Người mẹ ung thư và những đứa con học giỏi

NHƯ NGUYỆT| 05/12/2008 10:05

Con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo dẫn đến một khu nghĩa địa, ở đó có căn chòi lá của một người mẹ bị bệnh ung thư và 4 đứa con đều là học sinh giỏi, trong đó có em Hà Anh Nhị, học sinh Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM, giải 3 môn toán cấp thành phố. Người mẹ hàng đêm đau đớn nhưng vẫn cố gắng cắn răng không rên la để những đứa con yên lòng học bài. Biết mẹ lo nên cả bốn em vờ như không biết, nhưng trái tim như bị ai bóp chặt, nghèn nghẹn trong lòng, nước mắt rơi xuống tập nhòe hết cả chữ viết.

Những số phận trong căn chòi lá

Để đến được căn chòi lá của Hà Anh Nhị, phải dựng xe cách đó khoảng 10 m rồi đi bộ vào, cái “cổng” nhà (“cột” hai bên là hai ngôi mộ của những người đã khuất) chỉ vừa đủ cho một người lách qua. Vách của nó được làm bằng tất cả những thứ gì có thể che chắn được, từ một miếng thiếc đến tấm tôn cũ mà người ta đã bỏ đi, tất cả được ghép lại một cách sơ sài.

Thấy tôi hơi ngạc nhiên về căn chòi của mình, Nhị bổ sung thêm: “Em vừa lãnh học bổng 1 triệu đồng, lấy tiền đó dựng thêm một “phòng” (bằng lá) cho mẹ và em gái, cũng là để che phần bên hông nhà, chứ trước đây nước mưa từ hướng đó tạt vào nhà ướt hết, đêm không ai ngủ được”.

Hà Anh Nhị và các em theo mẹ đến “định cư” ở khu nghĩa địa từ năm 1996. Miếng đất được mẹ mua với giá 2 chỉ vàng, số tiền dành dụm cả chục năm đi bán đậu phộng, vé số. Người quản lý nghĩa địa, thấy tình cảnh 5 mẹ con đáng thương nên bán rẻ. Cả nhà sống dựa vào chiếc xe bán phở và sữa đậu nành trong một con hẻm nhỏ gần Trường PTTH Giồng Ông Tố. Bốn anh em chia nhau ra phụ mẹ bán hàng. Gia đình Nhị lúc đó tuy rất khó khăn, nhưng tràn đầy hạnh phúc.

Nhưng cuộc sống êm đềm bỗng ngừng lại khi mẹ của Nhị, chị Hà Thị Kim Phượng được bác sĩ báo cho biết đã bị ung thư. Chị Phượng nhớ lại: “Lúc đó là năm 2006, nghe xong là tôi chóng mặt, choáng váng, lo cho bản thân mình thì ít mà lo cho các cháu thì nhiều, lỡ tôi có đi xa thì chúng sẽ ra sao? Tất cả vẫn còn quá nhỏ để có thể tự sống được”. Chị Phượng định giấu các con căn bệnh ác tính của mình, nhưng buổi tối, khi nằm xuống, cơn đau đớn quằn quại kèm theo khó thở khiến chị phải bật lên tiếng rên. Nghe mẹ nói về căn bệnh chết người, những đứa con ngạc nhiên, sững sờ, tiếng khóc và dòng nước mắt chảy dài xuống những khuôn mặt còn quá nhỏ. Hà Anh Nhị cũng không nói được lời nào, chỉ biết ôm chặt lấy mẹ, hơi ấm từ mẹ truyền sang khiến cho lòng em dịu lại, lúc đó em bắt đầu suy nghĩ chuẩn bị cho tương lai.

Khó khăn mấy cũng học giỏi

Căn bệnh ung thư đã quật ngã chị Phượng, trải qua 2 lần phẫu thuật, hơn 10 lần vô hóa chất, sức khỏe chị Phượng suy sụp hoàn toàn, nhưng đó chưa phải là nỗi lo lớn nhất, mấy chục triệu đồng vay nóng, lãi mẹ đẻ lãi con và những lời nói nặng nề của chủ nợ mới là điều chị ăn ngủ không yên mỗi ngày.

Từ ngày mẹ bệnh, Hà Anh Nhị thay mẹ làm tất cả, mỗi ngày, từ 4 giờ sáng là Nhị thức dậy nấu nước lèo, trong khi chờ nước lèo sôi thì học bài, đến 5 giờ 30 thì cùng em là Hà Văn Thuận (học lớp 8) đẩy xe phở và bàn ghế ra đầu hẻm. Hai anh em ở đó phụ mẹ bán đến 6 giờ 30 thì đi học. Vì đi học buổi chiều nên em Hà Thị Ngọc Tuyết (học lớp 7) và Hà Thất Long (lớp 3) phụ mẹ bán buổi sáng. Buổi chiều thì chuyển sang hai anh lớn, cứ như vậy, bốn anh em thay phiên nhau phụ mẹ bán phở và sữa đậu nành. Số tiền bán hàng chỉ đủ cho 5 mẹ con ăn hàng ngày, không đủ trả nợ và tiền thuốc thang cho mẹ, Nhị bàn với các em tìm thêm việc làm ngoài giờ học. Nhị thì đi phụ bán ở quán cà phê, Thuận đi bán ở quán cơm, còn hai em nhỏ: Tuyết và Long nhận bông vải (hoa giả) về nhà làm. Buổi tối, khi mọi người đã về đông đủ, lúc mẹ đi ngủ thì Nhị nói các em lấy bài ra học, có gì chưa hiểu thì hỏi anh, cứ như vậy cả 4 anh em, ban ngày đi làm, ban đêm học bài, không năm nào là không đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nhị lấy cho tôi xem một chồng giấy khendày được em cất rất kỹ, nào là học sinh giỏi năm học, cháu ngoan Bác Hồ, nào là học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố...

Lúc mẹ phát hiện bị bệnh ung thư cũng là năm mà Nhị chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển lớp 10. Càng thương mẹ, Nhị càng cố gắng học, hoàn cảnh khó khăn như thế nhưng em luôn là học sinh giỏi nhất khối 9 của trường, được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của quận 2. Nhị còn nhận dạy thêm miễn phí tại nhà, điểm đặc biệt là “thầy” và “trò”... cùng học chung một lớp! Phụ huynh của các bạn học cùng lớp thấy Nhị học giỏi nên nhờ chỉ bài, dần dần “học trò” kéo đến ngày càng đông, toàn con nhà khá giả, đi học trung tâm không hiểu nên tìm đến căn chòi lá của Nhị. Phụ huynh thấy con mình “học thêm” cực khổ quá (mưa thì ướt nhẹp vì vách nhà không đủ sức che, tối thì bị muỗi chích), có người mua cho vài hộp nhang muỗi, người thì cho vài tấm tôn để che tạm. Trong năm đó, tất cả “học trò” của Nhị đều thi đậu vào lớp 10.

Ước mơ của Nhị bây giờ là làm sao có tiền chữa bệnh cho mẹ bớt đau, trả bớt nợ để cả nhà bớt khổ, các em được học đến nơi đến chốn. Rời căn chòi lá của Nhị, đi qua khu nghĩa địa mà tôi cứ trăn trở với một câu hỏi: “Có ai giúp được gia đình Nhị không?”.

NHƯ NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người mẹ ung thư và những đứa con học giỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO