Những nhà giáo đam mê nghiên cứu khoa học

Như Hoa| 21/11/2017 16:12

KHPT - Cùng với việc truyền đạt kiến thức cho học trò, nhiều nhà giáo còn rất đam mê nghiên cứu khoa học, những công trình nghiên cứu của họ rất có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn.

* Đầu tiên phải nói đến GS.TS. Nguyễn Kim Phi Phụng, Trường ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM, người đoạt giải thưởng Kovalevskaia.

Trong các phân ngành hóa học, GS. Phi Phụng chọn hóa hữu cơ. Nhờ vậy chị có nhiều năm theo đuổi hướng nghiên cứu khảo sát thành phần hóa học một số loài thực vật hoặc địa y Việt Nam, đặc biệt là những loài chưa được khoa học nghiên cứu hay chỉ nghiên cứu sơ bộ. Chị phát hiện được nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế tốt đối với sự phát triển của tế bào ung thư ở người như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư phổi hoặc ức chế các loại enzym liên quan đến bệnh tiểu đường, nám da, Alzheimer…

Kết quả các công trình nghiên cứu của GS.TS. Nguyễn Kim Phi Phụng đã làm phong phú thêm kho tàng cây thuốc Việt Nam, đồng thời cung cấp dữ liệu cơ sở cho các nhà khoa học định hướng nghiên cứu tài nguyên, phục vụ cho nền công nghiệp dược Việt Nam và thế giới.

* Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng thường niên do Bộ khoa học và công nghệ tổ chức nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển. Năm nay, có hai nhà khoa học đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017. Trong đó có GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam, Trường ĐH bách khoa TP.HCM, được vinh danh ở lĩnh vực hóa học.

4-2

GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam là tác giả chính của công trình khoa học xuất sắc về chất xúc tác trong lĩnh vực hóa học kỹ thuật. Công trình nghiên cứu ứng dụng vật liệu khung hữu cơ - kim loại (MOFs) làm chất xúc tác cho ứng dụng tổng hợp các hợp chất hữu cơ họ propargylamine. Đặc biệt, công trình đã phát hiện một chuyển hóa của N-methilaniline chưa từng được công bố. Đây là công trình khoa học được thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam do 5 tác giả là người Việt, không có yếu tố nước ngoài. Bài báo khoa học làm nên giải thưởng được các nhà chuyên môn trên thế giới đánh giá cao và được trích dẫn 21 lần.

Năm 2015, anh là giáo sư trẻ nhất Việt Nam khi mới 36 tuổi. Từ năm 2010, GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam cùng nhóm nghiên cứu Trường ĐH bách khoa ĐHQG-HCM đã công bố 48 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế ISI theo hướng nghiên cứu trên.

* Mới đây, Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) và Trường đại học quốc tế đã trao giấy khen cho TS. Nguyễn Thị Hiệp vì có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, đoạt giải nhất Giải thưởng khoa học ASEAN - Hoa Kỳ năm 2017. Đây là giải thưởng hỗ trợ các nhà khoa học nữ trẻ nhiều tiềm năng trong khu vực ASEAN và khuyến khích sự hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN và Hoa Kỳ về các giải pháp bền vững cho các trung tâm đô thị trong toàn khu vực Đông Nam Á. Giải thưởng cũng là một trong nhiều sáng kiến của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ ASEAN và 10 nước thành viên hội nhập kinh tế ươm mầm lãnh đạo tương lai, tăng cường cơ hội cho phụ nữ và giải quyết các thách thức xuyên quốc gia.

TS-Hiep_23

TS. Nguyễn Thị Hiệp là một trong những giảng viên trẻ có thành tích xuất sắc của Trường đại học quốc tế. Chị tốt nghiệp ngành hóa học của Trường đại học khoa học tự nhiên và nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Trường đại học Soonchunhyang (Hàn Quốc). Năm 2012, chị bắt đầu giảng dạy tại bộ môn kỹ thuật y sinh.

TS. Nguyễn Thị Hiệp có hơn 10 năm nghiên cứu về các vật liệu ứng dụng trong y học và tương tác của chúng lên tế bào mô. Hiện chị có 26 công bố khoa học thuộc hệ thống ISI, 6 công bố khoa học thuộc các tạp chí quốc tế, 6 bài báo trong nước và hơn 40 bài báo khoa học trong các hội nghị quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nhà giáo đam mê nghiên cứu khoa học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO