Những loài cây, con đặc trưng làm nên thương hiệu du lịch Phú Quốc

12/05/2015 10:03

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, được mệnh danh là đảo ngọc, cũng là một trong những trọng điểm của Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang. Nơi đây đang định hình khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển tầm cỡ khu vực và quốc tế. Vì vậy, các sản phẩm đặc trưng của Phú Quốc cần chú ý phát triển theo hướng bền vững, sản xuất “xanh”, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng.

Tiêu là một loại cây trồng chính và được trồng khá lâu đời, là một sản phẩm đặc trưng của Phú Quốc, có vị thơm và cay nồng, đậm vị hơn nhiều loại tiêu của các vùng miền khác. Hiện tiêu Phú Quốc được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và đã có diện tích 5 ha cây hồ tiêu được tổ chức quốc tế chứng nhận sản xuất theo GlobalGAP. Có 3 mô hình du lịch sinh thái khu vườn tiêu Homestay, Farmtour và phối hợp Homestay - Farmtour đang thử nghiệm.

Lan hoang dã Phú Quốc có đủ các dạng như phong lan, địa lan, thạch lan, lan leo và lan hoại sinh. Tương tự như những vùng khác, lan hoang dã Phú Quốc cho hoa kích thước nhỏ, nhưng lại có vẻ đẹp hoang dã, có nét riêng về màu sắc, hình dáng và cấu trúc.

Phú Quốc đã có chương trình rau sạch. Rau rừng Phú Quốc đang được chú ý phục vụ cho du khách.

Cây ăn trái được trồng ở Phú Quốc gồm một số loại như: dừa, xoài, chôm chôm, sầu riêng, mít, các loại này cho năng suất khá với chất lượng tốt. Do nhu cầu nên những năm gần đây, diện tích rau phát triển khá, ngoài phục vụ cho dân tại chỗ, đang quan tâm sản lượng và chất lượng để phục vụ cho khách du lịch.

Nấm tràm là một loại nấm tự nhiên đặc trưng của Phú Quốc, có vị đắng nhưng ăn vào lại có vị ngọt và mát. Sau những cơn mưa đầu mùa, nấm mọc lên trên đất, dưới các tán rừng tràm. Do sản phẩm tự nhiên và sản lượng không nhiều nên thường có đến đâu là tiêu thụ hết đến đó. Hiện Sở KH&CN Kiên Giang đang đặt hàng để có nấm gốc, phát triển meo nấm, phôi nấm, quy trình canh tác để sản xuất nấm tràm Phú Quốc nhân tạo phục vụ du lịch Phú Quốc khi nhu cầu ngày càng tăng.

Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi, Phú Quốc cũng có đặc trưng riêng. Đáng chú ý là chó Phú Quốc, là một trong ba dòng chó trên thế giới có xoáy lông trên lưng. Hai loại chó lông xoáy ở lưng còn lại là chó lông xoáy Rhodesia (còn có tên là Ari ở Nam Phi) và chó lông xoáy Thái. Chó Phú Quốc dễ phân biệt với các loại chó khác với đặc điểm là có xoáy lông khá kỳ lạ chạy dài ở trên sống lưng và có màng dính liền các ngón chân với nhau. Danh tiếng chó Phú Quốc không chỉ trong phạm vi tầm quốc gia mà lan ra cả thế giới như cuộc thi FCI World Dog Show 2011 - Cuộc thi chó đẹp thế giới năm 2011, do Liên đoàn các hiệp hội nuôi chó giống quốc tế (FCI) tổ chức tại Paris vừa qua. Hiện nay, Phú Quốc có trường đua địa hình chó xoáy Phú Quốc Thanh Nga. Một sản phẩm du lịch khá độc đáo và hấp dẫn trên đảo Phú Quốc.

Cá trê suối Phú Quốc rất đặc trưng, đặc điểm thịt cá trê suối Phú Quốc thơm ngon, béo, dai,... nên giá hiện nay 250.000 - 300.000 đồng/kg, mở ra hướng nuôi thương phẩm giúp người dân xóa đói giảm nghèo, đồng thời phục vụ du khách khi đến Phú Quốc.

Kỳ tôm còn gọi là rồng đất, thuộc nhóm động vật sẽ nguy cấp (theo Sách đỏ VN). Vì vậy, Sở KH&CN đã hỗ trợ triển khai mô hình “Sinh sản nhân tạo và nhân nuôi kỳ tôm Phú Quốc”. Kỳ tôm có tập tính của loài lưỡng cư, đây chính là điểm xung yếu dẫn đến nguy cơ diệt vong vì ban đêm chúng thường bám trên những cành cây de ra mặt nước để ngủ, khi có kẻ thù tấn công thì nhảy ngay xuống nước lặn trốn, nhưng gặp phải xung điện của bình ắc quy do kẻ săn cài đặt, nên khi đã dính chưởng, ngay đơ. Kỳ tôm là vật nuôi làm kiểng, vừa là món ăn ngon, giàu dinh dưỡng. Ngoài giá trị kinh tế, việc nhân nuôi kỳ tôm còn góp phần ngăn chặn nạn săn bắt mang tính lạm sát con vật ngoài tự nhiên, bảo tồn giống loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Heo rừng cũng là đặc trưng của rừng Phú Quốc, nhằm hạn chế sự săn bắt cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng, nghề nuôi heo rừng lai đáp ứng nhu cầu cho du khách bắt đầu phát triển.

Với lợi thế vùng biển rộng hơn 63.200 km², ít sóng gió và trên 140 hòn đảo, đầu tư nuôi cá lồng bè trở thành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước quanh các đảo. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.500 lồng nuôi, với đối tượng nuôi chủ yếu là cá mú sao, mú đen, mú cọp, cá bóp, cá hường bạc,...

Nắm được lợi thế của Phú Quốc, ngành KH&CN cùng các sở ban ngành chức năng đã nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật đến tận ngư dân, chọn lọc và khuyến cáo nuôi những loài cá có giá trị kinh tế cao, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng ven biển, hải đảo. Với định hướng phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế đáp ứng yêu cầu của khách du lịch trong thời gian tới, việc đầu tư nghiên cứu phát triển các loài cây - con đặc hữu cũng như các sản phẩm du lịch liên quan hỗ trợ phát triển du lịch Phú Quốc sẽ tạo ra thế mạnh riêng cho Phú Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những loài cây, con đặc trưng làm nên thương hiệu du lịch Phú Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO