Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế diễn vở mới

Phúc Yên| 29/08/2016 10:13

Vở tuồng “Bi kịch Hoàng đế thi sĩ” nói về cuộc đời vua Tự Đức đã phản ánh một chuỗi bi kịch của bản thân nhà vua và nội tại của đất nước. Tất cả những bi kịch ấy đã được vua Tự Đức gửi gắm vào những vần thơ ngẫu sự của mình. Năm 8 tuổi, nhà vua bị bệnh đậu mùa và biến chứng vô sinh, không con nối nghiệp: đó là bi kịch lớn nhất của bản thân nhà vua và hoàng gia. Bất lực trước hệ thống quan lại địa phương tham ô, hà hiếp dân chúng: đó là bi kịch lớn của hoàng đế và triều đình.

Bế tắc trước hoàn cảnh lịch sử đang lâm vào nguy cơ mất nước: đó là bi kịch của triều đình và triều đại. Và cuối cùng, bi kịch lớn nhất của một hoàng đế thi sĩ: đó là ông vua để mất nước.

“Bi kịch Hoàng đế thi sĩ”với nội dung xoay quanh các câu chuyện sinh hoạt nội cung và triều đình; các sự kiện như Pháp tấn công Đà Nẵng, tấn công Nam Kỳ; ký hòa ước, đền bù chiến phí; triệu hồi và đốt kim sách; cái chết của Phan Thanh Giản; 6 tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay Pháp. Các câu chuyện được xâu chuỗi theo thủ pháp đồng hiện xoay quanh các nhân vật chính như Hoàng đế Tự Đức, Hoàng thái hậu Từ Dũ, Hoàng Quý Phi, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Thiếu tướng Pháp Page.

Sự băng hà của vua Tự Đức cùng nỗi đau mất nước và những ký thác, nhắn gửi của nhà vua trên bia Khiêm Cung Ký như vẫn còn vang vọng, nhắn cùng hậu thế nhớ về một khoảng lặng của lịch sử dân tộc và trách nhiệm của một cá nhân trước lịch sử đất nước.

Vở tuồng “Tìm lại cội nguồn” được chuyển thể từ nội dung một câu chuyện của tác giả khuyết danh trong dân gian. Đây là một câu chuyện có mô-tip khá quen thuộc. Trong xã hội Việt Nam thuở trước, từng xuất hiện những bạo chúa đàn áp dân lành. Bất chấp mọi thủ đoạn, bạo chúa này có thể chiếm đoạt, ép uổng dân lành làm thê, làm thiếp; tạo nên cảnh mẹ lìa con, chồng lìa vợ... Cuộc ly tán chồng chất bất hạnh cứ vậy theo thời gian được phát triển thành các xung đột. Những nghịch cảnh trớ trêu lần lượt được giải quyết. Và cuối cùng, ước nguyện cái chính thắng cái tà; điều thiện thắng điều ác đã thành hiện thực.

“Tìm lại cội nguồn”là câu chuyện tìm lại gốc gác của nhân vật, để qua đó có thể thấy được khát vọng vươn lên của con người là luôn hiện hữu.

Với kết cấu tuyến tính, “Tìm lại cội nguồn” thể hiện khát vọng của người dân Việt Nam một thuở: khát vọng giải phóng áp bức, bất công; khát vọng ước mơ hưởng cuộc sống yên bình, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế diễn vở mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO