Những việc nên & không nên làm khi mang thai

17/08/2006 03:04

Khi bắt đầu mang thai, cùng với niềm hạnh phúc sắp làm mẹ là không ít lo lắng, đôi khi rất vụn vặt: lỡ bị cảm lúc mang thai, lỡ uống một viên thuốc giảm đau, ăn uống thế nào, rồi còn chế độ sinh hoạt…; nhất là với các bạn trẻ lần mang thai đầu tiên, không có nhiều kiến thức về thai nghén.

Thật ra, thai kỳ cũng là một giai đoạn trong cuộc sống của người phụ nữ. Có điều đặc biệt hơn, lúc này bà mẹ đang sinh hoạt cùng với một cá thể khác trong người. Cá thể này ngày càng lớn dần lên, ngày càng có nhiều hoạt động độc lập với mẹ, nhưng vẫn có liên hệ mật thiết với từng thay đổi vật chất và tinh thần của mẹ.

Ốm nghén và cân nặng

Khi mang thai, mẹ vẫn có thể ăn những thức ăn như trước khi mang thai. Nhưng do tình trạng ốm nghén ở những tháng đầu, thói quen ăn uống của mẹ có thể có một số thay đổi: thèm ăn một số món đặc biệt, khó chịu trước mùi vị một số thức ăn quen thuộc trước đây, ăn uống không ngon, dễ buồn nôn và nôn... Để đảm bảo không mất sức trong giai đoạn này, người mẹ nên cố gắng ăn uống mặc dù ăn không ngon hay có nôn ói. Nên chia nhỏ bữa ăn ra (tức là nhiều bữa hơn với số lượng thức ăn ít hơn trong từng bữa ăn) cũng như chia nhỏ lượng nước uống cho mỗi lần, ăn những món ưa

thích nếu đây là những thức ăn có nhiều bổ dưỡng, dễ tiêu và hợp vệ sinh.

Nên uống sớm một số thuốc bổ vào giai đoạn này như viên sắt hay viên đa sinh tố theo đơn của bác sĩ. Thuốc chống nôn ói cũng có thể dùng để giảm bớt khó chịu. Chỉ phải nhập viện và truyền dịch khi mất cân quá nhiều hay nôn ói nhiều đến mất sức. Chắc chắn, ốm nghén chỉ xảy ra trong 3 tháng đầu và sau đó sẽ tự thuyên giảm. Ốm nghén sẽ kéo dài khi có tình trạng sức khỏe của mẹ quá kém hay có những vấn đề nội khoa khác (tim, phổi, gan, thận).

Trong 3 tháng đầu tiên, người mang thai thường có thể lên 0,5 - 1 kg. Sau đó, trung bình sẽ tăng từ 1 - 2 kg mỗi tháng trong các tháng sau. Một lần mang thai mẹ sẽ tăng 12 - 16 kg là vừa đủ. Khi đã ăn được, nên chú ý khẩu phần ăn có nhiều năng lượng (gấp rưỡi bình thường), nhiều chất đạm và rau xanh, lưu ý tăng thêm lượng calci (bằng thức ăn, sữa động vật hay thuốc calci bổ sung).

Nhập viện cấp cứu ngay, khi thai có một trong những dấu hiệu sau:

- Xuất huyết âm đạo bất thường phải dùng băng vệ sinh.

- Đau bụng kéo dài hơn 15 phút.

- Sốt cao trên 39 độ, hay sốt kèm lạnh run.

- Hoa mắt, nhìn mờ, nhức đầu.

- Huyết áp > 140/90 mmHg.

- Co giật.

- Xỉu, mệt xỉu, hay bất tỉnh không lay gọi được.

- Ra nước âm đạo.

Nên đến khám nếu thai có một trong các tình trạng sau:

- Xuất huyết âm đạo (bất kể mức độ).

- Đau bụng (bất kể mức độ).

- Huyết trắng bất thường.

- Phù chân, tay hay mặt.

- Không thấy thai máy trong hơn 2 giờ.

Dấu hiệu chuyển dạ:

¾Đau bụng từng cơn, 1 - 3 cơn trong 10 phút và liên tục trong 30 phút.

¾ Ra nhớt hồng (giống máu cá) ở âm đạo.

¾ Ra nước loãng ở âm đạo.

Ngoài ra, nếu đã quá ngày dự sinh một tuần mà chưa có dấu hiệu chuyển dạ, nên đến bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí thích hợp. ó

Làm gì khi bị cảm, cúm?

Tình trạng cảm cúm khi mang thai thường hay gây lo lắng cho bà mẹ. Thật ra cần phân biệt tình trạng cảm do thay đổi thời tiết (cảm nắng, cảm lạnh) hay cảm do nhiễm siêu vi. Chỉ có bị cảm do một số siêu vi đặc biệt và xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ mới có thể ảnh hưởng đến thai. Điều trị cảm, dù vì lý do gì, chủ yếu là giảm sốt, giảm đau và nâng cao sức đề kháng của cơ thể; tất cả những thuốc này, với liều ngắn ngày, không ảnh hưởng đến thai.

Thông thường, có một số thuốc đặc biệt có thể ảnh hưởng đến thai, thường trong 20 tuần đầu tiên, nhất là các kháng sinh và thuốc liên quan đến nội tiết tố. Do đó, khi cần dùng thuốc, điều khôn ngoan nhất là các thai phụ nên đến khám bệnh hay đến các nhà thuốc có dược sĩ để nhận được những thông tin chính xác. Việc kiểm tra tình trạng sức khỏe, tìm một số bệnh lý nội khoa hay truyền nhiễm thường gặp trước khi có ý định mang thai sẽ giúp phát hiện sớm bệnh lý và điều trị tốt, giúp phụ nữ có đầy đủ sức khỏe khi mang thai.

Sinh hoạt tình dục?

Bà mẹ mang thai vẫn có thể tiếp tục những công việc như trước khi mang thai. Cá biệt, nên tránh những công việc phải ngâm mình trong nước, những việc có cường độ nặng và kéo dài. Đi bộ khi mang thai là một hoạt động thể lực tốt, nhưng không thể đi quá xa và kéo dài, nhất là vào những tháng cuối. Sinh hoạt tình dục, thật ra vẫn có thể thực hiện được, nhưng với tần suất và cường độ ít hơn, nên tránh khi có dấu hiệu động thai hay dọa sinh non, cũng như khi sức khỏe và tinh thần của mẹ không thoải mái.

Cần chú ý, việc khám thai định kỳ theo lịch tại một cơ sở uy tín sẽ là cơ hội để bạn được kiểm tra sức khỏe, giải đáp những thắc mắc, lo lắng về sức khỏe bà mẹ và thai nhi cũng như phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường có ảnh hưởng đến cá thể bé nhỏ mà bạn đang mang trong người với bao hy vọng. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những việc nên & không nên làm khi mang thai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO