Nước mát giải khát mùa nóng

04/05/2006 04:27

Nước mát từ thuốc thang cổ truyền, đến nay phát triển thành dạng hòa tan, dạng túi lọc, trà thành phẩm… vừa mở rộng con đường đưa thuốc vào cơ thể, vừa thích hợp nhu cầu của thời đại công nghiệp hóa.

Nước mát là gì?

Ngày xưa, nước mát - hiểu đúng nghĩa là thuốc thang được tạo thành từ những dược liệu mang tính hàn lương (mát lạnh), có những tác dụng thanh nhiệt giải độc, tư âm giáng hỏa…, dùng để điều trị các chứng thực nhiệt (sốt cao, khát nước, táo bón, tiểu vàng…) và nhiệt (sốt nóng do cơ thể hư lao, đề kháng kém…). Bà con thường quen gọi là “nước sâm”. Nước nấu “Hạ khô thảo + lá dâu + cúc hoa”; hay “Rễ cỏ tranh + mía lau”… thường gọi là nước mát.

Nước mát với dược liệu nhiều hay ít, sức thuốc nhẹ hay mạnh đều mang tính mát, thích hợp cho người “bị nóng”. Người suy nhược cơ thể, thể chất hàn, sợ lạnh cần dùng thận trọng hoặc không dùng.

Nước mát từ thuốc thang cổ truyền, đến nay phát triển thành dạng hòa tan, dạng túi lọc, trà thành phẩm… vừa mở rộng con đường đưa thuốc vào cơ thể, vừa thích hợp nhu cầu của thời đại công nghiệp hóa.

Nghiên cứu dược lý và y học hiện đại cho thấy, những dược liệu sử dụng trong nước mát phần nhiều có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, giải nhiệt, chống virus, điều tiết chức năng miễn dịch của cơ thể… Các nhà y học Trung Quốc ứng dụng nước mát rộng rãi trên các bệnh lây nhiễm, bệnh thuộc hệ miễn dịch, bệnh tim, tuần hoàn và cả điều trị các khối u trong y học hiện đại…

Ngày nay, với sự đa dạng hóa trong ẩm thực, người ta cũng chế biến ra những món nước giải khát hay sinh tố với vật liệu là rau, quả, củ và hạt, có tác dụng “làm mát” như nước mát vậy.

Tại sao ta phải uống nước mát?

Về điều kiện khí hậu, nước ta nằm trong vùng nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm, nhiều người thường phát bệnh thấp nhiệt. Về thói quen ăn uống, ta thích ăn đồ cay, nóng, béo, ngọt, hải đặc sản… Về phương pháp nấu nướng thường là chiên, xào, ram, nướng, quay…, có cả các gia vị cay nóng như gừng, tỏi, ớt, tiêu, hồi hương…, từ đó, chúng ta thường mắc các bệnh nóng, táo, thấp nhiệt. Cho nên, uống nước mát là thói quen phổ biến trong dân gian.

Cái nóng từ đâu ra?

Kim ngân hoa

Y học cổ truyền cho rằng: “Nóng từ bên ngoài, hỏa sinh từ bên trong”. Nhiệt xâm nhập cơ thể khi làm việc, sinh hoạt trong môi trường nóng, bên cạnh việc ăn uống quá nhiều đồ cay nóng hay đồ bổ… làm cho các tạng phủ trong cơ thể mất đi cân bằng, tiêu hao âm dịch (thể dịch), nước không ức chế được hỏa, hỏa khí bốc lên.

Những ai thích hợp uống nước mát?

Uống nước mát đúng cách được quyết định bởi thể chất của từng cá nhân. Thể chất có sự khác biệt giữa khỏe và yếu, nóng và lạnh. Với đặc tính của thân thể khác nhau, thì chức năng tạng phủ, khí huyết thịnh suy và những đặc trưng của bệnh lý cũng khác nhau, dưới đây là những đặc điểm cần lưu ý:

Người bình thường: Là người có cơ năng sinh lý điều hòa, thân thể cường tráng, mập ốm vừa phải, sắc mặt, sắc da có thể khác nhau như hơi đỏ, trắng hay đen, nhưng phải sáng bóng, mắt sáng có thần, chức năng tiêu hóa bình thường, tinh lực tràn đầy, ngủ yên giấc ít mơ, tính cách cởi mở hòa đồng, đại tiểu tiện thông. Người thể chất bình thường do chức năng điều tiết bản thân và sức đề kháng với ngoại giới mạnh, nên ít sinh bệnh; hoặc mắc bệnh cũng hồi phục nhanh. Do vậy, người thể chất bình thường nếu bị chứng nóng, nên dùng nhiều nước mát để cơ thể lấy lại sự quân bình âm dương.

Mã đề

Người nóng: Là người có thể chất dương thịnh âm suy (lệch nhiều về phần dương), dáng vóc hơi gầy, mặt má ửng đỏ, miệng táo họng khô, mất ngủ, tâm phiền dễ cáu, ù tai, thường ngày vốn thích uống lạnh, đại tiện dễ khô, tiểu vàng ngắn, lưỡi đỏ rêu ít. Nếu bị cảm dễ hao thể dịch, nhiệt đọng bên trong, gây bứt rứt, sốt hâm hấp, ra mồ hôi trộm… Thể chất này phù hợp uống nước mát, nhưng khi thanh nhiệt đồng thời lưu ý điều bổ phần âm (để cân bằng thể dịch).

Người lạnh: Là người có thể chất âm thịnh dương suy (lệch nhiều về phần âm), mặt trắng không sáng, tay chân lạnh và mệt mỏi yếu sức, thở ngắn lười nói, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp hay quên, uể oải, cử động tuôn mồ hôi, không chịu lạnh nóng, dễ mắc cảm, ăn ít, không làm việc bền, kinh nguyệt lượng ít (nữ), đại tiện không thành khuôn, tiểu trong dài, lưỡi dầy hay bệu. Do sức đề kháng yếu, nên người lạnh dễ mắc bệnh, bệnh thường lâu lành. Người có thể chất này nên thận trọng khi uống nước mát.

Người béo phì: Là người mập, thể chất thuộc “tỳ hư đàm thấp” (rối loạn chức năng tiêu hóa hấp thu, người nặng nề…), Y học cổ truyền cho rằng thấp tà dễ diễn biến ra lạnh, cũng dễ hóa nóng. Thường gặp ở người béo mập, mình mẩy nặng nề, miệng khô không thích uống, đại tiện nhão, rêu lưỡi dày nhầy. Khi mắc bệnh thường thấy ngực sườn đầy tức, ăn vào không tiêu, chóng mặt buồn nôn, tay chân nặng đau, chất thải (đại, tiểu tiện) và chất bài tiết (đàm, huyết trắng…) đục và dầm dề, bệnh thường lâu lành.

Người mập thường có hai tình huống xảy ra: Nếu cảm phải nhiệt tà hay thấp tà hóa hỏa phần nhiều biểu hiện ra chứng thấp nhiệt (nóng), thích hợp dùng loại nước mát thanh thấp nhiệt; nếu cảm phải hàn tà hay hàn thấp phần nhiều biểu hiện ra chứng hàn (lạnh), phải dùng nước ấm tán hàn, thận trọng hay không dùng được nước mát.

Phân biệt chứng hàn và chứng nhiệt như thế nào?

Cây sò huyết

Nước mát chỉ thích hợp dùng cho người bệnh nhiệt. Nếu như chứng nhiệt (nóng) dùng thuốc nóng, chẳng khác nào “châm dầu vào lửa”; chứng hàn (lạnh) dùng thuốc mát thì chẳng khác nào “thêm nước đá vào nước lạnh”, bệnh tất sẽ nặng thêm! Làm thế nào phân biệt chứng nhiệt và hàn?

- Chứng nhiệt: Do cảm nhiệt tà, hay bên trong cơ thể âm hư dương kháng mà gây ra bệnh, biểu hiện là ghét nóng thích lạnh, miệng khát thích uống lạnh, mặt đỏ mắt đỏ, bứt rứt bất ổn, đàm vàng đặc, hay chảy máu cam, tiểu ngắn, đại tiện khô kết, lưỡi đỏ, rêu vàng. Vì thuộc bệnh nhiệt, việc điều trị cần dùng thảo dược thanh nhiệt giáng hỏa.

- Chứng hàn: Do cảm hàn tà, hay bên trong cơ thể dương thịnh âm suy mà gây ra bệnh, biểu hiện là ghét lạnh thích nóng, miệng nhạt không khát, sắc mặt trắng nhạt, tay chân lạnh, mệt mỏi, đàm trong loãng, tiểu trong dài, đại tiện lỏng, lưỡi bệu, rêu trắng. Vì thuộc bệnh hàn, việc điều trị cần dùng thảo dược ôn ấm tán hàn.

Chọn dùng nước mát cho từng cá nhân như thế nào?

Dùng nước mát ra sao, tùy người khác nhau. Bởi vì tuổi tác, giới tính, bệnh trạng và nghề nghiệp khác nhau của từng cá nhân, thường sẽ ảnh hưởng đến sự phát sinh, diễn biến và quá trình hồi phục sức khỏe về sau cũng khác nhau. Do vậy, chọn dùng nước mát nên căn cứ thể chất của từng người.

Tuổi tác: Trẻ con cơ thể non nớt, khí huyết chưa sung, dễ nóng dễ lạnh, một khi mắc bệnh, diễn biến thường khó lường. Vì thế, trẻ con chọn dùng nước mát thật đơn giản. Thường trẻ dưới 3 tuổi dùng 1/4 liều người lớn, trẻ dưới 6 tuổi dùng 1/3 liều người lớn, trẻ trên 6 tuổi dùng 1/2 liều người lớn. Người cao tuổi khí huyết suy dần, sức chịu thuốc hơi yếu, chọn dùng nước mát nên tránh loại mạnh, liều dùng thì ít hơn so với người trẻ khỏe, ngưng ngay khi lành bệnh, để tránh gây tổn thương chính khí.

Giới tính: Liều dùng nước mát cho nam nữ khác biệt không lớn. Tuy nhiên, phụ nữ trong thời gian hành kinh, liều dùng không quá nhiều, quá mạnh, thời kỳ mang thai, sau khi sanh cần dùng nước mát thận trọng. Nam giới khi dùng nước mát thanh nhiệt, cần lưu ý “bổ thận dưỡng tinh” (không mất tinh lực), nữ giới khi thanh nhiệt cũng chú tâm để “dưỡng can” (không gây mất máu).

Chè vằng

Thể chất: Người khỏe mạnh dùng liều nhiều, người suy yếu nên dùng liều ít. Thể chất nóng chọn dùng nước mát mạnh và nhiều, thể chất lạnh nên dùng nước mát thận trọng hoặc không dùng.

Bệnh sử: Người mới bệnh, bệnh không lâu, sức lực tổn thương ít, nóng đang mạnh (tà thịnh), liều dùng có thể hơi nhiều. Bệnh đã lâu, sức lực suy giảm, liều dùng nên ít.

Tình trạng bệnh: Người bệnh cấp tính, bệnh nặng liều dùng nên nhiều; người bệnh mạn tính, bệnh nhẹ, liều dùng nên ít.

Nghề nghiệp: Người lao động trí óc, chọn dùng loại nước mát có sức thuốc nhẹ, người lao động tay chân nên dùng nước mát sức có thuốc nặng hơn một ít.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước mát giải khát mùa nóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO