Nhân viên y tế là người đa năng

14/06/2021 01:22

Khu vực cách ly tại tòa nhà H1 thuộc KTX Đại học quốc gia TP.HCM hiện đang do các bác sĩ, điều dưỡng đến từ bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM phụ trách. Lúc chúng tôi đến là 10h30, các bác sĩ đang làm thủ tục để nhận người cách ly từ nơi khác chuyển đến. Sau khi thực hiện phun khử khuẩn, người cách ly được dân quân đưa lên phòng.

Mỗi ngày, công việc của các nhân viên y tế tại khu cách ly là đi khám, đo thân nhiệt cho người cách ly tại các phòng 2 lần sáng và chiều. Việc tiếp nhận người cách ly có thể diễn ra bất kể thời điểm nào, dù là đêm khuya nếu các đối tượng đã được sàng lọc và có lệnh phải đi cách ly ngay. Còn những công việc không tên thì nhiều vô kể: lên danh sách, kiểm tra số người cách ly hàng ngày, nghe điện thoại để giải đáp thắc mắc của người đang cách ly. Thậm chí còn là chuyên viên tâm lý, giúp người cách ly giải tỏa tâm lý căng thẳng, lo âu, chán nản.

Hơn 11 giờ trưa, chúng tôi đang ngồi trao đổi với nhân viên y tế trực tại tòa nhà H1 thì chuông điện thoại của khu cách ly lại reo lên với những yêu cầu của người cách ly: “tại sao chưa có cơm để ăn, vào đây đã buồn chán rồi mà không được ăn cơm nữa thì sống để làm gì, anh có tin là tôi nhảy lầu hay không? Tôi đang phòng 4… đó”. “Cho người mang lên cho tôi ít đá để uống cà phê?” … những yêu cầu, bức xúc như vậy ngày nào nhân viên y tế cũng phải nghe, dù có những yêu cầu không thể đáp ứng được nhưng họ vẫn luôn trả lời nhẹ nhàng, vì thấu hiểu được sự lo lắng bất an của người cách ly, lo sợ bản thân có thể trở thành người bệnh bất cứ lúc nào, việc nào có thể hỗ trợ được thì nhân viên y tế đều cố gắng hết sức.

Cũng là đi làm trong thành phố, nhưng các nhân viên lại không thể về nhà, không thể ăn cơm cùng gia đình. Hành trang mang theo là vài bộ quần áo nhẹ, gọn, không cầu kỳ. Nhân viên y tế nữ cũng chỉ mang theo vài ba bộ quần áo, những vật dụng thiết yếu nhất, hạn chế mang theo những món đồ giúp “tô điểm” cho bản thân mình, vì chẳng có thời gian đâu mà sử dụng. Có mang thêm chăng thì chỉ là một chút thức ăn vặt.

Không còn thời gian để chăm sóc bản thân như lúc ở nhà, họ chỉ tranh thủ thời gian để ngủ vào những lúc không phải lo cho người cách ly. Cuộc chiến này, cần sự bình tĩnh, kiên nhẫn, luôn giữ vững tinh thần lạc quan. Khi tham gia vào tuyến đầu chống dịch, các nhân viên y tế đã xác định rằng sẽ phải trải qua quãng thời gian dài mới có thể được trở về ăn cơm cùng gia đình, nhưng với tinh thần trách nhiệm, niềm tin chiến thắng đại dịch, các nhân viên y tế luôn sẵn sàng để tham gia.

Trước những sự hy sinh của nhân viên y tế nói riêng, của cả hệ thống chính trị nói chung, bản thân mỗi chúng ta cần có trách nhiệm với chính mình, gia đình và xã hội, luôn tuân thủ thực hiện biện pháp 5K của Bộ Y tế, tạm thời gác lại các nhu cầu cá nhân. Chỉ cần giữ vững tinh thần trong giai đoạn khó khăn, tin chắc rằng chúng ta sẽ vượt qua được đại dịch này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân viên y tế là người đa năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO