Người phụ nữ đưa hương vị trái bần đi xa...

HOA MAI<_o3a_p>| 05/09/2009 15:15

Là loại cây có vị chua chát và tên gọi nghe quá nghèo nàn nên ngó thấy trái bần rụng trắng bờ sông cũng không mấy ai thèm để ý. Nhưng gần đây thứ trái tưởng chừng bỏ đi ấy lại được một người phụ nữ tìm mua làm “kinh tế” đã gây sững sờ bao người.

Lũ trẻ quê vẫn hay hát tếu về cây bần với bao miệt thị: “Trái bần chua chua chát chát. Trái bần chát chát chua chua, bán hổng ai mua”. Do lợi lộc kém, ăn chẳng ngon lành gì nên người dân vùng sông nước chỉ dùng bần làm gia vị nấu lẩu, canh chua... Trải qua mấy trăm năm bị hất hủi, nay trái bần mới được người ta biết nó không phải là thứ bỏ đi kể từ khi bà Võ Thị Cúc (58 tuổi, ấp Long Trị, xã Long Đức, thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) đưa hương vị bần đi xa.

Mấy năm trước bà Cúc mở quán ăn nhỏ bán lẩu bần phục vụ khách du lịch về vui chơi ở thị xã Long Đức. Chính bà Cúc không ngờ món lẩu bần bình dân lại được khách phương xa tấm tắc khen thầm. Thấy những vị khách tây vốn khó tính trong ăn uống nhưng ăn lẩu bần cũng buột miệng khen, bà Cúc chợt nảy ra ý tưởng kiếm tiền từ trái bần. Rồi qua bao mùa bần tàn (từ tháng 4 đến tháng10 âm lịch là bần chín rộ), nhiều khách quen đến quán thất vọng khi gọi món lẩu bần nhưng chủ quán hẹn mùa sau mới có.

Bà Cúc chợt nghĩ trái me, chanh có gia vị chua kém trái bần nhưng được chế biến bán quanh năm, tại sao bần lại không được? Nghĩ thế, bà quyết tìm cách chế bần thành bột. Mày mò theo sáng kiến riêng, bà chọn bần chín gọt sạch vỏ và chà xát ra lấy bột. Sau đó bà trộn thêm ớt, muối, bột ngọt, dùng lửa nhỏ nấu sơ qua cho ráo nước rồi bỏ bột bần vào hũ đậy kín nắp. Bao phen tốn công sức và tốn tiền thu mua bần khá bộn, cuối cùng bà đã tìm ra bí quyết tạo bột bần như ý.

Chỉ tay vào những chiếc hũ nhỏ đựng mứt bần dán nhãn hiệu bình dị: “Đặc sản quê tôi - Cô Tư Cúc - Tinh bột trái bần”, bà Tư Cúc cho biết mấy hũ bần này sẽ đưa vào bán ở siêu thị. Bấy nhiêu đó chẳng đủ cung ứng cho thị trường bao la.

Bột bần bán chạy, nhưng có điểm yếu là phải để thường xuyên ở nơi ẩm lạnh, còn để bình thường chỉ vài ngày là hư nên bà Tư thấy ray rứt, chưa trọn tình nghĩa với cây bần. Thế rồi khi cầm mứt me, mứt bí đao ăn, bà lại nảy sinh ý định chế mứt bần để có thể bảo quản lâu hơn trong điều kiện bình thường. Khi bà đưa ra sản phẩm mứt mới làm từ bần, nhiều người ngạc nhiên và thích thú trước sức sáng tạo phong phú của người phụ nữ miền quê. Bà Cúc cho biết: “Mứt bần gồm bột bần và các gia vị đường phèn, mạch nha, thời gian bảo quản được 15 - 20 ngày”.

Hiện nay mứt bần và bột bần của bà Cúc không chỉ loanh quanh ở Trà Vinh nữa mà được người dân các nơi ưa chuộng, đặc biệt là các siêu thị ở miền Tây và Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, mỗi ký bần chín bà Cúc mua của các mối 4.000 đồng. Mỗi ngày bà chế biến từ 15 - 20 kg mứt bần, bột bần theo đơn đặt hàng của khách. Công việc không lúc nào ngơi tay. Giá bán mỗi sản phẩm tại nhà là 15.000 đồng hộp bột hay mứt bần. Bà Tư Cúc nói: “Mứt bần, bột bần được đưa vào siêu thị tôi rất mừng vì sản phẩm mình làm ra không chỉ bán ở quê mà còn được đi nhiều nơi trong cả nước nữa. Nếu được hỗ trợ vốn tôi sẽ mở rộng sản xuất và đặt hàng thu mua bần ở các vùng có trồng nhiều bần”. Qua bàn tay nâng niu của bà Cúc, cây bần đã được công chúng biết đến nhiều hơn. Cây bần cũng đã trả ơn, tạo công ăn việc làm cho nhiều người nghèo. Hiện nay, tại các làng quê Trà Vinh nhiều người đi hái lượm trái bần bán cho bà Cúc kiếm được mỗi ngày 50.000 - 100.000 đồng.

Cây bần còn rất có ích trong việc chống sạt lở. Ven sông, ven biển, nơi nào bần phát triển thành rừng, nơi đó đất bồi ra, người dân an tâm sản xuất. Chưa kể theo rừng bần sẽ xuất hiện các loại tôm cá như cá tra bần, tép bần...

HOA MAI

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người phụ nữ đưa hương vị trái bần đi xa...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO