Nhiều học sinh chọn ngành học, nghề nghiệp không phù hợp

N.Hoa| 30/09/2018 16:06

KHPTO - Phân tích sự lựa chọn ngành học của học sinh lớp 12 theo mô hình RIASEC của Holland, nhóm nghiên cứu Nguyễn Xuân Trung, Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Trường cao đẳng giao thông Huế nhận thấy, có 23,4% học sinh chọn ngành học không phù hợp với đặc điểm tính cách, nếu phân theo giới tính thì tỷ lệ này là 25,8% ở nam và 22,3% ở nữ.

Tuy nhiên, tự đánh giá năng lực, tính cách và sở thích nghề nghiệp bản thân là khó khăn hàng đầu và ý kiến cha mẹ vẫn là quan trọng nhất để tham khảo cho lựa chọn nghề nghiệp. Trong khi đó, hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại trường phổ thông lại được nhận định là có ảnh hưởng không đáng kể.

Năm 2016, hàng ngàn sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn TP.HCM đã bị buộc thôi học, mà phần lớn là do “đã bỏ học thời gian dài và sang học ở trường khác”, tức là chấp nhận “bỏ tất cả để làm lại”, hay “những trường hợp sinh viên học không nổi dẫn đến bị đuổi chủ yếu do đăng ký ngành mà... cha mẹ yêu thích”.

Mặc dù có nhiều cách tiếp cận khoa học khác nhau về lựa chọn nghề nghiệp, nhưng lý thuyết đặc điểm tính cách của John Holland có vị trí nổi bật, liên tục được sử dụng và nghiên cứu phát triển trong hơn 50 năm qua trên khắp thế giới. Lý thuyết này cho rằng, hầu như ai cũng có thể xếp vào một trong 6 loại tính cách là Realistic (thực tế), Investigative (tìm tòi), Artistic (nghệ thuật), Social (xã hội), Enterprising (dám làm), Conventional (thông thường) và môi trường làm việc cũng được phân loại tương tự, gọi là mô hình RIASEC hay mã Holland (Holland’s Codes). Đồng thời, con người có khuynh hướng chọn môi trường phù hợp với tính cách của họ, khi ở trong môi trường phù hợp thì con người có mức độ hài lòng, ổn định và làm việc hiệu quả hơn.

Tại nước ta, năm 2009, bộ 54 câu hỏi trắc nghiệm RIASEC bằng tiếng Việt, với phần trả lời được xếp theo 5 mức độ từ “chưa bao giờ đúng” đến “đúng” trong tất cả trường hợp, đã được báo chí giới thiệu. Năm 2015, Bộ giáo dục và đào tạo xuất bản “Tài liệu chuyên đề kỹ năng tư vấn cá nhân về khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp cho học sinh trung học” giới thiệu bộ câu hỏi tương tự nhưng chỉ với hai lựa chọn “có” hoặc “không”. Tài liệu này cũng đánh giá lý thuyết của Holland phù hợp với văn hóa Việt Nam qua thực tế sử dụng và là công cụ tư vấn hướng nghiệp hiệu quả. Hiện nay, trên trang web một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp Việt Nam đã có trắc nghiệm RIASEC online theo một trong hai mức đo đã nêu. Tuy nhiên, hiện chưa tìm thấy kết quả nghiên cứu nào về lựa chọn nghề nghiệp của học sinh với các nhóm tính cách RIASEC.

Việc khảo sát đã được thực hiện tại 9 trong 38 trường THPT ở 6 trên 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế với 1.024 học sinh tham gia. Tỷ lệ số phiếu trả lời thu được là 96,1% so với số lượng khảo sát và số phiếu hợp lệ chiếm 60,5%. Nhìn chung, nhiều học sinh lớp 12 vẫn còn dè dặt, chưa sẵn sàng bày tỏ suy nghĩ về tương lai của mình, dù là ẩn danh. Mặt khác, có lẽ là tại trường chưa có hoạt động khảo sát nào tương tự diễn ra trước đó nên học sinh còn chưa quen.

Mặc dù đã được sử dụng rộng rãi và chứng tỏ hiệu quả trên thế giới từ nhiều năm qua, nhưng mô hình RIASEC chưa phải là phổ biến trong công tác hướng nghiệp tại các trường trung học phổ thông ở nước ta. Từ hiện trạng hàng ngàn sinh viên bị buộc thôi học  đến tỷ lệ 23,4% học sinh lớp 12 lựa chọn ngành học không phù hợp với đặc điểm tính cách ở nghiên cứu này cho thấy đây là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng lại hoàn toàn chưa được quan tâm đúng mức. Số người chọn ngành học không phù hợp với đặc điểm tính cách có mối tương quan cao với số người chọn trong các nhóm ngành và không có sự khác biệt về giới cho thấy mức độ phổ biến của vấn đề. Với học sinh và gia đình của họ, khi có một lựa chọn không phù hợp thì tỷ lệ sẽ là 100%, dẫn đến việc tốn kém chi phí, mất thời gian và cả cơ hội. Với nhà trường và xã hội cũng vậy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều học sinh chọn ngành học, nghề nghiệp không phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO