rễ củ có isoflavon: puerarin, daidzin, daidzein; tinh bột.

Công dụng: Chữa cảm sốt, nhức đầu, khát nước, mụn nhọt.

Cách dùng: Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 g bột sắn dây pha với 200 ml nước sạch, uống nguội. Hoặc dùng 50 g rễ củ khô nấu với 1 lít nước, sôi 15 phút, uống cả ngày.

4. MÍA LAU (Saccharum sinensis Roxb.)

Bộ phận dùng: Nước ép tươi hoặc toàn cây mía tươi bỏ ngọn.

Công dụng: Mía dùng chữa sốt, khát nước, tiểu tiện đỏ, chữa nôn ọe.

Cách dùng: Ngày uống 2 lần, mỗi lần một ly nước mía ướp lạnh. Hoặc dùng 100 g cây mía tươi rửa sạch, chẻ nhỏ nấu với 2 lít nước, sôi 15 phút. Uống cả ngày.

5. RỄ TRANH (Imperata Cylindrica P. Beauv)

Bộ phận dùng: Thân rễ, thu hái quanh năm, rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi khô.

Thành phần hóa học: Thân rễ chứa glucoza, fructoza, acid hữu cơ.

Công dụng: Chữa tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu, sốt nóng.

Cách dùng: Mỗi ngày dùng 50 g rễ tranh + 50 g râu bắp. Nấu với 2 lít nước, sôi 15 phút. Uống cả ngày.

6. RÂU BẮP (Zea Mays L.)

Bộ phận dùng: Râu bắp phơi khô.

Thành phần hóa học: Râu bắp chứa muối kali.

Công dụng: Thuốc lợi tiểu dùng trong bệnh tim, tăng huyết áp, viêm bàng quang, viêm niệu quản, sỏi thận, viêm túi mật.

Cách dùng: Mỗi ngày dùng 50 g râu bắp nấu với 2 lít nước, sôi 15 phút. Uống cả ngày.

7. MÃ ĐỀ (Plantago Major L.)

Bộ phận dùng: Toàn cây bỏ rễ. Dùng tươi hoặc phơi khô.

Thành phần hóa học: Lá có aucubin, acid oleanolic, chất nhầy, tanin, saponin, tinh dầu, vitamin A, C và K, acid citric, muối kali.

Công dụng: Lợi tiểu, chữa phù, bí tiểu tiện, tiểu tiện ra máu, sỏi thận, ho lâu ngày, viêm phế quản, đau mắt đỏ.

Cách dùng: Tốt nhất là lá tươi rửa sạch, giã nát, thêm nước vắt lấy nước cốt. Liều cho 1 lần là 100 g. Ngày 2 lần. Hoặc nấu uống.

Cây râu mèo

8. RÂU MÈO (Orthosiphon aristatus (Blume) Mig.)

Bộ phận dùng: Toàn cây bỏ rễ, dùng tươi hoặc khô.

Thành phần hóa học: Toàn cây chứa glucozid đắng orthosiphonin- saponin, alcaloid, tinh dầu, tanin, flavonoid, cholin, betain, alcol triterpen, các acid hữu cơ: acid tartric, citric, glycolic, muối vô cơ kali.

Công dụng: Thuốc lợi tiểu, chữa sỏi thận, phù, sốt phát ban, cúm, thấp khớp, viêm gan, vàng da, sỏi túi mật.

Cách dùng: Tốt nhất là dùng tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước sạch, vắt lấy nước cốt. Liều cho 1 lần là 100 g, ngày 2 lần. Nếu dùng lá khô thì chỉ được hãm nước sôi chứ không được nấu vì sẽ mất hoạt chất. Ngày 50 g lá khô cho vào 2 lít nước sôi. Uống cả ngày.

9. BÍ ĐAO (Benincasa hispida (Thun) cogno)

Bộ phận dùng: Toàn trái bí đao còn tươi.

Thành phần hóa học: Là loại rau bổ dưỡng, chứa nhiều vitamin B và C.

Công dụng: Bí đao được dùng tiêu phù, thông tiểu, giải khát, mát tim, trừ phiền nhiệt, tiêu sưng, tiêu mụn nhọt. Vỏ quả dùng chữa đái rắt do bàng quang nhiệt hoặc đái ra chất nhầy. Hạt bí đao thường dùng chữa ho, giải độc.

Cách dùng: Dùng 500 g bí đao tươi cả vỏ, hạt. Nấu với 2 lít nước, sôi 15 phút. Uống cả ngày.

10. THUỐC GIÒI (Pouzalzia zeylanica (L.) Benn.)

Bộ phận dùng: Còn gọi là bọ mắm, dùng toàn cây tươi rửa sạch.

Cây thuốc giòi

Công dụng: Thường dùng trị cảm ho hoặc ho lâu ngày, viêm họng, lỵ, viêm ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu, bí tiểu tiện.

Cách dùng: Mỗi ngày dùng 200 g lá tươi rửa sạch, giã nát, thêm 300 ml nước sạch, vắt lấy nước cốt và thêm 1 muỗng canh mật ong. Chia làm 3 lần uống trong ngày. Hoặc nấu nước uống.

11. HOA CÚC (Chrysanthemum indicum L.)

Bộ phận dùng: Trong hoa có glucozid chrysanthemin, thủy phân cho glucoza và cyanidin; stachydrin, tinh dầu, vitamin A.

Công dụng: Chữa chứng hoa mắt, chóng mặt, sốt, nhức đầu, đau mắt đỏ, chảy nước mắt, mắt khô, mắt mờ, tăng huyết áp, mụn nhọt, sưng tấy. Dùng lâu đẹp tươi nhan sắc.

Cách dùng: Dùng 20 g hoa cúc khô (100 g tươi) nấu với 2 lít nước, sôi 15 phút. Uống cả ngày.

12. LƯỜI ƯƠI (Sterculia Lychnophora Hance.)

Bộ phận dùng: Hạt khô.

Hạt lười ươi

Thành phần hóa học: Hạt lười ươi gồm hai phần:

- Phần nhân chiếm 35%, có chất béo, tinh bột và chất đắng.

- Phần vỏ chiếm 65%, có ít chất béo, nhiều nhất là bassorin, chất nhầy và tanin. Phần đường trong hạt chủ yếu là galactoza, pentoza và arabinoza.

Công dụng: Thanh nhiệt, lợi cổ họng, giải độc, thường dùng chữa ho khan, cổ họng sưng đau, nôn ra máu, chảy máu cam.

Hiện nay công dụng chủ yếu của lười ươi là mát và nhuận.

Cách dùng: Ngày dùng 5 hạt cho vào 1 lít nước nóng, chờ 10 phút cho hạt nở ra, quậy đều ta có một thứ nước sền sệt như thạch, thêm đường hoặc mật ong vào cho đủ ngọt, chia uống nhiều lần trong ngày.

13. XƯƠNG SÂM (Cyclea barbata (Wall.) Miers) xương sâm còn có tên khác: Sâm long, dây sâm, sâm nam leo, lá mối

Bộ phận dùng: Lá tươi vò làm thạch sâm.

Công dụng: Lá có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt, nhuận trường nhẹ.

Cách dùng: Lấy 100 g lá xương xâm tươi già, bỏ lá úa, lá sâu. Rửa sạch, cần nhẹ tay tránh làm rách lá, dùng một cái rây lớn đặt vào một thau sạch có sẵn 1 lít nước đun sôi để nguội. Bỏ lá xương sâm vào rây vò mạnh cho nát lá từ 15 - 20 phút, lọc nhanh, bỏ bã. Vớt hết bọt nổi lên trên mặt rồi để yên cho đông lại thành thạch sâm. Khi ăn thì thái nhỏ, trộn đường.

Chủ trị: Đái vàng, đái rắt, nóng ruột, sôi bụng.

14. XƯƠNG SÁO (Mesona Chinensis Benth.)

Bộ phận dùng: Toàn cây bỏ rễ phơi khô - Thạch xương sáo.

Công dụng:

- Thạch ăn cho mát.

- Toàn cây khô: Chữa cảm mạo, viêm khớp cấp, viêm thận, tăng huyết áp, tiểu đường.

Cách dùng: Thân lá xương sáo khô xay thành bột, đổ nước ngập dược liệu nấu kỹ, lọc lấy nước, thêm ít bột gạo vào quậy đều nấu cho sôi lại, để nguội được một thứ keo đặc nhưng mềm gọi là xương sáo. Khi ăn người ta thái nhỏ thạch đen và cho thêm đường.

- Dùng 50 g lá khô xương sáo nấu với 1 lít nước, sôi 15 phút. Uống cả ngày.

15. THẢO QUYẾT MINH (Cassia Tora L.)

Bộ phận dùng: Hạt già.

Thành phần hóa học: Cả cây chứa anthraglucozid, thủy phân cho emodin và glucoza. Ngoài ra có rhein, chrysophanol. Dầu hạt gồm acid oleic, linolic, palmitic, lignoceric và sitosterol.

Công dụng:

- Hạt dùng sống: Nhuận trường.

- Hạt sao vàng sậm: Chữa mất ngủ, nhức đầu, ho, tăng huyết áp, mắt đỏ, mờ mắt, đau mắt. Chảy nước mắt, táo bón, tiểu ít.

Cách dùng: Dùng 20 g hạt nấu với 1 lít nước, sôi 30 phút. Uống cả ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước mát thông dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO