Nhiều thách thức khi trường đại học hội nhập và tự chủ

Anh Thư| 08/10/2017 15:02

KHPTO - Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh hội nhập và tự chủ” do Trường đại học nông lâm TP.HCM tổ chức, nhiều đại biểu đã nêu ra khá nhiều thách thức khi trường đại học hội nhập và tự chủ.

Tiến đến thị trường cạnh tranh
TS.Trần Đình Lý, phòng đào tạo, Trường đại học nông lậm TP.HCM cho biết, theo xu thế hội nhập và tự chủ, tự chịu trách nhiệm, từ năm học 2008 - 2009, trường quyết định chuyển đào tạo từ niên chế sang hệ thống tín chỉ. Tính đến nay, trải qua 10 khóa tuyển sinh, trong đó có 6 khóa đã tốt nghiệp và một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn được quy định theo khung chương trình đào tạo. Công tác tuyển sinh đại học hệ chính quy, công tác đào tạo và quy chế học vụ, quy định các chuẩn đầu ra đã có nhiều thay đổi và được điều chỉnh theo hướng tích cực, hoàn thiện hơn. Điểm sàn xét tuyển xác định năm sau cao hơn năm tr¬ớc, năm 2017 điểm sàn từ 17 đến 20 điểm/tổ hợp môn xét tuyển. Những năm gần đây, điểm chuẩn trung bình của trường luôn nằm trong nhóm các trường có điểm chuẩn cao.
Theo PGS.TS.Nguyễn Văn Ngãi, khoa kinh tế, Trường đại học nông lậm TP.HCM, thách thức đối với hội nhập là cạnh tranh gay gắt đối với các trường quốc tế và tư thục. Thị trường giáo dục đang tiến đến thị trường cạnh tranh hoàn hảo, sinh viên có nhiều lựa chọn hơn, không phải chỉ có một con đường vào đại học công lập. Việc độc quyền đối với một số ngành của trường công lập dần dần sẽ không còn nữa.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất ở các trường quốc tế và tư thục thường tốt hơn, khá hoàn hảo, trong khi đó trường đại học công lập vẫn đang "từng bước" nâng cấp. Đội ngũ giảng viên của trường có trình độ chuyên môn cao, tuy nhiên chế độ thù lao chưa cạnh tranh được với các trường khác, chủ yếu sử dụng đội ngũ sẵn có, trong khi các trường khác thỉnh giảng là chính, và thỉnh giảng luôn chất lượng cao hơn vì trách nhiệm của người được thỉnh giảng cao hơn và trường mời thì có quyền lựa chọn giảng viên tốt.
Theo đánh giá của PGS.TS.Nguyễn Văn Ngãi, chương trình đào tạo và tài liệu giảng dạy ở các trường quốc tế và tư thục là khá hoàn hảo. Quản lý cũng năng động hơn, họ thích nghi với cơ chế thị trường tốt hơn. Quản lý phòng, ban, khoa, . . . chuyên nghiệp hơn, xem người học và người dạy là đối tượng mà họ có trách nhiệm phải phục vụ.
Nguồn lực tài chính đảm bảo chất lượng đào tạo ở một số trường công chủ yếu là nguồn tài chính từ học phí sinh viên, nhưng học phí quá thấp so với quốc tế hay tư thục, ví dụ như học phí ở Trường đại học nông lậm TP.HCM khoảng 7 triệu đồng/sinh viên/năm, trong khi trường tư thục từ 20-30 triệu, trường quốc tế thì tùy trường, tùy ngành và tùy quốc gia, nhưng mặt bằng chung khoảng 20.000 USD (khoảng 500 triệu đồng/sinh viên/năm). Với nguồn thu như vậy, không thể nào nâng cao chất lượng đào tạo ngang tầm quốc tế được.
“Tự chủ trong cơ chế chính sách còn cứng nhắc”
TS. Nguyễn Bảo Quốc, Trường đại học nông lậm TP.HCM nêu khá nhiều thử thách, như tự chủ về mặt tổ chức, tập trung chủ yếu vào bài toán quản trị nhân sự và các chính sách thu hút và đào tạo nhân tài trong bối cảnh cơ chế chính sách còn cứng nhắc. Công tác quản lý nhân sự hiện nay vẫn phải được thực hiện theo luật viên chức nhà nước và luật lao động. Do trường chưa được tự chủ hoàn toàn nên sẽ rất khó khăn trong việc điều chỉnh và phân phối thu nhập, bổ nhiệm các vị trí, số lượng nhân viên, công tác tuyển dụng nhân sự . . . Điều này gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác quản trị nhân sự, vì phải theo các quy định, đặc biệt là các vấn đề về tiền lương, đánh giá CB CNV, chấm dứt hợp đồng . . . Do đó, khi nhà trường tiến hành tự chủ, một trong những thử thách là làm sao tinh gọn bộ máy nhân sự hiện nay mà không có những xung đột về quy định. 
TS. Nguyễn Bảo Quốc nói thêm: “Hơn nữa một thử thách rất lớn khác mà chúng ta phải đối mặt chính là sức ỳ lớn do tâm lý ngại thay đổi, va chạm văn hoá “trình tự tr¬ớc sau” và các mối quan hệ cá nhân khác. Khi tự chủ đại học bài toán rất lớn đặt ra hiện nay là làm sao thu hút, duy trì và đào tạo nhân tài bao gồm những giảng viên giỏi, những nhà nghiên cứu xuất sắc vì đây chính là lực lượng tinh hoa góp phần xây dựng thương hiệu và danh tiếng cho nhà trường. Đây cũng là áp lực rất lớn trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa hệ thống các đại học công và tư, cũng như cho các mục tiêu phát triển thành đại học nghiên cứu và hội nhập quốc tế của nhà trường”.
Vấn đề tài chính hoạt động của trường đại học khi tiến hành tự chủ là bài toán mang tính sống còn. Thử thách đặt ra chính là sẽ lựa chọn mô hình phát triển nào theo quy mô sinh viên với chi phí, học phí thấp hay theo theo chất lượng với chi phí, học phí cao, trong bối cảnh các trường đại học đều bị khống chế mức thu học phí theo Quyết định 86/CP về quản lý trần học phí của Chính phủ trong giai đoạn 2016 - 2020. Như vậy, ngoài nguồn thu học phí cho các hoạt động của trường, bằng cách nào đó trường có thể có những nguồn kinh phí khác từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp, đóng góp của cựu sinh viên, hợp tác công - tư . . . Đây cũng là một thửthách lớn nếu không có chính sách công bằng trong việc khuyến khích, động viên đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy, chính sách triệt để trong việc tinh gọn bộ máy hoạt động, môi trường làm việc, đầu tư cơ sở vật chất và tính hiệu quả về chi phí trong quản lý mà không có sự xung đột với những quy định về mặt luật pháp. Minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình cũng là một thử thách cho các tr¬ờng đại học tự chủ hiện nay.

20171006_112735
PGS.TS.Nguyễn Văn Ngãi cho rằng, khi tự chủ toàn diện, trường đại học sẽ có quyền tự quyết định cao hơn, nhưng sự hỗ trợ (bao cấp) của nhà nước gần như không còn nữa, chất lượng đào tạo của trường sẽ gặp phải nhiều thách thức: trường chưa kịp thích nghi với cơ chế thị trường, trong khi các trường khác đã có thích nghi từ trước, điều này đã ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh. Chuyển từ trường có học phí thấp sang học phí cao, số lượng sinh viên có thể giảm sút. Với Trường đại học nông lậm TP.HCM, nhu cầu đào tạo cho các ngành nông lâm ngư nghiệp theo cơ chế thị trường sẽ bị hạn chế sau khi cắt bao cấp từ nhà nước. Khi học phí cao hơn, người đi học luôn yêu cầu chất lượng đào tạo phải cao hơn, nhà trường cần có sự sẵn sàng cho chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu người học.
PGS.TS.Nguyễn Văn Ngãi khẳng định: “Hội nhập quốc tế và tự chủ đại học là không thể tránh khỏi, mặc dù có những thách thức, nhưng không quá bi quan, đây cũng là cơ hội cho trường phát triền, những thách thức trên cần phải có chiến lược và giải pháp để khắc phục”. Đó là  tái cấu trúc toàn diện theo hướng thích nghi cơ chế thị trường, theo quy luật cung cầu của một dịch vụ, xóa bỏ quan điểm bao cấp, xem người học là khách hàng của dịch vụ kiến thức và kỹ năng. Xác định nhu cầu xã hội trong đào tạo các ngành và chuyên ngành, phát triển những ngành có nhu cầu và sẵn sàng đóng cửa những ngành không có nhu cầu. Chọn một số ngành chiến lược, ưu tiên đầu tư nguồn lực, không dàn trải gây kém hiệu quả. Tối đa hóa nguồn lực cho đào tạo: đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và điều kiện học tập.  Quốc tế hóa chương trình đào tạo, tài liệu và phương pháp giảng dạy. Hệ thống quản lý phải đơn giản và hiệu quả, phục vụ cho chất lượng đào tạo thực sự cho sinh viên, đáp ứng mọi yêu cầu của sinh viên. Giao trách nhiệm và đánh giá kết quả của từng đơn vị một cách minh bạch, lấy sự hài lòng của giáo viên và sinh viên làm thước đo…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều thách thức khi trường đại học hội nhập và tự chủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO