Nhà toán học Việt Nam được trao giải thưởng toán học quốc tế Ramanujan

NHƯ QUỲNH| 25/01/2020 10:50

KHPTO - Năm 2019, ngành toán học Việt Nam nhận được tin vui: Giải thưởng Ramanujan lần đầu tiên trao cho một nhà toán học Việt Nam, đó là GS.TS. Phạm Hoàng Hiệp (bên trái ảnh), đang công tác tại Viện toán học, thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.

Quyển sách tạo nên bước ngoặt cuộc đời giáo sư

GS.TS. Phạm Hoàng Hiệp kể: “Trước đây tôi chỉ là học sinh bình thường, học Trường THPT Hồng Quang. Tuy nhiên đó cũng là một ngôi trường có bề dày truyền thống nhất ở Hải Dương. Tôi bắt đầu dành thời gian học toán khá muộn, lúc đó là lớp 9. Bố là kỹ sư, mẹ là giáo viên, nhưng bố mới là người theo sát việc học hành của tôi, còn mẹ thì lo lắng chăm sóc về đời sống. Thỉnh thoảng, vào những thời điểm quan trọng, bố vẫn kèm tôi học. Nhưng ông không gây sức ép, bắt tôi học theo kiểu nhồi nhét. Ông mua rất nhiều sách cho các con đọc, nhưng tôi cũng ít khi mở ra xem, cho đến một lần, khi đang học lớp 9, tôi tình cờ động đến một cuốn sách về số học. Càng đọc cuốn sách đó, tôi càng bị cuốn hút và nhận ra là mình thích toán. Từ đó tôi mới bắt đầu học lại đầy đủ kiến thức toán, từ kiến thức cơ sở đến kiến thức nền tảng một cách cẩn thận. Đó thực sự là một bước ngoặt đối với tôi”.

Anh cũng “bật mí”, ước mơ của anh khi còn nhỏ là trở thành bác sĩ, chứ không phải là nhà nghiên cứu toán học như bây giờ. Đến khi thích và học giỏi toán thì anh muốn làm một ký nghề nào đó mà có thể gắn bó với toán học. Anh nói: “Hồi đó tôi cũng như bạn bè nói chung không hiểu lắm về các nghề nghiệp mà mình sẽ làm trong tương lai. Tôi chỉ biết là trường sư phạm có khoa toán, thi đậu vào đó thì sau này tôi sẽ được đi dạy cấp 3 môn toán. Còn bố mẹ tôi thì thấy đó là một ý định tốt, vì theo cách nhìn nhận của tất cả những người xung quanh tôi hồi ấy thì học gì cũng được, miễn là thi đậu và sau này có nghề nghiệp ổn định”.

GS. Phạm Hoàng Hiệp nhận thấy mình rất may mắn khi vào Trường đại học sư phạm Hà Nội được sự quan tâm chỉ dẫn của GS. Nguyễn Văn Khuê ngay từ năm thứ nhất. Anh nhớ lại: “Thầy nhận ra tôi có năng lực nghiên cứu toán học nên định hướng đi theo con đường này, và sau đó giữ tôi ở lại trường. Tôi cứ vậy mà nghiên cứu và giảng dạy toán một cách tự nhiên, vì quả thực càng ngày tôi càng thấy mình rất hợp với công việc nghiên cứu. Sau đó tôi chuyển sang viện toán cũng là để được chuyên tâm cho hoạt động nghiên cứu. Mỗi nhà khoa học muốn thành công đều cần có một người thầy dìu dắt”.

Năm 2004, GS. Phạm Hoàng Hiệp học lớp chất lượng cao, khoa toán - tin, Trường đại học sư phạm Hà Nội, đến năm 2007, anh bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ cũng tại Trường đại học sư phạm Hà Nội. Anh bảo vệ tiến sĩ năm 2008 tại Đại học Umea (Thụy Điển), sau đó làm tiến sĩ khoa học năm 2013 tại Trường đại học Aix-Marseille (Pháp).

GS. Phạm Hoàng Hiệp đã công bố 38 bài báo khoa học xuất bản trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và một quyển sách chuyên khảo.

Thế giới công nhận đóng góp nổi bật của Việt Nam trong lĩnh vực giải tích phức

GS. Phạm Hoàng Hiệp được Trung tâm quốc tế vật lý lý thuyết (ICTP) trao Giải thưởng Ramanujan năm 2019. Giải thưởng lấy tên nhà toán học thiên tài Srinivasan Ramanujan (1887 - 1920), một nhà toán học Ấn Độ tự học nhưng đã có những phát hiện rất quan trọng khi còn rất trẻ. Giải Ramanujan được tài trợ bởi Bộ khoa học và công nghệ Ấn Độ và Quỹ Abel của Viện hàn lâm khoa học và nhân văn Na Uy với sự cộng tác của Liên đoàn toán học quốc tế (IMU).

Giải thưởng Ramanujan được trao hàng năm cho một nhà toán học trẻ (dưới 45 tuổi) hoặc nhóm nhà khoa học trẻ có cống hiến cho công trình nhận giải ở các nước đang phát triển. Giải được trao lần đầu tiên năm 2005 cho Marcelo Viana, hiện nay là viện trưởng Viện toán lý thuyết và ứng dụng quốc gia nổi tiếng của Brasil (IMPA). Từ năm 2005 đến 2019, đã có 15 nhà khoa học trẻ được nhận giải Ramanujan.

Giải thưởng năm 2019 ghi nhận những đóng góp nổi bật của GS.TS. Phạm Hoàng Hiệp trong lĩnh vực giải tích phức, đặc biệt trong lý thuyết đa thế vị mà ở đó anh đã có một kết quả nghiên cứu quan trọng về kỳ dị của hàm đa điều hòa dưới, phương trình Monge-Ampère phức và ngưỡng chính tắc với những ứng dụng quan trọng trong hình học đại số và hình học Kähler phức. Giải thưởng cũng ghi nhận những đóng góp của GS. Phạm Hoàng Hiệp trong sự phát triển toán học ở Việt Nam.

GS. Phạm Hoàng Hiệp đã được tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng: Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2011; giải nhất Giải thưởng khoa học vàcông nghệTrường đại học sư phạm HàNội năm 2013; giải thưởng Viện toán học năm 2013; giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhàkhoa học trẻnăm 2015; thành viên trẻ của Viện hàn lâm khoa học thế giới (TWAS) giai đoạn 2016 - 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà toán học Việt Nam được trao giải thưởng toán học quốc tế Ramanujan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO