Những nàng tiên thắp lửa cho Trường Sơn Ngày ấy- bây giờ

17/03/2005 16:48

Họ đã làm nên một chấn động trên con đường vận tải đầy mưa bom lửa đạn năm xưa và cũng chính họ đã dệt nên huyền thoại mới về Người Phụ nữ Việt Nam quả cảm anh hùng. Đó cũng là những chiến sĩ ở Trung đội nữ lái xe mang tên người con gái anh hùng Nguyễn Thị Hạnh...

Những cô gái được tuyển chọn từ khắp miền Bắc, có người là dân công, là thanh niên xung phong, là chị nuôi quân đã “quên nước da hồng, nén thì yêu đương” với ba lô nặng trĩu tình quê đi vào chiến trường đầy khói lửa. Những cô gái ấy trở thành những tài xế cừ khôi sau khi được học qua lớp lái xe ngắn hạn 45 ngày ở Trường Lái 255 (nay là Trường Trung cấp Kỹ thuật xe - máy Sơn Tây) sau đó hành quân vào Binh trạm 12 (đóng ở Cổng Trời, ngã ba nối Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn) để nhận những chiếc Trung xa GAS51, GAS 63 bắt đầu làm nhiệm vụ vận tải tiếp tế cho chiến trường miền Nam ruột thịt.

Trong suốt thời gian từ ngày thành lập cho đến năm 1973, Trung đội “tóc dài” ấy đã vận chuyển được hàng vạn tấn hàng, hàng trăm ngàn bộ đội, thương binh vào Nam ra Bắc. Những chuyến xe không kể hiểm nguy vẫn ngày đêm lăn bánh dưới đôi tay mềm yếu nhưng chắc chắn kiên cường không kém gì nam giới. Và dù hiểm nguy luôn chờ đón, mặc những “thần sấm”, “bà già”, … của kẻ thù thì: Xe con gái cứ như huyền thoại/ Thoắt đến thoắt đi thoắt vượt cổng trời… để hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Trung tá Nguyễn Thị Hòa - nguyên Chính trị viên Trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh bồi hồi: “Sau khi vào đến đơn vị ở Binh trạm 12, chúng tôi được cấp trên giao cho 2 người một xe và bắt đầu nhập cuộc. Nhiệm vụ của chúng tôi là chở hàng tiếp tế từ Bắc vào Nam, sau đó lại đón anh em thương binh từ Na Trọng, Cha Lo ra Trạm điều trị 14. Những ai đã trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ đều biết Cổng trời là tuyến lửa ác liệt nhất, vậy mà nhiệm vụ của các chiến sĩ vận tải luôn được hoàn thành xuất sắc. Có nhiều hôm xe đang vượt Ngầm 05 thì pháo sáng Mỹ thả rực trời, bom đổ xuống như trút, cũng may là xe được ngụy trang tốt nên chúng không phát hiện ra. Cứ như một trò chơi ú tim, bom Mỹ thả phía trước thì chúng tôi tìm đường tắt mà đi, thả sau thì cố cho xe chạy thật nhanh. Nhiều hôm đường 15 bị tắc, lại phải cho xe luồn ra đường 21(QL3) để đi xuyên ra QL1. Do xe chỉ được phép chạy vào ban đêm để tránh máy bay địch, lại phải vượt ngầm vượtthác nên chỉ chạy được vài ngày lại phải tu sửa một lần, những lúc đó chị em lại lấm lem dầu mỡ, đất cát để thay nhíp, thay lốp, thay phanh… Chị em dù mới mười tám, đôi mươi nhưng suy nghĩ lại lớn trước tuổi, trong cái khó khăn tình cảm lại càng keo sơn. Có lẽ nhờ thế những Ngầm 05, Ngã ba Đồng Lộc, Khe Ve, Khe Tang, Cha Lo, Cổng trời,… đều bị chúng tôi khuất phục ngon lành”!...

Chiến tranh đã qua hơn 1/3 thế kỷ, câu chuyện các nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn giờ đây đã trở thành quá khứ oai hùng. Hiếm thấy một mối tình nào son sắt và đẹp như mối tình 15 năm của vợ chồng chị Anh, anh Thắng. Hạnh phúc mà họ có hôm nay là đền đáp quý giá nhất vì những hy sinh của tuổi trẻ. Cũng có những người như vợ chồng chị Tuế, anh Bình (Bắc Giang), họ đã vươn lên làm giàu cho chính mình và quê hương. Nhưng đó chỉ là những trường hợp hiếm hoi, trong Trung đội nữ lái xe Trường Sơn ngày ấy, giờ đây nhiều người vẫn phải chống chọi với vòng xoay nghiệt ngã cuộc đời, đồng đội làm sao yên lòng khi thấy chị em mình khổ… Chiến tranh đã không quật ngã được những người con gái kiên cường nhưng sự nghiệt ngã của số phận lại không mỉm cười với họ.

Dẫu biết khó có thể bù đắp được những mất mát mà các chị đã phải chịu từ cuộc chiến. Hơn hết mọi thứ, các chị cần lắm những tấm lòng nhân ái. Tay trong tay nhân ngày gặp mặt đồng đội, những giọt nước mắt của buồn vui lẫn lộn lăn trên má, các chị vẫn đẹp lạ thường.

Họ gặp nhau để tâm tình, để ôn lại một thời oanh liệt, chúng tôi chỉ biết ghi lại những gì mình nghe và cảm nhận được từ họ với cả tấm lòng cảm phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nàng tiên thắp lửa cho Trường Sơn Ngày ấy- bây giờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO