Nghiên cứu xác định tác nhân gây bệnh thối khô cuống trái cam soàn

Như Ngọc| 24/10/2018 11:50

KHPTO - Xác định tác nhân gây bệnh thối khô cuống trái cam soàn (Citrus sinensis l.) tại Đồng Tháp, nhóm nghiên cứu Nguyễn Thị Hoàng Nữ, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Đồng Tháp, Đoàn Thị Kiều Tiên, Văn Quốc Giang, Huỳnh Kỳ và Nguyễn Thị Thu Nga, Trường đại học Cần Thơ, Mai Nguyễn Minh Trí, sinh viên Trường đại học Cần Thơ xác định được 6/8 dòng phân lập có khả năng xâm nhiễm gây triệu chứng khô cuống trái cam soàn ở điều kiện ngoài vườn và LVg-4 là dòng cho tỷ lệ bệnh cao nhất.

Bệnh thối khô cuống trái cam soàn là một đối tượng bệnh mới gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Mẫu bệnh được thu thập tại Đồng Tháp để quan sát triệu chứng, phân lập và thực hiện quy trình Koch kiểm tra khả năng gây bệnh của 8 dòng nấm.

Giống cam soàn có ưu điểm trái tròn, vỏ mỏng, ít hạt, thơm và độ ngọt cao nên được trồng nhiều bởi giá trị kinh tế cao và đầu ra ổn định. Diện tích trồng cam soàn liên tục tăng vài năm gần đây. Theo kết quả điều tra cơ bản của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Đồng Tháp về cây cam soàn, tính đến cuối năm 2016, huyện Lai Vung có 2.209 ha trồng cam, trong đó diện tích trồng giống cam soàn khoảng 985 ha. Năng suất cam soàn bình quân khoảng 3 - 4 tấn/100 gốc/năm, giá cam soàn dao động từ 25.000 - 40.000 đ/kg. Từ đó cho thấy thu nhập kinh tế cây cam soàn mang lại là rất lớn.

Từ năm 2011 đến nay, cây cam soàn bị một hiện tượng mà nhà vườn gọi là “bệnh khô cuống trái”. Bệnh thối khô cuống xuất hiện và gây hại khá nghiêm trọng, làm khô cuống và rụng trái vào giai đoạn gần thu hoạch, ảnh hưởng đáng kể đến năng suất cam.

Theo điều tra tình hình dịch bệnh của Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật Lai Vung, huyện có khoảng 230 ha diện tích cam soàn bị thiệt hại với tỷ lệ từ 10 - 30%, cục bộ trên một ít diện tích bệnh gây hại nặng đến 50%. Bên cạnh, bệnh còn xuất hiện và gây hại ở các vùng trồng cam soàn lân cận như huyện Lấp Vò, thành phố Sa Đéc, Châu Thành, ...

Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào báo cáo về tác nhân gây bệnh khô cuống trái cam soàn cũng như chưa có biện pháp quản lý bệnh hiệu quả ngoài vườn. Do vậy, việc nghiên cứu xác định tác nhân gây bệnh làm cơ sở cho những nghiên cứu phòng trừ bệnh là rất cần thiết.

Nghiên cứu cho thấy, bệnh thối khô cuống trái gây hại chủ yếu ở 2 độ tuổi trái: trái nhỏ, 2 tháng sau khi đậu trái và trái lớn, khoảng 7 tháng sau khi đậu trái. Quan sát triệu chứng bệnh ghi nhận được vết bệnh ban đầu là đoạn cuống dài 0,5 - 0,7 cm ở vị trí gần trái sậm màu, chuyển dần sang màu nâu, khô dần, trái mất nước, vàng từ từ rồi dẫn đến trái khô trên cành hoặc rụng. Quan sát vết bệnh dưới kính soi nỗi ghi nhận những ổ bào tử nấm màu cam, làm tiêu bản dưới kính hiển vi nhìn thấy những lõm đen hình đĩa, trên một vài vết bệnh có hình thành gai cứng, bào tử đơn bào, hình trụ, có giọt dầu ở giữa, không màu, đính trên cành bào đài. Bước đầu nhận định bệnh do nấm thuộc chi Colletotrichum gây hại.

Nhóm nghiên cứu phân lập được 8 dòng nấm từ cuống trái cam soàn nhiễm bệnh, các dòng nấm được làm thuần và lây bệnh nhân tạo tại vườn cam soàn 3 năm tuổi tại xã Long Hậu, Lai Vung, Đồng Tháp. Kết quả có 6/8 dòng nấm cho biểu hiện triệu chứng bệnh trên cuống trái cam soàn. Quan sát và tái phân lập từ vết bệnh lây nhiễm nhân tạo nhận thấy có sự tương đồng lớn so với mầm bệnh quan sát được ban đầu.

Kết quả nghiên cứu này đã xác định tác nhân gây bệnh khô cuống trái cam soàn tại Đồng Tháp là Colletotrichum gloeosporioides bằng đặc điểm hình thái và sinh học phân tử. Nhóm nghiên cứu cho rằng, cần tiếp tục thu mẫu bệnh tại các vùng trồng cam soàn khác để nghiên cứu về tác nhân gây bệnh và nghiên cứu mối quan hệ giữa bệnh khô cuống trái và bệnh khô đầu cành trên cam soàn cũng như các bệnh khác trên cây có múi, đồng thời nghiên cứu biện pháp phòng trừ để quản lý bệnh hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu xác định tác nhân gây bệnh thối khô cuống trái cam soàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO