Nghiên cứu về khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam

Như Quỳnh| 25/10/2018 23:01

KHPTO - Nhóm nghiên cứu Nguyễn Quang Thu, Trần Thế Hoàng, Trường đại học kinh tế TP.HCM, Hà Kiên Tân, Trường đại học kinh tế - kỹ thuật Bình Dương đã nghiên cứu kiểm định mối quan hệ giữa nhận thức, ý định và hành vi khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam thông qua việc khảo sát 368 sinh viên đã từng khởi nghiệp tại các trường đại học tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu.

Nhận thức khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam có một số khác biệt

Mục tiêu của nghiên cứu này mở rộng lý thuyết sự kiện kinh doanh (EEM) bằng việc đưa vào mô hình yếu tố ý định hành động. Kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố này đều có tác động dương đến hành vi khởi nghiệp.

Khởi nghiệp là một lĩnh vực luôn được các nhà nghiên cứu quan tâm hàng đầu vì sự phát triển nền kinh tế quốc gia. Việc gia tăng được số lượng các doanh nghiệp trong nền kinh tế luôn là mối bận tâm chính của chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và các học giả với hai lý do. Một là, tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế; hai là, giảm thất nghiệp, đặc biệt với sinh viên mới ra trường tại các nước đang phát triển. Lứa tuổi thanh niên từ 18 đến 36 thường mạo hiểm, ít sợ rủi ro, mong muốn làm giàu, nhạy bén với các cơ hội kinh doanh, có ý định khởi nghiệp và thực hiện khởi nghiệp ở mức cao.

Tuy nhiên, nhận thức khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam có một số khác biệt nhất định. Tại nhiều quốc gia phát triển, khởi nghiệp dựa trên nền tảng của sự sáng tạo. Trong khi đó, nhận thức tại Việt Nam lại có phần nghiêng về tạo việc làm, tăng thu nhập và xem như là một lựa chọn nghề nghiệp. Mặc dù nhận thức về khởi nghiệp ở độ tuổi 18-36 là khá cao, nhưng ý định khởi nghiệp lại không tương xứng. Nhận thức khởi nghiệp của sinh viên có ảnh hưởng như thế nào đến ý định và cuối cùng đến hành vi khởi nghiệp thực sự của họ?

Nghiên cứu này nhằm kiểm định vai trò của nhận thức khởi nghiệp đến ý định và hành vi khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam thông qua việc khảo sát sinh viên năm cuối các trường Đại học tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, với 3 đóng góp mới: kiểm định vai trò của yếu tố nhận thức (nhận thức khả thi và nhận thức mong muốn) đến ý định (mục tiêu, hành động) và hành vi khởi nghiệp; kiểm định tác động của yếu tố ý định mục tiêu đến ý định hành động; đánh giá mức độ tác động của ý định khởi nghiệp (mục tiêu và hành động) đến hành vi khởi nghiệp.

Kết quả nghiên cứu kiểm chứng được vai trò quan trọng của nhận thức khả thi đến ý định khởi nghiệp (ý định mục tiêu và ý định hành động) của sinh viên Việt Nam. Khẳng định lại vai trò quan trọng của ý định mục tiêu và ý định hành động trong mối quan hệ giữa nhận thức và hành vi khởi nghiệp, trong đó yếu tố trung gian ý định hành động được đưa vào mô hình có ý nghĩa thống kê (mối quan hệ mới chưa được kiểm định tại Việt Nam), góp phần phát triển lý thuyết sự kiện khởi nghiệp (EEM) của Krueger và cộng sự (2000). Yếu tố ý định hành động được xem là yếu tố có hiệu quả đối với việc thúc đẩy hành vi khởi nghiệp. Nó nhấn mạnh từ dạng tâm trí (ý định mục tiêu) chuyển sang ý định hành động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đã định hướng trước đó. Từ đó giúp nhà khởi nghiệp tiềm năng kiên trì với ý định khởi nghiệp.

Kết quả nghiên cứu này khác với kết quả nghiên cứu của Schlaegel và Koenig, 2014 được kiểm định tại các nước phương Tây, cho rằng yếu tố nhận thức mong muốn (khả năng nhận thức cơ hội của nhà khởi nghiệp) có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành ý định hơn là so với yếu tố nhận thức khả thi (nhận thức năng lực của nhà khởi nghiệp). Schlaegel và Koenig  nhận định rằng có thể tại các nước phương Đông nhận thức khả thi sẽ quan trọng hơn so với nhận thức mong muốn và đề nghị kiểm định lại mối quan hệ này. Trong khi đó, kết quả của nghiên cứu này (tại Việt Nam) lại cho thấy nhận thức khả thi có tác động rất mạnh đến ý định (cả mục tiêu và hành động) và hành vi khởi nghiệp.

Cần hình thành động lực thông qua nhận thức tính hấp dẫn của cơ hội khởi nghiệp

Kết quả nghiên cứu đã khẳng định yếu tố nhận thức khả thi (năng lực của nhà khởi nghiệp) và ý định hành động có tác động rất lớn đến hành vi khởi nghiệp. Yếu tố này gợi mở cho sinh viên cần trải nghiệm và kiên trì đầu tư cho các ý tưởng khởi nghiệp của mình thông qua các hoạt động đào tạo tại đại học nhằm tăng cường năng lực khởi nghiệp cho sinh viên.

Đối với sinh viên: trước khi khởi nghiệp sinh viên cần phải hình thành động lực thông qua nhận thức tính hấp dẫn của các cơ hội khởi nghiệp, đánh giá năng lực khởi nghiệp từ đó hình thành các ý tưởng, ý định khởi nghiệp cộng với đam mê để thực hiện những ý định khởi nghiệp đó. Những nhà khởi nghiệp thành công ngoài việc có động lực, khát vọng, ý chí thì cần phải kiên trì phát triển các ý tưởng kinh doanh dù phải đối mặt với nhiều trở ngại khó khăn và thất bại. Nghiên cứu này cho thấy, khả năng khởi nghiệp là yếu tố rất quan trọng, trong khi rất nhiều người cố gắng khởi nghiệp còn thiếu những kiến thức, kỹ năng và những năng lực cơ bản. Đây là một trong những lý do mà nhiều nhà khởi nghiệp gặp khó khăn ngay từ đầu hoặc đóng cửa chỉ sau vài tháng khởi nghiệp. 

Để có thể khởi nghiệp, sinh viên cần được trang bị rất nhiều nền tảng kiến thức khởi nghiệp có liên quan như kiến thức về thị trường sản phẩm/dịch vụ, bán hàng và marketing, đối thủ cạnh tranh, công nghệ, nguồn nhân lực, luật pháp đặc biệt là tài chính. Nếu sinh viên có ý tưởng, kiên trì, tìm được thị trường cho sản phẩm/dịch vụ của mình nhưng thiếu vốn thì tất cả vẫn chỉ là ý tưởng trên giấy. Vì vậy, nếu không có hoặc ít vốn để khởi nghiệp thì sinh viên có thể huy động vốn bên ngoài nếu muốn khởi nghiệp. 

Đối với các trường đại học:  nên tập trung đào tạo phương pháp và kỹ năng để giúp sinh viên phát hiện ra các sản phẩm/dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, sinh viên thường được đào tạo theo các quy tắc kinh doanh, các lý thuyết kinh tế, phương pháp tài chính và xây dựng bản kế hoạch kinh doanh khá lý thuyết, trong khi khởi nghiệp phải điều hành doanh nghiệp thực. 

Sinh viên thường chỉ được dạy làm ra nhiều tiền thay vì được dạy về gia tăng giá trị cho thị trường. Mục đích tối thượng của khởi nghiệp là phá vỡ thị trường bằng việc đem tới giá trị cho nhiều người và đồng thời tạo ra việc làm mới, thị trường mới, và ngành công nghiệp mới.  Các trường đại học tại Việt Nam chưa có hoạt động tạo môi trường để sinh viên có thể trao đổi các ý tưởng và học hỏi từ người khác, rất khó tìm ra người hỗ trợ giỏi, phần lớn sinh viên đều tự làm việc độc lập. Vì vậy, các trường đại học nên tạo ra môi trường cho sinh viên thảo luận về các ý tưởng của họ với các doanh nhân thành công, từ đó hiện thực hóa ý tưởng và tiến tới khởi nghiệp. Khởi nghiệp là phải hành động không phải trên giấy.

Bên cạnh dạy về tài chính, kinh tế và quản trị thì phải dạy cho sinh viên về tâm lý để có thể đối phó với những thất bại và chấp nhận rủi ro.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu về khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO