Nhân lực cho ngành du lịch thông minh

Anh Thư| 03/08/2019 08:46

KHPTO - Để triển khai hiệu quả các dự án về du lịch thông minh, cần chuẩn bị đội ngũ cán bộ, chuyên viên am hiểu kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại, có khả năng vận hành máy móc, thiết bị công nghệ cao; đồng thời phải có tác phong làm việc chuyên nghiệp, biết cách xử lý tình huống và linh hoạt trong công tác chuyên môn.

Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập” do Vụ đào tạo, Bộ văn hóa, thể thao và du lịch và Trường đại học Văn Hiến tổ chức.

Nhiều giải pháp du lịch thông minh đang được triển khai

Theo PGS.TS Trần Văn Thiện - hiệu trưởng Trường đại học Văn Hiến, để thực hiện mục tiêu đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và góp phần xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực có chất lượng cao đang là thách thức lớn đối với du lịch Việt Nam hiện nay và trong những năm sắp tới.

TS.Trần Văn Thông, ThS. Lê Thế Hiển, Trường đại học kinh tế - tài chính cho rằng, Nhà nước đã và đang đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin cho ngành du lịch thông qua việc xây dựng các cổng thông tin điện tử nhằm quảng bá các điểm đến, tỉnh thành và di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh, cùng với danh mục cơ sở lưu trú doanh nghiệp lữ hành, đại lý du lịch, hãng hàng không và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực, giải trí; đồng thời hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh của Việt Nam nhằm khai thác hiệu quả, xứng tầm với nguồn tài nguyên và những tiềm năng to lớn của đất nước.

Các giải pháp du lịch thông minh tại Hà Nội được triển khai dựa trên phân tích hành trình trải nghiệm của du khách, lợi ích của khách du lịch, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy du lịch phát triển.

Các thành phần cơ bản của hệ thống này bao gồm: cơ sở dữ liệu dùng chung tích hợp vào hệ thống của thành phố và cổng thông tin du lịch Hà Nội; bản đồ số về điểm đến du lịch theo công nghệ GIS và hệ sinh thái các ý tưởng hỗ trợ, như xây dựng phần mềm ứng dụng về du lịch dùng trên thiết bị cầm tay; phương tiện hỗ trợ truy nhập thông tin cho khách du lịch; phát triển hệ thống wifi công cộng.

Cùng với Singapore thì Đà Nẵng là một trong hai thành phố đầu tiên tại Đông Nam Á đưa ứng dụng công nghệ chatbot vào du lịch phục vụ du khách. Đây là sản phẩm được tích hợp trên ứng dụng nhắn tin Facebook Messenger, giao tiếp được bằng hai ngôn ngữ Anh - Việt và tương thích với các điện thoại chạy hệ điều hành Android, IOS. . . có kết nối Intemet 3G, wifi.

Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) và Tổng cục du lịch đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) để xây dựng cổng thông tin du lịch thông minh - VTV Travel. Đây sẽ trở thành cuốn “cẩm nang số” về du lịch Việt Nam cho du khách quốc tế, đồng thời là một kênh thông tin hỗ trợ người Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài. Đặc biệt, hệ sinh thái du lịch liên kết giữa Viettel - VTV với nhiều dịch vụ, ứng dụng và tiện ích như hệ thống thanh toán, dịch vụ viễn thông và Intemet giúp đảm bảo thông tin liên lạc... đã góp phần làm tăng trải nghiệm của du khách khi đến Việt Nam cũng như hỗ trợ người Việt khi đi du lịch nước ngoài.

Từ tháng 11/2017, Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tư vấn và phối hợp Tổng cục du lịch xây dựng và triển khai đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành du lịch, cùng với kiến trúc tổng thể phát triển du lịch thông minh. Ngoài ra, hai bên cũng đã xây dựng và triển khai chương trình hợp tác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành, kết nối thông tin với các địa phương, doanh nghiệp trong phát triển du lịch; xây dựng, cung cấp công nghệ, kết nối và mở rộng hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp trong phát triển du lịch; xây dựng các sản phẩm công nghệ số phục vụ du khách.

Đối với các doanh nghiệp, Mobifone đã giới thiệu những dịch vụ viễn thông và giải pháp công nghệ mới như: "Giám sát hành trình nhân viên (mTracker)" và "Tổng đài chăm sóc khách hàng và bán hàng (cloud contact center - 3C)". Trong đó, mTracker là ứng dụng di động trên nền tảng cloud có thể giúp các doanh nghiệp du lịch định vị được vị trí hiện tại, giám sát lộ trình hoạt động của nhân viên và quản lý điểm trên tuyến. Giải pháp cloud contact center có khả năng biến điện thoại di động trở thành tổng đài chăm sóc khách hàng mà không phụ thuộc mạng wifi, 3G, 4G, hoạt động tốt trong môi trường sóng di động thông thường. Giải pháp này có thể giúp các doanh nghiệp du lịch tiếp cận khách hàng bởi nó có thể làm tăng tỷ lệ khách hàng bắt máy, gọi lại với tỷ lệ tới 95%, giảm hơn 40% chi phí so với sử dụng tổng đài truyền thống.

Cần phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao

Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Vụ đào tạo, Bộ văn hóa, thể thao và du lịch, cần căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ và chức danh tiêu chuẩn công chức, viên chức để tiến hành soát xét, xác định số cán bộ, nhân viên cần đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước, cán bộ quản lý và kinh doanh về nghiệp vụ, kỹ thuật, ngoại ngữ bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm sớm ứng dụng được kiến thức khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ và quản ký hiện đại vào ngành du lịch. Bên cạnh đó là nhanh chóng củng cố, sắp xếp kiện toàn lại các trường du lịch, đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi lý thuyết và thực hành, nghiên cứu hoàn chỉnh nội dung chương trình, từng bước xây dựng mô hình đào tạo "trường - khách sạn" để gắn quá trình đào tạo với thực hành, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của đất nước trước mắt và lâu dài.

PGS.TS.Phạm Xuân Hậu, Trường đại học Văn Hiến, nhận định, khi tham gia cuộc cách mạng 4.0 với tư cách là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch đang đứng trước vận hội mới, đã được cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là "điểm đến lý tưởng”, điểm đến an toàn. Các hoạt động kinh doanh du lịch đã tăng cường hình thức kinh doanh trực tuyến, tạo bước đột phá trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo thống kê từ Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, hiện nay nước ta xếp thứ 17 trong số các quốc gia có mức phổ cập Intemet cao của thế giới và có tới 90% du khách nước ngoài đến Việt Nam thông qua tra cứu trên Intemet. Như vậy, hoạt động kinh doanh trực tuyến, số hóa kết nối và chia sẻ thông tin, các hoạt động đang trở thành nhiệm vụ tất yếu của ngành du lịch cần vận dụng, không thể bỏ lỡ cơ hội để khẳng định vị thế của mình trong hệ thống kinh tế quốc dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân lực cho ngành du lịch thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO