Người bệnh tiểu đường nên ăn uống thế nào?

DS.LY. BÀNG CẨM| 11/04/2019 02:01

KHPTO - Bệnh tiểu đường là một bệnh nội tiết thường gặp, là bệnh toàn thân có đặc thù mức quân bình của đường glucose trong máu tăng cao do rối loạn bài tiết insulin trong cơ thể gây ra. Triệu chứng điển hình biểu hiện trên lâm sàng là “3 tăng 1 giảm”, tức uống nhiều, ăn nhiều, tiểu nhiều, nhưng cơ thể lại gầy ốm. Có thể xuất hiện rối loạn chuyển hóa glucid, lipid, protid.

- Bệnh tiểu đường type 1: thể bệnh phụ thuộc insulin, phát bệnh nhiều ở độ tuổi dưới 30. Thuộc thể cấp tính và bệnh nặng. Trong cơ thể người bệnh bài tiết insulin rất ít, phụ thuộc vào insulin từ bên ngoài rất mạnh, dễ xảy ra chứng ngộ độc kentonuria (chứng ngộ độc nước tiểu). Triệu chứng lâm sàng dễ thấy rõ.

- Bệnh tiểu đường type 2: thể bệnh không phụ thuộc insulin, trên 90% người bệnh thuộc thể này, thường gặp ở người lớn, triệu chứng lâm sàng không thấy rõ. Lượng insulin bài tiết trong cơ thể người bệnh không hẳn là ít, nhưng hiệu ứng kém hơn, thường không cần điều trị bằng insulin.

Tại sao bệnh tiểu đường cần tiến hành ăn uống điều trị?

- Người bệnh tiểu đường bị rối loạn bài tiết insulin trong cơ thể, nếu ăn uống như người bình thường, đường huyết không được khống chế, tất sẽ xuất hiện đường huyết cao, đường trong nước tiểu dương tính (có đường trong nước tiểu). Điều trị bằng ăn uống, một mặt giảm nhẹ gánh nặng của tuyến tụy, khống chế đường trong máu, đường trong nước tiểu, mỡ trong máu, giữ trọng lượng cơ thể ổn định, dự phòng và kéo giãn sự phát sinh phát triển của các biến chứng. Mặt khác, trẻ nhỏ và thiếu niên mắc bệnh cũng vẫn có thể phát triển và tăng trưởng tốt, người lớn sống và làm việc bình thường. Cho nên điều trị bằng ăn uống là biện pháp cơ bản nhất.

- Tiểu đường type 1: ăn uống điều trị và tiêm insulin.

- Tiểu đường type 2:

+ Bệnh nhẹ: đơn thuần điều trị bằng ăn uống.

+ Bệnh nặng: điều trị bằng ăn uống và thuốc.

Nguyên tắc ăn uống của người bệnh tiểu đường?

- Khống chế tổng năng lượng hợp lý: năng lượng hấp thu của người bệnh tiểu đường ở mức duy trì được “cân nặng lý tưởng” là thích hợp. Cách tính cân nặng đơn giản là: [Cân nặng lý tưởng = chiều cao (cm) - 105 +/-10%]

Vượt quá mức 10% so với cân nặng lý tưởng là vượt cân, vượt trên 20% là béo phì. Nếu thấp hơn cân nặng lý tưởng 20% là gầy ốm. Người cân nặng bình thường hàng ngày mỗi kg cung cấp 30 kcalo năng lượng.

- Khống chế chất hydratcarbon (đường) không nên quá nghiêm ngặt: trên cơ sở khống chế tổng năng lượng hợp lý, nâng cao lượng hydratcarbon đầu vào thích đáng cùng với việc nâng cao tính nhạy insulin, cải thiện đường glucose đều có tác dụng nhất định. Lượng hydratcarbon hấp thu chiếm 50 - 60% so với tổng năng lượng. Hydratcarbon chủ yếu có trong bún, mì, gạo, đậu và trái cây. Các lương khô như cao lương, yến mạch, kiều mạch... có chỉ số đường thấp hơn so với gạo tẻ, bột mì, sau khi ăn vào đường huyết tăng chậm hơn, kiến nghị nên dùng nhiều.

- Cung cấp protid gần như người bình thường: protid là cơ sở của tất cả hoạt động sống, giúp cung cấp năng lượng. Khi bệnh trạng khống chế tốt, lượng hấp thu protid của người bệnh ngang với người bình thường. Năng lượng trong ngày 12 - 15% nên có từ protid, trong đó nên có tối thiểu 1/3 là protid tốt như thịt, trứng, sữa, chế phẩm đậu... Nếu kèm theo bệnh thận thì cung cấp các protid ít hơn.

- Khống chế hấp thu lipid và cholesterol: ngoài năng lượng được cung cấp từ hydratcarbon và protid, những nơi thiếu năng lượng sẽ do lipid cung cấp. Lượng cung cấp lipid thông thường không nên vượt quá 25%/ngày, khoảng 50 - 60 g. Dầu nấu ăn tốt nhất nên dùng là dầu thực vật như dầu đậu phộng, dầu đậu nành, dầu bắp, dầu hạt cải... Nên dùng hạn chế các loại chất béo động vật như mỡ heo, mỡ dê, phô mai. Điều này rất có ích trong việc dự phòng biến chứng của mạch máu. Lượng cholesterol hấp thu hàng ngày không nên vượt quá 300 mg.

- Cung cấp nhiều vitamin và muối vô cơ: vitamin và muối vô cơ là những chất dinh dưỡng không thể thiếu để duy trì sức khỏe. Đối với người bệnh tiểu đường cần lưu ý cung cấp nhóm vitamin B, C, calci, crom và kẽm.

- Cung cấp đủ xơ thực phẩm: xơ thực phẩm chủ yếu có trong thực vật như lương thô, rau, yến mạch, đậu... chúng giúp giảm đường huyết, giảm mỡ máu, phòng ngừa béo phì, giảm phát sinh các biến chứng. Người bệnh tiểu đường hàng ngày nên hấp thu 25 - 40 g xơ thực phẩm.

Sắp xếp bữa ăn cho người bệnh tiểu đường như thế nào?

- Bữa ăn toàn diện, mỗi ngày bao gồm:

+ Thức ăn mì và gạo: tăng tỷ lệ lương thô thích đáng.

+ Thức ăn rau: ăn nhiều rau lá.

+ Thức ăn trái cây: khi bệnh trạng ổn định có thể ăn trái cây ở lượng vừa phải. Sử dụng trong phạm vi của tổng lượng hydratcarbon, tốt nhất là ăn vào bữa ăn thêm giữa hai bữa ăn. Khi đường huyết không khống chế hợp lý thì tạm thời không ăn trái cây.

+ Thức ăn protid (đạm): thức ăn chính từ sữa và đậu, ăn ít thịt mỡ và dầu mỡ.

- Sắp xếp bữa ăn hợp lý: để tránh phát sinh hiện tượng đường huyết tăng giảm đột ngột, giảm gánh nặng cho tụy tạng, người bệnh tiểu đường nên ăn đúng giờ, đúng liều lượng, giảm đường, có thể tăng số bữa, làm cho số bữa đạt 4 - 6 lần. Thường từ các bữa ăn chính vào khoảng 9 giờ sáng, 3 giờ chiều và tối trước khi đi ngủ. Đây là biện pháp phòng ngừa đường cao và thấp rất hiệu quả.

- Thận trong với rượu, ăn ít muối, ít ngọt: ảnh hưởng của rượu với đường huyết rất khó phán đoán. Điều này liên quan tới chủng loại và liều lượng của rượu. Uống rượu lâu ngày hay quá liều, có thể gây tăng mỡ máu, gan nhiễm mỡ, gan xơ và tổn thương thần kinh... Người bệnh tiểu đường tốt nhất nên tránh uống rượu.

- Muối nên ăn khống chế dưới 6 g/ngày. Với người bệnh có biến chứng cao huyết áp, bệnh thận, muối ăn hấp thu tốt nhất khống chế dưới 3 g/ngày.

- Kiêng thức ăn ngọt chứa đường đơn, đường đôi như đường trắng, đường phèn, đường glucose, mứt, bánh kẹo...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người bệnh tiểu đường nên ăn uống thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO