Nông dân “choáng” trước sự biến động của giá tôm

THÀNH CÔNG| 14/07/2014 10:31

Hai tháng qua, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng biến động mạnh và bất ngờ theo hướng trái chiều nhau với mức chênh lệch 30 - 80 ngàn đồng/kg. Sự tăng giảm với biên độ dao động quá lớn khiến nông dân nuôi tôm lâm vào cảnh “kẻ khóc, người cười”, bởi có nông dân tưởng đâu trúng giá, lời to lại bị “mất của”, còn người chuẩn bị tâm lý phải chịu cảnh lỗ lã lại “trúng mánh”.

Giá tôm biến động mạnh

Ông Nguyễn Văn Năm, nông dân nuôi tôm sú ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cho biết, trong tháng 5 vừa rồi, giá tôm sú nguyên liệu loại 40 con/kg được thương lái thu mua với giá 250 - 280 ngàn đồng/kg, còn tôm sú loại 30 con/kg có giá 280 - 300 ngàn đồng/kg; tính ra giá tôm sú trong tháng 5 đã tăng 50 ngàn đồng/kg so với tháng 4. Với giá tôm sú thời điểm này, nếu có tôm thu hoạch, nông dân lời trên 600 triệu đồng/ha với năng suất bình quân 5 tấn/ha (tính diện tích mặt nước ao nuôi) do giá thành sản xuất tôm chỉ khoảng 120 ngàn đồng/kg.

Tuy nhiên, bước vào giữa tháng 6, giá tôm sú bất ngờ giảm tới 100 ngàn đồng/kg, rồi tăng trở lại khoảng 20 - 30 ngàn đồng/kg ngay trong tuần sau đó và duy trì ổn định cho đến nay. Hiện nay, giá tôm sú loại 40 con/kg được thương lái thu mua với giá 190 - 200 ngàn đồng/kg, còn tôm sú loại 30 con/kg có giá 230 - 250 ngàn đồng/kg. Như vậy, thu hoạch tôm lúc này lợi nhuận của bà con nuôi tôm đã giảm gần 300 triệu đồng/ha so với thời điểm thu hoạch trong tháng 5.

Trái lại với tâm trạng của nông dân nuôi tôm sú, nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng đang chuyển từ tâm trạng buồn sang vui mừng do giá tôm thẻ đã liên tục tăng trong 3 tuần đầu tiên của tháng 6 với tổng mức tăng khoảng 30.000 đồng/kg. Cuối tháng 5 vừa qua, ông Lê Thanh Phong, nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cứ lắc đầu nhìn những ao tôm của mình do giá tôm thời điểm đó chỉ nằm ở mức 70 - 73 ngàn đồng/kg, bằng giá thành sản xuất trong điều kiện tôm nuôi phát triển thuận lợi, không bị dịch bệnh. Còn nếu tôm chậm lớn hay bị dịch bệnh thì coi như bị lỗ nặng.

Gần 1 tháng nay, ông Phong trở nên phấn khởi hơn rất nhiều do giá tôm đã tăng vọt lên mức từ 100 - 105 ngàn đồng/kg đối với tôm loại 100 con/kg, còn tôm thẻ loại 60 con/kg có giá 120 - 125 ngàn đồng/kg. Chỉ vào những ao tôm với vẻ mặt rạng rỡ, ông Phong nói: “Lúc trước tôi tưởng đâu những ao tôm này cao lắm chỉ lãi vài chục triệu đồng, chứ giá tôm hiện nay là lãi khá rồi. Hiện nay, mỗi kg tôm lãi khoảng 30 ngàn đồng thì với năng suất tôm bình quân 10 tấn/ha có thể đạt lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha”.

Với diễn biến giá tôm thời gian qua, thậm chí bà con nông dân nuôi tôm chỉ cần thu hoạch tôm sớm hay muộn vài ngày là mỗi hecta mặt nước ao nuôi tôm có thể mất hay lãi thêm vài chục triệu đồng. Ông Lê Văn Bình, nông dân nuôi tôm ở xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) cho biết: “Vừa qua ao tôm thẻ chân trắng của gia đình tôi có dấu hiệu bệnh phải thu hoạch sớm nên tôm bán thời điểm này chỉ có giá 85 ngàn đồng/kg đối với tôm loại 100 con/kg. Nếu tôm phát triển suôn sẻ, chỉ cần kéo dài thời gian nuôi thêm 1 tuần nữa thì có thể tôi sẽ bán được với giá trên 100 ngàn đồng/kg”.

EMS làm giảm sản lượng tôm nuôi

Bước vào đầu năm 2014, hội chứng tôm chết sớm (EMS) trên tôm toàn cầu được các chuyên gia dự báo sẽ được kiểm soát tốt, sản lượng tôm thế giới sẽ dần phục hồi và giá tôm sẽ giảm nhiệt. Tuy nhiên, bước vào quý II/2014, EMS vẫn tiếp tục hoành hành tại một số nước sản xuất tôm thẻ chân trắng lớn trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan... dẫn đến sản lượng tôm thẻ chân trắng thế giới chưa phục hồi nên giá loại tôm này có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đầu năm 2014, EMS chỉ xuất hiện ở phía đông và tây nam Quảng Đông và các tỉnh Quảng Tây, đến nay EMS đang lan rộng tại khu vực Sông Châu và Trạm Giang, còn các trại nuôi tôm ở miền bắc Trung Quốc đã phải ngừng thả nuôi. Tại Thái Lan, EMS cũng đang ảnh hưởng lớn đến vùng nuôi tôm nước lợ của quốc gia này. Theo ước tính, sản lượng tôm quý I/2014 của Thái Lan chỉ đạt 30.000 tấn so với 100.000 tấn của cùng kỳ các năm trước. Còn trong quý II/2014, diện tích thả nuôi tôm của Thái Lan có thể sẽ giảm do nhiệt độ thấp và tỷ lệ tôm chết cao. 

Mặt khác, theo Sở NN và PTNT các tỉnh ĐBSCL, những tháng đầu năm 2014, giá tôm chân trắng liên tục giảm, nuôi tôm thẻ chân trắng lãi thấp trong khi tôm sú vẫn duy trì ở mức cao và tiêu thụ mạnh nên nhiều nông dân chuyển sang nuôi tôm sú. Tuy nhiên, do thời gian nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh phải trên 4 tháng mới cho thu hoạch nên sản lượng tôm sú trên thị trường những tháng đầu năm thấp, dẫn đến giá tôm sú tăng mạnh. Hơn 1 tháng qua, sản lượng tôm sú thu hoạch tăng dần nên giá loại tôm này đã trở về mức bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân “choáng” trước sự biến động của giá tôm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO