Nhiều đề tài khoa học được ứng dụng vào thực tế

Quỳnh Hoa| 02/07/2014 09:49

Các đề tài nghiên cứu khoa học được Sở khoa học và công nghệ TP.HCM nghiệm thu ngày càng được ứng dụng nhiều vào thực tế sản xuất và đời sống, trong đó có nhiều đề tài có giá trị cao về mặt khoa học và thực tiễn.

Chảo nhiệt điện mặt trời

Nghiên cứu khảo sát công nghệ chảo nhiệt điện mặt trời (CNĐMT) và khả năng chế tạo tại Việt Nam là đề tài nghiên cứu của KS. Trịnh Quang Dũng, Viện vật lý TP.HCM. Tác giả đã khảo sát các thông số kỹ thuật của động cơ CNĐMT công nghệ Stirling và những khả năng, vùng ứng dụng phù hợp với công nghệ trên thế giới; công suất của các loại chảo thương mại hóa; nhu cầu CNĐMT Stirling ở thị trường Việt Nam: an ninh quốc phòng, điện khí hóa nông thôn, khu vực Tây Nguyên và hải đảo. Nghiên cứu đã tính toán và xây dựng mô hình CNĐMT Stirling phù hợp với nhu cầu của từng khu vực, từng đối tượng tại Việt Nam.

Sản phẩm của nghiên cứu này là một báo cáo tổng hợp công nghệ CNĐMT Stirling; kỹ thuật và công nghệ CNĐMT Stirling; hồ sơ dự án khả thi chuyển giao công nghệ sản xuất thương mại sản phẩm CNĐMT Stirling tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của đề tài được Công ty SSPA tham khảo và sử dụng để phát triển dự án chuyển giao công nghệ sản xuất CNĐMT Stirling tại Khu công nghệ Trảng Bàng, Tây Ninh.

Chip cảm biến áp suất

ThS. Ngô Võ Kế Thành và KS. Huỳnh Trọng Phát, Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch đã thành công trong việc nghiên cứu thiết kế, mô phỏng và chế tạo thử nghiệm chip cảm biến áp suất nhằm hướng tới ứng dụng trong các thiết bị dân dụng. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện việc thiết kế, mô phỏng, chế tạo, đo đạc, đóng gói và ứng dụng thử nghiệm chip cảm biến áp suất kiểu tụ sử dụng các thiết bị hiện có tại Việt Nam. Nghiên cứu này đã thực hiện thành công việc chế tạo chip cảm biến áp suất với các ngưỡng áp suất làm việc và độ nhạy khác nhau. Ngoài ra, các tác giả đã phát triển lên thành mô đun cảm biến, ứng dụng thành công trong việc đo chiều cao cột nước, hướng tới sử dụng trong các thiết bị gia dụng như máy giặt, huyết áp kế, đo ngập lụt.

Sản phẩm chip cảm biến áp suất đã được UBND.TP đưa vào danh sách các đề xuất đặt hàng Bộ khoa học và công nghệ và Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao.

Ứng dụng khoa học vào quản lý đô thị

Có thể kể đến nghiên cứu định hướng phát triển hệ thống vườn - công viên trong tổ chức không gian đô thị tại TP.HCM do TS.KTS. Hoàng Anh Tú, Trường ĐH kiến trúc TP.HCM thực hiện. Nghiên cứu này đã tìm hiểu về hiện trạng hệ thống vườn - công viên tại TP.HCM, cơ sở xây dựng các tiêu chí phát triển, qua đó xây dựng hệ thống công cụ thực nghiệm đánh giá, xác định mức độ chiến lược của các mục tiêu phát triển hệ thống vườn - công viên tại TP.HCM. Tác giả cũng đã đề xuất định hướng phát triển hệ thống.

Một nghiên cứu khác trong lĩnh vực này, không kém phần bức xúc là điều tra, khảo sát, đánh giá ảnh hưởng và đề ra các giải pháp khắc phục, hạn chế sạt lở bờ do khai thác cát trên địa bàn TP.HCM, do PGS.TS. Hoàng Văn Huân, Viện kỹ thuật biển thực hiện. Tác giả đã tìm hiểu tình hình sạt lở bờ sông Sài Gòn, Đồng Nai khu vực TP.HCM và các vấn đề ảnh hưởng; phân tích nhân tố ảnh hưởng và xác định các nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, chú ý đến nguyên nhân khai thác cát không hợp lý. Kết quả nghiên cứu đã dự báo được tai biến xói lở do hoạt động khai thác cát; sự biến đổi chế độ thủy lực do tác động các công trình thượng nguồn và khai thác cát hạ du. Tác giả cũng đã ứng dụng mô hình toán để phục vụ việc xác định quy mô khai thác cát hợp lý cho một số khu vực khai thác cát trọng điểm, đồng thời kiến nghị các giải pháp kỹ thuật về quy hoạch và khai thác cát hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều đề tài khoa học được ứng dụng vào thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO