Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh hướng tới giống cây trồng chất lượng cao

PHƯƠNG DUY| 02/07/2019 07:26

KHPTO - Theo Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, chương trình giống cây trồng chất lượng cao đã giúp cải thiện chất lượng giống, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nên ngành nông nghiệp chú trọng công tác giống cây trồng. UBND TP.HCM đề ra mục tiêu phát triển giống cây trồng giai đoạn 2019 - 2020.

Đối với giống cây trồng chủ yếu, sản xuất được 16.800 tấn (đáp ứng khoảng 1.200.000 ha gieo trồng của thành phố và các tỉnh) và khoảng 30,2 triệu cây giống (chủ yếu là cây lan cấy mô và cây lâm nghiệp). Phấn đấu nghiên cứu, lai tạo và đưa vào sản xuất 5 - 10 giống cây trồng mới, bao gồm 2 - 3 giống hoa lan, 4 - 5 giống rau các loại, 1 - 2 giống hoa nền.

Cây trồng chủ lực trên địa bàn thành phố là hoa lan, cây kiểng, rau nên thời gian qua ngành nông nghiệp thành phố đưa vào ứng dụng nhiều giống rau mới và giống hoa lan vào sản xuất, đồng thời cung cấp cây giống chất lượng cao, đa dạng chủng loại cho thành phố và nhiều tỉnh trong cả nước, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả. Các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại phục vụ cho công tác nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao giống mới vào sản xuất. Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật làm công tác giống tại các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước yêu nghề, có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cùng với sự hỗ trợ của các trường đại học, viện nghiên cứu.

Nâng cao tỷ lệ sử dụng giống mới, giống tiến bộ kỹ thuật, giống xác nhận 80 - 90%. Năng suất cây trồng các loại tăng trên 10 - 15%. Giống rau, tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo và cung ứng giống rau mới có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh và phù hợp với thị trường. Hàng năm, chuyển giao 4 - 5 giống rau mới chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị của thành phố. Phục tráng các giống rau địa phương đặc sản có giá trị cao.

Giống hoa, cây kiểng, tập trung phát triển giống hoa lan Dendrobium và Mokara. Tiếp tục nhập nội, thuần hóa, đưa vào sản xuất hàng năm trung bình 2 - 3 giống hoa lan mới, 2 - 3 giống hoa nền mới phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đồng thời phù hợp cho phát triển đô thị. Sản xuất giống lan tại chỗ cung ứng 50 - 80% nhu cầu phát triển diện tích hoa lan của thành phố. Tiếp tục sưu tập, bảo tồn 5 - 10 giống lan/năm (trong đó: lan bản địa 30 - 40%; nhập nội 60 - 70%), giống hoa địa phương để làm nguyên liệu cho công tác chọn tạo giống.

Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM đã tiến hành nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ nhân giống hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô. Bộ sưu tập giống hoa lan hiện có của trung tâm được xem là một trong những bộ sưu tập lớn nhất về giống lan của khu vực phía Nam với 350 giống hoa lan các loại, trong đó có 136 giống lan rừng Việt Nam.

Thành phố tăng cường công tác khuyến nông ứng dụng giống mới, chuyển giao kỹ thuật và xúc tiến thương mại về giống. Tổ chức đồng bộ và hiệu quả hệ thống sản xuất - cung ứng giống để chuyển giao giống mới đến nông dân nhanh chóng, kịp thời với giá cả hợp lý. Gắn kết giữa cơ quan kiểm định giống với các doanh nghiệp sản xuất giống, đa dạng hóa công tác thử nghiệm, chuyển giao giống mới.

nhan_giong_lan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh hướng tới giống cây trồng chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO