Nhủi cá đồng xa...

TIÊN SA| 10/03/2011 10:06

Vào những buổi sáng mùa đông, khi xóm làng còn mịt mờ sương, bóng từng đàn người vác nhủi in trên mặt nước dưới những thửa ruộng bên con đường làng dẫn ra cánh đồng xa. Người dân quê tôi rủ nhau đi nhủi cá. Hình ảnh đó, chỉ còn trong ký ức...

Sau lụt, người dân quê tôi có câu ca: “Siêng đi tát, nhác đi câu, muốn cho đầy bầu: chạy dề, dác nhủi”. Thật vậy, trong các dụng cụ đánh bắt cá như cái lờ, tay lưới, cái đó, cần câu... thì cái nhủi rất là độc đáo. Ngoài chức năng bắt cá, nó còn mang ít nhiều dáng dấp nghệ thuật mà tổ tiên ta đã dày công chế tác. Nhân chuyến đi về phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), tôi tình cờ trông thấy cái nhủi nằm trên chái bếp của nhà cụ Lê Văn Hiệp (68 tuổi). Qua thời gian nó đã trở màu cánh gián. Thấy tôi tò mò, cụ hì hục lấy xuống cho xem.

Nhủi là một dụng cụ bắt cá có hai cái cán bằng ngọn tre chéo nhau hình chữ X, giữa hai ngọn tre là một tấm “sáo” bện bằng những cọng tre vót nhỏ, đầu dưới là một miếng gỗ có lưỡi mỏng. Khi “nhủi”, một lượng nước sẽ vào nhủi và thoát ra phía sau qua những cọng tre, chỉ còn lại cá hoặc những gì có trong nước. Cụ vác nhủi ra cái ao bên nhà, vừa chao, rửa cái nhủi đầy bụi và bồ hóng, cụ Hiệp cho biết: Nhủi có hai loại: nhủi tay và nhủi đụt. Nhủi tay thì ngắn, có chiều dài từ đầu cán đến lưỡi khoảng 1,6 mét, bề ngang lưỡi nhủi dài 0,8 mét, chỗ cao nhất 0,4 mét. Các tép của rẻ nhủi bện thưa hơn, dùng để nhủi cá ở mặt ruộng khi mực nước cạn, khoảng 10 - 30 cm. Cuối thân nhủi là một tấm vỉ bằng nan tre đan dày để giữ cá lại trong nhủi. Còn nhủi đụt thì dài khoảng 2,6 mét và lớn hơn, dưới lưỡi nhủi có gắn thêm một cái phao bằng hai hoặc ba ống tre (kín mắt) nhằm mục đích không cho nhủi chìm. Gần cuối thân nhủi, người ta lắp một cái vỉ bằng nan tre đan thưa nhằm mục đích cản không cho rác đi vào cái túi bằng vải lắp ở cuối thân nhủi để chứa cá, tép... Nhủi đụt có thể nhủi nước cạn nhưng chủ yếu nhủi tôm, tép ở dưới sông, ao đầm, nơi có độ sâu từ 0,8 đến 1,2 mét nước.

Lưỡi của nhủi phải làm bằng gỗ nhẹ và dai như sầu đâu, hoặc gỗ ngo. Còn rẻ nhủi phải chọn loại tre mỡ, mỗi cây chỉ lấy được vài lóng đoạn giữa, chọn đoạn mắt nhỏ. Tùy theo tép lớn nhỏ mà vót từ 2 đến 5 rẻ. Ngoài ra còn có cán nhủi làm bằng hai cái ngọn tre chắc, dài khoảng 1,6 mét. Sau khi làm lưỡi, vót rẻ nhủi, cưa cán xong, muốn được lâu bền thì ngâm dưới bùn khoảng dưới 1 tháng mới mang lên ráp, bện rẻ vào nhủi bằng dây cước 0,5 mm. Dưới thân nhủi, người ta định vị các vòng bằng mây hoặc tre vót tròn và buộc các rẻ nhủi vào hai “ngọn tre”.

Cụ Hiệp cho biết: Đi nhủi muốn mau đầy giỏ thì phải đi cho đông người, nhiều nhủi, dàn hàng ngang, hai tay nắm cán nhủi vừa chạy vừa đẩy. Cá bị động, nhảy tứ tán. Nhiều khi cá từ nhủi này, nhảy qua nhủi khác (nhất là cá lóc), may nhờ rủi chịu, kể cũng vui. Nhất là các đám ruộng, khi các trận lụt đã dứt, người ta đang cày làm vụ đông xuân. Khi cày xung quanh đám ruộng, diện tích đất chưa cày thu hẹp lần, nước đục, nhủi có nhiều cá. Cá thì có đủ loại : cá lớn như cá tràu, cá rô..., cá nhỏ như cá mại, cá cấn... Ngoài ra còn có ốc bươu, rạm đồng...

Không có món gì ngon bằng khi bụng đói, ăn cơm gạo quê sốt dẻo với cá rô nướng chấm nước mắm tỏi gừng và cá con kho lá nghệ, lá gừng non... Còn món rạm đồng um dầu phụng thì thơm ngon đáo để! Để minh họa cho loại hình bắt cá này, cụ Hiệp vác nhủi và đưa tôi ra mấy đám ruộng gần sông bãi Cát (cầu Quốc). Cụ chạy thử vài đường, đến bờ ruộng, cụ gác nhủi lên bờ và bắt những con cá nhỏ bỏ vào giỏ. Cụ vừa thở phì phò vừa nói: “Đồng ruộng bây giờ nhiễm nhiều hóa chất cũng như bị châm điện nên nguồn hải sản cạn kiệt dần. Đã từ lâu, bà con nhủi không có cá nên cái nhủi dần dần loại bỏ, đến nay gần như nhủi bị “tuyệt chủng”. Như cái này được làm cách đây vài mươi năm, có thể là một trong những cái nhủi ít ỏi còn sót lại mà đáng lẽ nó được đưa vào viện bảo tàng nông ngư học”. Chắc lớp trẻ bây giờ ít người biết và thấy được hình thù cái nhủi ra sao. Hy vọng các tour du lịch sinh thái ở nông thôn, nhất là ở vùng Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn), Hòa Xuân (Cẩm Lệ)... tổ chức, bố trí vài thửa ruộng nuôi cá tự nhiên, đặt làm một số nhủi để thu hút du khách trong và ngoài nước đến “nhủi”. Khách vừa ôn lại đời sống văn hóa của “ngàn năm cư dân lúa nước”, vừa vận động cơ thể, giải trí và có cá, rạm đồng... để chế biến món ăn hấp dẫn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhủi cá đồng xa...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO