Nhập khẩu thuốc trừ sâu tăng mạnh: nhiều hệ lụy

Thanh Tâm| 21/09/2017 08:31

Thống kê của Bộ NN&PTNT trong 8 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu lên trên 660 triệu USD (trên 15.000 tỉ đồng), tăng gần 47% so với cùng kỳ năm 2016. Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu chính vẫn là Trung Quốc. Việc làm dụng phân thuốc hóa học ngày một tăng chẳng những gây hệ lụy cho đất mà con tổn hại sức khỏe con người...

Gây tác hại cho ngành nông nghiệp

Theo Bộ NN&PTNT,  năm 2014 nhu cầu phân hóa học là 11 triệu tấn các loại. Việc sử dụng phân thường không cân đối, bón quá nhiều phân vô cơ, rất ít bón phân hữu cơ, bón quá nhiều đạm và bón không đúng thời điểm theo nhu cầu của cây trồng. Gần đây, lượng thuốc hóa học BVTV cũng được nhập và sử dụng từ 70.000-100.000 tấn. Một lượng lớn thuốc đã được sử dụng không đúng cách và lãng phí, hiệu quả không cao.

Việc sử dụng quá nhiều hóa chất trong nông nghiệp đã dẫn đến những hệ lụy mà gần đây các chuyên gia liên tục cảnh báo: gây suy thoái và ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, tích lũy kim loại nặng, tiêu diệt vi sinh vật có ích, tồn dư các chất độc hại trong đất, trong nước, tích lũy trong các loại nông sản, thủy hải sản, gây độc cho cơ thể con người. Một số nông sản có lượng hóa chất tồn dư vượt mức cho phép đã và sẽ gặp nhiều khó khăn trên thị trường (kể cả thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu) và sản xuất sẽ trở nên kém bền vững, sản phẩm giảm sút tính cạnh tranh.Hiện nay, thực phẩm sạch ngày càng trở thành mối quan tâm lớn của mỗi người, mỗi quốc gia . Chính vì những hậu quả của việc lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học gây nên bức xúc. Nhiều chuyên gia bày tỏ bất bình và không thể tin nổi một vụ lúa nông dân có thể phun 4 – 7 lần thuốc BVTV, ở những vùng rau màu thì 3 – 5 ngày nông dân phải phun thuốc sâu bệnh một lần. Riêng một số nơi trồng bông bí, ớt…vừa thu hoạch xong thì phun thuốc ngay. Đó là một thực tế mà nhiều năm qua chưa có biện pháp ngăn chận.

anh_1_2

Ở nông thôn hiện nay cũng có tình trạng nông dân vứt bừa bãi bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng , gây ô nhiễm môi trường

Quản lý, kiểm soát chưa chặt

Lượng thuốc hóa học bảo vệ thực vật (BVTV)  cũng được nhập và sử dụng từ 70.000-100.000 tấn/năm với 1.173 hoạt chất, gần 4.100 nhãn hiệu thương mại. Số lượng này quá nhiều gây khó cho bà con nông dân lựa chọn. Với 4.100 nhãn hiệu thương mại thuốc BVTV đồng nghĩa là với cùng một bệnh trên cùng một cây trồng có rất nhiều loại thuốc khác nhau, nhiều khi hàm lượng cũng chỉ chênh nhau một chút, hoặc được cho thêm một chất gì đó vào và đặt một tên khác. Có trường hợp thuốc bị xuống cấp lại đổi tên. Chính vì vậy, một lượng lớn thuốc đã được sử dụng không đúng cách và hậu quả của nó thế nào…không ai kiểm soát?

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho rằng, việc sử dụng quá nhiều hóa chất trong nông nghiệp đã dẫn đến những hệ lụy mà gần đây các chuyên gia đã liên tục cảnh báo rằng hiện trạng trên sẽ gây suy thoái và ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước, tích lũy kim loại nặng, tiêu diệt nhiều loại vi sinh vật có ích, tồn dư các chất độc hại trong đất, trong nước, tích lũy trong các loại nông sản, thủy hải sản, gây ngộ độc cấp tính và mãn tính cho con người.

Do bị lạm dụng, thiếu kiểm soát, dùng sai nên nhiều mặt tiêu cực của thuốc BVTV đã làm suy giảm tính đa dạng của quần thể sinh vật, xuất hiện các loài dịch hại mới, tạo tính kháng thuốc của dịch hại và làm đảo lộn các mối quan hệ phong phú giữa các loài sinh vật trong hệ sinh thái, gây bùng phát và tái phát dịch hại (gây mất cân bằng hệ sinh thái). Một số nông sản có lượng hóa chất tồn dư vượt mức cho phép đã và đang gặp nhiều khó khăn trên thị trường tiêu thụ (kể cả thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu) và sản xuất sẽ trở nên kém bền vững, nông sản của Việt Nam sẽ giảm sút tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Phung_ray_nau_o_Can_Tho

Tình trạng gia tăng sử dụng thuốc BVTV vẫn đến nhiều hệ lụy...

Lập lờ cấm thuốc trừ cỏ, tác hại khôn lường

GS. Nguyễn Thơ, phó chủ tịch Hội KHKT BVTV Việt Nam nhiều lần cảnh báo, việc lập lờ thông báo thời gian cấm nhập và hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ 2,4-D, Paraquat trong khi thế giới đã cấm sử dụng. Việc kéo dài thêm thời gian nhập chất gây độc hại mà thế giới cấm có lợi gì cho nông nghiệp, nông dân? Bởi đây là những hóa chất có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, hại cho môi trường vô kể.Việc sử dụng quá nhiều những loại thuốc trừ cỏ như những sản phẩm của glyphosate trong nông nghiệp, lâm nghiệp và các nhà vườn ở nông thôn chắc chắn đã gây nhiều hậu quả xấu. Sau khi được phun tưới, glyphosate nhanh chóng bị hấp thụ trong đất và bị phân hủy một phần thành aminomethylphosphonic acid (AMPA) – chất chuyển hóa chính của nó và sau đó đi vào hệ thống nước ngầm và nước bề mặt (sông, hồ, kênh, rạch). Việc sử dụng glyphosate tràn lan dẫn tới sự biến đổi hormone cây trồng kháng glyphosate và gia tăng lượng glyphosate đi vào hệ thống nước.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Oncology, hiện glyphosate được sử dụng trong hơn 750 sản phẩm thuốc diệt cỏ. Chất này phát tán trong không khí sau khi phun và có thể còn đọng lại trong nước và thực phẩm. Chuyên gia của IARC còn phát hiện glyphosate trong máu và nước tiểu của nông dân, chứng tỏ chất này có thẩm thấu vào cơ thể. Họ cho rằng tuy bằng chứng gây ung thư hệ bạch huyết từ glyphosate trên người còn hạn chế nhưng khả năng gây ung thư khác ở chuột là có sức thuyết phục.

IARC chia mối liên quan giữa thuốc trừ cỏ với ung thư theo 4 cấp độ là: nhiều khả năng gây ung thư; có khả năng gây ung thư; chưa thể xếp vào loại không gây ung thư và có thể không gây ung thư. Glyphosate bị xếp vào hạng thứ nhì (có khả năng gây ung thư). Đáng chú ý nhất là 2 loại hóa chất trừ cỏ rất độc hại là 2,4D và Paraquat đã được rất nhiều quốc gia cấm sử dụng từ rất lâu nhưng ở Việt Nam còn sử dụng. Chính những bất cập trong quản lý và sử dụng không hợp lý những loại thuốc BVTV và thuốc trừ cỏ đã làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe đất trồng trọt, sức khỏe của cây và môi trường. Ngoài ra, đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng và uy tín thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường nội địa và nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhập khẩu thuốc trừ sâu tăng mạnh: nhiều hệ lụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO