Nhìn lại 4 năm hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội

19/01/2007 23:00

Có thể nhận xét các văn bản thể chế hóa về mặt nhà nước là rất đầy đủ đã tạo điều kiện đặc biệt thuận lợi để Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM và các hội thành viên phát huy năng lực của đội ngũ trí thức, trong đó có hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; được xem như là lĩnh vực hoạt động chính và phù hợp nhất đối với tổ chức chính trị - xã hội này.

Đã có đủ văn bản thể chế hóa công tác tư vấn phản biện

Thể chế hóa về mặt nhà nước là cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật TP.HCM (Liên hiệp hội) nói chung và hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nói riêng theo tinh thần chỉ thị 45CT/TW của Bộ chính trị. Ngày 1/8/2000, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị 14/2000/CT-TTg về việc triển khai thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp hội. Đặc biệt, ngày 30/1/2002 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 22/2002/QĐ-TTg thể chế hóa về mặt nhà nước các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên. Về cơ chế tài chính, Bộ tài chính đã ra thông tư hướng dẫn số: 27/2003/TT-BTC ngày 1/4/2003. Về mặt nghiệp vụ, ngày 6/9/2002 Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có công văn số 733 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Ở TP. Hồ Chí Minh, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật và các hội thành viên còn có thêm các điều kiện đặc biệt thuận lợi: Ngày 8/8/2002, UBND Thành phố có công văn số 2692/UB-CNN hướng dẫn về việc thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Ngày 20/3/2003, UBND Thành phố có công văn số 1074/UB-TM về việc cấp hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, trong đó ghi rõ chấp thuận dành 3 tỷ đồng cấp từ ngân sách thành phố hỗ trợ hoạt động cho Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh từ 2003 - 2005.

Có thể nhận xét các văn bản thể chế hóa về mặt nhà nước là rất đầy đủ. UBND Thành phố đã tạo điều kiện đặc biệt thuận lợi để Liên hiệp hội và các hội thành viên phát huy đội ngũ trí thức đóng góp tích cực sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa thành phố, trong đó có hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; được xem như là lĩnh vực hoạt động chính và phù hợp nhất đối với Liên hiệp hội và các hội thành viên.

Khảo sát thực địa

Tổ chức triển khai hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Để đảm bảo cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đạt được kết quả Liên hiệp hội TP. Hồ Chí Minh đã tích cực chuẩn bị các nội dung quan trọng.

1. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia cần và có thể tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; đặc biệt là các chuyên gia đầu đàn có trình độ chuyên môn cao, uy tín về khoa học và có nhiều kinh nghiệm trong quản lý (Liên hiệp hội TP. Hồ Chí Minh hợp tác xuất bản quyển sách: “Tiềm lực khoa học và công nghệ vùng kinh tế trọng điểm phía nam…”).

2. Thường trực Liên hiệp hội TP. Hồ Chí Minh cử một phó chủ tịch chuyên trách về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; phân công 2 chuyên viên ban thư ký thường trực làm đầu mối cho các hoạt động này.

3. Cử các cán bộ chuyên trách tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nghiệp vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam mở. Liên hiệp hội TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức những lớp tập huấn về các hoạt động này cho các hội thành viên và các đơn vị trực thuộc.

4. Xây dựng quy chế hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội và các hoạt động khác để đảm bảo sử dụng 3 tỷ đồng được ngân sách thành phố cấp trong 3 năm 2003 - 2005.

5. Chọn lựa phương pháp triển khai.

Trên thực tế hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội ở TP. Hồ Chí Minh đã được bắt đầu từ năm 2001 (trước khi có quyết định 22/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) với nội dung phản biện dự án “Vệ sinh môi trường TP. Hồ Chí Minh - lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè”. Đợt ra quân rầm rộ với khí thế rất cao, phản đối quyết liệt việc bơm thẳng nước chưa xử lý của lưu vực ra sông Sài Gòn. Phương pháp triển khai lúc bây giờ là “hội thảo - tranh luận” thu hút sự chú ý của dư luận xã hội.

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là hoạt động trợ giúp về tri thức khoa học - công nghệ ở trình độ cao, có khả năng chỉ ra những khiếm khuyết của dự án - công trình và đề xuất được những giải pháp tốt hơn, vì vậy việc cân nhắc lựa chọn tập hợp “đúng người - đúng việc” có ý nghĩa rất quyết định. Có thể khẳng định khâu chính của hoạt động triển khai tư vấn, phản biện và giám định xã hội là phương pháp sử dụng hiệu quả chuyên gia (gọi tắt là phương pháp chuyên gia).

Về mặt quản lý điều hành hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp hội TP. Hồ Chí Minh vận dụng phương pháp: lãnh đạo tập thể + coi trọng ý kiến chuyên gia + thực tiễn khách quan. Chủ tịch Liên hiệp hội ra quyết định lành lập Hội đồng tư vấn, phản biện và giám định xã hội bao gồm các thành viên thường trực Liên hiệp hội, các chuyên gia chủ trì phản biện từng lĩnh vực của dự án. Tùy theo yêu cầu của từng dự án có thể cử 1 chủ tịch hội đồng hoặc có thêm từ 1 đến 3 phó chủ tịch hội đồng. Hội đồng phản biện có trách nhiệm thông qua báo cáo chung, có kết luận rõ ràng về các nội dung cần tư vấn - phản biện. Báo cáo được chủ tịch Liên hiệp hội ký trình lên thường trực UBND Thành phố. Thường trực Liên hiệp hội là tập thể chịu trách nhiệm chính về nội dung báo cáo, đính kèm báo cáo chung có các báo cáo của từng nhóm chuyên đề.

Cơ quan Liên hiệp hội - đứng đầu là tổng thư ký - chịu trách nhiệm cung cấp các điều kiện cần thiết như phương tiện đi khảo sát thực địa, mua thông tin, chi phí bồi dưỡng chất xám v.v… dự toán và quyết toán từng dự án. Đây là điều kiện “cần” quan trọng mà công văn 1074/UB-TM của UBND Thành phố đã đáp ứng kịp thời. Các điều kiện này cũng được áp dụng đối với các hội thành viên của Liên hiệp hội TP. Hồ Chí Minh.

6. Thành lập Trung tâm tư vấn phát triển thuộc Liên hiệp hội.

Ngày 3/6/2003 chủ tịch Liên hiệp hội TP. Hồ Chí Minh ra quyết định số 08/QĐ-LHH thành lập Trung tâm tư vấn phát triển.

Trung tâm có chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội các công trình khoa học và kỹ thuật, kinh tế - xã hội do UBND Thành phố và các sở, ngành thành phố đặt hàng cho Liên hiệp hội, nhận hợp đồng tư vấn, thiết kế, phản biện các dự án do các đơn vị kinh tế, kinh doanh, khoa học kỹ thuật đặt hàng. Trung tâm tư vấn phát triển là một đơn vị hoạt động tư vấn chuyên nghiệp được Liên hiệp hội TP. Hồ Chí Minh giao thực hiện có kết quả nhiều dự án trong giai đoạn 2003 - 2006. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại 4 năm hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO