Những nét mới trong quản lý khoa học và công nghệ tại TP.HCM

22/02/2008 14:48

Việc đầu tư phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian qua tại TP.HCM đã được Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Song có thể nói hiệu quả, chất lượng của hoạt động khoa học và công nghệ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Điều này đòi hỏi hoạt động khoa học và công nghệ của cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng trong thời gian tới cần phải có nhiều nỗ lực cải tiến, đổi mới.

Trong những năm qua, các hoạt động khoa học và công nghệ trên cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng, đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Khoa học và công nghệ cũng đã được xác định là nền tảng để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Điều này đã được thể hiện rất rõ bằng việc ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã phát sinh không ít những bất cập từ những văn bản nói trên như chưa đáp ứng được sự phát triển nhanh và đa dạng của các hoạt động và công nghệ, và chưa tạo ra được môi trường thông thoáng để có thể thu hút, khuyến khích các nhà khoa học và các thành phần kinh tế tham gia khai thác các nguồn lực phục vụ cho các hoạt động khoa học và công nghệ. Nguồn tài chính đầu tư cho các hoạt động khoa học và công nghệ lâu nay chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, và phần lớn phục vụ lại cho các nhu cầu của các cơ quan quản lý chuyên ngành của nhà nước hay các thành phần kinh tế quốc doanh. Các thành phần kinh tế tư nhân cho đến nay vẫn đứng ngoài cuộc trong việc đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, mặc dù nhu cầu về khoa học và công nghệ của các thành phần kinh tế này là rất lớn, và họ chấp nhận sử dụng các sản phẩm nước ngoài với giá đắt hơn là trong nước.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ đang ngày càng trở thành yếu tố quan trọng tác động đến năng suất, sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thay đổi cơ chế xét duyệt đề tài

Hiện nay trong hoạt động khoa học và công nghệ của TP.HCM đã bắt đầu có những cải tiến, đổi mới về cơ chế, chính sách, cách nghĩ - cách làm. Các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại thành phố (TP) đã có nhiều điểm mới như chỉ cấp kinh phí thực hiện khi đề tài được cơ quan cụ thể tiếp nhận kết quả sau khi kết thúc nghiên cứu. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, bắt buộc cơ quan đặt hàng và tiếp nhận đề tài phải cùng tham gia với nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện. Sau khi nghiệm thu phải tổ chức việc bàn giao kết quả và cơ quan tiếp nhận kết quả nghiên cứu phải có trách nhiệm báo cáo tình hình kết quả, hiệu quả ứng dụng về cho Sở khoa học công nghệ (ít nhất là 6 tháng/lần). Bắt buộc phải tăng cường việc phổ biến chuyển giao, nhân rộng kết quả nghiên cứu như đưa thông tin lên trang web, tổ chức hội thảo, in thành sách... (Sở khoa học công nghệ hiện có một khoản kinh phí sẵn sàng hỗ trợ cho các nhà khoa học in kết quả nghiên cứu thành sách, tài liệu tham khảo; hay để hoàn thiện thêm công nghệ trước khi chuyển giao...).

Vấn đề chất lượng của hội đồng khoa học trong việc xét duyệt, giám định, nghiệm thu trong thời gian tới dự kiến cũng sẽ có nhiều cải tiến, như sẽ chọn lựa kỹ hơn thành viên tham gia hội đồng, ký hợp đồng tư vấn với chuyên gia là nhà khoa học để theo dõi, giám sát quá trình thực hiện đề tài, dự án về mặt khoa học (kinh phí giám sát bằng 3 - 4% tổng kinh phí thực hiện đề tài, nhưng không vượt quá 10 triệu đồng), trả thù lao cho các phản biện theo tỷ lệ phần trăm trên tổng kinh phí được cấp cho các đề tài, dự án. Mục tiêu đặt ra đối với hoạt động của hội đồng khoa học là phải đảm bảo tính nghiêm túc và dân chủ.

Xác định lại cơ cấu ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học

Việc thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cũng sẽ được xác định lại cơ cấu đầu tư, tiêu chí ưu tiên thực hiện. Cụ thể như các đề tài, dự án sau đây sẽ được ưu tiên: các vấn đề đặt hàng, các dự án lớn của TP, các dự án sản xuất thử nghiệm trên cơ sở các đề tài đã được nghiệm thu, các đề tài có nhiều địa chỉ ứng dụng và có nguồn kinh phí thực hiện khác ngoài kinh phí từ ngân sách.

Cơ cấu đầu tư cũng sẽ được điều chỉnh lại như sau: Nhóm thứ 1 là các đề tài về lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn, và theo đặt hàng, nhóm này sẽ được đầu tư 100% từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ. Nhóm thứ 2 là các đề tài nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho doanh nghiệp, kinh phí thực hiện ở nhóm này chủ yếu do các doanh nghiệp đầu tư, kinh phí nhà nước chỉ hỗ trợ một phần (tối đa là 30%). Nhóm thứ 3 là các đề tài, dự án nghiên cứu có quy mô lớn, tạo ra sản phẩm trên cơ sở công nghệ kỹ thuật cao, hay công nghệ mới có thể chuyển giao, mua bán như một sản phẩm thương mại. Các đề tài, dự án này sẽ được thành phố đầu tư tập trung với kinh phí tương xứng (khoảng từ 5 - 10 tỷ đồng/đề tài, trong 2 - 3 năm) và sẽ thu hồi kinh phí đã đầu tư từ kết quả sản xuất kinh doanh, hoặc từ chuyển giao bán công nghệ. Việc quản lý tài chính trong đề tài nghiên cứu khoa học cũng sẽ áp dụng theo cách thông thoáng hơn: không quản lý theo cách trước đây là “tiết kiệm, chi ít tiền” mà quản lý theo quan điểm “kinh phí được đầu tư thỏa đáng, hợp lý”; yêu cầu đặt ra ở đây là nhóm thực hiện đề tài bắt buộc phải chứng minh rằng mang lại hiệu quả như thế nào từ kinh phí đã được cấp.

Phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ

Một nội dung mới khác cũng bắt đầu thực hiện là phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đây là một khái niệm mới, một hướng phát triển mới, là con đường phải đi trong xu thế hội nhập và cạnh tranh ngày nay. Thời gian qua, nói đến hoạt động khoa học và công nghệ là nói đến các viện nghiên cứu, các trường đại học... vì chỉ có những nơi này mới có đủ điều kiện (nhân lực, phương tiện, kinh phí, tư cách pháp nhân...) tổ chức triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Với mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ, việc nghiên cứu sẽ mang tính thực tiễn ứng dụng cao theo yêu cầu thực tế sản xuất. Doanh nghiệp khoa học công nghệ vừa phải làm công tác nghiên cứu, vừa phải thực hiện công việc quản lý hạch toán kinh doanh.

Những sự cải tiến, đổi mới này chưa dừng lại ở đây: trong quá trình thực hiện sẽ còn tiếp tục có những điều chỉnh. Mục tiêu cao nhất của những đổi mới này không gì khác là nâng cao hơn chất lượng của hoạt động khoa học và công nghệ, thiết thực đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. O

- Hiện nay TP.HCM có khoảng hơn 64.000 doanh nghiệp, tỷ lệ làm ăn có lãi chiếm hơn 60% (cả nước là 74, 14%), và có đến 37% doanh nghiệp thua lỗ. Nguyên nhân thua lỗ là: ít kinh nghiệm, năng suất lao động thấp, chi phí kinh doanh cao, năng lực cạnh tranh hạn chế... song trên hết là do năng lực điều hành yếu và công nghệ sản xuất chậm đổi mới.

- Đa số doanh nghiệp công nghiệp hiện nay của TP có trình độ công nghệ trung bình và lạc hậu: trình độ công nghệ trung bình chỉ chiếm khoảng 32%, dưới trung bình chiếm đến 43%, chỉ khoảng 25% đạt mức hiện đại. Tốc độ đổi mới thiết bị công nghệ khá chậm, ước khoảng 10 - 11%/năm

(Nguồn: Viện kinh tế TP.HCM)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nét mới trong quản lý khoa học và công nghệ tại TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO