Nơi trao đổi học thuật, tiếp thu ý kiến đóng góp và chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học

Anh Thư| 14/10/2018 10:29

KHPTO - Ngày 12/10, Trường đại học sư phạm TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học cho học viên cao học và nghiên cứu sinh năm học 2018 – 2019. Hội thảo nhằm tạo điều kiện cho các học viên cao học, nghiên cứu sinh trình bày các kết quả nghiên cứu để cùng trao đổi học thuật, tiếp thu những ý kiến đóng góp cũng như chia sẻ những kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học; qua đó phản ánh chất lượng đào tạo của nhà trường cũng như nâng cao kết quả nghiên cứu khoa học và kết quả học tập của học viên.

Năm nay, các nghiên cứu khoa học được công bố tại hội thảo đã đi sâu vào nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch và giáo dục.

Nghiên cứu phát triển du lịch

Nghiên cứu đánh giá tìm năng phát triển du lịch nông nghiệp của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, tác giả Đỗ Thị Thùy Trang nhận thấy, địa hình Đà Lạt rất thuận lợi cho chăn nuôi, trồng rau, hoa, củ, quả, trồng cây công nghiệp,... phù hợp phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, nhất là du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó, Đà Lạt còn có nhiều cảnh quan tự nhiên đẹp như: núi rừng, sông, hồ, nương rẫy,.. rất phù hợp với nền nông nghiệp truyền thống, và cũng là điều kiện để tạo sản phẩm du lịch nông nghiệp rất tốt. Đây cũng được coi là một "khu thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao", thân thiện với môi trường và thiên nhiên.

Tác giả cho biết, thiên nhiên Đà Lạt đã ­ưu đãi cho người dân nơi đây đã tạo điều kiện để cho vùng đất này có thể nuôi trồng được những sản vật đặc biệt khác với địa phương khác như: a ti sô, dâu tây , . . . Ở Đà Lạt cũng còn lưu giữ rất nhiều làng nghề gắn liền với truyền thống nông nghiệp như: làng hoa Vạn Thành, làng trồng rau Trại Mát, làng chè Cầu Đất,... ngày càng được du khách quan tâm và đến tham quan hơn. Nơi đây, còn ghi dấu lại rất nhiều truyền thống văn hóa độc đáo của các dân tộc Tày, Nùng, Chăm,... giàu tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp gắn liền với nhiều di tích lịch sử văn hóa cần được giữ gìn và phát huy. Ngoài ra, nơi đây có nhiều thế mạnh để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng rau và hoa. Việc ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất không những nâng cao chất lượng đầu ra cho sản phẩm mà còn thu hút được nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Cũng trong lĩnh vực du lịch, tác giả Trần Thị Hồng Yến đã nghiên cứu tìm giải pháp phát triển loại hình do lịch sông nước ở thành phố Cần Thơ. Kết quả cho thấy, do được thiên nhiên ­ưu đãi, Cần Thơ có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy không có biển nhưng Cần Thơ lại có nhiều sông lớn cùng một hệ thống kênh rạch dày đặc, biến nơi đây thêm trù phú về cảnh sắc, thiên nhiên mát mẻ, hài hòa nên thơ của miền sông nước. Đây là lợi thế đặc biệt cho Cần Thơ xác định loại hình du lịch đặc thù là du lịch sông nước. Phát triển sản phẩm du lịch sông nước như trải nghiệm các giá trị văn hóa chợ nổi, tham quan các điểm cồn, cù lao đang thu hút nhiều du khách cả quốc tế và nội địa.

Tuy nhiên, du lịch sông nước vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đa dạng, các phương tiện tàu, thuyền phục vụ du khách trên sông vẫn chưa hiện đại. Vì vậy cần nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng một số sản phẩm để làm phong phú thêm hình ảnh du lịch sông nước Cần Thơ, đồng thời xây dựng tuyến du lịch liên tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long là giải pháp tất yếu để xây dựng thương hiệu du lịch sông nước Cần Thơ.

Theo khảo sát thực tế của tác giả về vấn đề môi trường trên sông và ven sông, kết quả ghi nhận có trường hợp ô nhiễm chiếm tới 57%. Vì vậy, cần xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thu gom rác nhằm bảo vệ môi trường. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch sông nước, đảm bảo phát triển du lịch bền vững. Ngoài ra, khi ngồi trên tàu, thuyền chắc chắn nhiều du khách không tránh khỏi sự lo sợ, đặc biệt những người không biết bơi, người già và trẻ em. Vì vậy, cần hướng dẫn du khách cách di chuyển trên tàu, thuyền, trang bị áo phao, các phương tiện cứu hộ, vật dụng y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch văn hóa dân tộc Raglai ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, tác giả Lê Ngọc Lâm cho rằng, cộng đồng người Raglai ở huyện Bác Ái đang lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống rất đa dạng, phong phú, đặc sắc rất có giá trị. Sự độc đáo trong bản sắc văn hóa dân tộc Raglai là thế mạnh trong khai thác du lịch văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Các ngành chức năng có liên quan cần có các chương trình, kế hoạch nghiên cứu các đề tài cụ thể về văn hóa dân tộc Raglai để bảo tồn giá trị văn hóa Raglai nói chung và ở huyện Bác Ái nói riêng; hỗ trợ kinh phí cho việc xây dựng, tu sửa Nhà truyền thống Raglai ở Bác Ái; duy trì và khôi phục các lễ hội truyền thống Raglai, vận động bà con Raglai phục chế và di trì các nhà sàn truyền thống; tiếp tục duy trì tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa vùng đồng bào Raglai, khuyến khích người dân sử dụng nhạc cụ truyền thống, hát những bài hát dân ca, hát ru, sử dụng trang phục truyền thống trong các lễ hội, các buổi sinh hoạt văn hóa…

Tác giả cho rằng, cần khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa Raglai ở huyện Bác ái để phát triển những sản phẩm đặc thù (âm nhạc dân gian Raglai, lễ hội bỏ mả, ẩm thực Raglai, . . .), có tính cạnh tranh cao, thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó là xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch văn hóa Raglai ở huyện Bác Ái. Liên kết để hình thành các tuyến, điểm đu lịch ở Bác Ái, ở tỉnh Ninh Thuận và vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ qua việc khai thác các giá trị của văn hóa Raglai.

Giải quyết các vấn đề trong giáo dục

Để giúp học sinh khiếm thính khắc phục những khó khăn về kỹ năng học tập, cần có giải pháp tác động là có ban cố vấn học tập, chuyên viên tâm lý trường học để hỗ trợ và nâng cao các kỹ năng trong hoạt động học tập của học sinh khiếm thính bậc trung học cơ sở. Đây là lực lượng chính giải quyết những vấn đề tâm lý nảy sinh ở học sinh và trong nhà trường. Bên cạnh lực lượng tham vấn chuyên nghiệp thì lực lượng bán chuyên nghiệp có thể là các giáo viên đã qua nhiều năm kinh nghiệm làm việc với học sinh khiếm thính, giáo viên nghỉ hưu, giáo viên có năng lực, giáo viên được đánh giá cao trong giao tiếp với học sinh, ưa thích tìm hiểu và thực hành công tác tham vấn tâm lý đều có thể hỗ trợ các em học sinh khiếm thính giảm bớt những khó khăn tâm lý gặp phải trong hoạt động học tập. Kết quả nghiên cứu của tác giả Võ Thị Lệ Hường đã chỉ ra như vậy.

Bên cạnh đó, các trường nuôi dạy học sinh khiếm thính, các trung tâm bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật cần chú trọng tổ chức những chuyên đề tâm lý bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho học sinh khiếm thính để các em có thể một phần khắc phục được những khó khăn tâm lý nói chung, khó khăn trong kỹ năng học tập nói riêng.

Vai trò của cha mẹ cũng vô cùng quan trọng, hãy luôn đồng hành, hỗ trợ khi các em gặp khó khăn trong học tập. Đồng thời cha mẹ cũng nên khơi gợi, tạo cảm hứng, động cơ học tập, động viên tinh thần để các em yêu thích việc học hơn. Và cuối cùng, cần nêu cao vai trò của tự học, dành nhiều thời gian cho việc tự học để nâng cao khả năng hiểu biết và tiếp thu kiến thức, rèn luyện thói quen độc lập suy nghĩ, độc lập giải quyết vấn đề, từ đó sẽ góp phần nâng cao kết quả.

Nghiên cứu hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học Hoa Kỳ trong việc đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động, tác giả Lê Thị thu Liễu thấy rằng, điểm chung trong cách tiếp cận đối với việc đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của các trường là khảo sát về sự hài lòng của các khách hàng mục tiêu (nhà tuyển dụng và sinh viên tốt nghiệp). Tuy nhiên, có điểm khác biệt trong cách tiếp cận của từng loại hình cơ sở giáo dục đại học đối với vấn đề này, đó là bởi vì mỗi loại hình cơ sở giáo dục đại học có các đối tượng khách hàng mục tiêu khác nhau nên có nhiều cách tiếp cận khác nhau được đưa ra để phù hợp với từng đối tượng khách hàng đặc trưng cho từng loại hình cơ sở giáo dục đại học.

Cụ thể, đối với các trường cao đẳng cộng đồng được xem là các cơ sở cung cấp chủ yếu nguồn lực lao động phục vụ cho chính các bang theo nhu cầu thực tế của các nhà tuyển dụng địa phương, nên việc khảo sát, lấy ý kiến các nhà tuyển dụng trong vùng, địa phương để đánh giá nhu cầu của thị trường lao động là hết sức quan trọng. Đối với các trường đại học công, vốn có xu hướng thu hút thêm nhiều sinh viên từ các vùng hoặc quốc gia khác đến học trong các chương trình học mới, nên phải không ngừng nỗ lực trong việc khảo sát ý kiến của các nhà tuyển dụng trong và ngoài vùng, địa phương, quốc gia, để từ đó đưa ra các cải tiến và điều chỉnh đối với chương trình đào tạo.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi trao đổi học thuật, tiếp thu ý kiến đóng góp và chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO