Nông nghiệp thông minh và thương mại điện tử

Anh Thư| 25/10/2018 21:08

KHPTO - Theo TS. Đoàn Duy Khương, phó chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, trong một thế giới và khu vực thay đổi, bên cạnh những thách thức, có rất nhiều cơ hội to lớn cho nông nghiệp Việt Nam.

Với việc xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp cùng với áp dụng công nghệ cao, công nghệ bán hàng qua mạng và thương mại điện tử sẽ tạo giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị của sản phẩm, sẽ góp phần phát triển một nền nông nghiệp thông minh của quốc gia và thực hiện tốt chiến lược của Chính phủ trong thời đại hội nhập kinh tế và khoa học công nghệ 4.0.

Nông nghiệp thông minh

Nông nghiệp thông minh là nông nghiệp có hiệu quả và mang tính bền vững. Nông nghiệp công nghệ cao là nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Trong thời đại công nghệ ngày nay, một nền nông nghiệp thông minh chắc chắn sẽ phải sừ dụng công nghệ cao tác động vào các phân khúc của chuỗi giá trị sản phẩm để tạo ra nhiều giá trị gia tăng.

Một ví dụ về việc sử dụng công nghệ cao tiêu chuẩn và định vị toàn cầu để quản lý thời gian, chất lượng sản phẩm trong quá trình từ nông trường đến người sử dụng cuối cùng được đề xuất trong hội nghị kinh doanh khu vực châu Á –  Thái Bình Dương.

TS. Đoàn Duy Khương cho rằng, công nghệ ngày nay cũng đang marketing cho ngành nông nghiệp mạnh mẽ qua việc sử dụng thương mại điện tử. Nhìn sang quốc gia đang trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, có thể thấy nền nông nghiệp của Trung Quốc phát triển nhanh là nhờ công nghệ cao và thương mại điện tử được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nông nghiệp của nước này.

Trong những năm qua, nông nghiệp nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản thứ hai ASEAN với 10 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có giá trị kim ngạch trên 3 tỷ USD. Năm 2017 tổng kim ngạch 36,5 tỷ USD. Năm 2018 đặt mục tiêu 40,4 tỷ USD. Hiện nay, đã có gần 50 ngàn doanh nghiệp đẩu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Mặc dù còn nhiều hạn chế như tỷ lệ nhỏ ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc tể (chỉ có gần 5% số doanh nghiệp nông lâm thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương), nhưng với sự thay đổi tích cực của khu vực và thế giới, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, đưa Việt Nam lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản. Theo chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam, trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đẩu thế giới. Nông nghiệp Việt Nam sẽ là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới và là một trung tâm logistics của nông sản toàn cầu.

Có 2 loại thương mại điện tử cơ bản cho người nông dân

Để xây dựng nền nông nghiệp thông minh cho Việt Nam, có rất nhiều công việc cần phải đầu tư và phát triển. Sự phát triển mạng internet và các công nghệ IoT, sẽ giúp cho nhà nông tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp ở phân khúc E thông qua thương mại điện tử. Theo TS. Đoàn Duy Khương, có 2 loại thương mại điện tử cơ bản cho người nông dân: B2C và B2B.

B2C (doanh nghiệp - người tiêu dùng): người nông dân sử dụng mạng bán hàng qua nhiều hình thức xúc tiến bán hàng bằng cách tạo ra, quảng bá website, thiết kế đơn đặt hàng, đưa bản chào hàng, trao đổi thông tin qua mạng, kết nối với hệ thống điện tử của khách hàng... tuy nhiên, trong đa số trường hợp đối với người nông dân duy trì và vận hành bán sản phẩm qua mạng quá tốn kém thời gian và tiền bạc. Trong trường hợp này có thể sừ dụng các shop, cửa hàng điện tử trung gian và trả tiền hoa hồng.

Quá trình sử dụng shop điện tử gồm các bước: ký kết và thiết kế pháp danh nông trường, thông tin trữ lượng hàng với thời gian có hàng, cửa hàng điện tử xúc tiến quảng bá để có truy cập nhiều, người tiêu dùng đặt hàng, đưa thông tin thẻ tín dụng, trong trường hợp đơn đặt hàng được người nông dân chấp nhận, cửa hàng thu tiền qua thẻ tín dụng và thông báo cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng nhận hàng. Khi người tiêu dùng nhận được hàng thì cửa hàng trả tiền cho người nông dân.

B2B (doanh nghiệp - doanh nghiệp): B2B là hình thức kinh doanh được thực hiện giữa các doanh nghiệp và các tổ chức khác nhau. B2B có thể giao dịch không cần có sự môi giới truyền thống. Tuy nhiên, B2B thường sử dụng loại môi giới điện tử được tạo nên bởi bên thứ 3 gọi là sàn giao dịch điện tử, để đáp ứng nhanh sự thay đổi của giá sản phẩm nông nghiệp. Giá trong quá trình bán hàng có thể thay đổi theo từng giây. Trong quá trình biến động giá, doanh nghiệp đặt giá mua hàng. Hệ thống đấu thầu khởi động, vận hành. Người mua và người bán có thể quan sát quá trình đấu thầu. Cuộc mua bán được hoàn tất khi giá mua và giá bán khớp nhau. Giá được xác định qua sàn giao dịch bằng 2 cách: đấu thầu và bảng chào giá. Bên mua và bên bán đăng ký qua website để tham gia vào sàn giao dịch.

Bán hàng qua mạng có thể tiết kiệm được thời gian, giảm giá thành. Đặc biệt, bán hàng qua mạng, người tiêu dùng được kết nối thông tin về quá trình sản xuất ở nông trường và theo dõi được doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn ATVSTP. Mặt khác, doanh nghiệp cũng kết nối, giao tiếp trực tiếp với khách hàng và qua đó nắm bắt được thị trường.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp thông minh và thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO