Những điều thí sinh cần biết

17/03/2005 16:40

Tại buổi tư vấn và giới thiệu tuyển sinh vào Trường Đại học Nông lâm TP.HCM năm 2005, ông Trần Thanh Phong, Trưởng Phòng Đào tạo của trường đã nêu những vấn đề rất cần thiết cho các thí sinh:

Đừng quá lo lắng về hệ số “chọi”:Thực ra hệ số này không có ý nghĩa đáng kể. Số thí sinh dự thi “địch thủ” không phải là số thí sinh dự thi (vì có rất nhiều bạn điểm kém), mà mỗi thí sinh sẽ “chọi” với những bạn có điểm lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn, tức là số chỉ tiêu được tuyển. Vì vậy nguyên lý của nó là: các thí sinh học giỏi, tự tin vào sức học của mình thì thi vào trường mà thí sinh đó ước mơ, có nguyện vọng theo học. Đừng quá “sợ” với hệ số “chọi” lớn và cũng đừng “quá thích” với hệ số nhỏ, dễ chủ quan!

Các ngành có tên giống nhưng có thể khác nhau:Có một số ngành giống nhau giữa các trường, nhưng mỗi trường có mục tiêu đào tạo, phương tiện cơ sở vật chất (phòng thí nghiệm, cơ sở thực nghiệm, thực hành,...) với thế mạnh, tiềm năng khác nhau. Chẳng hạn, cùng đào tạo công nghệ sinh học, Đại học (ĐH) Bách Khoa chỉ tuyển sinh khối A với thế mạnh thiên về thiết kế các thiết bị, máy móc công cụ; trong khi ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Nông Lâm lại theo hướng hóa và sinh học, tuyển sinh cả hai khối A,B. Thế mạnh của ĐH Khoa học Tự nhiên thiên về nghiên cứu cơ bản, còn ĐH Nông lâm lại có thế mạnh về ứng dụng, đặc biệt trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm.

Cùng đào tạo về công nghệ thông tin, song ĐH Bách khoa rất mạnh về công nghệ và kỹ thuật về phần cứng, trong khi ĐH Khoa học Tự nhiên lại mạnh về khoa học phần mềm, còn ĐH Nông lâm thiên về ứng dụng các chương trình trong quản lý đất đai và bất động sản, quy hoạch sử dụng tài nguyên nông lâm ngư nghiệp và môi trường, ứng dụng công nghệ mới về thông tin địa lý (như viễn thám nghiên cứu sản xuất nông nghiệp, theo dõi diễn biến và quy luật hình thành lũ,... ), hoặc thiết kế các phần mềm trong chẩn đoán bệnh hoặc trong quá trình di truyền và chọn lọc giống (động, thực vật, cây rừng...).

Về việc đào tạo ngành cử nhân tiếng Anh, các môn học của chương trình đào tạo cử nhân Anh văn tại các trường ĐH đa phần giống nhau vì cùng chung chương trình khung. Tuy nhiên, tùy theo mục tiêu đào tạo của mỗi trường mà một số môn học chuyên ngành tự chọn sẽ có sự khác biệt nhất định.

Một ngành nhưng tuyển sinh cả 2 khối:Có những ngành tuyển cả hai khối. Thí dụ, ở Trường ĐH Nông lâm có đến 7 ngành, chuyên ngành tuyển cả khối A và B: Kinh tế nông lâm, quản trị kinh doanh tổng hợp, quản trị kinh doanh thương mại, kế toán, quản lý thị trường bất động sản, phát triển nông thôn, quản lý thị trường bất động sản, đồng thời có đến 18 ngành, chuyên ngành tuyển cả hai khối A và B như các ngành: chăn nuôi, nông học, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp, bảo quản chế biến nông sản thực phẩm, cảnh quan và kỹ thuật hoa viên, công nghệ hóa học,.... Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển tương ứng với tỷ lệ thí sinh dự thi 2 khối. Thí dụ: ngành chăn nuôi có 1000 thí sinh dự thi, trong đó khối A là 400, khối B là 600, dự kiến tuyển 60, như vậy khi làm phương án tuyển sẽ tính toán tuyển khoảng 24 thí sinh khối A và 36 thí sinh khối B. Khi vào học, tất cả sẽ học theo chương trình chung.

Không nên nhầm điểm sàn với điểm xét tuyển:Về cơ bản, điểm sàn đưa ra có mối quan hệ khá chặt chẽ giữa đề thi và trình độ của thí sinh. Điểm sàn đưa ra là để sàng lọc chất lượng đầu vào.Tuy nhiên, điểm này còn phụ thuộc vào quy mô từng khối thi, chất lượng làm bài thi, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của các vùng miền khác nhau. Không thể định điểm sàn cho từng trường mà phải quy định cho từng khối ngành, từng vùng, miền. Sau khi thi, dự kiến từ 15/8 đến 20/8/2005, trên cơ sở thống kê từ báo cáo kết quả thi của các trường ĐH có tổ chức thi, Bộ GD - ĐT sẽ quyết định và công bố điểm sàn để các trường quyết định điểm chuẩn và công bố danh sách trúng tuyển, cũng như chuẩn bị tổ chức thu hồ sơ đăng ký xét tuyển. Không nên nhầm lẫn điểm sàn với điểm xét tuyển.

Dựa trên thống kê điểm thi của năm 2004, chỉ có khoảng 22,6% (159.849 thí sinh) dự thi đủ điều kiện để xét nguyện vọng 2, 3, có nghĩa là tổng điểm của 3 môn phải đạt tối thiểu từ 15 điểm trở lên. Điểm sàn cao đẳng thấp hơn điểm sàn đại học cùng khối là 3 điểm (theo báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh của Bộ GD-ĐT năm 2004). Điểm xét tuyển nguyện vọng 1 (ở các trường công) phần lớn đều cao hơn điểm sàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điều thí sinh cần biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO