Những điều cần biết về quyền tác giả trong sáng tạo

ĐÔNG NHI| 10/07/2021 06:02

KHPTO - Quyền tác giả tại Việt Nam đã được quy định chi tiết trong Bộ luật dân sự 2005, Luật sở hữu trí tuệ và Nghị định 85/2011 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 100/2006 của Chính phủ. Theo đó, Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo hoặc sở hữu, bao gồm:

- Quyền nhân thân: đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

- Quyền tài sản: làm tác phẩm phái sinh (tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn); biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật, hình thức khác; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; tác phẩm được bảo hộ theo cơ chế quyền tác giả là các tác phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật.

Theo định nghĩa đó, quyền nhân thân là thứ tự sinh ra khi bạn tạo ra tác phẩm, không ai có thể lấy tác phẩm bạn tạo ra đặt dưới tên họ, ngay cả khi họ đã trả tiền cho bạn để đem tác phẩm phục vụ mục đích thương mại hay cá nhân. Ngay cả khi nếu tác phẩm bạn làm ra mà bị họ “hẫng tay trên” đem đi đăng ký bản quyền ở Cục sở hữu trí tuệ, bạn vẫn có quyền kiện đòi lại tên của mình. Nếu bạn đã đồng ý tạo ra một tác phẩm rồi để người/tổ chức khác đứng tên thì cái đó phải nằm trong thỏa thuận từ đầu với hợp đồng đi kèm. Cái này là lựa chọn của bạn khi nhượng quyền sở hữu bản quyền, chứ không phải là quyền nhân thân.

Với người mua, cho dù bạn đặt hàng hay mua lại một tác phẩm đã có sẵn thì quyền sở hữu chỉ có giá trị khi đi kèm với một hợp đồng với các điều khoản chi tiết. Bạn không thể trả tiền cho một nghệ sĩ mà không có hợp đồng đi kèm - điều đó không thể chứng tỏ bạn có quyền khai thác tác phẩm đó. Chẳng hạn, nhiều nhiếp ảnh gia chụp hình cho các tạp chí theo đơn đặt hàng nhưng họ có thể chỉ cho tạp chí sở hữu ảnh trong vòng vài năm. Tạp chí muốn đem ảnh đi in ở đâu khác, ngay cả với tạp chí cùng tên mà ở nước khác cũng phải xin phép. Tương tự như thế, các sản phẩm về công nghệ, nghệ thuật như múa, ca nhạc…

Điều đó có nghĩa, khi bạn sáng tạo ra một tác phẩm, bạn hoàn toàn có quyền sở hữu toàn phần về nó. Sau đó, bạn muốn bán/chuyển nhượng quyền tài sản cho người khác như thế nào là quyền của bạn. Ví dụ như:

- Bạn có thể “bán độc quyền” tác phẩm của mình cho bên A, tức là ngoài bên A ra, bạn không được bán cho ai khác nữa. Nhưng quyền nhân thân (tác giả) bạn vẫn có thể giữ. Và độc quyền thì phải quy định rõ trong hợp đồng là độc quyền trong bao nhiêu năm hay độc quyền vĩnh viễn. Khi bên A mua độc quyền rồi thì họ có toàn quyền sử dụng cho đến khi hết hạn sử dụng thì bạn có quyền bán tác phẩm của mình cho một đối tác khác. Dĩ nhiên, phí mua độc quyền bạn cũng nên cân nhắc thật kỹ để tránh bị thiệt. Khi ký kết hợp đồng bán bản quyền sở hữu, mọi phạm vi sử dụng từ tác phẩm của bạn phải được ghi rõ trong hợp đồng. Nếu bạn vẽ ra bức tranh A và đồng ý bán cho công ty Y theo hợp đồng in làm giấy gói quà, thì nếu họ đem nó ra làm bao đựng kẹo, in lên quần áo mà không hỏi ý kiến bằng văn bản đối với bạn, bạn vẫn có quyền kiện.

- Bạn có thể bán cho bên B trong khuôn khổ 1 dự án/1 mục đích... nào đó, đi kèm với một thời gian nhất định. Bên B không mua độc quyền nên ngoài anh B, bạn muốn bán nó cho các đơn vị/đối tác nữa thì vẫn trong quyền của bạn. Ngoài ra, cũng vì bên B chỉ mua trong khuôn khổ 1 dự án có thời hạn sử dụng nên họ không được phép sử dụng tác phẩm của bạn ngoài dự án đó hay sai mục đích đã thỏa thuận. Nếu họ vi phạm hay sử dụng khi đã hết hạn thỏa thuận, thay đổi mục đích mà không có ý kiến đồng ý của bạn bằng văn bản, bạn có quyền kiện.

- “Mua đứt bán đoạn”, dường như chỉ có ở Việt Nam mới sử dụng hình thức này, tức là tác giả bán toàn bộ tất cả các quyền của mình với tác phẩm cho người khác. Nó bao gồm cả quyền nhân thân, quyền sở hữu, quyền sử dụng, kinh doanh... Nôm na khi ký vào thỏa thuận này, tác giả mất sạch, bao gồm cả quyền nhân thân với tác phẩm. Và việc này là không nên bởi “đứa con sáng tạo” của bạn sẽ trở thành “con của người khác” và bạn không thể làm gì khác, kể cả “thăm nom”.

Để tránh rơi vào những trường hợp tranh cãi về sau, là người làm sáng tạo, trong bất cứ lĩnh vực nào, hãy dành thời gian đọc về Luật sở hữu trí tuệ. Khi nhận lời tham gia một dự án với đối tác bất kỳ, bạn cần làm việc trên hợp đồng với các điều khoản chi tiết, cụ thể. Nếu đối tác loanh quanh từ chối hoặc cố tình mập mờ trong hợp đồng thì hãy cân nhắc khả năng hợp tác. Để tránh bị chiếm đoạt, lợi dụng... chất xám, công sức, nhất là với các bạn trẻ, những người đang khát khao được trải nghiệm, tạo nên hồ sơ công việc ấn tượng, càng cần phải hiểu về quyền lợi – nghĩa vụ của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điều cần biết về quyền tác giả trong sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO