Những điều tân sinh viên cần biết

N. HOA| 26/10/2020 13:37

KHPTO - PGS.TS. Lê Trung Thành, chủ nhiệm khoa quốc tế, Đại học quốc gia Hà Nội, đặt ra cho các tân sinh viên 2 câu hỏi lớn “Làm thế nào để nhanh chóng hòa nhập khi bước vào một môi trường mới?” và “Làm thế nào để phát triển bản thân một cách toàn diện?”.

Các tân sinh viên tìm được câu trả lời cho hai câu hỏi này sẽ có thể xây dựng một cuộc sống sinh viên thành công. Các tân sinh viên đặc biệt chú ý vào lời khuyên “Hãy mang sức trẻ, nhiệt huyết, năng lượng ra để bán với giá 0 đồng”. Muốn làm được điều này, các bạn tân sinh viên cần hiểu rõ sơ đồ chuỗi tam giác tỉnh thức, vòng tròn xây dựng và định vị bản thân, xoáy ốc mục tiêu và 4 “mùa” trong mỗi khoảnh khắc cuộc đời.

Theo đó, chuỗi tam giác tỉnh thức bao gồm 4 hình tam giác có 3 đỉnh nội dung liên quan mật thiết đến nhau, cùng liên kết, hỗ trợ lẫn nhau. Tam giác đầu tiên cũng là tam giác quan trọng nhất có 3 đỉnh: “tỉnh thức”, “chánh niệm” và “nhiệt tâm”.

PGS.TS. Thành giải thích: “Tỉnh thức là khi các bạn hiểu được bản thân mình, chẳng hạn như: từ hôm nay mình chính thức là sinh viên khoa quốc tế, mình đã đủ 18 tuổi, đã có đủ quyền công dân. Vậy các bạn tư duy ra sao, suy nghĩ như thế nào - đó chính là “chánh niệm”. Cuối cùng là “nhiệt tâm”, nghĩa là “tập trung vào việc mình làm”. Chính 3 trụ cột này sẽ giúp các bạn thức tỉnh ở mọi khoảnh khắc, mọi giai đoạn của cuộc đời”.

Tam giác thứ 2 có 3 đỉnh “trí tuệ”, “đạo đức” và “nghị lực”. “Nghị lực” là vượt qua khó khăn, làm những việc khó và không ngại khổ. Hướng tới đỉnh “đạo đức”, chúng ta cần trung thực, chân thành, làm việc tốt. Đỉnh “trí tuệ” sẽ chỉ phát triển khi chúng ta lao động và làm việc. Để có được những điều này, các tân sinh viên cần xây dựng được tam giác tiếp theo với 3 đỉnh “sách hay”, “người thầy tốt”, “người bạn tốt”. Nghĩa là, các tân sinh viên cần có những quyển sách hay, nên đọc kinh nghiệm của những người đi trước đã được áp dụng thành công, nên mở rộng suy nghĩ vượt ra khỏi cánh cổng trường với những người thầy trên giảng đường, người thầy bố mẹ, người thầy bạn bè.

Tam giác cuối mà PGS.TS. Thành muốn các tân sinh viên nhớ gồm 3 đỉnh: “thân”, “tâm”, “tuệ”. Chúng ta thường làm những việc yêu thích nhưng lại có hại cho bản thân, đôi khi ta chưa thật sự hiểu sâu sắc về bản thân cần gì và chưa làm chủ được thân, tâm, tuệ của mình để tránh xa được những thói quen xấu là tham, sân, si.

Trong hành trình phát triển bản thân của tân sinh viên, PGS.TS. Lê Trung Thành đặc biệt giới thiệu một mô hình vòng tròn xây dựng và định vị bản thân gồm 2 vòng tròn lớn. Vòng tròn gốc rễ là những yếu tố cần thiết để xây dựng kỹ năng mềm và kỹ năng làm việc sau khi ra trường, trong khi vòng tròn định vị bản thân chỉ cho các bạn sinh viên thấy tầm quan trọng của việc xác định vị trí của bản thân thông qua các mối quan hệ ảnh hưởng nhất từ xung quanh như bố mẹ, bạn bè, thầy cô, giúp các bạn phá bỏ những thói quen xấu, đồng thời phát triển đời sống sức khỏe tinh thần lành mạnh, phát triển niềm tin vào chính bản thân mình, tập trung “biết những điều mình chưa biết” và xây dựng tầm nhìn 5 năm, 10 năm, 20 năm tới.

PGS.TS. Lê Trung Thành khuyến khích tân sinh viên đi tìm sứ mệnh của mình, bằng cách luôn đặt câu hỏi: “Tại sao mình được sinh ra? Sứ mệnh của mình là gì? Mình có giá trị gì?”. Đây cũng là lý do PGS.TS. Thành khuyên các bạn sinh viên: “Hãy mang sức trẻ, nhiệt huyết, năng lượng ra để bán với giá 0 đồng để có thể xác định giá trị của bản thân”.

Sau khi định vị được bản thân, các bạn xác định mục tiêu cuộc đời mình với mô hình xoáy ốc mục tiêu. Thông thường sẽ có 8 mục tiêu mà mỗi người cần hướng đến: tình yêu, niềm tin, tinh thần và cảm xúc, gia đình và sức khỏe, mối quan hệ, sự nghiệp và tài chính. Hiểu được tầm quan trọng của những mục tiêu này, sinh viên hãy luôn sẵn sàng đặt mục tiêu và làm hết sức để tâm thức phát triển toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điều tân sinh viên cần biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO