Những sáng kiến độc đáo để bắt chuột đồng

02/05/2008 09:36

Giai đoạn lúa làm đòng, chuột đồng lần lượt kéo về sinh sôi nảy nở và tăng mật số. Do nguồn thức ăn chính là lúa nên chuột đồng trở thành món ăn giàu dinh dưỡng, khoái khẩu của con người. Biết kết hợp giữa diệt chuột và khai thác nguồn lợi này sẽ góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân. Có rất nhiều “chiêu” bắt chuột đồng rất độc đáo và hiệu quả như rập chuột không cần bã mồi, bắt chuột bằng “chít” hiện đại...

Rập chuột không cần bã mồi

Nông dân Lưu Văn Chiều còn gọi là Út Chiều hay là “Út Chuột”, ở ấp An Thái, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, An Giang là người có nghề bắt chuột nổi tiếng và có sáng kiến cải tiến chiếc rập chuột truyền thống (ông từng “xuất khẩu” sang Campuchia cách trồng lúa và bắt chuột đồng theo các chương trình hợp tác). Thấy bẫy bằng lò xo của chiếc rập chuột mua ở chợ có kết cấu rất yếu, khi sập bẫy chuột thường thoát ra được, ông cải tiến bằng cách thiết kế bẫy chuột kiên cố hơn: rập làm bằng vật liệu dây sắt lưới B40, kích thước dài 25 cm, miệng rập 11 x 11 cm. Rập có thể bắt được tất cả các loài chuột kể cả chuột cống nhum. Lò xo rập chuột được thay thế bởi hai khoen chạy “tự động” trên hai thanh trụ đứng chiều cao 23,5 cm. Khi chuột sập bẫy, hai khoen sắt được di chuyển từ trên xuống của hai thanh trượt đặt song song với hai thanh đứng và cài chặt miệng rập chuột, khiến chuột không thể thoát ra được. Chiếc rập chuột này không cần bã mồi, chỉ cần quan sát đặt bẫy theo đường đi của chuột, mỗi đêm bắt được từ 20 - 30 con chuột.

Nông dân Nguyễn Anh Giao, thị trấn Tri Tôn, An Giang rất hoan nghênh sáng kiến này của ông Út Chiều. Anh tiếp tục “cải tiến” ra chiếc rập lưới chì ô vuông đặt theo dấu chân chuột để có thể bắt chuột với quy mô lớn hơn. Kích thước rập lớn rộng hơn, chiều dài có thể trên 1 mét để dẫn dụ chuột vào bẫy không gặp chướng ngại. Bên ngoài rập được bao bọc bởi một lớp nylon với một diện tích nhỏ trong ruộng lúa.

Bắt chuột bằng “chít” hiện đại

Bắt chuột thường có ba cao điểm: khi cây lúa làm đòng, sau khi lúa trổ và thu hoạch xong vụ lúa hè thu. Nông dân đốt đồng vô nước cày ải phơi đất, chuột dồn về bờ kênh, bờ mương nơi cao ráo để sinh sống. Để bắt chuột trú ẩn theo kênh, người nông dân thường dùng một dụng cụ gọi là “cây chít”, hình dáng giống chiếc hom dài, đặt ngay miệng hang. Sau đó đổ nước vào hang, chuột bị ngộp nước tung chạy và “chui” vào hom.

Chiếc hom có chiều dài 50 cm bao gồm thân hom, được giới hạn bởi hai vòng sắt của lon sữa bò với khoảng cách 17 cm. Lon sữa bò được cắt một vòng sắt dưới đáy làm nòng. Một phần thân lon được cắt thành những hình tam giác để làm miệng hom. Miệng hom cách chân hom 17 cm. Thân hom được kết thành những tấm thẻ tre nhọn đầu để cắm sâu vào đất và có chiều ngang 15 cm nhỏ dần về phía đầu hom. Đầu hom được cột túm chặt bởi sợi dây nylon không cho chuột thoát ra ngoài. Khi chuột sập bẫy, mở dây để cho chuột chạy vào lồng hay dụng cụ (bao) bắt chuột.

Theo ông Út Chiều, bà con có thể “cơ giới hóa” bằng cách dùng máy cắt cỏ có gắn bơm tưới nước với dây dẫn nước dài từ 5 - 6 mét, lấy nước theo bờ kênh, mương để bơm nước vào hang chuột. Máy cắt cỏ đeo vai gọn nhẹ, chỉ cần một lao động với 4 - 5 cây chít là có thể bắt hàng trăm con chuột vào lúc cao điểm.

Loài chuột rất khôn ngoan, ta có thể đánh lừa chúng bằng cách có thể bố trí chiếc bẫy chuột sao cho con trước vào được thì con kế tiếp yên tâm rủ rê cả đàn lũ lượt theo sau, tha hồ “bắt sạch chuột cho tới sáng”. Săn bắt chuột dù bằng thủ công hay “cơ giới” nhưng cần có sự tham gia của cộng đồng để hạ nhanh mật số, bảo vệ mùa màng. v

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những sáng kiến độc đáo để bắt chuột đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO