Nhiều chuyển biến trong thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Thành phố Hồ Chí Minh

HOÀN TRẦN| 07/08/2020 07:04

KHPTO - Nhằm phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững, được đầu tư toàn diện và đồng bộ, gia tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, TP.HCM không ngừng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt là tăng cường các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tạo ra các sản phẩm công nghệ cao phục vụ phát triển các lĩnh vực trong nông nghiệp.

TP.HCM cũng là đơn vị đi đầu trong cả nước về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điển hình trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

UBND TP.HCM đã phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, an toàn và có sức cạnh tranh cao. Nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm từ 60 - 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Phấn đấu 50 - 60% hộ nông dân, 70 - 80% doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao.

Theo kế hoạch chương trình, sẽ tiến hành quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và các vùng sản xuất rau, hoa, cây kiểng, chăn nuôi, thủy sản để kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư. Đồng thời, ưu tiên cho các huyện còn đất sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 như Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, các huyện còn sản xuất nông nghiệp chuyển tiếp như Hóc Môn, Nhà Bè và các quận/huyện còn lại còn đất nông nghiệp có chuyển đổi mục đích thì chỉ xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Về vấn đề chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ, tiếp tục hoàn thiện về tổ chức, chuyển giao công nghệ sản xuất cho từng loại cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt là mở rộng thị trường xuất khẩu theo mô hình liên kết chuỗi giá trị hàng hóa để phát huy lợi thế về sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Kết hợp xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để có thể đưa vào phục vụ nông nghiệp.

Đối với nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, khuyến khích áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Nguồn vốn thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, từ các chính sách ưu đãi của thành phố theo Chương trình nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ thành phố giai đoạn 2016 - 2020, chính sách về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chuyển biến trong thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Thành phố Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO