Nhiều giải pháp mới nâng cao chất lượng giáo dục đại học

24/08/2007 10:26

Trong Hội nghị tổng kết giáo dục đại học các tỉnh phía Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 18/8/2007, Bộ GD-ĐT đã đưa ra các giải pháp mới để nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Hàng loạt chương trình sẽ được triển khai ngay từ năm học mới 2007 - 2008 này cho đến 2020 nhằm tạo ra một nguồn nhân lực đủ khả năng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta.

Chương trình đào tạo tiến sĩ

Năm học 2006 - 2007 số lượng giảng viên tăng thêm 3.500, nhưng chủ yếu có trình độ đại học. Hiện nay tỷ lệ giảng viên đại học là tiến sĩ (TS) chỉ chiếm 14%; tỷ lệ giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) là 5,78%. Năm học qua có 720 giảng viên được đào tạo TS, trong đó có 104 ở nước ngoài.

Bộ GD - ĐT đã có chương trình nâng cao chất lượng giảng viên. Trong năm học 2007 - 2008, theo kế hoạch, sẽ đào tạo 2.500 TS, trong số này sẽ đào tạo 1.000 ở nước ngoài, 1.500 ở trong nước. Dự kiến đến năm 2020 sẽ đào tạo 20.000 TS cho các trường ĐH, CĐ, trong số này 50% đào tạo ở nước ngoài. Bộ dự kiến sẽ gởi sang Mỹ 2.500 người; Anh, Đức, Nhật, Úc mỗi nước 1.000 người; Pháp 700 người và ở các nước khác 2.800 người. Những người được đưa đi đào tạo sẽ thực hiện theo từng nhóm ngành chuyên môn để hình thành nhóm nghiên cứu mạnh sau này ở Việt Nam. Những nhóm ngành đào tạo TS ở Hoa Kỳ gồm kỹ thuật, kinh doanh, luật, y tế, giáo dục, khoa học sinh học, khoa học cơ bản (hóa, toán, vật lý), khoa học xã hội và nhân văn.

Bộ sẽ thành lập Trung tâm tiến sĩ trong khuôn khổ Quỹ giáo dục dành cho Việt Nam (VEF) để những người sắp đi học TS có thể chuẩn bị chu đáo (chuyên môn, tiếng Anh và các hoạt động định hướng khác...). Ngoài ra, sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, các trường ĐH để tuyển chọn người đi học, hỗ trợ tài chính, thủ tục và hoàn thành đề cương nghiên cứu... Trung tâm này còn hỗ trợ các nghiên cứu sinh đi nước ngoài thực tập 6 tháng.

Chương trình bồi dưỡng quản lý đại học

Ngày 27/8/2007 tới đây, Bộ GD - ĐT sẽ khai giảng khóa bồi dưỡng quản lý và quản trị đại học đầu tiên cho 70 cán bộ quản lý của các trường, các vụ. Khóa học này diễn ra 1 tuần tại Việt Nam và 1 tuần tại Nhật Bản. Sau đó bộ sẽ rút kinh nghiệm về chương trình, nội dung và thực hiện bồi dưỡng tiếp cho khoảng 2.000 cán bộ quản lý của các trường.

Chương trình nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng tiếng Anh ở Việt Nam

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực hội nhập quốc tế, mục tiêu của Bộ GD - ĐT là 10 năm nữa tiếng Anh phải trở thành thế mạnh của người Việt Nam. Trước mắt bộ tạo điều kiện nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Anh cho giảng viên (GV) Anh văn, GV dạy bằng tiếng Anh các môn khoa học tự nhiên, CNTT ở các ĐH, trường quốc tế và các trường năng khiếu. Các nước New Zealand, Anh, Canada, Úc đã cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện chương trình này. Bộ GD - ĐT ước tính kinh phí trung bình mỗi năm phải chi 15 - 20 triệu USD. Kế hoạch được triển khai thực hiện ngay từ tháng 9 năm nay.

Hình thành hệ thống kiểm định chất lượng GD - ĐT

Nghịch lý hiện nay là mọi sản phẩm, hàng hóa sản xuất ra đều phải được kiểm định chất lượng, riêng “sản phẩm” của GD - ĐT không được kiểm định. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định nghịch lý này phải được sửa đổi, cần phải thông qua kiểm định để công bố với xã hội chất lượng đào tạo của các trường đang đứng ở vị trí nào. Năm học qua bộ đã quyết định thành lập 24 đoàn chuyên gia đánh giá 24 trường ĐH, CĐ.

Bộ GD - ĐT có chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ theo nguyên tắc tự chủ đi đôi với nâng cao năng lực quản lý và cung cấp dịch vụ đào tạo có chất lượng. Các trường cần cải tiến đào tạo không chính quy, đổi mới đột phá trong đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ. Luận án TS phải gắn với nhu cầu thực tiễn, có tính mới về khoa học. Gắn các hoạt động nghiên cứu khoa học với việc đào tạo TS, hợp tác nghiên cứu khoa học với các đại học nước ngoài.

Nhà nước đảm bảo đầu tư cơ sở vật chất cho các trường công lập; ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước cho các trường và lĩnh vực đào tạo trọng điểm (các đại học sư phạm, các ngành mũi nhọn, 27 trường dạy theo chương trình tiên tiến, chương trình khung), các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học khác.

Đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục đại học

Thực hiện nguyên tắc: người học đóng học phí, người nghèo và các đối tượng chính sách được cấp học bổng qua ngành lao động - thương binh - xã hội, những đối tượng khác vay quỹ tín dụng để đóng học phí. Người vay có thể trả sau khi đi làm có thu nhập. Nguồn quỹ huy động từ ngân sách nhà nước, từ các tổ chức, các nhà tài trợ. Vì thế, sẽ tăng cường thực hiện tín dụng sinh viên.

Bộ GD - ĐT đề nghị các địa phương lập kế hoạch nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ở các trình độ hàng năm và 3 năm theo ngành nghề, quy hoạch cán bộ theo từng địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ GD - ĐT có kế hoạch giao kinh phí cho các cơ sở đào tạo tại chỗ để vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, vừa thuận lợi cho người học. Mặt khác, bộ sẽ tăng cường việc đào tạo theo địa chỉ cho các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và có chủ trương huy động các nhà đầu tư cùng các tỉnh, địa phương xây dựng các trường ĐH, CĐ ở các vùng này. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp mới nâng cao chất lượng giáo dục đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO