Những cơ hội ‘mở đường’ cho Fintech Startups Việt Nam trong đại dịch Covid-19

LƯU TRIỀU TIÊN| 02/08/2021 19:12

KHPTO - Hội thảo trực tuyến “Fintech Startups – Giai đoạn bùng nổ mới?” do Tech Founder Institute (TFI) - một trong những chương trình tăng tốc khởi nghiệp lớn tại Đông Nam Á vừa diễn ra hôm 30/7 với mục tiêu chia sẻ và thảo luận về các cơ hội mở đường cho những thế hệ Fintech Startups mới trong bối cảnh phát triển mạnh của ví điện tử, ngân hàng số, đặc biệt trong giai đoạn thách thức Covid-19.

Lần đầu tiên, hội thảo tương tự đã được TFI Group tổ chức từ năm 2011, thành viên trong mạng lưới Founder Institute (Silicon Valley, Mỹ).

Buổi hội thảo có sự chia sẻ đến từ các diễn giả có nhiều kinh nghiệm, như bà Lê Hoàng Uyên Vy - đồng sáng lập và giám đốc điều hành quỹ DO Ventures, quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các công ty công nghệ tiên phong; ông Lê Nam - giám đốc quỹ Touchstone Partners, một quỹ đầu tư của Việt Nam đẩy mạnh sự phát triển của Khởi nghiệp và thiết lập những tiêu chuẩn cao cho đầu tư mạo hiểm; ông Bùi Hải An - phó tổng giám đốc trải nghiệm khách hàng Timo; ông Nguyễn Hữu Tuất - đồng sáng lập và giám đốc điều hành của NextPay Vietnam, hệ sinh thái chuyển đổi kỹ thuật số dành cho các doanh nghiệp từ siêu nhỏ đến vừa và nhỏ.

Tại phiên thảo luận, các diễn giả đã đưa ra những ngành tiềm năng và cơ hội cho Fintech Startups thế hệ hai - thế hệ kế thừa và phát huy. Bên cạnh đó cũng đánh giá về thị trường Fintech thế giới và Việt Nam trong bối cảnh covid-19 được cho là đang đóng vai trò như một “cú huých” khiến cho quá trình này diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.

Ông Bùi Hải An - phó tổng giám đốc mảng khách hàng ngân hàng số Timo, chia sẻ: “Có thể thấy giai đoạn Covid ảnh hưởng không nhỏ lên tình hình chung của toàn thế giới nhưng cũng góp phần tạo ra động lực giúp đẩy nhanh quá trình triển khai và thực hiện số hóa tại các doanh nghiệp. Timo là ngân hàng số đầu tiên đưa ra giải pháp eKYC để hỗ trợ khách hàng dễ dàng đăng ký tài khoản ngân hàng trực tuyến. Thời gian qua, do ảnh hưởng của Covid cũng như các chỉ thị giãn cách xã hội, hạn chế việc đi lại đã giúp đăng ký trực tuyến eKYC trở thành một dịch vụ tiện lợi thu hút khách hàng. Từ 2020 đến nay, Timo ghi nhận số lượng khách hàng đăng ký qua nền tảng eKYC gia tăng đột biến”.

Theo báo cáo mới nhất của Fintech News về lĩnh vực fintech trong nước, năm 2019, Việt Nam đã đứng thứ hai trong ASEAN về tài trợ cho fintech, thu hút 36% tổng vốn đầu tư vào fintech của khu vực. Sự lạc quan được đưa ra khi Việt Nam đang trải qua sự bùng nổ trong thanh toán kỹ thuật số và hoạt động thương mại điện tử trong bối cảnh Covid-19.

Các diễn giả cũng nhận định đây sẽ là thời điểm “vàng” đối với những Fintech Startups mới, vì những bài toán cơ bản và hóc búa như cơ sở hạ tầng hay những giải pháp về công nghệ đã được các thế hệ Fintech đi trước giải quyết. Điều quan trọng là các Fintech cần có những ý tưởng hay, thiết thực cho người dùng và doanh nghiệp, chọn ra thị trường riêng của mình và tập trung vào thị trường đó để phát triển và thành công. Các lĩnh vực như Digital identity, Retail investing hay Insurtech, Blockchain & Crypto vẫn là thị trường rộng mở và hứa hẹn sự bùng nổ trong thời gian sắp tới.

Ông Nguyễn Hữu Tuất - đồng sáng lập và giám đốc điều hành của NextPay Vietnam, chia sẻ: “Thời gian tới, có thể thấy một số xu hướng sẽ phát triển trong lĩnh vực Fintech như Blockchain, các công ty thanh toán, các doanh nghiệp tài chính ứng dụng chuyển đổi số giúp tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn và sự kết hợp giữa thanh toán trực tuyến với nhiều dịch vụ hơn, đặc biệt là nhóm phát triển bùng nổ trong lĩnh vực Fintech hiện nay - các ngân hàng số”.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy - đồng sáng lập và giám đốc điều hành quỹ DO Ventures, nói: “Tôi thấy có nhiều cơ hội trong thị trường Fintech và mong muốn tìm được cơ hội đầu tư vào những công ty của các founder xác định rõ đâu là thị trường đủ hấp dẫn và phải có cả kinh nghiệm, kiến thức am hiểu về thị trường mà họ đang phát triển. Tôi tin họ sẽ sớm chiến thắng trong cuộc đua này.

Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến bức tranh kinh tế toàn diện của Việt Nam, do đó việc tiêu dùng cá nhân và tài chính của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đây là thời cơ cho các công ty ứng dụng công nghệ có thể nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh cho các doanh nghiệp truyền thống hoặc tự tạo cho mình những mô hình kinh doanh mới. Đây cũng là thời điểm DO Ventures đầu tư nhiều hơn, vì tôi tin rằng đại dịch lần này sẽ khiến thị trường Việt Nam có nhiều xáo trộn và thay đổi nhưng một cách tích cực thì nó cũng sẽ mang tới cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển hơn.”

Ông Lê Nam - giám đốc quỹ Touchstone Partners, nhận định: “Cuộc khủng hoảng luôn luôn là điểm khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới mẻ . Khi Covid gây khó khăn cho cuộc sống của nhiều hộ gia đình thì nhu cầu tìm kiếm những nguồn thu nhập mới gia tăng, Fintech là một kênh giúp mọi người tìm kiếm những nguồn thu nhập mới từ đầu tư chứng khoán, crypto, bất động sản... hay thậm chí là kênh giúp mọi người tiếp cận với khoản vay dễ dàng hơn. Fintech ngày càng hiện đại hơn, kết hợp công nghệ mới như AI, hardware…”

Bên cạnh đó, các công ty Fintech đang có vị thế trên thị trường cũng không ngừng nâng cao dịch vụ và năng lực triển khai của mình, tập trung vào các giải pháp dành cho khách hàng mang đến những trải nghiệm tốt hơn. Sự cạnh tranh này hứa hẹn những đột phá trong thời gian sắp tới của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cơ hội ‘mở đường’ cho Fintech Startups Việt Nam trong đại dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO