Những chiến binh F0...

TRUNG DUNG| 17/01/2022 14:50

KHPTO - Mô hình “F0 chăm sóc F0” là mô hình mà các F0 (bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2) sau khi khỏi bệnh có nguyện vọng tham gia chương trình sẽ được tập huấn cấp tốc về kiến thức và kỹ năng chăm sóc bệnh nhân Covid-19, được phân bổ về các cơ sở y tế, bệnh viện, khu cách ly để hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ.

Theo BS. Trần Văn Khanh, giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP. Thủ Đức), những ngày cả ngành y tế TP.HCM gồng mình chống dịch Covid-19, thấu hiểu được những vất vả của đội ngũ y bác sĩ, vì vậy mà ngay cả khi còn là bệnh nhân đang điều trị, một số F0 có sức khỏe ổn định đã chủ động hỗ trợ chăm sóc cho các bệnh nhân có sức khỏe yếu hơn và họ có mong muốn tiếp tục ở lại để phục vụ cho các F0 khác khi đã được điều trị khỏi.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã tuyển tình nguyện viên “đặc biệt” để chăm sóc các bệnh nhân Covid-19. BS. Khanh chia sẻ: Gọi là “đặc biệt” bởi các tình nguyện viên này đã từng là F0. Ít nhiều đã nắm bắt được những công việc mà bác sĩ và điều dưỡng đã chăm sóc, điều trị cho họ hàng ngày. Điều này, giúp họ dễ dàng áp dụng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân Covid-19. 

Việc mời F0 đã âm tính ở lại để chăm sóc các F0 còn là chủ trương lấy sức dân để lo cho dân theo chủ trương chung của Nhà nước. Tùy theo trình độ, các tình nguyện viên sẽ được bố trí công việc thích hợp. Họ đảm nhận từ tạp vụ, hậu cần cho tới hướng dẫn bệnh nhân Covid-19 tập thở, nhắc dùng thuốc và ăn uống đúng giờ, hỗ trợ bệnh nhân lớn tuổi việc vệ sinh cá nhân… Thậm chí, tham gia điều trị nếu tình nguyện viên là bác sĩ.

Tình nguyện viên là F0, rất dễ gần gũi, trò chuyện, giúp bệnh nhân thoải mái tâm trí để mau vượt qua cơn bệnh

Tại các khu cách ly trung tâm như Trường cao đẳng công thương, Trường đại học sư phạm kỹ thuật, Trường cao đẳng Thủ Thiêm, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3, là những nơi Bệnh viện Lê Văn Thịnh được phân công phụ trách công tác điều trị Covid-19, ban giám đốc đã triển khai mô hình “F0 chăm sóc F0” trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Với mục đích, họ sẽ trở thành lực lượng tuyến đầu đặc biệt khi trở lại các cơ sở y tế, bệnh viện, các khu cách ly để chia sẻ công tác hậu cần, chăm sóc những bệnh nhân Covid-19 khác đang rất cần sự giúp đỡ.

Đội ngũ chống dịch mới này sẽ chia sẻ nỗi vất vả, nhọc nhằn với các y, bác sĩ khi chăm sóc các ca F0 trong sinh hoạt hằng ngày, hoặc được huấn luyện cấp tốc về những kiến thức cơ bản để theo dõi tình trạng oxy máu, tình trạng khó thở, huyết áp… của người bệnh.

BS. Khanh nhận định: “Những “chiến binh F0” này rất quan trọng, ngoài giúp giảm tải áp lực để đội ngũ y tế tập trung vào chuyên môn cứu người, còn giúp các y bác sĩ phát hiện kịp thời những thay đổi bất thường của bệnh nhân để thông tin cho nhân viên y tế xử lý”.

Anh Trần Minh Khôi - tình nguyện viên F0, đã làm việc tại Bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 số 3 (phường An Khánh, TP. Thủ Đức) cho biết, gia đình Khôi có đến 3 người bị F0, gồm mẹ, em trai và Khôi, được đưa đến bệnh viện này điều trị. Khi mới đến đây Khôi rất lo sợ, vì mẹ Khôi lớn tuổi, lại có tính hay nghĩ nên sợ bà suy sụp tinh thần hoặc bệnh trở nặng. Khôi luôn bên cạnh chăm sóc và động viên. Sau 21 ngày điều trị, được sự chăm sóc điều trị tận tình của y, bác sĩ… gia đình Khôi khỏe mạnh và được xuất viện. 

“Đúng ra, tôi xuất viện cùng với mẹ và em trai nhưng chứng kiến bệnh nhân quá đông, hiểu được tâm trạng họ đang rất lo sợ và ngành y tế đang rất cần thêm người chung tay góp sức nên tôi đã tình nguyện ở lại đây làm việc. Nhiều F0 mới vào, dù còn khỏe mạnh nhưng đã suy sụp tinh thần, khóc, lo lắng… Tâm trạng này, mình đã từng trải qua nên thấu hiểu, việc an ủi và động viên họ dễ đồng cảm hơn. Công việc không khó, nhưng khá nhiều và lượng bệnh nhân khá đông nên có chút áp lực. Tuy nhiên, được làm điều gì đó có ý nghĩa và nhìn thấy họ vui sướng khi được xuất viện, mình vui lây và tạo thêm động lực để mình tiếp tục làm công việc này đã gần 4 tháng nay”, Khôi nói.

Theo BS. Khanh, các tình nguyện viên này có kinh nghiệm vượt qua bệnh tật, họ phần nào hiểu được nhu cầu của người bệnh nên sẽ chăm sóc và tư vấn người bệnh tốt hơn tình nguyện viên bình thường. Bên cạnh đó, tâm lý đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị Covid-19, bản thân những F0 đã khỏi bệnh là một liều thuốc tinh thần cho các F0 đang điều trị. 

Từng mắc bệnh nên tình nguyện viên là F0 rất dễ gần gũi, trò chuyện, giúp bệnh nhân thoải mái tâm trí để mau vượt qua cơn bệnh. Các tình nguyện viên F0 có thể tự tin nói: “Tôi đã từng bị dương tính, tôi đã khỏi và đang khỏe mạnh, các bạn hãy lạc quan, cố gắng và sẽ khỏi như tôi”. Đây là một sự hỗ trợ rất hữu ích cho quá trình điều trị của các F0.

Cao điểm dịch vừa qua, có 43 F0 là tình nguyện viên chăm sóc F0 tại các nơi Bệnh viện Lê Văn Thịnh được phân công phụ trách công táct điều trị Covid-19. Tùy theo trình độ, các tình nguyện viên sẽ được bố trí công việc thích hợp. Họ đảm nhận từ tạp vụ, hậu cần cho tới hướng dẫn bệnh nhân Covid-19 tập thở, nhắc dùng thuốc và ăn uống đúng giờ, hỗ trợ bệnh nhân lớn tuổi việc vệ sinh cá nhân… thậm chí, tham gia điều trị nếu tình nguyện viên là bác sĩ. 

Được biết, nguồn kinh phí để triển khai mô hình do Bệnh viện Lê Văn Thịnh phối hợp với Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, ngoài kinh phí chống dịch, ăn - ở miễn phí còn được hỗ trợ từ 6 – 8 triệu đồng/tháng, giúp họ thêm chi phí trang trải cho sinh hoạt hàng ngày.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những chiến binh F0...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO