Nấm bệnh làm trái mãng cầu khô đen

Bài, ảnh: Minh Tuấn| 09/03/2017 15:10

KHPTO - Những trái mãng cầu (na) đang lớn phơn phởn bỗng chuyển sang màu đen, không rụng và cứ treo như thế trên cành cho đến mùa sau. Dân gian gọi hiện tượng đó là mãng cầu điếc. Giới khoa học gọi là bệnh khô quả do nấm Lasiodilodia thobromae.

Bệnh này  đã từng xảy ra trên nhiều khu vườn và tái đi tái lại ở vạt mãng cầu ngoài đê biển Tân Thành (Tiền Giang) , Rạch Sỏi (Kiên Giang), Bà Đen (Tây  Ninh), Mương Mán (Đồng Nai), Chi Lăng (Thái Nguyên). Ở vùng mãng cầu biển Tân Thành, vườn nhà ông Trần Văn Quỳnh có nhiều quả khô đen, ông nói:  “Trái điếc thì khô,  rồi đen, thời điểm có trái đen, bộ lá cây vẫn tươi, cây vẫn có trái tươi đó thôi !”. Ở Tân Thành còn có hiện tượng một hay nhiều cây mãng cầu đột nhiên trút lá và chết “bắt đắc kỳ tử”, không cứu được. Khi đào lên, thấy bộ rễ cây bị thối bong tróc nhưng người dân cũng cứ trồng lại cây khác vào chỗ đó mà không xử lý đất. Trường hợp trồng mãng cầu xuống lại chết qúa 3 lần thì cho rằng chỗ đất ấy không trồng được mãng cầu nữa!.

Theo Trung tâm khuyến nông quốc gia (Bộ NN & PTNT), cây mãng cầu có trái khô đen là đã bị nấm bệnh L. thobromae tấn công. Tại các vườn mãng cầu trồng dầy và bị khô hạn, nấm bệnh thường bùng phát, gây hại nặng hơn so với các vườn khác. Những cây mãng cầu bị che bởi các cây khác, hay núp dưới bóng công trình thiếu nắng cũng dễ bị bệnh trái khô đen.

Vào vụ hè thu, thời tiết nắng mưa xen kẽ, nấm bệnh thường phát sinh gây hại. Bệnh mãng cầu khô đen khi đã xuất hiện trên vườn sẽ gây hại suốt quá trình sinh trưởng của cây. Trên lá bị nhiễm bệnh thường xuất hiện các đốm đen, xung quanh có viền vàng. Các vết bệnh đan xen nhau trên lá và làm cho lá biến vàng rụng sớm. Tuy nhiên khi tán lá dầy đặc ít ai chú ý đến những lá, cành nhỏ đã bị nhiễm nấm, kể cả lá bệnh rụng. Nụ và hoa bị nhiễm bệnh thường bị héo khô và biến mầu thâm đen. Trái bị nhiễm nấm có thể khô một phần hoặc nguyên trái. Trái khô một phần là do phần vỏ còn được nuôi dưỡng nên còn tươi, ruột thì chai, khô không ăn được.

Bệnh nặng nhất cũng rơi vào thời kỳ rụng lá của mãng cầu, vào cuối thu. Trong số lá, cành tăm khô gãy rụng có thể chứa nhiều nấm và bào tử, nếu không được thu gom, tiêu hủy thì đây là nguồn gây bệnh. Những cành khô và những trái mãng cầu khô đen trên cành cũng là một nguồn lây lan bệnh. Vườn mãng cầu có bệnh khô đen có năng suất và chất lượng của quả giảm nghiêm trọng.

Theo Viện cây rau quả (Bộ NN & PTNT), việc phòng ngừa nấm L. thobromae là quan trọng, trong khi khuyến cáo của khuyến nông là phòng và trị bệnh kịp thời. Theo mùa vụ trồng cạnh mé sân, góc vườn thì mãng cầu cũng đồng loạt rụng lá cuối mùa đông, ra lộc trổ bông vào đầu xuân. Trong canh tác chuyên canh, bán thâm canh có áp dụng lặt lá kết hợp bón phân, mãng cầu cho ra hoa sớm hơn, điều này không chỉ tác động vào hiệu quả kinh tế mãng cầu sớm mà còn hạn chế bệnh khô đen lá, trái.

Vệ sinh vườn như gom cành, lá, trái khô đốt, rắc vôi có tác dụng đáng kể loại trừ nguồn phát sinh nấm L. thobromae. Cưa đốn bớt cây nếu trồng quá dầy. Đoản cành, cắt tỉa làm cho tàn lá mãng cầu thông thoáng và không cho giao tán. Khi mãng cầu ra lộc, lá mới đồng thời ra nụ, hoa, nếu phát hiện một vài nụ héo, khô đen phải tiến hành phun và phun nhắc lại khi trái bằng trứng cút, bằng thuốc trừ nấm (Bendazol 50 WP hoặc Carbenzim 500 FL, Carosal 50 SC…) nồng độ theo khuyến cáo in, chỉ dẫn trên nhãn thuốc. Nếu phát hiện trái đen phải hái cho vào túi nilon và tiến hành tiêu hủy bằng ngọn lửa.

Việc trồng dầy, độ ẩm cao dẫn đến sự tấn công của nấm bệnh. Về năng suất cao thông thường trồng mật độ khuyến cáo (thưa) cây cho năng suất cao, trọng lượng trái lớn, hiệu quả kinh tế cao và bền vững do cây sống lâu, ít nhiễm bệnh. Khuyến nông khuyến cáo mật độ 4mx5m đối với đất xấu và 5mx5m đối với đất tốt.

Bón phân cân đối NPK 20-20-15, tránh bón thừa đạm; tăng gấp đôi liều phân kali đối với những vườn những năm trước bị nhiễm bệnh khô đen quả. Duy trì tưới nước đều đặn, tránh khô hạn hay úng ngập cũng có tác dụng thúc đẩy cây khỏe, tốt, tránh được bệnh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nấm bệnh làm trái mãng cầu khô đen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO