Những điều cần biết về muối iod

MINH QUANG| 23/10/2018 06:35

KHPTO - Theo Tổ chức y tế thế giới WHO, tình trạng thiếu iod đang tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Việc thiếu hụt nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương não và một số bệnh ung thư. Hơn một phần ba dân số thế giới đang sống trên khu vực thiếu iod.

Vì sao phải dùng muối iod?

Dùng muối iod hàng ngày để phòng các rối loạn do thiếu iod gây ra như: bướu cổ; chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em; sẩy thai, sinh non, thai chết lưu; mệt mỏi, giảm khả năng lao động.

Sử dụng và bảo quản

Muối iod được dùng để chế biến thức ăn giống như muối thường (ướp thức ăn, nêm nếm lúc nấu nướng như bình thường, hoặc làm muối tiêu, muối ớt để ăn sống).

Vì iod là chất dễ bay hơi nên cần đựng muối iod trong hũ (keo, lọ) có nắp đậy kín hoặc trong bao nylon cột kín. Nên bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ẩm ướt. Tránh để gần những nơi nóng, nhiệt độ cao như lò lửa, ánh nắng mặt trời dễ làm iod bốc hơi.

Dùng muối iod thường xuyên hàng ngày có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Có nên dùng xen kẽ muối thường và muối iod?

Hàm lượng iod bổ sung trong muối iod như hiện nay là 40 phần triệu, tức 400 mcg iod trong 10 g muối. Đây là mức dự phòng an toàn cho người dân sử dụng. Lượng iod dư sẽ được thải ra ngoài theo nước tiểu mà không tích lũy lại trong cơ thể. Do đó dùng muối iod lâu dài, liên tục suốt đời vẫn không có tác hại. Không cần dùng xen kẽ muối iod và muối thường.

Sử dụng muối iod sao khó quá, vì nghe nói phải tránh để ở nhiệt độ cao?

Người dân nên sử dụng muối iod để nêm nếm thức ăn giống như sử dụng muối thường. Không cần phải nấu xong thức ăn rồi nêm nếm như khuyến cáo trước đây. Vì với các loại muối iod được sản xuất hiện nay, trong quá trình nấu nướng, nhiệt độ có làm giảm hàm lượng iod nhưng vẫn còn đủ iod để người dân phòng ngừa được bệnh.

Mỗi ngày dùng bao nhiêu muối iod là đủ phòng bệnh?

Tổ chức y tế thế giới khuyến nghị lượng iod nên được bổ sung vào muối là 30 - 100 phần triệu (0,003 - 0,01%). Theo điều tra của Viện dinh dưỡng, người Việt Nam sử dụng trung bình khoảng 10 g (2 muỗng cà phê) muối/ngày (tương đương 400 mcg iod). Nếu có sử dụng gia vị mặn (nước mắm, tương) thì lượng muối sử dụng sẽ ít hơn. Hao hụt trong quá trình bảo quản, nấu nướng khoảng 50 - 60% nên lượng còn lại là 150 - 200 mcg. Đáp ứng nhu cầu hàng ngày của mỗi người (100 - 200 mcg iod). Nhu cầu này tùy thuộc theo tuổi và các giai đoạn sinh lý khác nhau. Trẻ em đang tăng trưởng và phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh sản là những đối tượng có nhu cầu cao hơn. Như vậy, chỉ cần sử dụng muối iod trong ăn uống và nấu nướng như bình thường là đủ phòng bệnh.

Chỉ cần ăn đồ biển (cá biển, rong biển...) là đủ cung cấp iod mà không cần dùng muối iod?

Đồ biển tuy có chứa iod nhưng nếu muốn cung cấp iod đủ hoàn toàn từ đồ biển thì chúng ta phải ăn đồ biển mỗi ngày với số lượng rất lớn.

Muối iod chỉ cần thiết cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ?

Muối iod không chỉ cần thiết cho phụ nữ, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ mà cần thiết cho mọi lứa tuổi, gồm cả nam giới và đặc biệt là người cao tuổi. Nếu thiếu iod ở phụ nữ mang thai sẽ làm tăng tỷ lệ sẩy thai, sinh non, chậm phát triển. Nếu thiếu iod nặng ở phụ nữ mang thai sẽ sinh ra trẻ em bị bệnh đần độn, tức chậm phát triển tinh thần và thể chất.

Còn với mọi người, thiếu iod nhẹ sẽ làm giảm khả năng học tập, suy nghĩ, làm việc giảm năng suất, mau mệt. Nếu thiếu iod nặng sẽ dẫn đến bệnh bướu cổ, bệnh suy giáp. Bệnh suy giáp thường làm người bệnh mệt mỏi, buồn ngủ, chậm chạp, khô da, táo bón, nói chậm, thiếu máu, lưỡi to...

Thừa iod không thành vấn đề?

Cơ thể có khả năng tự điều hòa khi bị thừa iod, sự tự điều chỉnh của tuyến giáp làm giảm quá trình tổng hợp hormon giáp nhằm bảo vệ tuyến giáp và tránh bị cường giáp. Iod thừa sẽ đào thải ra ngoài theo nước tiểu.

Khác với thuốc, vi chất được bổ sung vào thực phẩm chỉ cần một liều lượng rất thấp nhằm cung cấp đủ cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể con người nên muối iod an toàn cho mọi người sử dụng.

Chức năng quan trọng

Iod giúp tổng hợp hormon tuyến giáp và ngăn chặn cả hai bệnh cường giáp trạng và thiểu giáp trạng. Đầy đủ iod đảo ngược tình trạng của cả hai bệnh cường giáp trạng và thiểu giáp trạng. Iod hỗ trợ quá trình tế bào tự hủy (apoptosis); kích hoạt nội tiết tố và giúp ngăn ngừa một số dạng ung thư; bảo vệ chức năng ATP (thể hạt sợi) và tăng cường sản xuất ATP; ngăn ngừa xơ nang tuyến vú; làm giảm nhu cầu insulin trong bệnh nhân tiểu đường; giúp tổng hợp protein; thiếu hụt iod là một mối đe dọa sức khỏe trên toàn cầu; tiêu diệt tác nhân gây bệnh, nấm mốc, nấm, ký sinh trùng, và bệnh sốt rét; hỗ trợ chức năng miễn dịch; loại bỏ halogen (thủy ngân, fluorid, chlorin, phóng xạ I-131) độc hại ra khỏi cơ thể; điều chỉnh sự sản xuất estrogen trong buồng trứng; làm giảm chất nhầy; trung hòa các ion hydroxyl (OH -) và dưỡng ẩm cho các tế bào; làm cho chúng ta thông minh hơn; ngăn ngừa bệnh tim; hỗ trợ phụ nữ mang thai. Khi bào thai trải qua quá trình tự hủy (apoptosis) nhiều hơn bất kỳ giai đoạn phát triển khác; iod cao có thể được sử dụng để đảo ngược một số bệnh; liều iod cao có thể được sử dụng cho các vết thương, lở loét do nằm liệt giường, viêm và đau nhức do chấn thương và giúp tóc mọc lại khi bôi tại chỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điều cần biết về muối iod
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO