Những người giải toả sự “bùng nổ” trong học sinh

Anh Thư| 16/12/2010 08:59

Các nhà khoa học tâm lý đã xác định, lứa tuổi 12 – 18 là lứa tuổi “bùng nổ”, nếu không có định hướng đúng thì các em dễ mắc vào sai lầm. Những người giải toả sự “bùng nổ” cho các em chính là các chuyên viên tư vấn học đường. Nhận thấy tầm quan trọng của việc này, UBND TP cũng đã chính thức cho phép tuyển biên chế cán bộ phụ trách tư vấn học đường trong các trường học.

Xâm nhập vào thế giới tuổi teen

Cô Nguyễn Thị Tuyết Xuân, chuyên viên tư vấn của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, trường có đến 2000 học sinh, các vấn đề nảy sinh trong các em khá phức tạp, nhiều nhất là áp lực học tập, kế đến là tình cảm tuổi học trò, mâu thuẫn với bạn bè, cha mẹ, thầy cô, đặc biệt, có cả trường hợp bị lạm dụng, bị lôi kéo và quan hệ khác giới hoặc đồng giới trong thời gian dài mà cha mẹ không hay biết. Để được các em tin tưởng tâm sự, cô đã tốn rất nhiều thời gian và công sức để gần gũi, tâm sự. Cô Xuân nói: “Tư vấn viên không thể chỉ ngồi tại phòng chờ học sinh tìm đến mà phải chủ động tìm thời gian thích hợp để bước đầu tiếp cận các em, tốt nhất là theo đơn vị lớp chứ không thể chỉ đứng giới thiệu chung chung trước sân sau giờ chào cờ!”.

Tư vấn viên làm việc thời @ cũng phải rành vi tính, vì bây giờ giới trẻ rất thạo lãnh vực này, đồng thời làm việc không kể thời gian. Cô Xuân kể: “Có đêm, tôi nhận được e-mail của một học sinh viết trong cơn hốt hoảng vì vừa gặp kẻ quấy rối. Có lúc thì nhận được tin nhắn: em hoàn tất bài vở rồi, nhưng sao thấy tâm hồn … trống rỗng! Lúc ấy tư vấn viên phải trả lời các em ngay, thậm chí đi với các em để giải quyết vấn đề”.

Cô Phạm Thị Aùnh Hồng, chuyên viên tư vấn học đường của Trường THPT Tạ Quang Bửu cho rằng, nhiệm vụ trọng của của người làm công tác tư vấn học đường là đưa ra những phân tích, lời khuyên thiết thực giúp các em giải toả được về mặt tinh thần, làm cho các em cảm thấy vững vàng, tự tin và trên cơ sở đó có thể tự giải quyết được vấn đề của mình theo hướng tích cực. Bên cạnh đó, phải định hướng cho học sinh torng các mối quan hệ tình bạn cùng giới, khác giới, giáo viên, người thân… Cô Hồng nêu một số trường hợp: “Có một nữ sinh lớp 11 và một bạn trai cùng lớp yêu nhau, nhưng sau đó em lại nhận lời yêu một anh lớp 12. Vì bạn bè ngăn cản nên em quay lại với người yêu cũ, khiến anh lớp 12 hoàn toàn suy sụp, em cũng vậy, không học bài được, suốt ngày chỉ biết khóc. Một trường hợp khác, em này có người yêu từ mấy năm nay, có ý định nghỉ học nhiều lần vì không hứng thú, nhờ người yêu khuyên nên em quyết tâm học, nhưng giáo viên chủ nhiệm biết nên ghét và ngăn cản hai đứa yêu nhau, em đó thắc mắc: vì sao thầy cô lại cấm, yêu nhưng biết khuyên nhau học tập tốt thì đâu có gì xấu?”.

Cần nhiều chuyên viên tư vấn học đường

Theo ông Lê Hồng Sơn, phó giám đốc Sở giáo dục và đào tạo TP.HCM, từ năm học 2008 - 2009, ngành giáo dục và đào tạo thành phố chính thức được UBND.TP cho phép tuyển biên chế cán bộ phụ trách tư vấn học đường trong các trường học. Cũng từ năm học này, Sở chính thức chỉ đạo các trường học bắt buộc phải thành lập phòng tư vấn học đường. Cho đến nay, nhiều trường phổ thông tại TP.HCM (khoảng 90%), tùy theo điều kiện từng đơn vị đều đã thành lập phòng tư vấn học đường, hoặc có các hoạt động liên quan đến công tác này.

Các hình thức tư vấn học đường có thể chia làm 3 loại khác nhau. Loại thứ nhất là phòng tư vấn học đường riêng biệt, được thành lập tại một số đơn vị có điều kiện về kinh phí (phối hợp ngân sách và xã hội hóa), nhân sự và điều kiện cơ sở vật chất, hoặc từ Đề án thí điểm tư vấn học đường do Sở lao động, thương binh và xã hội phối hợp Sở giáo dục và đào tạo thực hiện, như ởTrường THCS Hà Huy Tập (Bình Thạnh), tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1), THPT Marie Curie.... Tại các phòng tư vấn này thường xuyên bố trí cán bộ trực chuyên trách tư vấn để hỗ trợ, giúp đỡ học sinh. Đây là loại hình mà ngành giáo dục và đào tạo thành phố đang phấn đấu xây dựng trong toàn ngành. Loại hình thứ hai là phòng tư vấn học đường ghép chung, là loại hình phổ biến hiện nay tại các trường thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh phí và nhân sự. Thường được bố trí ghép chung Văn phòng Đoàn, phòng y tế học đường, phòng giám thị… Cán bộ phụ trách thường là giáo viên phụ trách công tác Đoàn - Đội, cán bộ y tế học đường, giám thị hoặc giáo viên các bộ môn xã hội, môn sinh học. Loại hình khác: bên cạnh công tác tư­ vấn trực tiếp tại các phòng tư vấn, công tác tư vấn cho học sinh còn thường xuyên được thực hiện thông qua giáo viên chủ nhiệm lớp, thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề dưới cờ hoặc trao đổi trực tiếp giữa giáo viên và học sinh.

Theo ông Sơn, hiện nay đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn còn thiếu, một số thì chưa được đào tạo bài bản nên vẫn giải quyết dựa vào kinh nghiệm bản thân là chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người giải toả sự “bùng nổ” trong học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO