Nghiên cứu về loài bướm Papilio Demoleus L.

Như Ngọc| 12/04/2019 16:35

KHPTO - Papilio demoleus L. (Lepidoptera: Papilionidae) là một trong những loài bướm đẹp thường được trưng bày trong các bộ sưu tập côn trùng nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập và thương mại. Tuy nhiên, đây cũng là một trong các loài bướm Phượng gây hại phổ biến ở hầu hết quốc gia trồng cam quýt trên thế giới.

Ở nước ta, Papilio demoleus L. là một trong ba loài phổ biến và gây tác hại rõ rệt. Ấu trùng tuổi nhỏ ăn các lá non, chồi non, thường gặm khuyết mép lá. Ấu trùng tuổi lớn ăn rất khỏe và có thể ăn cả lá già, thân chồi nếu thiếu thức ăn.

Nhóm nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thanh Thủy Tiên, Trường đại học Đà Lạt đã nghiên cứu đặc điểm hình thái và đặc điểm sinh học của Papilio demoleus L. tại Đà Lạt, nhằm cung cấp số liệu cơ bản để từ đó xây dựng quy trình nhân nuôi loài bướm này trong tương lai để làm bộ sưu tập côn trùng, hoặc nghiên cứu các biện pháp phòng trừ chúng trong sản xuất nông nghiệp.

Qua nghiên cứu cho thấy, trứng có hình cầu, trơn nhẵn, đường kính trung bình 1.0±0.05 mm được đẻ từng cái một trên lá non, ở mặt dưới lá hoặc trên bề mặt cành cây chủ thuộc họ cam chanh. Màu sắc của trứng phụ thuộc vào mức độ “chín” của trứng. Trứng mới đẻ có màu trắng sữa, sau chuyển sang màu vàng sáp rồi vàng xám. Trứng sắp nở có màu hơi nâu. 

Ấu trùng mới nở màu nâu sẫm, trên mình có nhiều gai thịt nổi lên xù xì, về sau trên lưng sâu xuất hiện những vệt trắng. Chiều dài trung bình của ấu trùng tuổi 1 là 3.1±0.6 mm.

Khi mới nở, ấu trùng tuổi 1 ăn chính vỏ trứng mà chúng vừa chui ra. Sau đó chúng chỉ ăn các lá non, thường gặm khuyết mép lá. Ở tuổi lớn, ấu trùng ăn rất khỏe và thích ăn lá bánh tẻ. Cũng giống như ấu trùng của các loài bướm phượng khác, đốt ngực thứ nhất của ấu trùng rất to so với các đốt còn lại. Mặt lưng đốt ngực thứ nhất có một đôi tuyến hôi, khi bị đụng đến có thể nhô ra ngoài dưới dạng một đôi râu thịt màu đỏ, hình chữ V; tuyến này tiết mùi hôi để xua đuổi kẻ thù. Cuối tuổi 5, ấu trùng chuyển sang giai đoạn tiền nhộng. Lúc này, chúng ngừng ăn và nằm im, kích thước thu ngắn lại. 

Nhộng có hình dáng rất đặc biệt, đầu nhộng phân làm hai nhánh như hai cái sừng, bụng nhộng cong vòng ra phía trước, đồng thời nhô sang hai bên thành hai gốc. Nhộng bám chắc vào cành cây chủ hoặc thành lồng nuôi, hộp nuôi nhờ túm tơ ở mặt bụng và sợi tơ treo vòng ngang lưng. Màu sắc của nhộng thay đổi tùy theo vị trí hóa nhộng. Nhộng có màu xanh nhạt trên cây chủ, màu xám hoặc nâu vàng trên thành lồng nuôi, hộp nuôi. Nhộng dài trung bình 30.5 ±1.5 mm.

Thời gian trưởng thành (còn gọi là tuổi thọ) của bướm Papilio demoleus L. có sự chênh lệch giữa các cá thể quan sát (3-15 ngày), trung bình là 9.13±4.70 ngày. Số cá thể có tuổi thọ 15 ngày chiếm tỷ lệ lớn nhất. 

Con đực thường vũ hóa trước con cái khoảng một vài ngày. Sau khi vũ hóa khoảng một ngày, cánh đã duỗi hoàn toàn, bướm có thể bay và bắt đầu ăn thêm. Hoạt động ăn diễn ra trong suốt quá trình sống của pha trưởng thành. Những cá thể trưởng thành này giao phối và sinh sản bình thường. Cá biệt, có một số cá thể không ăn thêm, tuổi thọ của chúng giảm xuống chỉ còn 3-4 ngày và không ghép đôi giao phối. 

Bướm cái có thể giao phối ngay sau khi hóa trưởng thành. Sau khi ghép cặp khoảng 9-11 ngày (thời gian trước đẻ), bướm cái Papilio demoleus L. bắt đầu đẻ trứng. Bướm cái đậu ở mặt trên của lá, cong bụng quanh mép lá và đẻ trứng ở mặt dưới lá hoặc trên cành cây chủ. Trong phòng thí nghiệm, bướm cái cũng đẻ trứng cả trên thành lồng nuôi. Lượng trứng đẻ thường tập trung vào 3-4 ngày, sau đó bướm cái chết. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu về loài bướm Papilio Demoleus L.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO