Những cây thuốc & Bài thuốc nam ứng dụng

06/09/2006 23:05

Những cây thuốc và vị thuốc được giới thiệu trong chuyên đề này là những cây thuốc và vị thuốc Bắc đã được ghi trong dược điển Trung Quốc và sử dụng rất lâu đời. Điều khá thú vị là những cây thuốc này cũng có ở Việt Nam, được nhân dân ta sử dụng rộng rãi và gọi là thuốc Nam. Dựa vào kết quả điều trị, phần nào đánh giá được giá trị của một số cây thuốc Nam, bài thuốc Nam. Thêm vào đó việc xác định hoạt chất trong cây cỏ làm thuốc, xác định về mặt thực vật học, hóa học, dược lý… đã được các nhà khoa học Việt Nam (Viện Dược liệu, GS.TS. Đỗ Tất Lợi, TS. Võ Văn Chi…) nghiên cứu, phổ biến; rất tiện cho việc tra cứu, càng thêm củng cố sự tin dùng thuốc Nam. Phần lớn các cây thuốc trong chuyên đề này sử dụng bộ phận lá. Độc giả nên đối chiếu tên thuốc Bắc với tên thường gọi của thuốc Nam để tiện việc ứng dụng, tránh nhầm lẫn.

Tên khoa học: Wikhs troemia indica (L.) C. A. Mey. Họ trầm Thymeleaceae.

Tên gọi khác: niệt gió, gió niệt, gió chuột.

Phân bố: Cây mọc hoang ở bờ bụi khắp nơi vùng rừng núi, gò đống, ven lộ, ven làng, bãi cỏ.

Thu hái và chế biến:

Lá: Hái vào mùa hè, dùng tươi hay phơi khô. Rễ: Thu hái vào mùa xuân, loại bỏ tạp chất, cạo bỏ vỏ ngoài phơi khô.

Tính năng: Vị đắng cay, tính hơi ấm, có độc. Có tác dụng tiêu viêm giải độc, tán ứ chỉ thống, sát khuẩn.

Liều dùng: Dùngngoài với liều lượng thích hợp.

Cấm kỵ: Có thai cấm dùng. Thuốc nấu lâu sẽ làm giảm độc tính.

PHƯƠNG THUỐC KINH NGHIỆM: (Nghiệm phương)

Chữa nấm chân:

- Bài 1: Niệt gió tươi lượng vừa đủ. Giã nhỏ đắp tại chỗ đau.

- Bài 2: Niệt gió tươi, phi dương thảo (cỏ sữa lá lớn), khổ lý căn (rễ mận rừng) tất cả đều bằng nhau, sắc lấy nước đặc rửa hoặc ngâm chân.

Chữa viêm da thần kinh (ngưu bì tiễn):

Rễ tươi niệt gió (lấy lớp vỏ thứ 2) 30 g, dầu hôi 100 ml. Lấy rễ niệt gió tươi ngâm trong dầu hôi sau 15 ngày thì dùng dung dịch này bôi vào chỗ đau.

2 - TAM GIÁC BAO(TẦM PHỎNG)

Tên khoa học: Cardiospermum halicacabum L. Họ bồ hòn sapindaceae.

Tên gọi khác: Tầm phỏng.

Phân bố: Mọc hoang trên các nương rẫy, bờ bụi; hoặc mọc khắp nơi ở vùng rừng núi, bờ kinh, ven lộ, trên bãi cỏ.

Thu hái và chế biến: Hái lá vào mùa hạ, thu, loại bỏ tạp chất, dùng tươi hoặc phơi khô.

Tính năng: Vị hơi đắng tính hàn. Có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, hóa thấp giải độc, tiêu thũng.

Liều dùng: Dùng ngoài liều lượng vừa đủ.

PHƯƠNG THUỐC KINH NGHIỆM:

Chữa zona (giời leo):

Tầm phỏng, rau dừa nước (quá đường xà) bằng nhau. Nấu lấy nước rửa tại chỗ.

Vùng bìu dái hăm lở chảy nước:

Tầm phỏng 100 g, xà xàng tử 30 g. Sắc lấy nước rửa tại chỗ.

Chữa trẻ em bìu dái sưng nóng:

Tầm phỏng lượng vừa đủ, nấu lấy nước rửa tại chỗ.

Chữa mụn bọc có mủ lở loét chảy nước vàng:

- Bài 1: Tầm phỏng, giang bản quy (rau má ngọ) các vị bằng nhau. Sắc lấy nước rửa tại chỗ.

- Bài 2: Tầm phỏng, rau má ngọ các vị bằng nhau. Sắc lấy nước đặc rửa tại chỗ. Lại lấy riêng các vị thuốc trên tán bột bôi tại chỗ. Mỗi ngày 2 lần.

Chữa ghẻ phỏng (bạch bào sang): Tầm phỏng vừa đủ nấu lấy nước rửa tại chỗ.

3 - THỔ PHỤC LINH(KHÚC KHẮC)

Tên khoa học: Smilax glabra Roxb. Họ bách hợp.

Tên gọi khác: Khúc khắc.

Phân bố: Mọc ở sườn núi có cỏ, ven rừng, dưới rừng thưa, giữa các cây bụi.

Thu hái và chế biến: Thu hái lá mùa hè thu, bỏ bùn cát, nhân lúc còn tươi cắt lát, phơi khô. Khi dùng rửa sạch, cắt vụn.

Tính năng: Vị ngọt, nhạt, bình. Có tác dụng trừ thấp, giải độc, tán kết, tiêu thũng.

Liều dùng: 15 - 60 g.

PHƯƠNG THUỐC KINH NGHIỆM:

Chữa giang mai:

- Bài 1: Thổ phục linh tươi 150 g. Sắc uống.

- Bài 2: Thổ phục linh 30 g, thương nhĩ tử 15 g. Sắc uống.

- Bài 3: Thổ phục linh, kim ngân hoa, khổ sâm đều 30 g. Sắc uống.

- Bài 4: Thổ phục linh 100 g, dây kim ngân 60 g, xa tiền thảo 30 g. Sắc uống.

- Bài 5: Thổ phục linh tươi 250 g, thương nhĩ tử, kim ngân hoa, cam thảo, bạch tiễn bì đều 15 g. Sắc uống.

- Bài 6: Thổ phục linh 30 g, bạch tiễn bì, kim ngân hoa, uy linh tiên đều 15 g, cam thảo 10 g. Sắc uống.

Chữa viêm da:

Thổ phục linh 60 g. Sắc uống thay nước trà.

Chữa cơ quan sinh dục nổi mụn nhọt:

- Bài 1: Thổ phục linh 20 g. Bản lam căn 15 g, mã xỉ hiện 15 g. Sắc lấy nước uống với viên hoàn “tri bá địa hoàng hoàn”.

Nếu người âm hư hỏa vượng thì dùng thêm: Nữ trinh tử, tri mẫu mỗi thứ 10 g.

- Bài 2: Thổ phục linh, hoàng bá, dã cúc hoa, kim ngân hoa (hoặc dây) đều 30 g. Sắc lấy nước rửa hoặc ngâm khoảng 15 phút, mỗi ngày 2 lần.

- Bài 3: Thổ phục linh, bạch hoa xà thiệt thảo, bản lam căn (hoặc nam bản lam căn) đều 20 g, ý dĩ nhân 30 g, hoàng bá 15 g, sài hồ, đại thanh diệp đều 10 g. Sắc uống.

- Bài 4: Thổ phục linh, hoàng bá, sài hồ đều 15 g, hổ trượng, trạch tả, tri mẫu đều 10 g. Ý dĩ nhân 30 g. Cam thảo 6 g. Sắc uống.

- Bài 5: Thổ phục linh, ý dĩ nhân, sinh địa đều 30 g, hoàng cầm, phục linh bì đều 15 g, chi tử, huyền sâm đều 10 g. Sắc uống.

Hạ cam mềm:

- Bài 1: Thổ phục linh, bồ công anh, xa tiền thảo đều 30 g, biển súc, mộc thông, trạch tả đều 15 g, hoàng cầm, sinh địa đều 10 g, long đởm thảo 12 g, sài hồ, cam thảo đều 6 g. Sắc uống.

- Bài 2: Thổ phục linh 30 g, bồ công anh, dã cúc hoa, bạch hoa xà thiệt thảo, hoàng bá đều 15 g, hoàng cầm, hoàng liên, kim ngân hoa đều 10 g. Sắc uống.

Nếu đi cầu bón, nên thêm: Đại hoàng 10 g. Âm dịch bị tổn thương gây khô môi miệng thì thêm: Bạch mao căn, sinh địa đều 15 g.

4 - ĐẠI DIỆP ÁN DIỆP(BẠCH ĐÀN ĐỎ)

Tên khoa học: Eucaliptus robusta Smich. Họ sim Mytarceae.

Tên gọi khác: Án diệp, án thụ diệp , bạch đàn đỏ.

Phân bố: cây được trồng khắp nơi, ven lộ, bờ kinh, chân núi.

Thu hái và chế biến: Hái quanh năm dùng tươi rửa sạch hoặc phơi khô.

Tính năng: Vị hơi cay, hơi đắng tính bình, ức khuẩn tiêu viêm, khử phong chỉ dưỡng, thu liễm.

Liều dùng: Dùng ngoài lượng vừa đủ.

NGHIỆM PHƯƠNG

Chữa giời leo:

Lá bạch đàn đỏ 1 kg nấu thành dung dịch 10%, dùng gạc nhúng nước thuốc đắp chỗ giời leo để khoảng 2 giờ, mỗi ngày đắp 3 lần.

Chữa chàm, mụn mủ:

Lá bạch đàn đỏ, vỏ cây sầu đâu, có nơi gọi là cây xoan (khổ luyện thụ bì) bằng nhau sắc lấy nước đặc rửa.

Chữa chàm, ngứa vùng âm hộ:

Lá bạch đàn đỏ, xà xàng tử, khổ sâm, vỏ Xoan, vỏ cây chân chim, địa phu tử đều bằng nhau sắc lấy nước đặc ngâm rửa.

Chữa chàm bìu (bìu dái ngứa gãi chảy nước):

- Bài 1: Lá bạch đàn đỏ, xà xàng tử, lá trâm ổi đều 30 g sắc lấy nước đặc ngâm rửa chỗ ngứa.

- Bài 2: Lá bạch đàn đỏ, cỏ sữa lá lớn, lá trâm ổi, địa đởm thảo (cúc chỉ thiên) đều bằng nhau sắc lấy nước đặc rửa.

Chữa viêm da:

Lá bạch đàn đỏ 4 phần, thiên lý quang (cúc bạc leo) 2 phần, lá kim ngân hoa, dã cúc hoa, giang bản quy (rau má ngọ), quả kim anh tử tất cả đều 1 phần. Sắc lấy nước đặc rửa tại chỗ.

Chữa mẩn ngứa do phong hàn:

Lá bạch đàn đỏ tươi 100 g, rễ trâm ổi, xà xàng tử, tổ kiến (đóng trên cây) đều 30 g. Sắc lấy nước đặc rửa mỗi ngày 2 - 3 lần.

5 - ĐẠI PHÙ BÌNH (BÈO CÁI)

Tên khoa học: Pistia stratiotes L. Họ ráy Araceae.

Tên gọi khác: Bèo cái, bèo tai tượng, thủy phù liên

Phân bố: Mọc khắp nơi ở các vùng ao hồ, đầm lầy.

Thu hái và chế biến: Háivào mùa hạ, thu, bỏ rễ phơi khô.

Tính năng: Vị cay tính hàn. Có tác dụng lương huyết, hoạt huyết, sơ phong giải biểu, khu thấp chỉ dưỡng, phát hãn.

Liều dùng: 10 -15 g. Dùng ngoài lượng vừa đủ.

Cấm kỵ: Người có thai hoặc không có thực nhiệt, thực tà thì cấm dùng.

NGHIỆM PHƯƠNG

Chữa mề đay:

Bèo cái, rễ cây mè (chi ma căn), gai bồ kết (tạo giác thích), gai yết hầu (bạch tật lê), vỏ cây vông nem (hải đồng bì) mỗi thứ từ 10 - 15 g. Sắc uống.

Chữa chàm:

Bèo cái lượng vừa đủ. Sắc lấy nước đặc rửa hay tắm, ngày 3 lần.

Chữa chàm ướt:

Bèo cái, cỏ sữa lá lớn (phi dương thảo), cỏ sữa lá nhỏ (tiểu phi dương thảo) các vị đều bằng nhau. Sắc lấy nước đặc rửa tại chỗ, ngày làm 3 lần. Hoặc cũng các vị thuốc trên dùng tươi giã nát đắp vào chỗ đau.

Chữa lang ben:

Bèo cái tươi vừa đủ. Bột lưu huỳnh một ít. Giã nát bèo cái vắt lấy nước, cho bột lưu huỳnh vào trộn đều bôi vào chỗ bệnh, làm nhiều lần trong ngày.

Chữa toàn thân ngứa ngáy do huyết nhiệt:

Bèo cái tươi, dây kim ngân hoa tươi, rau dừa nước tươi mỗi thứ 250 g. Thổ kinh giới tươi 120 g. Sắc lấy nước đặc rửa hoặc tắm.

6- TIỂU PHI DƯƠNG THẢO(CỎ SỮA LÁ NHỎ)

Tên khoa học: Euphorbia thymifolia L. Họ thầu dầu Euphorbiaceae.

Tên gọi khác: Cỏ sữa lá nhỏ, tiểu nhủ trấp thảo .

Phân bố: Mọc hoang ở khắp nơi, bãi cỏ, sân vườn hoặc những nơi có nhiều sỏi đá.

Thu hái và chế biến: Hái vào mùa hạ, thu, loại bỏ tạp chất, dùng tươi hay sấy khô.

Tính năng: Vị hơi chát, hơi chua tính bình. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm chỉ dưỡng.

Liều dùng: Dùng ngoài lượng vừa đủ.

NGHIỆM PHƯƠNG

Mề đay: Cỏ sữa lá nhỏ, lá vông các vị đều bằng nhau. Sắc lấy nước đặc rửa.

Viêm da dị ứng, chàm:

- Bài 1: cỏ sữa nhỏ lá tươi vừa đủ. Sắc lấy nước đặc, rửa tại chỗ.

- Bài 2: Cỏ sữa lá nhỏ tươi, bòn bọt (tất đại cô) tươi các vị đều bằng nhau. Sắc lấy nước đặc rửa tại chỗ.

Trẻ em bị trái rạ:

Cỏ sữa nhỏ lá tươi vừa đủ, rửa sạch giã nát, thêm nước vo gạo vào, vắt lấy nước bôi tại chỗ. Cũng có thể phơi khô tán bột trộn thêm chút dầu mù u bôi vào chỗ đau ngày nhiều lần.

Chữa zona (giời leo):

Cỏ sữa lá nhỏ tươi vừa đủ. Tỏi 1 củ, 2 vị giã nát thêm chút nước lạnh vắt lấy nước bôi tại chỗ. Ngày làm nhiều lần.

7 - SƠN HƯƠNG(TỬ TÔ DẠI)

Tên khoa học: Hiptis suaveolens (L) Poit. Họ hoa môi Lamiaceae.

Tên gọi khác: Tử tô dại, xà bách tử, mao lão hổ.

Phân bố: Cây mọc ở các bãi đất hoang, ven đường, ven làng.

Thu hái và chế biến: Hái lá vào mùa hạ, thu, loại bỏ tạp chất, dùng tươi hoặc sấy khô.

Tính năng: Vị đắng, cay tính mát, có tác dụng sơ phong giải biểu, tán ứ chỉ thống, chỉ dưỡng.

Liều dùng: Dùng ngoài lượng vừa đủ.

Cấm kỵ: Có thai cấm dùng.

NGHIỆM PHƯƠNG

Chữa viêm da, chàm:

- Bài 1: Sơn hương vừa đủ, sắc lấy nước rửa tại chỗ. Mỗi ngày 2 - 3 lần.

- Bài 2: Sơn hương, lá vông nem đều bằng nhau. Sắc lấy nước rửa tại chỗ, ngày 2 lần.

Chữa Chàm:

- Bài 1: Tía tô dại, ngũ chỉ phong (lá ngũ trảo), bạch hoa thảo (cỏ cứt lợn) các vị đều bằng nhau. Phác tiêu, bạch phàn đều 15 g. Trước tiên lấy 3 vị thuốc trên nấu lấy nước lọc bỏ bã, rồi cho phác tiêu, bạch phàn vào trộn đều. Rửa tại chỗ ngày 2 lần.

- Bài 2: Tía tô dại, trâm ổi tươi (mã anh đơn), bạch đàn đỏ tươi, các vị đều bằng nhau. Sắc lấy nước đặc rửa tại chỗ ngày 2 - 3 lần.

8 - PHI DƯƠNG THẢO(CỎ SỮA LÁ LỚN)

Tên khoa học: Euphorbia Hirta. L. Họ thầu dầu Euphorbiaceae.

Tên gọi khác: Đại phi dương thảo , cỏ sữa lá lớn.

Phân bố: Mọc hoang khắp nơi ở những chỗ có sỏi đá, bãi cỏ, đường đi.

Thu hái và chế biến: Hái lá vào mùa hạ, thu, loại bỏ tạp chất phơi hoặc sấy khô.

Tính năng: Hơi cay, chua, tính mát có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm chỉ dưỡng.

Liều dùng: Dùng ngoài với lượng thích hợp.

NGHIỆM PHƯƠNG

Chữa zona (giời leo):

Cỏ sữa lá lớn tươi lượng vừa đủ giã nát vắt lấy nước thêm bột hùng hoàng 2 g. Trộn đều thoa tại chỗ, ngày vài lần.

Chữa mẩn ngứa:

Cỏ sữa lá lớn 1 kg. Bồ cu vẽ 2 kg. Nhân trần 250 g. Sắc đặc, tùy theo chỗ bệnh mà tắm, ngâm hay bôi bên ngoài.

Nếu bị nhiễm trùng lấy riêng xuyên tâm liên 15 g sắc uống.

Chữa lạn đầu sang ở trẻ em:

Cỏ sữa lá lớn lượng vừa đủ sắc đặc rửa tại chỗ.

Chữa nấm chân:

Cỏ sữa lá lớn tươi 100 g, thêm 500 ml cồn 750, ngâm trong 5 ngày rồi thoa vào chỗ đau. Mỗi ngày thoa vài lần.

Chữa nấm da, nấm đầu:

- Bài 1: Cỏ sữa lá lớn, cỏ sữa lá nhỏ, cỏ mực, thổ kinh giới đều 30 g, ngâm trong cồn 900 trong vòng 20 ngày, lấy ra bôi tại chỗ, mỗi ngày bôi 3 - 4 lần.

- Bài 2: Cỏ sữa lá lớn tươi vừa đủ, vắt lấy nước, thoa tại chỗ. Ngày 3 lần.

9 - MÃ XĨ HIỆN(RAU SAM)

Tên khoa học: Potulaca oleracea L. Họ rau sam Potulacaceae.

Tên gọi khác: Rau sam, qua tử thái .

Phân bố: Mọc hoang ở những nơi ẩm mát.

Thu hái và chế biến: Hái lá vào mùa hạ, thu, loại bỏ tạp chất, rửa sạch dùng tươi hay phơi khô.

Tính năng: Vị chua hơi ngọt tính hàn có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết tiêu thũng.

Liều dùng: 30 - 60 g. Dùng ngoài lượng vừa đủ.

NGHIỆM PHƯƠNG

Chữa zona (giời leo):

- Bài 1: Rau sam tươi vừa đủ. Giã nát, đắp vào chỗ đau. Mỗi ngày 2 lần.

- Bài 2: Rau sam, muồng tiền (thảo quyết minh), dền gai (thích hiện thái), trâm ổi, lá đào, các vị đều bằng nhau. Sắc đặc rửa tại chỗ.

Chữa nhọt lở chảy nước vàng:

Rau sam tươi vừa đủ, muối ăn một ít. Tất cả giã nát đắp vào chỗ đau.

Chữa viêm da (do tiếp xúc với rơm rạ):

Rau sam tươi 60 g. Bạc hà tươi 30 g. Giã nát đắp vào chỗ đau.

Chữa mồng gà, mụn cơm:

Rau sam 60 g. Bản lam căn (hoặc nam bản lam căn) 30 g. Mộc tặc 15 g. Tế tân 12 g. Bạch chỉ, đào nhân, lộ phong phòng (tàng ong), cam thảo mỗi thứ 10 g. Sắc lấy nước đặc xông chỗ đau, sau đó ngâm trong vòng 20 phút. Mỗi ngày 2 - 3 lần, 7 ngày là một liệu trình.

Chữa bộ phận sinh dục nổi mụn nhọt:

- Bài 1: Rau sam, thổ phục linh, bản lam căn đều 20 g. Sắc lấy nước uống với viên hoàn “tri bá địa hoàng hoàn”.

Nếu có âm hư hỏa vượng thì thêm: Nữ trinh tử, tri mẫu đều 10 g.

- Bài 2: Rau sam, hoàng bá, dã cúc hoa đều 100 g. Sắc đặc rửa đắp chỗ đau 15 phút, mỗi ngày 2 lần.

10 - MÃ ANH ĐƠN(TRÂM ỔI)

Tên khoa học: Lantana camara L. Họ cỏ roi ngựa Verbenaceae.

Tên gọi khác: Như ý hoa , ngũ sắc hoa , trâm ổi, bông ổi.

Phân bố: Mọc hoang ở các bãi đất trống, đồi núi, ven bờ biển.

Thu hái và chế biến: Hái lá quanh năm, rửa sạch loại bỏ tạp chất, phơi khô.

Tính năng: Vị hơi ngọt, cay, tính mát có tác dụng khu phong thanh nhiệt, sát trùng chỉ dưỡng.

Liều dùng: Dùng ngoài lượng vừa đủ.

NGHIỆM PHƯƠNG

Chữa trẻ em bị lác sữa:

Mã anh đơn diệp (lá trâm ổi) 10 g. Lá ngải diệp 6 g, nước 1 chén, nấu trong 5 phút. Để nguội rửa chỗ lác ngày 3 lần.

Chữa mụn nhọt có mủ:

Mã anh đơn (trâm ổi), tam giác bao (tầm phỏng), khổ luyện diệp (lá xoan) đều bằng nhau. Sắc lấy nước đặc rửa tại chỗ.

Chữa ngứa ngoài da:

Mã anh đơn (trâm ổi), tam giác bao (tầm phỏng), thiên lý quang (cúc bạc leo), phi dương thảo (cỏ sữa lá lớn) đều bằng nhau. Sắc lấy nước đặc rửa hay tắm. Mỗi ngày 1 - 2 lần.

Chữa bạch bào sang, thấp chẩn:

Mã anh đơn vừa đủ. Sắc lấy nước đặc, rửa. Lại lấy riêng mã anh đơn diệp tươi tán nhuyễn bôi bên ngoài chỗ đau. Mỗi ngày vừa rửa vừa thoa 3 - 5 lần.

Chữa thấp chẩn (chàm):

- Bài 1: Mã anh đơn, phi dương thảo (cỏ sữa lá lớn), khổ lý căn (rễ mận) các vị đều bằng nhau. Sắc lấy nước đặc rửa lúc còn ấm. Mỗi ngày 2 lần.

- Bài 2: Mã anh đơn tươi vừa đủ. Sắc lấy nước đặc rửa.

- Bài 3: Mã anh đơn tươi, thiên lý quang tươi (cúc bạc leo) đều bằng nhau. Tất cả giã nát đắp tại chỗ hoặc sắc lấy nước đặc rửa.

Chữa ngứa do phong hàn:

Rễ tươi mã anh đơn, lá bạch đàn chanh tươi đều bằng nhau. Sắc lấy nước đặc rửa hoặc tắm toàn thân.

Chữa chàm bìu:

Mã anh đơn, lá tùng đều bằng nhau. Sắc lấy nước đặc rửa tại chỗ.

11 - MÃ TIÊN THẢO(CỎ ROI NGỰA)

Tên khoa học: Verbena officinalis L. Họ cỏ roi ngựa. Verbenaceae.

Tên gọi khác: Cỏ roi ngựa

Phân bố: Mọc ở vùng đồng cỏ thoáng đãng, ven làng, ven đường, ven ruộng, ven suối, ven rừng.

Thu hái và chế biến: Thu hái lá vào tháng 6 - 8 lúc ra hoa, bỏ hết tạp chất, phơi khô. Khi dùng rửa sạch, cắt ngắn.

Tính năng: Vị đắng, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt lợi niệu, hoạt huyết tán ứ.

Liều dùng: 15 -30 g. Dùng ngoài với lượng thích hợp.

Cấm kỵ: Phụ nữ có thai cấm dùng.

NGHIỆM PHƯƠNG

Chữa ngứa ngoài da:

- Bài 1: Cỏ roi ngựa 1 kg. Giã nát, nấu sôi vài dạo, để nguội tắm.

- Bài 2: Cỏ roi ngựa, thương nhĩ thảo đều bằng nhau, sắc đặc rửa tại chỗ. Ngày làm 2 - 3 lần.

- Bài 3: Cỏ roi ngựa, ngải diệp đều bằng nhau, sắc lấy nước đặc thêm bột hùng hoàng 6 g, trộn đều rửa chỗ ngứa. Mỗi ngày 1 - 2 lần.

Chữa zona (giời leo):

Cỏ roi ngựa 120 g. Rượu gạo 30 ml. Cỏ roi ngựa rửa sạch giã nát, vắt lấy nước cốt hòa với rượu, rửa chỗ giời leo.

Chữa thấp chẩn (chàm):

Cỏ roi ngựa, lá tươi bạch đàn đỏ các vị đều bằng nhau, sắc lấy nước đặc rửa tại chỗ. Ngày rửa 2 - 3 lần.

12 - PHỤNG TIÊN HOA DIỆP(HOA MÓNG TAY)

Tên khoa học: Impatiens balsamina L. Họ phụng tiên Balsaminaceae.

Tên gọi khác: Chỉ giáp hoa diệp , phụng tiên diệp , hoa móng tay, bóng nước.

Phân bố: Được trồng khắp nơi để làm cảnh.

Thu hái và chế biến: Lá: Hái vào mùa hạ, thu, thường dùng tươi. Hoa: Hái vào tháng 6 - 7. Dùng tươi hay phơi khô.

Tính năng: Lá: Vị đắng sáp tính ấm, có độc ít. Có tác dụng khu phong hoạt huyết, tiêu thũng, chỉ thống. Hoa: Vị ngọt, hơi đắng tính ấm, có độc ít. Có tác dụng giải độc sinh cơ, sát khuẩn tiêu viêm.

Liều dùng: 3 - 6 g. Dùng ngoài lượng vừa đủ.

Cấm kỵ: Có thai cấm dùng.

NGHIỆM PHƯƠNG

Chữa mụn nhọt chảy nước vàng, có mủ (nùng bào sang):

Lá tươi phụng tiên hoa 250 g. Giã nát trộn với giấm thoa tại chỗ. Mỗi ngày 2 lần.

Chữa nấm tay chân khô tróc, nứt nẻ:

- Bài 1: Bạch phụng tiên hoa (hoa móng tay trắng), bồ kết mỗi thứ 30 g. Hoa tiêu (xuyên tiêu) 15 g. Đổ giấm vào ngập mặt thuốc, ngâm sau một ngày, lấy ra dùng để ngâm tay chân. Mỗi tối trước khi đi ngủ ngâm trong 20 phút, ngâm liên tục 7 ngày là một liệu trình.

- Bài 2: Hoa móng tay trắng 30 g, giấm 250 ml. Cho thuốc vào giấm ngâm trong vòng 1 - 2 ngày, lấy ra dùng để ngâm tay chân. Mỗi tối trước khi ngủ ngâm 20 phút, làm liên tục 7 ngày là một liệu trình.

Chữa nấm ở tay:

Lá móng tay trắng (hoặc hoa hoặc toàn cây) 200 g. Bạch phàn 120 g. Tất cả giã nát, thêm 250 ml trộn đều, bôi tại chỗ. Mỗi tối trước khi ngủ bôi hoặc đắp 1 lần.

Chữa viêm móng:

Lá tươi phụng tiên hoa vừa đủ. Đường tán một ít. Tất cả giã nát đắp vào chỗ đau.

Chữa mề đay, viêm da dị ứng:

Hoa móng tay trắng tươi 10 hoa. Trứng gà 1 cái. Xào chín ăn.

Chữa lở móng tay:

Hoa móng tay trắng tươi vừa đủ. Giã nát đắp vào chỗ đau, mỗi ngày 2 - 3 lần.

Chữa lưu hỏa (hạ chi đơn độc):

- Bài 1: Lá tươi phụng tiên hoa vừa đủ. Giã nát đắp tại chỗ hoặc vắt lấy nước bôi chỗ đau.

- Bài 2: lá tươi phụng tiên hoa 200 g, tử tô 30 g. Sắc lấy nước đặc xông hoặc rửa tại chỗ, mỗi ngày làm 2 - 3 lần.

13 - NGẢI DIỆP(THUỐC CỨU)

Tên khoa học: Artermisia vulgaris L. Họ cúc Asteraceae.

Tên gọi khác: Thuốc cứu.

Phân bố: Cây mọc hoang ở nhiều nơi và được trồng khắp nơi để làm thuốc.

Thu hái và chế biến: Hái lá vào mùa hạ thu lúc hoa chưa nở, loại bỏ tạp chất. dùng tươi hay phơi trong mát.

Tính năng: Vị cay đắng tính ấm, có độc ít. Tác dụng ôn kinh chỉ huyết, khu phong chỉ dưỡng.

Liều dùng: Dùng ngoài với liều lượng thích hợp.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa viêm da, chàm:

Ngải cứu vừa đủ, nấu lấy nước đặc rửa tại chỗ ngày vài lần.

Chữa chứng ngứa ngoài da:

Ngải cứu 100 g, phòng phong 60 g, hoa tiêu 6 g. Ba vị thuốc nấu lấy nước đặc, lược bỏ bã sau đó thêm bột hùng hoàng 6 g vào trộn đều. Dùng rửa tại chỗ, ngày vài lần.

Chữa chàm, nấm chân:

Ngải cứu, ngũ chỉ phong (ngũ trảo), thổ kinh giới đều bằng nhau, nấu lấy nước đặc rửa hoặc ngâm tại chỗ. Mỗi ngày làm nhiều lần.

Chữa nấm da:

Lá ngải cứu tươi vừa đủ, vò nát thoa hoặc chà tại chỗ, chà đến khi có cảm giác nóng mới thôi, mỗi ngày chà 2 - 3 lần cho tới khi hết hẳn.

14 - LONG NHÃN DIỆP

Tên khoa học: Dimocarpus longon Lour. Họ bồ hòn Sapindaceae.

Tên gọi khác: Lá nhãn, long nhãn thụ diệp.

Phân bố: Cây được trồng ở khắp nơi.

Thu hái và chế biến: Lá hái quanh năm dùng tươi hoặc phơi khô. Hạt: Hái khi quả chín vào tháng 7 - 8. Sau khi ăn giữ lại hạt đem phơi khô.

Tính năng: Lá có vị đắng tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, táo thấp chỉ dưỡng. Hạt có vị chát tính bình, có tác dụng thu liễm chỉ huyết, sát khuẩn chỉ dưỡng.

Liều dùng: Dùng ngoài với lượng thích hợp.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa da nổi mẩn đỏ, ngứa hay sau khi gãi chảy nước vàng:

Lá nhãn tươi, lá bạch đàn đỏ tươi các vị bằng nhau nấu lấy nước đặc, rửa tại chỗ, ngày 2 lần.

Chữa chàm:

- Bài 1: Lá nhãn, chổi xuể các vị đều bằng nhau nấu lấy nước đặc, rửa tại chỗ.

- Bài 2: Lá nhãn, lá tùng tươi các vị đều bằng nhau, nấu lấy nước đặc rửa tại chỗ.

- Bài 3: Lá nhãn, thanh hao, bán chi liên, thương nhĩ tử các vị đều bằng nhau. Nấu lấy nước đặc rửa tại chỗ, ngày 2 - 3 lần.

- Bài 4: Lá nhãn, thương nhĩ tử các vị đều bằng nhau. Nấu lấy nước đặc rửa tại chỗ ngày 2 lần.

Chữa nước ăn chân:

- Bài 1: Hột nhãn vừa đủ, giã nát trộn với dầu mù u thoa tại chỗ ngày vài lần.

- Bài 2: Lá nhãn, lá sòi (ô cửu diệp) các vị đều bằng nhau, nấu lấy nước đặc ngâm rửa tại chỗ, ngày vài lần.

Chữa nấm:

Hạt nhãn (gọt bỏ vỏ đen), mài trong giấm rồi thoa tại chỗ, ngày vài lần.

Chữa ngứa toàn thân:

Lá nhãn vừa đủ nấu lấy nước đặc thêm muối bột 100 g quậy cho tan, tắm toàn thân ngày 2 lần.

15 - BẠCH HOA ĐƠN(BẠCH HOA XÀ)

Tên khoa học: Plumbago zeylanica L. Họ đuôi công Plumbaginaceae.

Tên gọi khác: Bạch tuyết hoa , cây đuôi công, đuôi công trắng, bạch hoa xà.

Phân bố: Được trồng làm cảnh ở khắp nơi.

Thu hái và chế biến: Hái quanh năm, loại bỏ tạp chất dùng tươi hay phơi khô.

Tính năng: Vị cay đắng chát tính ấm có độc, có tác dụng khu phong, sát trùng tán ứ tiêu thũng.

Liều dùng: Dùng ngoài lượng thích hợp.

Cấm kỵ: Có thai cấm dùng. Thuốc có độc, khi uống cần sắc trên 3 - 4 giờ. Dùng đắp ngoài không quá 30 phút đến khi có cảm giác nóng tại chỗ thì lấy ra liền.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa viêm da thần kinh:

Bạch hoa xà tươi vừa đủ giã nát đắp tại chỗ 15 phút mỗi ngày đắp 1 lần cho tới khi lành bệnh.

Chữa nấm lâu năm:

Lá bạch hoa xà hay rễ tươi vừa đủ, thêm đường thẻ một ít. Tất cả giã nát đắp tại chỗ. Sau khi đắp từ 10 - 15 phút có cảm giác nóng thì bỏ ngay, cách ngày đắp 1 lần, cho tới khi hết bệnh.

16 - BẠCH HOA THẢO (CỎ CỨT HEO)

Tên khoa học: Ageratum conyzoides L. Họ cúc Asteraceae.

Tên gọi khác:

Cỏ cứt lợn, cỏ hôi, cỏ cứt heo, bạch hoa xú thảo, thắng hồng kế .

Phân bố: Mọc hoang khắp nơi.

Thu hái và chế biến: Hái lá vào mùa hạ, thu, loại bỏ tạp chất, dùng tươi hay phơi khô.

Tính năng: Vị hơi đắng tính mát, có tác dụng khu phong thanh nhiệt, chỉ huyết, tiêu thũng chỉ dưỡng.

Liều dùng: 15 - 30 g. Dùng ngoài lượng vừa đủ.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa nấm ở tay:

- Bài 1: Bạch hoa thảo 1/2 kg, phác tiêu 30g, phèn trắng 15 g. Trước tiên nấu bạch hoa thảo lấy nước đặc, lược bỏ bã rồi cho phác tiêu và phèn chua vào, rửa tại chỗ.

- Bài 2: Bạch hoa thảo 30 g, lá ngũ trảo, đởm phàn đều 100 g, phác tiêu 30 g, thương truật 15 g. Sắc lấy nước đặc rửa tại chỗ.

Chữa nước ăn chân (sa trùng cước):

- Bài 1: Bạch hoa thảo tươi vừa đủ, muối ăn một ít. Tất cả giã nát đắp chỗ đau.

- Bài 2: Bạch hoa thảo tươi vừa đủ, vắt lấy nước thoa chỗ đau.

Chữa chàm:

- Bài 1: Bạch hoa thảo, trâm ổi, cúc bạc leo, bạch đàn đỏ, niệt gió, bòn bọt, cỏ sữa lá lớn tất cả đều 150 g. Sắc lấy nước đặc rửa, mỗi ngày 2 - 3 lần. Lấy riêng cỏ cứt heo, bạch đàn đỏ, trâm ổi, cúc lục lăng đều 30 g. Sắc uống.

- Bài 2: Bạch hoa thảo vừa đủ, giã nhỏ đắp hoặc sắc lấy nước đặc rửa chỗ đau.

Chữa chàm cấp:

Bạch hoa thảo tươi, lá bạch đàn đỏ tươi, lá sòi tươi, cửu lý hương tươi, tất cả đều 1/2 kg. Sắc lấy nước đặc ngâm chỗ lở. Ngày làm 3 - 4 lần. Sau 1 - 2 ngày ngâm thuốc, lấy trâm ổi, cửu lý hương đều bằng nhau tán bột trộn với dầu trà thành dung dịch sệt như hồ thoa vào chỗ đau. Mỗi ngày 2 lần.

Chữa chàm mạn:

Bạch hoa thảo vừa đủ, sắc lấy nước đặc rửa chỗ đau. Lấy riêng bạch hoa thảo, trâm ổi, lá sòi, lá bạch đàn đỏ các vị đều bằng nhau. Tán thành bột dùng dầu trà trộn sền sệt như hồ thoa chỗ lở. Mỗi ngày 2 lần.

17 - BẠCH HOA XÀ THIỆT THẢO(CỎ LƯỠI RẮN)

Tên khoa học: Hedyotis diffusa Willd. Họ cà phê Rubiaceae.

Tên gọi khác: Xà thiệt thảo , xà lợi thảo , cỏ lưỡi rắn.

Phân bố: Mọc hoang ở những nơi ẩm thấp, bờ ruộng, bãi cỏ, ven ao hồ.

Thu hái và chế biến: Hái vào mùa thu, loại bỏ tạp chất, dùng tươi hoặc phơi khô.

Tính năng: Vị ngọt nhạt tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, kháng khuẩn tiêu viêm, lương huyết giải độc.

Liều dùng: 30 - 60 g. Dùng ngoài lượng vừa đủ.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa trẻ em mụn nhọt, chảy nước vàng:

- Bài 1: Bạch hoa xà thiệt thảo tươi (hoặc khô) vừa đủ. Dùng nước nấu đặc, rửa tại chỗ, ngày 2 lần.

- Bài 2: Bạch hoa xà thiệt thảo 30 g. Giã nhỏ thêm nước vo gạo trộn đều thoa tại chỗ, ngày 2 lần.

- Bài 3: Bạch hoa xà thiệt thảo, cỏ bạc leo đều 30 g, khổ lý căn (rễ mận rừng) 50 g. Sắc lấy nước đặc rửa mỗi ngày 2 - 3 lần.

- Bài 4: Bạch hoa xà thiệt thảo khô (tán bột) 15 g, hùng hoàng (tán bột) 10 g, long não 3 g. Tất cả đều tán mịn, trộn với nước vo gạo thoa chỗ lở.

Chữa lang ben:

Bạch hoa xà thiệt thảo tươi 100 g, dầu hôi 60 ml. Giã nát lá lưỡi rắn, trộn với dầu hôi thoa tại chỗ ngày 2 lần.

Chữa thấp chẩn (chàm):

Bạch hoa xà thiệt thảo, lá ngũ trảo đều bằng nhau, nấu lấy nước đặc, lọc bỏ bã. Bạch phàn, phác tiêu đều 15 g tán bột cho vào trộn đều. Dùng rửa mỗi ngày 2 lần.

18 - ĐĂNG LUNG THẢO(LỒNG ĐÈN, THÙ LÙ CẠNH)

Tên khoa học: Physalis angulata L. Họ cà Solanaceae.

Tên gọi khác: Lồng đèn, thủy đăng lung , tầm bóp, thù lù cạnh.

Phân bố: Mọc hoang ở khắp nơi trên các bờ ruộng, bãi cỏ đường làng, đất hoang.

Thu hái và chế biến: Hái lá vào mùa hạ, thu, loại bỏ tạp chất dùng tươi hay phơi khô.

Tính năng: Vị đắng tính hàn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, khứ thấp.

Liều dùng: Dùng ngoài với lượng thích hợp.

Cấm kỵ: Có thai cấm dùng.

NGHIỆM PHƯƠNG

Chữa thấp chẩn (chàm):

- Bài 1: Đăng lung thảo tươi vừa đủ giã nát vắt lấy nước thoa tại chỗ, hay nấu lấy nước đặc rửa tại chỗ ngứa, ngày vài lần.

- Bài 2: Đăng lung thảo, ké đầu ngựa, cúc bạc leo đều bằng nhau sắc lấy nước đặc thêm khô phàn 30 g trộn đều rửa chỗ ngứa. Mỗi ngày 3 lần.

- Bài 3: Đăng lung thảo tươi, cẩu tử hoa tươi đều bằng nhau cùng giã nát trộn với nước vo gạo lần 2 thoa chỗ ngứa, mỗi ngày vài lần.

Chữa mụn nhọt có mủ, chảy nước vàng:

Đăng lung thảo vừa đủ tán thành bột trộn với dầu mè thoa lên mụn, mỗi ngày 2 lần. Hoặc giã nát đăng lung thảo vắt lấy nước thoa lên mụn hoặc sắc lấy nước đặc rửa tại chỗ mỗi ngày 3 lần.

Chữa chàm bìu gây ngứa: Đăng lung thảo, xà xàng tử đều 30 g, bách bộ 15 g, băng phiến 3 g (cho vào sau) sắc lấy nước đặc ngồi ngâm từ 5 - 10 phút, mỗi ngày ngâm 3 lần.

Chữa trẻ em nổi mụn có mủ: Đăng lung thảo 250 g, sắc lấy nước rửa mỗi ngày rửa 2 - 3 lần.

19 - QUÁ ĐƯỜNG XA (RAU DỪA NƯỚC)

Tên khoa học: Ludwigia adscendens (L) Hara. Họ rau dừa nước Onagraceae.

Tên gọi khác: Ngư phiêu thảo , rau dừa nước.

Phân bố: Mọc hoang ở vùng sông nước ao hồ.

Thu hái và chế biến: Hái vào mùa hè thu loại bỏ tạp chất dùng tươi hay phơi khô.

Tính năng: Vị nhạt tính hàn có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết, tiêu thũng.

Liều dùng: Dùng ngoài với lượng thích hợp.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa giời leo:

- Bài 1: Rau dừa nước vừa đủ, giã nát, trộn với một ít bột nếp, thoa chỗ giời ăn. Nếu bệnh nặng dùng rau dừa nước tươi nấu nước đặc rửa tại chỗ.

- Bài 2: Rau dừa nước, tầm phỏng đều bằng nhau sắc lấy nước đặc rửa chỗ giời leo.

Chữa trẻ em bị nhọt mủ:

- Bài 1: Rau dừa nước vừa đủ sắc lấy nước đặc rửa. Lại lấy riêng rau dừa nước vừa đủ giã nát đắp lên nhọt.

- Bài 2: Rau dừa nước, cỏ mực đều bằng nhau sắc lấy nước đặc rửa mụn nhọt.

- Bài 3: Rau dừa nước tươi, lá sòi tươi, lá kim ngân hoa tươi vừa đủ giã nát thêm đường tán đắp vào mụn nhọt, mỗi ngày 1 lần.

Chữa thấp chẩn, viêm da cấp và mạn tính, viêm da dị ứng, nhọt mủ, giời leo: Rau dừa nước 250 g, cửu lý hương 250 g, trâm ổi 200 g, bòn bọt (tất đại cô) 250 g. Sắc lấy nước đặc bỏ bã thêm chút muối ăn. Nếu bệnh nặng thêm một ít băng phiến rửa tại chỗ.

20 - ĐỊA ĐỞM THẢO(CHỈ THIÊN)

Tên khoa học: Elephantopus scaber L. Họ cúc Asteraceae.

Tên gọi khác: Thảo hài căn , địa đởm đầu , cúc chỉ thiên, bồ công anh.

Phân bố: Mọc hoang ở khắp nơi.

Thu hái và chế biến: Hái vào mùa hè thu, loại bỏ tạp chất, phơi khô.

Tính năng: Vị đắng tính hàn có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết, tả hỏa, kháng khuẩn tiêu viêm.

Liều dùng: 15 - 30 g. Dùng ngoài lượng vừa đủ.

Cấm kỵ: Có thai cấm dùng, người tỳ vị hư hàn thận trọng khi dùng.

NGHIỆM PHƯƠNG

Chữa giời leo:

- Bài 1: Bồ công anh (địa đởm thảo) 30 g. Sắc lấy nước uống.

- Bài 2: Bồ công anh, tam giác bao (tầm phỏng), rau dừa nước đều lượng bằng nhau. Sắc lấy nước đặc rửa ngày rửa 2 - 3 lần.

Chữa nhọt mủ:

- Bài 1: Bồ công anh, cúc bạc leo (thiên lý quang), dây kim ngân đều 30 g, đổ 5 chén nước sắc còn 3 chén. Nếu người phát sốt thì uống nửa chén, còn 2,5 chén thì ngâm rửa trong 10 phút, mỗi ngày rửa 1 lần sáng hoặc chiều.

- Bài 2: Bồ công anh tươi, lá xoan tươi mỗi thứ 1/2 kg. Sắc lấy nước đặc ngâm rửa khoảng 10 phút, mỗi ngày làm 1 lần. Sáng hoặc chiều.

Chữa lang ben: Bồ công anh 100 g, giấm 250 ml. Lấy 100 g cúc chỉ thiên ngâm trong 250 ml giấm sau 7 ngày, lấy ra lọc bỏ bã, hâm nóng thoa vào chỗ lang ben. Mỗi ngày làm nhiều lần.

Chữa nấm da: Bồ công anh tán thành bột thô cho giấm vào ngập mặt thuốc, sau 5 ngày lấy nước giấm thoa, mỗi ngày thoa vài lần.

21 - BÁCH BỘ(DÂY BA MƯƠI)

Tên khoa học: Stemona tuberosaLour. Họ bách bộ Stemonaceae.

Tên gọi khác: Đối diệp bách bộ , dây ba mươi.

Phân bố: Mọc hoang ở vùng đồi núi, ven suối.

Thu hái và chế biến: Hái lá vào mùa thu, rửa sạch cho vào nồi luộc khoảng 5 phút, lấy ra xắt lát phơi khô.

Tính năng: Vị đắng ngọt tính hơi ấm có độc ít, có tác dụng nhuận phế chỉ khái, sát trùng chỉ dưỡng.

Liều dùng: Dùng ngoài với lượng thích hợp.

NGHIỆM PHƯƠNG

Chữa nấm da: Bách bộ, lá liễu đều 150 g, cỏ sữa lá lớn 60 g. Ngâm trong cồn 900 sau 7 ngày, thoa chỗ nấm.

Chữa chốc đầu: Bách bộ 10 g, lưu hoàng 6 g, hạt mã tiền, khô phàn đều 3 g. Tất cả tán bột trộn với mỡ thoa tại chỗ.

Chữa chàm bìu:

- Bài 1: Bách bộ 30 g, rượu 60 ml, ngâm bách bộ với rượu trong 24 giờ, cho vào túi vải vắt lấy nước bỏ bã thoa vào chỗ ngứa.

- Bài 2: Bách bộ, củ riềng đều 30 g, sắc lấy nước rửa, mỗi ngày 1 lần.

- Bài 3: Bách bộ 30 g, bồ cu vẽ 60 g, sắc lấy nước đặc rửa tại chỗ. Mỗi ngày 2 lần.

Chữa chàm cấp, mạn tính:

- Bài 1: Bách bộ 60 g sắc lấy nước rửa, hoặc dùng cồn 700 ngâm thành dung dịch 50% dùng thoa tại chỗ.

- Bài 2: Bách bộ, kê thỉ đằng (dây thối địt), đều 30 g. Sắc lấy nước đặc rửa mỗi ngày 1 - 2 lần.

Chữa lang ben, hồng tiên: Bách bộ tươi thái lát thoa tại chỗ.

Chữa chứng ngứa toàn thân: Bách bộ vừa đủ. Nấu lấy nước tắm.

22 - TRẠNG NGUYÊN HỒNG(XÍCH ĐỒNG NAM)

Tên khoa học: Clerodendrum japonicum (Thumb) Sweet. Họ cỏ roi ngựa Verbenaceae.

Tên gọi khác: Long đơn hoa , hồng long thuyền hoa , xích đồng nam, mò đỏ, lẹo đỏ.

Phân bố: Mọc hoang ở vùng rừng núi, dọc theo bờ suối, ven làng hoặc được trồng khắp nơi làm cảnh.

Thu hái và chế biến: Hái lá vào mùa hè thu, rửa sạch, loại bỏ tạp chất, phơi hay sấy khô.

Tính năng: Vị đắng tính bình có độc ít, có tác dụng khu phong, chỉ dưỡng, tán ứ, tiêu thũng.

Liều dùng: 10 - 30 g. Dùng ngoài lượng vừa đủ.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa mề đay:

- Bài 1: Trạng nguyên hồng vừa đủ, sắc lấy nước đặc để nguội rửa chỗ ngứa. Mỗi ngày rửa 3 lần.

- Bài 2: Trạng nguyên hồng (mò đỏ), mã anh đơn diệp (trâm ổi) các vị đều bằng nhau sắc lấy nước đặc để nguội rửa chỗ ngứa, mỗi ngày 1 - 2 lần.

Chữa dị ứng với cây sơn:

- Bài 1: Trạng nguyên hồng, tất đại cô (bòn bọt) các vị đều bằng nhau sắc lấy nước đặc để nguội rửa chỗ ngứa. Mỗi ngày rửa 2 - 3 lần.

- Bài 2: Trạng nguyên hồng, lá bồ cu vẽ, lông gà mới nhổ các vị đều bằng nhau sắc lấy nước đặc để nguội rửa chỗ ngứa. Mỗi ngày rửa 2 lần.

23 - THƯƠNG NHĨ TỬ(KÉ ĐẦU NGỰA)

Tên khoa học: Xanthium strumarium L. Họ cúc Asteraceae.

Tên gọi khác: Ké đầu ngựa.

Phân bố: Mọc hoang ở sườn đồi, ven lộ, bãi cỏ, ven làng.

Thu hái và chế biến: Hái vào mùa thu sau khi quả chín, phơi khô. Quả sau khi chín hái về phơi hoặc sấy khô. Toàn cây phần trên mặt đất hái vào mùa hè thu, phơi khô. Rễ hái vào mùa thu rửa sạch phơi khô. Khi dùng rửa sạch.

Tính năng: Quả: Vị ngọt hơi đắng chát tính ấm, có độc ít. Có tác dụng khu phong thấp, thông tỵ khiếu. Toàn cây phần trên mặt đất: vị cay đắng tính hàn có độc. Có tác dụng khu phong tán nhiệt, sát trùng. Rễ: hơi đắng tính bình có độc. Có tác dụng khu phong tiêu thũng.

Liều dùng:3 - 10 g. Dùng ngoài lượng vừa đủ.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa chàm bìu: (tú cầu phong)

Ké đầu ngựa 60 g, khô phàn 6 g. Nấu ké đầu ngựa lấy nước cô đặc cho bột phèn chua vào trộn đều rửa chỗ ngứa.

Chữa tầm ma chẩn (mề đay):

- Bài 1: Ké đầu ngựa vừa đủ sắc lấy nước mỗi ngày rửa 2 lần.

- Bài 2: Ké đầu ngựa, phù bình mỗi vị đều 100 g. Sắc lấy nước rửa chỗ ngứa. Lấy riêng ké đầu ngựa, kinh giới, phòng phong đều 10 g, thông bạch một tép. Sắc uống.

Chữa ngứa ngoài da:

- Bài 1: Ké đầu ngựa tươi toàn cây (rễ, lá) 100 g. Sắc lấy một chén nước đặc, uống 1/2 chén còn 1/2chén thêm nước vào rửa chỗ ngứa.

- Bài 2: Ké đầu ngựa 50 g, hoàng bá, xà xàng tử, kim ngân hoa, địa phu tử, bồ công anh đều 30 g, ngũ bội tử 15 g. Sắc lấy nước đặc rửa chỗ ngứa mỗi ngày rửa 3 lần.

Chữa thấp chẩn ngứa gãi chảy nước vàng:

- Bài 1: Ké đầu ngựa 1/2 kg, thiên lý quang (cúc bạc leo), dây kim ngân đều 250 g. Sắc lấy nước đặc thêm bột phèn chua 30 g vào trộn đều rửa tại chỗ ngứa.

- Bài 2: Ké đầu ngựa 1/2 kg, thiên lý quang, dây kim ngân hoa đều 250 g, xà xàng tử 30 g. Sắc lấy nước đặc thêm bột phèn chua 30 g vào khuấy đều rửa chỗ ngứa.

Chữa nấm da: Ké đầu ngựa, thiên lý quang, khổ luyện diệp đều 1/2 kg, đại diệp án diệp, mã anh đơn, liệu ca vương đều 250 g. Sắc lấy nước đặc bỏ bã, cô thành cao, thoa vào chỗ ngứa. Trong thời gian dùng thuốc cử ăn các chất cay nóng, các loại cá.

Chữa chàm mạn tính: Ké đầu ngựa, xà xàng tử đều 30 g. Sắc lấy nước rửa chỗ ngứa.

24 - SAM MỘC BÌ(TÙNG LÁ KIM)

Tên khoa học: Cunninghamia lanceolata (Lamb) Hook.

Tên gọi khác: Sam bì , tùng lá kim.

Phân bố: Cây được trồng khắp nơi để làm cảnh.

Thu hái và chế biến: Vỏ cây: Hái quanh năm lấy loại khô dày, dài khoảng 60 cm cạo lấy vỏ. Thường dùng tươi. Lá: thường dùng tươi hái quanh năm khi dùng rửa sạch giã nhỏ.

Tính năng: Vị đắng chát tính bình có tác dụng thanh lương thoái nhiệt, khu phong chỉ dưỡng.

Liều dùng: Dùng ngoài lượng vừa đủ.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa mề đay:

- Bài 1: Sam mộc bì tươi 250 g, lông gà 30 g. Sắc lấy nước rửa hoặc tắm toàn thân.

- Bài 2: Sam mộc bì tươi vừa đủ sắc lấy nước đặc rửa.

Chữa mề đay: Sam mộc diệp vừa đủ sắc lấy nước đặc rửa chỗ ngứa.

Chữa tất sang (dị ứng cây sơn):

- Bài 1: Vỏ tùng lá kim tươi vừa đủ sắc lấy nước rửa.

- Bài 2: Vỏ tùng lá kim tươi 1/2 kg, vỏ cua 4 cái. Tất cả giã nhỏ nấu lấy nước rửa chỗ ngứa nhiều lần.

- Bài 3: Vỏ tươi bên trong tùng lá kim, tử tô đều bằng nhau nấu lấy nước rửa chỗ ngứa.

- Bài 4: Lá tươi cây tùng, tía tô các vị đều bằng nhau nấu lấy nước rửa.

Chữa nhọt mủ:

- Bài 1: Tùng lá kim tươi, lá xoan tươi, lá bạch đàn tươi, tầm phỏng đều bằng nhau nấu lấy nước đặc rửa.

- Bài 2: Lá tùng tươi vừa đủ giã vắt lấy nước thoa chỗ nhọt mỗi ngày thoa nhiều lần.

Chữa dị ứng cây sơn, viêm da: Vỏ tùng tươi, trắc bá diệp tươi các vị đều bằng nhau nấu lấy nước đặc rửa chỗ ngứa, mỗi ngày vài lần.

25 - KHỔ SÂM(CÂY KHỔ SÂM CHO RỄ)

Tên khoa học: Sophora flavescens Ait. Họ đậu Fabaceae.

Tên gọi khác: Khổ cốt, khổ hòe.

Phân bố: Cây mọc thành bụi ở bãi cỏ, ven lộ, bờ kênh, đồi núi nơi trảng nắng.

Thu hái và chế biến: Hái vào mùa thu, loại bỏ tạp chất, phơi khô.

Tính năng: Vị đắng tính hàn có độc ít. Có tác dụng thanh nhiệt táo thấp, sát trùng chỉ dưỡng.

Liều dùng: 5 - 10 g. Dùng ngoài lượng vừa đủ.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa chàm mạn tính (Thấp chẩn):

- Bài 1: Khổ sâm 30 g, xà xàng tử 30 g. Sắc lấy nước rửa.

- Bài 2: Khổ sâm, thạch xương bồ đều 30 g sắc lấy nước rửa tại chỗ.

Chữa ngứa ngoài da:

- Bài 1: Khổ sâm 30 g, hoa tiêu 10 g, sắc lấy nước rửa tại chỗ.

- Bài 2: Khổ sâm 20 g, bạch tiễn bì 15 g, sắc uống. Lấy riêng khổ sâm, bạch tiễn bì đều bằng nhau sắc lấy nước rửa chỗ ngứa.

Chữa lở ngứa vùng âm bộ:

- Bài 1: Khổ sâm, xà xàng tử, đều 15 g, phù bình 12 g, bạch phàn 6 g. Lấy 3 vị thuốc đầu sắc lấy nước đặc lọc bỏ bã, cho bạch phàn vào trộn đều rửa chỗ ngứa lở.

- Bài 2: Khổ sâm, xà xàng tử, hoàng bá đều 15 g, trần trà diệp (lá trà lâu năm) 10 g. Sắc lấy nước đặc ngồi ngâm.

Chữa bìu dái ngứa lở chảy nước (tú cầu phong): Khổ sâm 20 g, hoàng bá, xà xàng tử đều 15 g. Sắc lấy nước đầu uống, nước nhì thì dùng để rửa chỗ ngứa.

Chữa mẩn ngứa: Khổ sâm 30 g, minh phàn 15 g, hoa tiêu 10 g, muối ăn 3 g. Sắc lấy nước xông rửa chỗ ngứa.

Chữa các chứng ngoài da nổi mẩn ngứa, ghẻ lở, mụn mủ: Khổ sâm, phòng phong đều 10 g, cam thảo 6 g. Sắc uống. Lấy riêng khổ sâm, xà xàng tử, thương truật, bạch chỉ đều 15 g. Sắc lấy nước đặc rửa ngoài da, mỗi ngày 2 lần.

Chữa bạch biến: Khổ sâm, lưu hoàng, hùng hoàng, mật đà tăng, bạch chỉ đều 6 g. Xà xàng tử 10 g, khinh phấn 5 g. Tất cả tán thành bột mịn trộn với giấm thoa ngoài da ngày 2 lần.

26 - KHỔ LUYỆN BÌ(SẦU ĐÂU, XOAN)

Tên khoa học: Melia azedarach L. Họ xoan Meliaceae.

Tên gọi khác: Sầu đâu, xoan, xuyên luyện bì .

Phân bố: Cây được trồng hoặc mọc hoang ở ven lộ, bờ khe, chân núi, ven làng, bên hông nhà.

Thu hái và chế biến: Vỏ cây, vỏ rễ: Hái vào mùa xuân, thu cạo bỏ lớp vỏ thô bên ngoài dùng tươi hay phơi khô. Quả: Hái vào mùa thu dùng tươi hay phơi khô. Lá: Hái vào mùa hè thu thường dùng tươi.

Tính năng: Vị đắng tính hàn có độc, có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp, sát trùng chỉ dưỡng.

Liều dùng: Dùng ngoài với lượng thích hợp.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa ngoan cố tính thấp chẩn:

- Bài 1: Vỏ xoan, trâm ổi, lá sòi mỗi thứ đều bằng nhau. Dùng nước nấu đặc rửa tại chỗ, ngày vài lần.

- Bài 2: Khổ luyện bì sao tồn tính tán bột mịn, trộn với dầu trà thoa chỗ ngứa. Cách 1 ngày làm 1 lần, làm 2 - 3 lần.

Chữa thấp chẩn (mẩn ngứa), ngứa ngoài da: Khổ luyện diệp tươi (hoặc khổ luyện bì) vừa đủ. Sắc lấy nước đặc rửa chỗ ngứa.

Chữa nấm chân:

Khổ luyện diệp tươi vừa đủ giã nát, đổ giấm vào cho ngập mặt sau 7 ngày lấy ra thoa tại chỗ.

Chữa nấm đầu:

- Bài 1: Khổ luyện tử nướng vàng tán thành bột mịn thêm mỡ heo hoặc dầu thực vật trộn thành cao (theo tỷ lệ 50%), trước tiên cạo trọc đầu hoặc hớt tóc ngắn, gội đầu bằng nước sạch sau đó dùng nước phèn chua 10% gội qua 1 lần. Rồi mới thoa nước cao Khổ luyện tử mỗi ngày làm 1 lần, làm liên tục 10 ngày là một liệu trình.

- Bài 2: Khổ luyện tử (hoặc khổ luyện bì) 30 g, tán thành bột trộn với sáp hay vaseline 30 g. Thoa lên đầu, sáng hoặc tối làm 1 lần.

- Bài 3: Khổ luyện bì (hoặc khổ luyện tử) 30 g, tán thành bột mịn trộn với mỡ heo 30 g sệt như hồ ngày làm vài lần.

- Bài 4: Khổ luyện bì, đậu nành đều bằng nhau tán thành bột thoa chỗ nấm.

Chữa mụn mủ:

- Bài 1: Khổ luyện diệp tươi 1/2 kg, giã nát sắc lấy nước đặc đợi nguội ngâm hoặc rửa từ 5 - 10 phút. Sáng chiều đều rửa 1 lần.

- Bài 2: Khổ luyện diệp, tam giác bao (tầm phỏng), mã anh đơn (trâm ổi), đại diệp án diệp (bạch đàn đỏ) đều bằng nhau sắc lấy nước đặc rửa tại chỗ, mỗi ngày rửa 2 lần.

Chữa da tay chân khô nứt:

- Bài 1: Khổ luyện tử tươi vài trái hơ nóng vắt ra nước thoa tay chân.

- Bài 2: Khổ luyện tử 60 g sắc lấy nước đặc thêm chút rượu rửa tại chỗ.

Chữa nấm da, chàm: Khổ luyện bì vừa đủ đổ giấm vào cho ngập mặt ngâm sau 1 - 2 ngày lấy giấm bôi tay chân.

27 - THANH BÌNH(BÈO CÁM)

Tên khoa học: Lemna minor L. Họ bèo Lemnaceae.

Tên gọi khác: Bèo cám, phù bình .

Phân bố: Mọc hoang ở các vùng ao hồ, đầm lầy vũng nước đọng.

Thu hái và chế biến: Hái vào mùa hè thu, bỏ rễ phơi khô dùng.

Tính năng: Vị cay tính hàn. Có tác dụng lương huyết, hoạt huyết, sơ phong giải biểu, khu thấp chỉ dưỡng, phát hãn.

Liều dùng: 10 - 15 g. Dùng ngoài lượng vừa đủ.

Cấm kỵ: Người có thai hoặc không có thực nhiệt, thực tà thì cấm dùng.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa mề đay:

Thanh bình, chi ma căn, tạo giác thích, bạch tật lê, hải đồng bì đều từ 10 - 15 g. Sắc uống.

Chữa chàm:

Thanh bình lượng vừa đủ. Sắc lấy nước đặc rửa hay tắm, ngày 3 lần.

Chữa chàm ướt:

Thanh bình, phi dương thảo (cỏ sữa lá lớn), tiểu phi dương thảo (cỏ sữa lá nhỏ) các vị đều bằng nhau. Sắc lấy nước đặc rửa tại chỗ. Ngày làm 3 lần, hoặc cũng các vị thuốc trên dùng tươi giã nát đắp vào chỗ đau.

Chữa lang ben:

Thanh bình tươi vừa đủ. Bột lưu huỳnh một ít. Giã nát thanh bình vắt lấy nước, cho bột lưu huỳnh vào trộn đều bôi vào chỗ bệnh. Một ngày làm nhiều lần.

28 - THANH CAO(THANH HAO HOA VÀNG)

Tên khoa học: Artermisia annua L. Họ cúc Asteraceae.

Tên gọi khác: Thanh hao, ngư hoa thảo , hương cao , xú cao .

Phân bố: Cây mọc hoang dại ở ruộng, bờ ruộng, dọc theo các làng mạc vùng núi. Hiện nay chúng ta đã gây trồng và tạo được giống tốt.

Thu hái và chế biến: Hái lá vào mùa hạ, thu, loại bỏ tạp chất, dùng tươi hay phơi khô.

Tính năng: Vị đắng cay tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải thử, triệt ngược, khu phong chỉ dưỡng.

Liều dùng: Dùng ngoài với liều lượng thích hợp.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa chàm:

Thanh hao tươi vừa đủ giã nát vắt lấy nước bôi tại chỗ hoặc nấu lấy nước đặc rửa.

Chữa các loại giời:

Thanh cao tươi vừa đủ, gạo nếp một ít (dùng nước ngâm nở), cùng giã nát đắp tại chỗ.

Chữa mề đay (phong chẩn): Ngải hoa vàng lượng vừa đủ nấu nước đặc rửa tại chỗ.

Chữa tất sang (dị ứng cây sơn): Thanh cao, kinh giới đều 30 g, thương nhĩ thảo, xà xàng tử đều 25 g, phù bình 60 g. Sắc lấy nước đặc, xông rửa chỗ ngứa.

29 - TÙNG THỤ CĂN (CÂY THÔNG)

Tên khoa học: Pinus yunnanensis Franch. Họ thông Pinaceae.

Tên gọi khác: Tùng mộc căn , cây thông

Phân bố: Mọc ở vùng đồi núi (Lâm Đồng).

Tính năng: Vị đắng chát tính hàn, có tác dụng khu phong táo thấp, tiêu thũng chỉ thống, khử hủ sinh cơ, sát trùng.

Liều dùng: Dùng ngoài lượng thích hợp.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa phong chẩn: Tùng thụ căn (rễ cây thông) 150 g, hắc chi ma (mè đen), giang bản quy (rau má ngọ) 90 g. Sắc lấy nước đặc xông rửa chỗ ngứa.

Chữa ngứa vùng bìu dái sau khi gãi chảy nước: (thận nang phong)

- Bài 1: Đọt thông tươi 100 g, sắc lấy nước đặc, ngâm rửa chỗ ngứa lúc còn ấm.

- Bài 2: Lá thông tươi 250 g, xà xàng tử 15 g, hoa tiêu 10 g, muối ăn 12 g. Sắc lấy nước đặc trước xông sau rửa.

Chữa thấp chẩn, tất sang, mạch tỳ (tiếp xúc với lúa gây ngứa): Lá thông tươi vừa đủ, sắc lấy nước đặc rửa tại chỗ ngứa.

Chữa ghẻ chảy nước vàng: Tùng hương, khô phàn, dã cúc hoa, đều bằng nhau. Tất cả các vị thuốc tán thành bột trộn đều. Trước tiên dùng nước ấm rửa chỗ ghẻ, kế đến lấy bột thuốc trộn với dầu mè sệt như hồ thoa tại chỗ mỗi ngày 2 - 3 lần.

Chữa lang ben (hãn ban, hoa ban tiên): Lá thông tươi, dầu mù u, sắc lấy nước đặc rửa chỗ bệnh, mỗi ngày rửa vài lần.

30 - THÍCH HIỆN THÁI(DỀN GAI)

Tên khoa học: Amaranthus spinosus L. Họ dền Amaranthaceae.

Tên gọi khác: Lặc hiện thái, dền gai.

Phân bố: Mọc ở bãi cỏ hoang, vườn tạp, ven lộ, ven làng.

Thu hái và chế biến: Hái lá vào mùa hạ, thu, loại bỏ tạp chất, rửa sạch phơi khô.

Tính năng: Vị ngọt nhạt tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết giải độc, tiêu viêm, chỉ dưỡng.

Liều dùng: Dùng ngoài với liều lượng thích hợp.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa da nổi mẩn ngứa do tiếp xúc với rơm rạ:

Dền gai tươi, rau sam tươi, lá hẹ tươi (hoặc lá bạc hà tươi) các vị đều bằng nhau. Giã nát đắp chỗ đau, mỗi ngày 2 - 3 lần.

Chữa chàm:

- Bài 1: Dền gai tươi vừa đủ sắc lấy nước đặc thêm một ít muối ăn rửa hay tắm gội tại chỗ mỗi ngày 3 lần.

- Bài 2: Dền gai, lá sen (hoặc cọng sen) các vị đều bằng nhau. Sắc lấy nước đặc rửa mỗi ngày 3 lần.

31 - NINH MÔNG ÁN DIỆP(BẠCH ĐÀN CHANH)

Tên khoa học: Eucalyptus citriodora Hook.f. Họ sim Mytarceae.

Tên gọi khác: Khuynh diệp sả, bạch đàn chanh.

Phân bố: Cây được trồng khắp nơi.

Thu hái và chế biến: Hái lá quanh năm dùng tươi rửa sạch hoặc phơi khô.

Tính năng: Vị hơi cay, hơi đắng tính bình, ức khuẩn tiêu viêm, khử phong chỉ dưỡng, thu liễm.

Liều dùng: Dùng ngoài lượng vừa đủ.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa giời leo: Lá bạch đàn chanh 1 kg nấu thành dung dịch 10%, dùng gạc nhúng nước thuốc đắp chỗ giời leo để khoảng 2 giờ, mỗi ngày đắp 3 lần.

Chữa chàm cấp tính: Lá bạch đàn chanh tươi (dùng khô cũng được) nấu lấy nước đặc rửa hoặc sấy khô tán thành bột mịn đắp tại chỗ.

Chữa chàm, mụn mủ: Lá bạch đàn chanh, khổ luyện thụ bì (vỏ cây xoan), đều bằng nhau sắc lấy nước đặc rửa.

Chữa chàm, ngứa vùng âm hộ: Lá bạch đàn chanh, xà xàng tử, khổ sâm, vỏ xoan, vỏ cây chân chim, đều bằng nhau sắc lấy nước đặc ngâm rửa.

Chữa chàm bìu:

- Bài 1: Lá bạch đàn chanh, xà xàng tử, lá trâm ổi đều 30 g sắc lấy nước đặc ngâm rửa chỗ ngứa.

- Bài 2: Lá bạch đàn chanh, cỏ sữa lá lớn, lá trâm ổi, địa đởm thảo đều bằng nhau sắc lấy nước đặc rửa.

Chữa viêm da: Lá bạch đàn chanh 4 phần, thiên lý quang 2 phần, lá kim ngân hoa, dã cúc hoa, giang bản quy, quả kim anh tử tất cả đều 1 phần. Sắc lấy nước đặc rửa tại chỗ.

Chữa mẩn ngứa do phong hàn: Lá bạch đàn chanh tươi 100 g, rễ trâm ổi, xà xàng tử, tổ kiến (đóng trên cây) đều 30 g. Sắc lấy nước đặc rửa mỗi ngày 2 - 3 lần.

32 - NHA ĐẢM TỬ(SẦU ĐÂU CỨT CHUỘT)

Tên khoa học: Brucea javanica (L) Merr. Họ thanh thất Simarubaceae.

Tên gọi khác: Sầu đâu cứt chuột.

Phân bố: Mọc thành bụi ở vùng đồi núi, đất hoang, ven lộ.

Thu hái và chế biến: Hái lá vào mùa hạ, thu khi quả chín, loại bỏ tạp chất phơi khô. Khi dùng giã nát hoặc ép lấy dầu (nha đảm tử dầu).

Tính năng: Vị đắng tính hàn có độc ít. Có tác dụng thanh nhiệt chỉ lỵ, triệt ngược, táo thấp, sát trùng.

Liều dùng: 0,5 - 2 g. Dùng ngoài lượng vừa đủ.

Cấm kỵ: Phụ nữ có thai và trẻ em cấm dùng.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa mụn cơm, mụn cóc: Nhân hạt sầu đâu cứt chuột vừa đủ. Quết nát như hồ đắp lên mụn (tốt nhất là dùng miếng vải khoét lỗ tùy theo hình dáng và kích thước của mụn, sau đó phết thuốc lên miếng vải rồi dán lên mụn) cố định, cách 3 - 4 ngày thay thuốc 1 lần. Nếu mụn đã rụng thì không đắp thuốc nữa, thay vào đó là bôi vaseline để gom miệng.

33 - CỬU THÁI DIỆP (HẸ)

Tên khoa học: Allium tuberosa Rottl.et. Spreng. Họ hành tỏi Liliaceae.

Tên gọi khác: Biển thái diệp , hẹ.

Phân bố: Được trồng khắp nơi để làm gia vị và làm thuốc.

Thu hái và chế biến: Hái lá vào mùa hạ, thu, loại bỏ tạp chất, rửa sạch thường dùng tươi.

Tính năng: Vị cay ngọt tính ấm có tác dụng tán ứ hoạt huyết tiêu thũng chỉ thống.

Liều dùng: 60 - 150 g dùng ngoài lượng vừa đủ.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa viêm da do dị ứng: Lá hẹ tươi 60 g, trứng vịt cà cuống (trứng vịt vỏ xanh) 1 quả. Trứng vịt đập bỏ vỏ chưng với hẹ ăn.

Chữa mề đay (phong chẩn):

- Bài 1: Lá hẹ tươi, lông gà mỗi thứ vừa đủ, nấu nước rửa tại chỗ, dùng liên tục 2 - 3 ngày.

- Bài 2: Lá hẹ tươi vừa đủ giã nát xào nóng thoa chỗ ngứa, mỗi ngày thoa vài lần.

- Bài 3: Lá hẹ tươi vừa đủ giã nát cho vào túi vải thoa chỗ ngứa.

Chữa đạo điền bì viêm (da nổi mẩn ngứa do tiếp xúc với rơm rạ): Lá hẹ tươi vừa đủ giã nát thoa vào chỗ ngứa.

Chữa tất sang (dị ứng với cây sơn):

- Bài 1: Lá hẹ tươi hoặc cả cây hẹ vừa đủ nấu lấy nước rửa chỗ ngứa.

- Bài 2: Lá hẹ tươi vừa đủ, cua sống vài con giã nát, thoa chỗ ngứa.

Chữa lang ben: Lá hẹ tươi 30 g, bằng sa 6 g. Giã nát bọc vào gạc thoa chỗ ngứa.

Chữa ngứa ngoài da: Lá hẹ tươi, lưu hoàng vừa đủ. Giã nát cho vào túi vải hoặc bọc trong gạc chà đánh chỗ ngứa.

Chữa nấm đầu: Bông hẹ tươi giã chung với lòng trắng trứng chiên đắp lên đầu (trước khi đắp nhớ cạo đầu hoặc cắt tóc ngắn). Trứng không nên ăn.

Chữa ngứa toàn thân: Lá hẹ tươi 250 g giã nát hòa với nước tắm toàn thân, mỗi ngày 1 - 2 lần.

Chữa nấm da, thấp chẩn: Lá hẹ tươi, tỏi sống đều bằng nhau, giã nhỏ xào nóng lên thoa chỗ ngứa, mỗi ngày thoa vài lần.

34 - PHÙ BÌNH(BÈO TẤM TÍA)

Tên khoa học: Spirodela polyrrhiza (L) Schleid. Họ bèo Lamnaceae.

Tên gọi khác: Tử bối phù bình , bèo tấm tía.

Phân bố: Mọc ở ao, hồ, vũng lầy, kênh rạch.

Thu hái và chế biến: Hái lá vào mùa hạ, thu, loại bỏ tạp chất. Dùng tươi hoặc phơi khô.

Tính năng: Vị cay tính mát có tác dụng khu phong, phát hãn, thấu chẩn, lợi niệu, tiêu thũng.

Liều dùng: 3 - 10 g. Dùng ngoài lượng vừa đủ.

Cấm kỵ: Người thể hư tự hãn, phù thũng do tỳ hư thì không dùng, phụ nữ có thai cấm dùng.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa mề đay (phong chẩn khối):

- Bài 1: Phù bình, thuyền thoái đều 10 g. Sắc uống.

- Bài 2: Phù bình, thương nhĩ thảo đều 60 g. Phòng phong 30 g, sắc lấy nước rửa chỗ ngứa.

- Bài 3: Phù bình, khổ sâm, bạch tiễn bì đều 10 g, cam thảo 6 g. Sắc lấy nước uống.

- Bài 4: Bèo tấm tía, chi ma, tạo giác thích, hải đồng bì, bạch tật lê đều 15 g. Sắc uống.

Chữa chàm bìu (tú cầu phong):

- Bài 1: Phù bình, đương quy đều 30 g. Sắc lấy nước ngâm rửa thường xuyên.

- Bài 2: Phù bình, thương nhĩ tử đều bằng nhau, sắc lấy nước rửa.

- Bài 3: Phù bình, xà xàng tử đều bằng nhau, sắc lấy nước rửa chỗ ngứa.

- Bài 4: Phù bình, hoa tiêu đều bằng nhau, sắc lấy nước xông rửa tại chỗ.

- Bài 5: Phù bình vừa đủ sắc lấy nước đặc rửa chỗ ngứa, mỗi ngày 2 - 3 lần.

Chữa mụn trứng cá (tỏa sang): Phù bình tươi 100 g, phòng kỷ 30 g, sắc lấy nước đặc rửa mặt mỗi ngày rửa 2 - 3 lần. Nhân lúc thuốc còn ấm lấy phù bình chà xát chỗ mụn, mỗi ngày một thang.

Chữa lang ben: Phù bình vừa đủ, sắc lấy nước rửa. Lấy phù bình chà vào chỗ bị lang ben.

Chữa nấm: Phù bình, xà xàng tử đều bằng nhau hòa với rượu xông ngâm tại chỗ hoặc sắc lấy nước rửa.

Chữa ghẻ, nhọt độc gây sưng toàn thân: Phù bình 10 g, xích tiểu đậu 100 g, hồng táo 4 trái, sắc lấy hai nước hòa chung chia làm 2 lần uống.

Chữa ma phong sơ khởi: Phù bình tán thành bột, mỗi lần uống 6 g, uống chung với tí rượu.

Chữa trẻ em sưng tinh hoàn: Phù bình tán thành bột, mỗi lần uống 1,5 g thêm chút đường cát trắng nấu uống.

Chữa cấp tính thấp chẩn, bì viêm, đơn độc: Phù bình tươi vừa đủ, sắc lấy nước đặc rửa chỗ ngứa hoặc đắp ướt hay ngâm chỗ ngứa.

Chữa ngứa toàn thân: Phù bình, sinh địa đều 15 g, kinh giới, phòng phong, mẫu đơn bì, hồng hoa, xuyên khung, đương quy vĩ đều 3 g, bạc hà 1,5 g (cho vào sắc sau) sắc lấy nước uống.

Chữa ngứa ngoài da: Phù bình vừa đủ sắc lấy nước rửa hoặc xông rồi rửa chỗ ngứa. Lấy riêng phù bình 15 g. Tán thành bột, pha chút rượu uống, mỗi ngày 3 lần.

35 - HOÀNG KINH DIỆP (NGŨ TRẢO)

Tên khác: Ngũ chỉ cam , ngũ chỉ phong , ngũ trảo.

Thu hái và chế biến: Thu hái lá vào mùa hè, thu, dùng tươi hoặc phơi âm can. Khi dùng rửa sạch, cắt nhỏ.

Tính năng: Vị hơi đắng, cay, tính hơi ấm. Có tác dụng trấn khái khử đàm, khứ phong chỉ dưỡng, ức khuẩn.

Liều dùng: 15 - 30 g. Dùng ngoài lượng vừa đủ.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa mề đay:

- Bài 1: Hoàng kinh diệp tươi lượng vừa đủ. Giã nát đắp ngoài ở vùng bệnh; hoặc dùng nước nấu cô đặc, rửa ở chỗ bệnh, mỗi ngày vài lần.

- Bài 2: Hoàng kinh diệp tươi, cẩu tử hoa tươi lượng bằng nhau. Cùng giã nát lấy nước, rửa vùng bệnh; hoặc dùng nước nấu cô đặc, rửa vùng bệnh, mỗi ngày 2 - 4 lần.

Chữa da dẻ ngứa ngáy, mề đay: Hoàng kinh diệp tươi lượng vừa đủ. Nấu nước cô đặc, xông rửa vùng bệnh. Ngoài ra dùng hoàng kinh căn 30 g, cắt lát mỏng, dùng rượu gạo nấu uống, mỗi ngày một thang.

Chữa lở ngứa ở chân: Hoàng kinh diệp tươi 250 g. Lấy hoàng kinh diệp giã nát để vào trong chậu, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ thêm nước sôi vào ngâm vào một lúc cho tới khi nước có màu xanh lá cây, thêm nước ấm vào đến nửa chậu, sau đó ngâm bàn chân bên bệnh trong nước thuốc 5 - 6 phút, sau khi ngâm dùng vải khô lau khô các ngón chân, dùng liên tục 7 ngày.

36 - DÃ CÚC HOA(CÚC DẠI)

Tên khoa học: Dendranthema indicum (L) Des Moul. Họ cúc Asteraceae.

Tên gọi khác: Kim cúc, cúc dại.

Phân bố: Mọc thành bụi nơi bãi hoang, ven làng, bờ kênh, bờ ruộng, đồng trống.

Thu hái và chế biến: Hái vào mùa thu đông lúc hoa vừa mới nở phơi khô.

Tính năng: Vị đắng cay tính hơi hàn có tác dụng thanh nhiệt giải độc, kháng khuẩn tiêu viêm.

Liều dùng: 10 - 15 g dùng ngoài lượng vừa đủ.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa tầm ma chẩn (mề đay):

Dã cúc hoa 60 g, bạch hoa xà thiệt thảo 15 g, sắc lấy nước vừa uống vừa rửa. Nếu đau bụng gia thêm dây khổ sâm 15 g cùng sắc uống.

Chữa tất sang (dị ứng cây sơn)

- Bài 1: Dã cúc hoa, thổ kinh giới đều 100 g, phác tiêu 30 g, bạch phàn 15 g. Lấy hai vị thuốc trước sắc lấy nước đặc lọc bỏ bã sau đó cho hai vị thuốc sau vào trộn đều rửa chỗ ngứa.

- Bài 2: Dã cúc hoa 150 g sắc lấy nước uống, bã thuốc giã nát đắp vào chỗ ngứa.

Chữa mẩn ngứa, ghẻ mủ:

- Bài 1: Dã cúc hoa vừa đủ sắc lấy hai nước, lọc bỏ bã đem hai nước hòa chung lại tiếp tục cô thành cao sệt bôi hoặc đắp chỗ ghẻ.

- Bài 2: Dã cúc hoa, khô phàn, tùng hương đều bằng nhau tất cả tán bột mịn, dùng nước ấm rửa chỗ ghẻ. Lấy bột thuốc trộn với dầu xanh sệt như hồ bôi vào chỗ ghẻ, mỗi ngày bôi 2 - 3 lần.

Chữa nấm đầu, mẩn ngứa, ghẻ mủ: Dã cúc hoa, rễ khổ sâm, vỏ rễ xoan đều bằng nhau sắc lấy nước đặc rửa chỗ ngứa (đối với chứng nấm đầu cần phải cắt tóc ngắn hoặc cạo trọc), mỗi ngày vài lần.

37 - NGÂN HOA ĐẰNG(KIM NGÂN HOA)

Tên khoa học: Lonicera hypoglauca Miq. Họ kim ngân Caprifoliaceae.

Tên gọi khác: Nhẫn đông đằng , kim ngân hoa đằng .

Phân bố: Mọc thành bụi ở vùng núi đất, bìa rừng, dưới tán rừng thưa.

Thu hái và chế biến: Hái lá vào mùa hạ, thu loại bỏ tạp chất dùng tươi hay sấy khô.

Tính năng: Vị ngọt tính hàn có tác dụng thanh nhiệt giải độc, ức khuẩn, tiêu viêm, khu phong chỉ dưỡng.

Liều dùng: 15 - 30 g, dùng ngoài lượng vừa đủ.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa ngứa ngoài da, ghẻ mủ:

Dây kim ngân, thiên lý quang (cúc bạc leo), giang bản quy (rau má ngọ), đều bằng nhau sắc lấy nước đặc rửa chỗ ngứa mỗi ngày 3 lần.

Chữa viêm da dị ứng:

Dây kim ngân, dã cúc hoa, thiên lý quang, bạch hoa xà thiệt thảo, đều 15 g sắc uống. Lấy riêng dây kim ngân, thiên lý quang, giang bản quy, tất đại cô đều 60 g sắc lấy nước đặc rửa mỗi ngày 2 - 3 lần.

Chữa viêm da: Dây kim ngân, lá tươi bạch đàn đỏ, thiên lý quang, giang bản quy, dã cúc hoa, kim anh quả các vị đều bằng nhau. Sắc lấy nước đặc rửa chỗ ngứa mỗi ngày 2 - 3 lần.

Chữa thấp chẩn:

Dây kim ngân, thiên lý quang, thương nhĩ thảo đều bằng nhau sắc lấy nước đặc rửa chỗ ngứa mỗi ngày 3 lần.

Chữa lâm bệnh (tiểu gắt, tiểu khó...): Dây kim ngân 100 g, đơn sâm 30 g, liên kiều 20 g, tỳ giải 25 g, thạch xương bồ, ích trí nhân, ô dước, phục linh, cam thảo đều 15 g. Sắc lấy nước uống, uống liên tục từ 10 - 15 ngày.

Chữa tiêm nhuệ thấp vưu (lớn là mồng gà, nhỏ là mụn cơm): Dây kim ngân (hoặc hoa kim ngân), bản lam căn, đại thanh diệp đều 30 g, hoàng bá, kim tiền thảo, đại hoàng đều 15 g sắc uống. Bã thuốc thêm nước nấu lấy nước rửa tại chỗ.

38 - LAM ÁN DIỆP(BẠCH ĐÀN XANH)

Tên khoa học: Eucaliptus Globulus Labill. Họ sim Myrtaceae.

Tên gọi khác: Án diệp , án thụ diệp . Bạch đàn xanh.

Phân bố: Cây được trồng khắp nơi.

Thu hái và chế biến: Hái quanh năm dùng tươi rửa sạch hoặc phơi khô.

Tính năng: Vị hơi cay, hơi đắng tính bình, ức khuẩn tiêu viêm, khử phong chỉ dưỡng, thu liễm.

Liều dùng: Dùng ngoài lượng vừa đủ.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa giời leo: Lam án diệp 1 kg nấu thành dung dịch 10%, dùng gạc nhúng nước thuốc đắp chỗ giời leo để khoảng 2 giờ, mỗi ngày đắp 3 lần.

Chữa thấp chẩn, mụn mủ: Lam án diệp, khổ luyện thụ bì đều bằng nhau sắc lấy nước đặc rửa.

Chữa thấp chẩn, ngứa vùng âm hộ: Lá bạch đàn xanh, xà xàng tử, khổ sâm, vỏ xoan, vỏ cây chân chim, đều bằng nhau sắc lấy nước đặc ngâm rửa.

Chữa chàm bìu:

- Bài 1: Lá bạch đàn xanh, xà xàng tử, lá trâm ổi đều 30 g sắc lấy nước đặc ngâm rửa chỗ ngứa.

- Bài 2: Lá bạch đàn xanh, cỏ sữa lá lớn, lá trâm ổi, địa đởm thảo đều bằng nhau sắc lấy nước đặc rửa.

Chữa viêm da: Lá bạch đàn xanh 4 phần, thiên lý quang 2 phần, lá kim ngân hoa, dã cúc hoa, giang bản quy, quả kim anh tử tất cả đều một phần. Sắc lấy nước đặc rửa tại chỗ.

39 - MẶC HẠN LIÊN(CỎ MỰC)

Tên khoa học: Eclipta prostrata. (L) L. Họ cúc Asteraceae.

Tên gọi khác: Hạn liên thảo, hắc mặc thảo, cỏ mực, cỏ nhọ nồi.

Phân bố: Mọc ở nơi ẩm thấp, bờ kinh, bờ ao, bờ ruộng, ven lộ, bãi cỏ.

Thu hái và chế biến: Hái lá vào mùa hạ, thu, phơi khô.

Tính năng: Vị ngọt, chua, lạnh, có tác dụng lương huyết chỉ huyết, thanh nhiệt lợi thấp.

Liều dùng: 15 - 30 g. Dùng ngoài lượng thích hợp.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa nấm chân, nước ăn chân:

- Bài 1: Hạn liên thảo vừa đủ, nấu với giấm rửa chỗ ngứa.

- Bài 2: Mặc hạn liên vừa đủ, dùng cồn 900 đổ ngập mặt thuốc, ngâm sau 1 - 3 ngày lấy ra thoa chỗ ngứa.

- Bài 3: Mặc hạn liên (cỏ mực), đăng lung thảo (thù lù) đều 30 g, phi dương thảo (cỏ sữa lá lớn), thổ kinh giới đều 60 g sắc lấy nước đặc rửa. Nếu có viêm nhiễm thì thêm liệu ca vương (niệt gió), vọng giang nam diệp (cốt khí muồng) đều 30 g cùng sắc lấy nước rửa.

Chữa viêm da do tiếp xúc với rơm rạ: Cỏ mực tươi vừa đủ giã vắt lấy nước đắp tại chỗ.

Chữa giời leo: Cỏ mực tươi vừa đủ, giã nát đắp chỗ ngứa mỗi ngày 1 - 2 lần.

Chữa viêm niệu đạo không do lậu: Mặc hạn liên, kim tiền thảo, xa tiền thảo, ích mẫu thảo, hoàng tinh, hoài sơn đều 30 g, đăng tâm thảo 10 g, cam thảo 6 g. Uống liên tục 10 ngày là một liệu trình.

40 - LONG DUYÊN ÁN DIỆP(BẠCH ĐÀN LÁ LIỄU)

Tên khoa học: Eucalyptus exserta F, v . Muell. Họ sim Myrtaceae.

Tên gọi khác: Tiểu diệp án , bạch đàn lá liễu.

Phân bố: Cây được trồng khắp nơi.

Thu hái và chế biến: Hái lá quanh năm dùng tươi rửa sạch hoặc phơi khô.

Tính năng: Vị hơi cay, hơi đắng tính bình, ức khuẩn tiêu viêm, khử phong chỉ dưỡng, thu liễm.

Liều dùng: Dùng ngoài lượng vừa đủ.

NGHIỆM PHƯƠNG:

Chữa giời leo: Long duyên án diệp 1 kg nấu thành dung dịch 10%, dùng gạc nhúng nước thuốc đắp chỗ giời leo để khoảng 2 giờ, mỗi ngày đắp 3 lần.

Chữa thấp chẩn, mụn mủ: Long duyên án diệp, khổ luyện thụ bì đều bằng nhau sắc lấy nước đặc rửa.

Chữa thấp chẩn, ngứa vùng âm hộ: Lá bạch đàn lá liễu, xà xàng tử, khổ sâm, vỏ xoan, vỏ cây chân chim, đều bằng nhau sắc lấy nước đặc ngâm rửa.

Chữa chàm bìu:

- Bài 1: Lá bạch đàn lá liễu, xà xàng tử, lá trâm ổi đều 30 g sắc lấy nước đặc ngâm rửa chỗ ngứa.

- Bài 2: Lá bạch đàn lá liễu, cỏ sữa lá lớn, lá trâm ổi, địa đởm thảo đều bằng nhau sắc lấy nước đặc rửa.

Chữa viêm da: Lá bạch đàn lá liễu 4 phần, thiên lý quang 2 phần, lá kim ngân hoa, dã cúc hoa, giang bản quy, quả kim anh tử tất cả đều 1 phần. Sắc lấy nước đặc rửa tại chỗ.

Chữa mẩn ngứa do phong hàn: Lá bạch đàn lá liễu tươi 100 g, rễ trâm ổi, xà xàng tử, tổ kiến (đóng trên cây) đều 30 g. Sắc lấy nước đặc rửa mỗi ngày 2 - 3 lần. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cây thuốc & Bài thuốc nam ứng dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO