Ngổn ngang du lịch dã ngoại

11/01/2008 13:50

Trước đây, thuật ngữ dã ngoại hầu như chỉ tồn tại trong các từ điển tiếng Việt. Từ tháng 5/1995, từ dã ngoại lần đầu tiên xuất hiện một cách khiêm tốn với sự ra đời của Trung tâm dã ngoại Lửa Việt được Thành đoàn cho phép hoạt động thể nghiệm. Cho đến nay, loại hình du lịch đầy tiềm năng này vẫn chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống, đầy đủ để phát huy giá trị của nó.

Ở các nước chỉ có du lịch sinh thái. Do đặc thù của nền kinh tế Việt <_st13a_country-region w:st="on"><_st13a_place w:st="on">Nam, du lịch dã ngoại dựa vào thiên nhiên để phục vụ con người: rèn luyện ý chí, tính tổ chức, tinh thần cộng đồng, tính sáng tạo, mở rộng kiến thức… Cả hai loại hình du lịch đều dựa vào thiên nhiên và bảo vệ môi trường nhưng du lịch sinh thái thường gắn với cư dân bản địa, còn du lịch dã ngoại thường là xa nơi dân cư, với tính chủ động cao hơn.

Rất tiếc, hiện nay chưa ai đúc kết những thực tiễn của du lịch dã ngoại thành lý luận làm cơ sở để mọi người công nhận, mà mới chỉ có một luận văn tốt nghiệp khoa du lịch Trường đại học Hùng Vương với đề tài “Sự khác biệt và tương đồng giữa du lịch sinh thái và du lịch dã ngoại” (SV Ngô Lê Lâm Khoa thực hiện - năm 2005). Dã ngoại chưa có thuật ngữ tiếng Anh tương ứng.

Những điều trông thấy

Từ năm 1998 tới nay, “dã ngoại” nở rộ khắp nơi, thậm chí nhiều người còn bảo: “phi dã ngoại bất thành du lịch”.

Trong chương trình đào tạo về du lịch chưa hề có bộ môn dã ngoại. Một số nơi có đưa vào giảng dạy nhưng chủ yếu là về các kỹ năng hoạt động dã ngoại như hoạt náo, trò chơi, lửa trại… và cũng chỉ là giờ học thêm hay ngoại khóa. Vậy là đương nhiên hướng dẫn viên lữ hành kiêm luôn dã ngoại. Hướng dẫn viên lữ hành có thể chỉ cần kiến thức, trong khi hướng dẫn viên dã ngoại cần cả kiến thức lẫn kỹ năng.

Nhiều người cứ nghĩ: dã ngoại là ở lều, là du lịch bình dân. Chỉ cần vài chục ghế bố sát biển, năm bảy nhà chòi và vài mươi chiếc lều xanh đỏ là tha hồ trương bảng khu dã ngoại. Hậu quả là khách du lịch sợ “dã ngoại”, bởi đồng nghĩa với chất lượng dịch vụ kém, chỗ ở nhếch nhác, rác, nước thải tự do, những hướng dẫn viên tay ngang...

Đi một vòng các khu du lịch ngoài trời ở Vũng Tàu, Long Hải, Hòn Rơm, Đà Lạt, Hồ Lăk, Buôn Đôn... mà giật mình ngao ngán. Nước thải cứ hồn nhiên hòa nhập với biển và sông. Chỗ ở thì như trại tị nạn chiến tranh. Để tiết kiệm diện tích và chi phí, nhiều “nhà sàn, nhà lá” chỉ 4 - 5 m2. Có “khu dã ngoại” chỉ vài ngàn mét vuông.

Rất may bức tranh dã ngoại ở Việt <_st13a_country-region w:st="on"><_st13a_place w:st="on">Nam không chỉ toàn màu xám. Dẫu chỉ là điểm dừng dọc đường phục vụ mọi đối tượng, nhà hàng Tâm Châu (Bảo Lộc) và nhà hàng Mekong Restop (Tiền Giang) có hệ thống nhà ăn, nhà vệ sinh và cung cách phục vụ làm hài lòng những du khách khó tính nhất.

Khu du lịch Madagui (Lâm Đồng) và Hòn Rơm 1 (Phan Thiết) được xếp vào loại khá với điều kiện lượng khách vừa phải. Gặp ngày quá tải cũng xô bồ, nhếch nhác... Các điểm khác chỉ đạt tiêu chuẩn từ trung bình trở xuống...

Cảm nghĩ

Cả du lịch sinh thái và dã ngoại đều hướng tới du lịch bền vững. Làm sao để hạn chế tối đa các công trình bê tông tùy tiện, các kiểu giải trí thị thành hỗn tạp, các kiểu hành xử nửa trưởng giả nửa quê mùa? Vào rừng không thể ồn ào một lúc cả mấy trăm người. Dù sống giữa thiên nhiên nhưng chỗ vệ sinh và nghỉ ngơi phải được chuẩn bị chu đáo. Khách muốn được ăn canh chua lá bứa, lá giang, uống nước hà thủ ô, rễ tranh, lạc tiên… chứ đâu cần canh chua bạc hà, đậu bắp và uống nước ngọt Pepsi. Đi thuyền trên sông dứt khoát phải có phao cứu sinh, cứu hộ. Chợ nổi cũng cần chỉnh trang, nâng cấp. Vào vườn, khách muốn tự hái trái cây và tìm hiểu chúng chứ không thích ngắm gốc cây rồi mua trái cây ngoài chợ. Khách thích được xem các lò kẹo, lò bánh tại gia chứ không phải kiểu lò giả dụ khách. Các vùng chuyên canh cây ăn trái theo mùa có thể đón khách đến, với điều kiện phải chuẩn bị vệ sinh tươm tất.

Phải xóa kiểu làm du lịch dã ngoại chay: không chịu đầu tư mà cứ tận thu tiền bạc. Phải bỏ cách làm hổ lốn, phá vỡ cảnh quan và xâm hại môi trường. Du lịch dã ngoại kén cả nhà tổ chức và người hưởng thụ. Ngoài tiền bạc, lợi ích của nó là chất lượng môi trường sống bao gồm cả con người được cải thiện, ý thức được nâng cao. Bằng không thì lợi bất cập hại.

Có lẽ đã đến lúc cần có hội thảo chuyên ngành về dã ngoại để thống nhất tương đối những khái niệm chung về hoạt động này, từ đó làm cơ sở để quản lý và quy hoạch. Ngành du lịch nên sớm có những quy định tối thiểu về du lịch dã ngoại, về các khu du lịch dã ngoại, từ tiêu chuẩn hướng dẫn viên đến điều kiện kinh doanh. Kiểm tra thường xuyên để chấn chỉnh bảo vệ môi trường. Kiên quyết dẹp bỏ các khu dã ngoại ổ chuột, chấm dứt tình trạng xây dựng tùy tiện và bát nháo. Khuyến khích các khu dã ngoại, các công ty ký kết thỏa ước đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng dịch vụ, giá cả và hỗ trợ lẫn nhau. Hoạt động dã ngoại phải trở thành một phần trong chương trình học tập và rèn luyện chính khóa của sinh viên ngành du lịch. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngổn ngang du lịch dã ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO