NHÂN NGÀY TIỂU ĐƯỜNG THẾ GIỚI 14/11: Phụ nữ và bệnh tiểu đường: Chúng ta có quyền có một tương lai khỏe mạnh

Hà An| 23/11/2017 14:22

Nhân ngày tiểu đường thế giới 14/11, cuối tuần vừa qua, Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM đã tổ chức mít tinh và hội thi “Dinh dưỡng và điều trị bệnh tiểu đường”. Tại buổi mít tinh, Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM đã kêu gọi cộng đồng cùng chung tay để ngăn chặn cơn thủy triều bệnh tiểu đường, ngăn chặn sự nguy hại của bệnh tiểu đường ở phụ nữ…

Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM cho biết, bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) cùng với bệnh cao huyết áp, ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang là một thách thức lớn về sức khỏe cộng đồng trong thế kỷ 21. Những bệnh này đã và đang làm suy giảm sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Do vậy mà Liên hiệp quốc đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên, cần nỗ lực xây dựng và thực thi kế hoạch quốc gia để dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm này. 
Theo thống kê của Hiệp hội đái tháo đường thế giới (IDF), hiện nay trên thế giới đã có hơn 415 triệu người trưởng thành đang mắc bệnh tiểu đường, trong đó có đến 193 triệu người không hề biết mình đang bị bệnh.
Có 318 triệu người trưởng thành đang bị rối loạn dung nạp về đường, và số người sẽ là nhóm có nguy cơ cao, chỉ trong một thời gian ngắn sẽ mắc bệnh tiểu đường, nếu không kịp thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa tích cực. Nếu các quốc gia trong thời gian tới không có những giải pháp phù hợp, thì số người mắc bệnh tiểu đường dự báo sẽ tăng từ 415 lên 642 triệu người vào năm 2040. 
Ngày thế giới phòng chống bệnh tiểu đường năm nay 14/11/2017, lý do chọn chủ đề “Phụ nữ và bệnh tiểu đường: Chúng ta có quyền có một tương lai khỏe mạnh” vì lẽ phụ nữ đang phải chịu gánh nặng bệnh tiểu đường rất nặng nề. Có đến 199 triệu phụ nữ toàn cầu hiện bị bệnh tiểu đường và sẽ tăng lên 313 triệu người vào năm 2040. 
Đáng chú ý là trong số 5 triệu người tử vong vì bệnh tiểu đường trên thế giới, thì có 2,1 triệu người là phụ nữ. Cứ 7 trẻ em ra đời, là có 1 trẻ ra đời từ mẹ bị bệnh tiểu đường thai kỳ, với nhiều mối nguy cơ sức khỏe cho cả mẹ và con. 
Riêng tại Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ  người mắc bệnh tiểu đường gia tăng rất nhanh. Cụ thể, chỉ sau 10 năm, từ năm 2002 đến 2012, tỷ lệ  người mắc bệnh tiểu đường đã tăng trên gấp đôi, từ 2,7% lên 5,4%. Theo kết quả điều tra toàn quốc vào năm 2012 do bệnh viện nội tiết trung ương thực hiện đã ghi nhận tỷ lệ  mắc bệnh tiểu đường ở lứa tuổi từ 30 đến 69 là 5,4%. Vùng có tỷ lệ  mắc bệnh tiểu đường thấp nhất là Tây Nguyên (3,8%) và vùng Tây Nam bộ có tỷ lệ  mắc bệnh tiểu đường khá cao (7,2%). Đáng lo ngại là tỷ lệ  người mắc bệnh tiểu đường trong cộng đồng, nhưng không được phát hiện vẫn còn ở mức khá cao, ước tính lên đến 63,6%. 
Tại TP.HCM, kết quả nghiên cứu khảo sát năm 2012 của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, ở người trưởng thành từ 30 đến 69 tuổi mắc bệnh tiểu đường là 11,4% và bị rối loạn chuyển hóa đường là 31,1%. 
Một vấn đề rất cần được cộng đồng lưu tâm là gánh nặng tử vong và tàn phế do bệnh tiểu đường gây ra là rất lớn. Bệnh tiểu đường hiện nay nằm trong nhóm 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Gần 80% tỷ lệ tử vong do bệnh tiểu đường là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. 
Các biến chứng của bệnh tiểu đường như mù lòa, suy thận, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, nhiễm trùng, viêm thần kinh ngoại biên, loét và cắt cụt chi... gây ra gánh nặng rất lớn về sức khỏe, tinh thần, kinh tế cho cá nhân, gia đình và xã hội. Các nhà chuyên môn đã ước tính chi phí cho việc điều trị bệnh tiểu đường, hàng năm trên toàn cầu là từ 673 đến 1.197 tỷ đô la Mỹ. 
Như vậy, các yếu tố nguy cơ nào sẽ dễ dẫn đến mắc bệnh tiểu đường? 
Đó là những nguy cơ như:
- Lớn tuổi.
- Gia đình có người bị bệnh tiểu đường.
- Béo phì.
- Thực đơn ăn uống hàng ngày không hợp lý về chế độ dinh dưỡng.
- Có lối sống thụ động, ít hoạt động thể lực.
- Cao huyết áp.
- Tiền tiểu đường và tiểu đường thai kỳ.
- Sinh con quá to.
- Lạm dụng bia, rượu, thuốc lá.
- Có lối sống quá căng thẳng.
Theo nhận định của các chuyên gia từ Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, trong thời gian vừa qua Việt Nam đã có sự quan tâm đầu tư cho việc phòng chống các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh tiểu đường, nhưng kết quả vẫn còn nhiều hạn chế vì nhiều nguyên nhân như:
- Có sự thay đổi lớn trong lối sống hiện nay.
- Sự đa dạng và dễ dàng tiếp cận các thực phẩm giàu năng lượng, giàu chất béo.
- Gia tăng tuổi thọ.
- Tác động của quá trình đô thị hóa, toàn cầu hóa...
Mặc dù bệnh tiểu đường rất nguy hiểm như đã đề cập, song có thể nói hoàn toàn có thể phòng chống hiệu quả bệnh tiểu đường bằng cách:
- Thay đổi lối sống phù hợp, bao gồm thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý (hạn chế tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, thức ăn giàu chất béo, bia, rượu, thuốc lá...). 
- Thực hiện lối sống tích cực, năng động, tăng cường vận động.
- Kiểm soát tốt cân nặng.   
Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM nhấn mạnh “6 thông điệp” về việc phòng chống bệnh tiểu đường như sau: 
1. Xét nghiệm máu là cách duy nhất để phát hiện bệnh tiểu đường.
2. Bệnh tiểu đường tuy nguy hiểm, nhưng có thể phòng ngừa được.
3.  Tập luyện, ăn uống hợp lý có thể phòng ngừa được bệnh tiểu đường.
4. Phòng chống bệnh tiểu đường là để bảo vệ tương lai của chúng ta.
5. Hãy cảnh giác cao với bệnh tiểu đường - vì đó là “kẻ giết người thầm lặng”.
6. Hãy chọn lựa thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, để hỗ trợ kiểm soát đường huyết.

Có 5 nhóm thực phẩm nên dùng là: 
- Nhóm bột đường, nên chọn thực phẩm hấp thu chậm như gạo mầm, gạo lứt, khoai, bắp...
- Nhóm chất béo, nên chọn dầu thực vật, mỡ cá...
- Nhóm chất đạm, nên chọn cá, hải sản, thịt nạc bỏ da, đậu hũ...
- Nhóm rau quả và trái cây, nên chọn rau quả tươi, trái cây ít ngọt như cam, quýt, bưởi, thanh long, mận, táo...
- Nhóm sữa, nên chọn sữa không đường, không béo, sữa dành riêng cho người tiểu đường. 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NHÂN NGÀY TIỂU ĐƯỜNG THẾ GIỚI 14/11: Phụ nữ và bệnh tiểu đường: Chúng ta có quyền có một tương lai khỏe mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO